Ba lăng mộ có số lượng di vật kiến trúc và chạm khắc đá khá tiêu biểu ở cuối TK XVI và XVII là các lăng mộ Phúc Khê tướng công Nguyên Văn Nghi, lăng Quận công Lê Thời Hiến (Thanh Hóa) và lăng mộ Quận công Vũ Hồng Lượng (Hưng Yên). Đây là nhóm lăng có cùng chung nguồn gốc từ phường thợ An Hoạch (núi Nhồi, Thanh Hóa), lại cùng chung ý thức hệ tư tưởng, văn hóa giai đoạn đầu thời Trung Hưng nhà Lê, với nhiều sự tương đồng trong nghệ thuật chạm khắc đá mang tính pha trộn giữa nghệ thuật Lê sơ và phong cách Mạc. Nhóm lăng này đồng thời được cho là khởi đầu cho phong cách nghệ thuật điêu khắc lăng mộ quận công thời hậu Lê TK XVII – XIX ở Việt Nam.
Lăng mộ quận công thuộc nhóm có sớm nhất ở nước ta gồm: lăng Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi ở làng Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xây dựng năm 1595, được Đăng Quận Công Nguyễn Khải, là con của ông, cho tôn tạo, mở rộng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1626) (1); lăng Đỉnh Quận công Ngô Công Mỹ ở xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang được xây dựng năm Thịnh Đức thứ 3 (1655); lăng Quân công Vũ Hồng Lượng ở làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, khởi dựng năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660); lăng Quận công Lê Thời Hiến ở xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa xây năm Vĩnh Trị năm thứ nhất (1676); lăng Hán Quận công Thân Công Tài xây ở xóm Ga, thuộc thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, tỉnh Bắc Giang, vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686)…
Theo gia phả, phường nghề An Hoạch thì làng Nhồi (Thanh Hóa), ở thời Lê – Trịnh được các vua, chúa hết sức quan tâm. Nhiều sắc chỉ giao cho phường thợ chạm bia, tạo tượng thờ lăng mộ cho nhà vua, nhà chúa, hoặc ban tặng cho các Quận công, văn bia Quốc tử giám Thăng Long, cầu chợ, đền, phủ đệ… khiến cho làng nghề hưng thịnh hơn bao giờ hết (2)… Thời kỳ lịch sử này là giao điểm kết thúc chiến tranh với nhà Mạc và bắt đầu cho sự phân tranh Trịnh – Nguyễn. Ba lăng mộ trên chủ yếu xây vào thời chúa Trịnh Tráng (1623-1652) và chúa Trịnh Tạc (1653-1682), tương ứng với các đời vua: Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Hy Tông.
Theo bia ký Thượng thư lệnh công bi ký, đặt bên tả thần đạo lăng Nguyễn Văn Nghi, lăng này được hoàn thiện vào năm 1626, do Đăng Quận công Nguyễn Khải là con trai ông thực hiện. Nơi đây là một khu đất ruộng trũng, được bồi đắp làm đền thờ tổ (trong đặt lăng Phúc Khê tướng công), với lối kiến trúc kiểu một phủ đệ Quận công đương thời, hình vuông, mỗi cạnh dài chừng 620m (diện tích 38.000m2), gồm hai vòng thành khép kín. Bên ngoài là tường thành bằng đất có dãy linh thú chầu hai bên thần đạo, rộng chừng 4m, lát đá Nhồi, bao xung quanh là hồ nước quanh năm sen nở ngát. Tướng công Môn là một cổng thành bằng đá có tường cao đến 4m, dày 3m, mà sau này, lăng họ Ngọ ở Bắc Giang gần như lặp lại. Riêng khu đền thờ có kiến trúc gỗ mang phong cách TK XVI (hiện nay đã hư hại). Câu ca dao ở vùng Đông Thanh đã minh chứng sự việc trên: “Cơm ăn mỗi bữa một lưng/ Bao giờ gánh đá ông Đăng cho rồi?/ Cơm ăn mỗi bữa một vơi/ Bao giờ gánh đá cho rồi ông Đăng?”.
Lăng Quận công Lê Thời Hiến được xây dựng sau đó ít nhất 50 năm (1676), không còn dấu vết tường bao nên khó xác định quy mô, song căn cứ cự ly các bia ký và khoảng cách các tượng voi, ngựa chầu (khoảng cách là 10m) cho thấy gần như khu đồi ven sông nhỏ này được dành hoàn toàn cho khu lăng mộ, có mỗi chiều dài đến 200m. Căn cứ nền móng và hướng đặt bia, tượng voi ngựa, hương án, có thể đoán định kiến trúc lăng mộ kiêm nhà thờ theo một đường thần đạo, mặt hướng nam. Di vật hiện còn chủ yếu là bằng đá, gồm bia vòm mui thuyền khắc hai mặt, hai tượng: voi đá quỳ cao 1,4m, ngựa đá chân liền bệ, cao 1,5m, sập đá rộng 2,1m, dài 3,2m, hai hương án đá cao 1,2m rộng 0,65m; phần kiến trúc là đền thờ bằng gỗ chỉ còn dấu tích nền móng, hai tượng phỗng đá khá độc đáo nhưng đã bị trộm lấy mất phần đầu…
Lăng Quận công Vũ Hồng Lượng được cho là một cặp “anh em” với lăng Quận công Lê Thời Hiến vì cùng một khoảng thời gian xây dựng (1660 và 1676), lại cùng phường thợ An Hoạch tạo tác. Lăng được xây dựng trên một bãi đất giữa cánh đồng làng Phù Ủng, phía tả có đền thờ Phạm Ngũ Lão cách chừng 500m. Tương truyền, Hoằng tổ Dương Vương – Trịnh Tạc, năm 1676, đã ban tặng linh vật bia ký bằng đá làm lăng mộ cho họ Vũ do đã lập được nhiều công trạng cho nhà chúa (3). Một con mương lớn đào xuyên qua cánh đồng làng để chở các đồ thờ, linh vật đá từ An Hoạch đến lăng mộ, con mương đó trở thành mương tưới tiêu nước, mãi đến những năm đầu TK XX vẫn còn (4).
Phong cách điêu khắc của khu ba lăng mộ
Lê Quý Đôn nêu trong Kiến văn tiểu lục: “Tháng 11, năm Đinh Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng, Vương Thượng (tức Tĩnh Đô Trịnh Sâm) nhận thấy đền thờ các vị thần, đẳng cấp về mũ, áo, nghi trượng, không phân biệt, hạ lệnh định ra chế độ, chép vào tự điển… Mũ: loại mũ phốc đầu, thần thượng đẳng trang sức bằng vàng, trung đẳng thần quấn vàng, cấm dùng mũ xung thiên; Áo: mầu hồng, thượng đẳng thần có 2 rồng, trung đẳng thần 1 rồng, hạ đẳng thần hình cá hóa rồng, cấm dùng hoàng bào, ngũ trảo, đại hội đoạn; Bổ tử: Thượng đẳng thần dùng hình long mã, trung và hạ thần dùng hình kỳ lân… Trước nhang án trong nhà tôn miếu, cho đục hình người nước Ngưu Hống, mắt sâu, bụng phệ (tục gọi là Phổng) quỳ gối hai bên…” (5).
Tuy nhiên, những chỉ dụ này thời chúa Trịnh Sâm (1767), tức là những lăng mộ trên không chịu chi phối. Do vậy, nghệ thuật chạm khắc đá ở cả ba lăng này chứa đựng nhiều cảm xúc khá tự đắc của tầng lớp quận công đang ở thế đi lên do công trạng Trung Hưng triều hậu Lê được nhà vua và chúa tin cậy, đôi khi tư tưởng đó được biểu hiện bằng hình nét, môtip khá hồn nhiên, lãng mạn, nhưng lại lắng đọng sự thâm túy triết lý của chủ nhân, được nghệ nhân dân gian thổi hồn vào đá.
Có thể nhận thấy tư tưởng trên từ đôi phỗng đá ở lăng Quận công Lê Thời Hiến, cao 0,98m, dáng phủ phục kính cẩn như một chư hầu, chắc chắn gắn liền với sự tích của gia tộc chủ nhân có võ công chinh phục phương nam (về sau này, Lê Quý Đôn xác nhận hình tượng này trong Kiến văn tiểu lục, năm 1767). Hai tượng phỗng này có dáng nhân chủng học đậm nét Chăm pa, gò má nổi cao, ụ mày cao xếch ngược, miệng rộng, môi dầy, tóc quăn kết ú xoắn hai bên, dáng quỳ, tay dâng lễ vật, áo mỏng vắt chéo hở ngực bên trái. Hình khối trau chuốt, khỏe khoắn, chất tạo hình cao, giàu cảm xúc trên gương mặt. Có thể cho rằng, đây là đôi phỗng đá có sớm nhất ở các tỉnh phía Bắc. Sau đó, nhiều đền thờ, lăng mộ dần xuất hiện hình tượng này (đền Trần Khát Chân có đến 8 tượng phỗng, lăng Đa Bút, Bái Lăng đều có mỗi lăng 2 phỗng đá, thậm chí ở bên phải chính điện chùa Thầy có 2 tượng phỗng lớn sơn màu trắng…).
Sập đá tại lăng Quận công Lê Thời Hiến là sập thờ đá lớn thứ hai sau sập thờ của Hồ Quý Ly ở Thành nhà Hồ thuộc TK XV, tuy nhiên sập đá họ Hồ để trơn, không chạm khắc (nay đang đặt tại nhà Phương Đình của nhà thờ Phát Diệm, do Cha Sáu đưa về đầu TK XX) (6). Sập đá lăng Lê Thời Hiến phủ kín bốn mặt, chạm khắc các môtip vân mây, sóng nước, dây văn hoa cúc, hình cá, chim, khỉ. Đặc biệt, hai phần diềm trước và sau sập có hình ảnh người tiều phu chặt củi, nông dân cày ruộng, trẻ con chạy theo đàn trâu phi nước đại trước cơn giông… Kỹ thuật chạm khắc nét sâu đến 3cm, hình nét tinh xảo, sinh động không kém chạm khắc trên gỗ cùng thời ở Bảng Môn Đình.
Về bia ký ở ba lăng mộ trên, có thể thấy mỗi lăng một vẻ. Bia ký ở lăng Quận công Vũ Hồng Lượng là loại bia chú trọng hình tượng vật linh hơn là nội dung bia, chữ viết phần lõi bia rất hạn chế (chỉ trong diện tích chừng 30cm x 65cm). Bia có hình chữ nhật, chiều cao gấp 5 lần chiều rộng (1,5m/0,3m) và chiều dầy chừng 20cm, kiểu như một trụ biểu, phủ kín chạm khắc các môtip hình hoa cúc mãn khai, hoa cúc dây, hình nghê hóa vân, hình vân hoa cúc hóa mặt trời trên trán bia. Trong khi đó, lăng Nguyễn Văn Nghi có đến 3 bia ký; 1 bia loại truyền thống phổ biến ở thời Lê sơ, có đỉnh vòng nửa bán cung, kiểu chữ viết là triện thư (Thượng thư lệnh công bi ký); 2 bia khác đặt bên hữu rất mới lạ về tạo dáng: Phúc Thần bi ký và Thượng thư lệnh công huân danh bi ký có mái che, kiểu chữ viết là loại chữ Khải thư. Riêng bia Lê lệnh công sự nghiệp bi ở lăng Lê Thời Hiến lại có hình mui thuyền dạng chữ U, ôm toàn bộ thân bia, chữ viết là loại chữ Thảo thư…
Phong cách nghệ thuật điêu khắc ở nhóm lăng mộ trên được cho là khởi đầu cho phong cách nghệ thuật điêu khắc lăng mộ Quận công thời hậu Lê, TK XVII – XIX ở Việt Nam. Để làm sáng tỏ thêm nhận định này, chúng tôi xem xét phong cách chạm khắc từ các di vật hiện được nhận biết ở ba lăng mộ trên, gồm: tượng chầu và tượng rồng nằm ngửa ở lăng Nguyễn Văn Nghi, tượng phỗng ở lăng Lê Thời Hiến, tượng nghê, sấu đá ở lăng Vũ Hồng Lượng và một số môtip ở bia ký liên quan…
Bia Lê lệnh công sự nghiệp bi ở lăng Lê Thời Hiến thuộc xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, dựng năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677). Đây là biến thể của bia hộp và bia hai mặt truyền thống, là dạng bia vòm được đục sâu hai phía tạo hai mặt âm, dương, chiều sâu mỗi bên tới 0.4m, cao 1,65m, rộng 1,25m, dày 1,1m. Tuy vậy trang trí bia căn bản vẫn mang tính truyền thống, trán bia vẫn là hai rồng chầu mặt trời, nhưng thân mập, ngắn, mạnh mẽ, dáng lao xuống cuộn ôm mặt trời ở giữa. Diềm và trán bia là hoa cúc dây to, mập, tạo tác nét đôi hình sin doãng, hoa cúc mãn khai lập lại theo hai dạng thẳng diện và nghiêng. Họa tiết này sau này được tiếp tục ở các lăng mộ ở TK XVIII, XIX nhưng mật độ nét trang trí chặt chẽ hơn, họa tiết đa dạng hơn.
Thượng thư lệnh công bi ký bên tả lăng Nguyễn Văn Nghi, dựng năm Vĩnh Tộ thứ 9 (1628) đời vua Lê Thần Tông, thân bia cao 2,15m rộng 1,46m, gờ bia ốp ngoài dày 0,23m, mặt bia sâu so với gờ 0,43m, mái bia hai lớp, cao mái 0,85m, rộng mái 2,97m, hai đố chắn hai bên làm khung bia sâu 2,97m. Trán bia khắc hình lưỡng long chầu nhật, viền khắc hoa cúc mãn khai. Hình rồng tạo ra do nhiều đao mác xoắn. Đầu rồng khá rõ, miệng há rộng phun hạt ngọc, râu rồng dài, các hạt tròn xoắn bay theo đao lửa. Mặt trời ở giữa, đao lửa ngang, mỗi bên sáu ngọn, kẹp ba hạt tròn ở giữa các đao lửa. Hình thức trang trí này trên các bia rất phổ biến trong TK XVII, XVIII.
Hai tượng chầu bên lăng Nguyễn Văn Nghi cao 1,3m, áo thụng hai lớp, mềm mại, lớp trong sát gót chân, dây lưng thắt nơ trước bụng, đội mũ vải (quan văn), mũ giáp trụ (quan võ), mặt tròn bầu má, hai tay nắm cây phướn kiểu thái giám (tượng bên tả), hoặc chùy (tượng bên hữu). Tuy nhiên, hai tượng này có đuôi tóc dài chảy xuống chấm thắt lưng, rất kỳ lạ. Cùng với bí ẩn của hai tượng chầu trước tướng công môn là tượng rồng nằm ngửa trên đỉnh mái cổng chính này. Tượng rồng nằm ngửa có rất ít người biết, cho đến năm 2004, khi nhóm nghiên cứu của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa khảo sát thấy (7). Đây là một bức tượng kỳ lạ nhất chúng tôi từng biết, đặt trên nóc, hướng lên trời, chạm hình rồng ổ, gồm hình rồng mẹ thân lớn, tạo nét trục thẳng chính giữa, các rồng con tựa cánh bướm hai bên, nhưng xem kỹ tạo nên ba nét ngang, chữ Vương hiện rất rõ. Tượng rồng ngửa, hình vuông mỗi cạnh chừng 90cm. Liệu có phải Phúc Khê tướng công tự cho mình không những là quan đầu triều ở ba đời vua mà còn là thày của hai vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông, nên thuộc hàng vương? Hai tượng quan hầu trước Tướng Công Môn có phải là một cách ví von tự mãn về võ công khi đối địch với phương Bắc? Hai tượng phỗng đá ở lăng Lê Thời Hiến lại là cách biểu tượng cho chiến thắng phía Nam? Lăng Vũ Hồng Lượng có thể xem như một mẫu mực, khuôn thước, không có tượng quan hầu, chỉ dùng hình tượng lân, sấu là các vật linh lớp dưới mà thời Nguyễn sau này quy định cho quan nhị phẩm, tam phẩm được dùng. Đặc biệt, ở các lăng này, hình rồng rất hạn chế, chỉ có hai lăng Nguyễn Văn Nghi và Lê Thời Hiến sử dụng môtip rồng vân mây trên trán bia mà thôi (hai lăng này được vua ban tặng cho tạo dựng, lăng Vũ Hồng Lượng do chúa ban tặng).
Nghệ thuật chạm khắc đá trên các lăng mộ Quận công ở cuối TK XVI và TK XVII mang một đặc trưng riêng, thể hiện tinh thần văn hóa, tư tưởng của một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Đó là sự chuyển tiếp của nghệ thuật Lê sơ và khởi đầu cho một dòng nghệ thuật mới: nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc lăng mộ Quận công có dấu ấn mạnh mẽ ở TK XVIII, XIX ở Việt Nam.
______________
1. Lê Văn Tạo và Nguyễn Văn Hải, Một số bia ký điển hình Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, 2008, tr.201.
2. Theo bia tiến sĩ khoa thi Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 5 (1744) và bia khoa thi Quý Mùi, Cảnh Hưng thứ 24 (1763) và tư liệu tại nhà thờ tổ Lê Khắc Phục.
3. Theo tư liệu tại nhà thờ tổ Lê Khắc Phục, làng Nhồi, Thanh Hóa, 2002,
4. Theo gia phả nhà họ Vũ ở Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên, 2005.
5. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, quyển 1, Nxb Hồng Bàng, 2013, tr.83.
6. Theo sách Nhà thờ Phát Diệm, 1985, tr.26.
7. Lê Văn Tạo, Ảnh xạ lịch sử qua bia đá xứ Thanh, Tạp chí Di sản văn hóa, số 6 – 2004, tr.102.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : PHẠM VĂN THẮNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn