Ngày xuân về Tuy Phước xem biểu diễn võ cổ truyền


Mùa xuân mùa của những Lễ hội, đến Tuy Phước du khách sẽ hòa mình vào không khí náo nhiệt của Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi, thành kính với lễ hội Cầu Ngư, nô nức với Lễ hội Đô thị Nước mặn, nhộn nhịp nhưng đậm chất quê với Lễ hội Chợ Gò – một trong một trăm phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam.

 

Biểu diễn Võ thuật Cổ truyền ở Tuy Phước là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong các dịp đầu xuân. Đây là hoạt động không chỉ nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, mà còn lưu giữ, trao truyền nét văn hóa của cha ông để lại. Ngày xuân về Tuy Phước, bên cạnh thưởng thức những làn điệu Bài chòi mượt mà, dân giả du khách rất thích thú khi được chiêm ngưỡng những thế Võ Cổ truyền đặc sắc của các môn phái trên quê hương “đất võ, trời văn”.

Là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Võ Cổ truyền Bình Định đã và đang lan tỏa, phát triển rộng khắp trở thành nét văn hóa độc đáo, đến với Bình Định không thể không một lần được tận mắt thưởng thức những Bài biểu diễn múa roi, đi quyền đặc trưng của Võ thuật Bình Định. Và Tuy Phước cũng không nằm ngoài ngoài chảy truyền thống độc đáo của nền Võ thuật Bình Định, là một trong những địa phương có truyền thống về võ học lâu đời, Tuy Phước đã và đang đưa Võ thuật Cổ truyền phát triển lan tỏa trong mọi tầng tầng lớp nhân dân.

Với mục đích tạo môi trường rèn luyện cho những ai đam mê bộ môn võ thuật này cũng như góp phần giữ gìn và phát triển Võ thuật Cổ truyền trên địa bàn huyện, ngay từ năm 1980, Hội Võ thuật huyện được thành lập. Từ đó đến nay, Hội không ngừng củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào việc phát triển phong trào luyện tập thể dục thể thao nói chung, Võ Cổ truyền nói riêng. Số người tham gia tập luyện ngày càng đông, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, nhất là các em thanh thiếu niên, học sinh. Hiện ở Tuy Phước có các môn phái võ thuật cổ truyền đang truyền dạy như: Phi Long Vịnh (do Lão đại võ sư quốc tế Phi Long Vịnh làm chưởng môn); Võ đường Chùa Long Phước (do võ sư Thích Hạnh Hòa làm chưởng môn); Phi Long Vinh (do võ sư cao cấp Thái Hùng Vinh làm chủ nhiệm); Kim Huệ (do võ sư Nguyễn Thị Kim Huệ làm chủ nhiệm)… Cùng với đó là các võ đường hoạt động lâu năm, có nhiều đóng góp cho phong trào võ thuật cổ truyền của địa phương như: Võ đường Hồng Kim Chỉnh, Võ đường Năm Định, Võ đường Hồ Quốc Trị, Võ đường Mỹ Vọng, Võ đường Trần Công…với hơn 1.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên tại các võ đường; 14 điểm trong 10 trường Trung học cơ sở duy trì thường xuyên chương trình tập luyện ngoại khóa môn võ thuật này. Đây là điều kiện tốt giúp các em có nơi học tập, rèn luyện nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, các lớp võ phong trào trên đã góp phần phát hiện những tài năng bổ sung cho đội tuyển võ thuật cổ truyền của huyện tham gia thi đấu đạt kết quả cao tại các giải cấp tỉnh và khu vực.

Một ngày đầu xuân, chúng tôi tìm gặp võ sư cao cấp Thái Hùng Vinh – Phó Chủ tịch Hội Võ thuật huyện. Nói về mục đích tổ chức Giao lưu, biểu diễn Võ thuật Cổ truyền đầu xuân, võ sư Thái Hùng Vinh chia sẻ “Từ mùa xuân năm 2018 đến nay, nhằm cổ vũ phong trào rèn luyện sức khỏe và tạo sân chơi cho các võ sinh. Hằng năm cứ vào ngày mồng 7,8 Tết Nguyên đán, Hội Võ thuật huyện tranh thủ sự hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách huyện và đóng góp kinh phí của các Mạnh Thường Quân đã tổ chức giao lưu, biểu diễn Võ thuật Cổ truyền giữa các môn phái trong và ngoài huyện. Địa điểm diễn ra hằng năm luân phiên các địa phương với nhau. Giao lưu, biểu diễn có hơn 100 võ sinh cùng với võ sư ở các môn phái cùng nhau biểu diễn những bài quyền đặc sắc và những trận đấu đối kháng chất lượng. Đây là hoạt động đặc trưng nhằm nâng cao tính cọ xát của người học võ; đồng thời để giao lưu, học hỏi và rèn luyện tinh thần thượng võ trong các võ sinh”.

Cùng với niềm đam mê võ thuật và nhân rộng phong trào tập luyện Võ thuật Cổ truyền, thời gian qua, các võ sư ở trên địa bàn huyện Tuy Phước đã tích cực giảng dạy, trao truyền võ thuật cho lớp trẻ. Trong đó có sự đóng góp tích cực của võ sư Hồng Kim Chỉnh (xã Phước Hiệp), Năm Định (xã Phước Quang), Hồ Quốc Trị (thị trấn Diêu Trì), Mỹ Vọng (xã Phước Thành), Trần Công (xã Phước Sơn), Nguyễn Thị Kim Huệ (xã Phước Thuận)… những người đã đào tạo ra hàng chục huấn luyện viên, vận động viên võ thuật xuất sắc của huyện nhà. Điều càng phải ghi nhận với võ sư Thái Hùng Vinh là ngoài số tiền thu phí may võ phục đai đẳng ra, trong suốt thời gian theo học, ông không bao giờ thu thêm một đồng học phí nào của võ sinh. Đến nay, các lớp võ của Võ sư Thái Hùng Vinh có hơn 300 võ sinh thường xuyên theo học.

Võ sư Nguyễn Thị Kim Huệ – thành viên Hội Võ thuật huyện cho biết “Võ đường mở lớp chiêu sinh hàng năm, nhiều em đến đăng ký tham gia tập luyện, nhất là vào các dịp hè. Hiện nay, vẫn đang duy trì 2 lớp tập luyện thường xuyên 1 tuần 3 buổi, số lượng các em tham gia tập luyện 2 lớp khoảng 60 học viên. Thông qua các lớp như thế này, đã phát hiện nhiều em có năng khiếu, bồi dưỡng và giới thiệu các em vào các đội năng khiếu võ thuật cổ truyền của huyện, tỉnh”.

Nhờ những người thầy tâm huyết với Võ thuật Cổ truyền nên  phong trào tập luyện ở Tuy Phước có bước phát triển đáng ghi nhận. Từ năm 2008 đến nay, huyện Tuy Phước đã tổ chức thành công 6 lần Liên hoan quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam – Bình Định; 4 Giải Vô địch Võ thuật Cổ truyền toàn huyện; các giải Giao lưu, biểu diễn Võ thuật Cổ truyền huyện mở rộng, đặc biệt Giải Võ thuật Cổ truyền mừng Đảng, mừng Xuân hàng năm được tổ chức với nhiều nội dung biểu diễn, thi đấu phong phú, hấp dẫn đã thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ, góp phần tạo đòn đẩy đưa môn Võ thuật Cổ truyền Bình Định nói chung và Tuy Phước nói riêng một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Em Phạm Cẩm Hương (15 tuổi, ở thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa) chia sẻ: “Em mới tham gia học võ cổ truyền được hơn 3 tháng, được bố mẹ khuyến khích em theo học để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, trước đây em chưa từng tập qua bộ môn này, chỉ đến khi được xem thi đấu võ cổ truyền trực tiếp, được xem những bài quyền, thế đẹp mắt, em mới thực sự thấy thích bộ môn và quyết tâm theo học”.

Không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người tập, Võ thuật Cổ truyền còn là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy. Hy vọng, thời gian tới, các ngành chuyên môn, đặc biệt là Hội Võ thuật huyện sẽ có nhiều hoạt động, những việc làm cụ thể hơn nữa để tiếp tục phổ biến, quảng bá, phát triển hiệu quả hơn đưa Võ Cổ truyền vươn lên tầm cao mới, trở thành thương hiệu đặc trưng, góp phần phục vụ cho phát triển du lịch của huyện nhà.

Tác giả: Nam Việt

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *