Tô Hoài (1920) là nhà văn mở đầu và cũng là người có hành trình sáng tác văn học nghệ thuật bền bỉ nhất, đóng góp lớn nhất cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Tính đến nay (2011), ông đã có một sự nghiệp văn học hết sức đồ sộ, xuất bản trên 160 tác phẩm và đăng hàng nghìn bài viết, trong đó có hơn 70 tác phẩm viết cho thiếu nhi. Những tác phẩm tiêu biểu như Dế mèn phiêu lưu ký, Võ sĩ bọ ngựa, O chuột, Đàn chim gáy, Chim chích lạc rừng… mãi mãi là món quà bổ ích đối với trẻ thơ. Hơn bảy mươi năm qua, Dế mèn phiêu lưu ký luôn hấp dẫn thiếu nhi thuộc nhiều thế hệ, ở nhiều nước trên thế giới. Một trong những lý do để Dế mèn phiêu lưu ký tươi trẻ mãi với thời gian, cuốn hút trẻ em, chính là nghệ thuật miêu tả loài vật hết sức độc đáo, kỳ lạ của nhà văn.
Dế mèn phiêu lưu ký, lúc đầu có tên Con dế mèn, là truyện đăng báo nhiều kỳ của nhà xuất bản Tân Dân. Sau này để thỏa sự hiếu kỳ của bạn đọc về cuộc đời chú dế mèn, Tô Hoài đã viết thêm một số chương và đổi tên tác phẩm thành Dế mèn phiêu lưu ký, xuất bản năm 1941.
Tô Hoài không nhớ chính xác ông viết tác phẩm này khi nào, chỉ biết lúc đó ông vừa qua tuổi thiếu niên bắt đầu bước sang tuổi thanh niên quãng mười bảy, mười tám tuổi. Khi viết tác phẩm này, nhà văn không phải tìm kiếm đâu xa mà dựa ngay vào kỷ niệm tuổi thơ của mình, cùng với sự giác ngộ chính trị của nhà văn khi đó. Vì vậy, các nhân vật trong tác phẩm vừa là con vật, vừa mang những đường nét xã hội thời kỳ Tô Hoài sống. Ngay từ tác phẩm đầu tay này, Tô Hoài đã bộc lộ khả năng quan sát, miêu tả tinh tế, năng lực sử dụng ngôn ngữ tự nhiên mà giàu có.
Bãi Cơm Thi ven sông Tô Lịch, mảnh đất Nghĩa Đô quê ngoại nơi Tô Hoài gắn bó đã chắp cánh cho những sáng tác về những con vật của nhà văn. Một thế giới sinh vật đa dạng sắc màu, tràn ngập âm thanh hiện ra qua các trang viết Dế mèn phiêu lưu ký, Võ sĩ bọ ngựa, Đôi ri đá, Gã chuột bạch…
Thế giới nhân vật trong Dế mèn phiêu lưu ký hết sức gần gũi, quen thuộc với trẻ thơ. Anh chàng Dế Mèn khỏe mạnh nhưng kiêu ngạo, hung hăng đã gây ra cái chết của Dế Choắt. Vì cậy khỏe bắt nạt kẻ yếu, chú Mèn bị bác Xiến Tóc cắt cụt hai sợi râu. Gã Bọ Ngựa luôn huyênh hoang, khoác lác lúc nào cũng ra vẻ ta đây con nhà võ. Lão Bói Cá già rồi mà luôn tỏ vẻ hơ hớ trai lơ… Dế Choắt ốm yếu, hiền lành người dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Dế Trũi quê kệch, mình dài thuồn thuột bốn mùa mặc áo gi lê trần.
Cùng việc miêu tả từng con vật riêng lẻ, tác giả còn chú ý tả con vật trong quan hệ bầy đàn. Bọn Nhện đông đúc, nhiều thế hệ Nhện mẹ, Nhện con, Nhện già, Nhện trẻ, Nhện nước, Nhện tường, Nhện võng, Nhện cây, Nhện đá, Nhện ma… công phu chăng tơ chằng chịt, trùng trùng điệp điệp để bắt Nhà Trò. Bọn ếch Nhái, ếch Ương thì cãi nhau òm sòm vang động cả một vùng đầm ao. Lũ Cóc ồn ào khoác lác lúc nào cũng tự xưng ta đây là cậu ông trời. Chi họ Chuồn Chuồn đông đúc nhiều chủng loại. Chuồn Chuồn Ngô nhanh thoăn thoắt, Chuồn Chuồn Ớt rực rỡ trong bộ quần áo đỏ chót, Chuồn Chuồn Tương có đôi cánh kép vàng điểm đen, anh Kim Kim lẩy bẩy như mẹ đẻ thiếu tháng, bốn mẩu cánh tí tẹo, đuôi bằng chiếc tăm dài nghêu, đôi mắt lồi to hơn đầu. Thế giới loài kiến với Kiến Gió xây đắp rất giỏi, Kiến Lửa quần áo vàng khè, Kiến Bọ Dọt to khỏe hơn cả…
Tô Hoài đã dày công quan sát đời sống các con vật và lựa chọn những chi tiết tiêu biểu để miêu tả. Vì vậy, mỗi nhân vật trong tác phẩm vừa mang những đặc điểm chung giống loài, vừa là những cá thể sinh động. Dế Mèn được miêu tả với dáng hình chắc khỏe, cường tráng, đôi càng mẫm bóng, những cái vuốt ở chân ở kheo nhọn hoắt. Dế Choắt đôi càng bè bè, nặng nề trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu. Bọ Muỗm người xanh rực, vạm vỡ, bắp chân, bắp càng bóng nhẫy, mập mạp.
Tô Hoài đã quan sát các con vật hết sức kỹ lưỡng, từ hình dáng bên ngoài, đến từng chi tiết, từng hoạt động. Ông khéo léo vận dụng các giác quan, chọn góc nhìn phù hợp, trình tự quan sát hợp lý để khắc họa nhân vật đúng với đặc điểm giống loài, hợp với cái nhìn trong trẻo, thơ ngây đầy khám phá của trẻ thơ. Tô Hoài có khả năng hóa thân vào sự sống của loài vật đồng thời lại thổi vào thế giới loài vật sự sống của con người. Sự chung sống, hòa trộn của hai thế giới ấy tạo nên sức hấp dẫn mãnh liệt của tác phẩm. Mỗi nhân vật trong Dế mèn phiêu lưu ký vừa là con vật ở đặc điểm sinh học, thói quen sinh hoạt lại vừa là những loại người khác nhau trong xã hội. Nhân vật mang tính nhân hóa khi được khắc họa có hành động, ngôn ngữ, có đời sống nội tâm và được đặt trong những mối quan hệ mang tính xã hội.
Khi miêu tả loài vật, Tô Hoài đã làm cho con vật hiện ra như chính nó trong thực tế. Loài dế thì hay đạp phành phạch đôi càng, được tác giả gọi là cú đá hậu gia truyền của họ nhà dế. Dế sống trong hang, thích ăn cỏ, uống sương, thỉnh thoảng vũ cánh gáy o o. Xiến Tóc được bao bọc bởi lớp vỏ cứng ví như bộ giáp trụ, thỉnh thoảng lại gật gù lắc lư cái cổ khiến nó kêu kin kít. Quan sát kỹ lưỡng nên tác giả phát hiện ra giữa phần đầu và mình Xiến Tóc có một chỗ rất mỏng, đó là nơi cổ, nếu kẻ thù lợi dụng thì có thể thắng được Xiến Tóc. Bọ Ngựa với hai chiếc càng lởm chởm răng cưa hay khua khoắng hoặc co lại trước ngực được ví như những miếng võ xoàng. Chim Bói Cá với những màu sắc đặc trưng bụng trắng, lưng xanh thắt đáy, đôi cánh nuột nà tím biếc, chân đi đôi hia đỏ hắt, cặp mỏ kếch xù mà đen quá dài quá xấu quá.
Các con vật được miêu tả với đúng đặc điểm giống loài nhưng không hề khô khan, bởi chúng luôn được gửi gắm vào đó tính cách của con người. Dế Mèn được đặt trong những mối quan hệ gia đình với mẹ, với hai anh, được đặt trong những mối quan hệ xã hội với Dế Choắt, Dế Trũi, Xiến Tóc, Bọ Ngựa, Châu Chấu Voi… Chính trong những mối quan hệ này, tính cách người của nhân vật được thể hiện. Với mẹ, Mèn là người con hiếu thảo, luôn muốn làm những việc để mẹ vui lòng; với hai anh, Mèn là người em lễ phép nhưng mạnh mẽ giàu bản lĩnh, sống có hoài bão. Với Dế Choắt, Mèn là người hàng xóm chưa thật tốt bụng nhưng với Dế Trũi, Mèn là người bạn thủy chung sống chết có nhau. Các nhân vật có đời sống nội tâm phong phú với những suy nghĩ, ước ao, khát vọng và cả những toan tính đời thường. Điều đó khiến các nhân vật mang đậm hơi thở cuộc sống, gần gũi với con người. Chú Dế Mèn khoan khoái khi được ra ở riêng, nhanh chóng thích nghi với cuộc sống tự lập dọn giọng, vỗ đôi cánh cao hứng gáy lên mấy tiếng rõ to. Rồi hì hục đào hang với những toan tính lo xa phòng khi bị tấn công như các cụ nhà dế. Mèn biết ăn năn hối lỗi sau khi gây ra cái chết của Dế Choắt. Mèn khát khao cháy bỏng một khát vọng lên đường, để mỗi bước đi sẽ thấy một sự đổi thay, mỗi sáng mỗi chiều sẽ thấy một cảnh lạ. Khi hiểu được lý tưởng của đoàn Châu Chấu Voi đi tuyên truyền muôn loài sống trong hòa bình, Mèn đã say sưa hoạt động để thực hiện lý tưởng cao đẹp đó.
Việc sử dụng phép nhân hóa và ẩn dụ đã khiến cho các nhân vật trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký luôn mang tính biểu tượng kép. Dế Mèn lúc nhỏ rất giống một cậu bé, tuy hiếu động, nghịch ngợm nhưng rất có ý thức hướng thiện và phục thiện. Dế Mèn khi trưởng thành là một thanh niên, sống có lý tưởng, coi thường tiền tài danh vọng, hăng say hoạt động để phụng sự lý tưởng. Dế Choắt tượng trưng cho loại người hiền lành tốt bụng nhưng yếu đuối. Dế Trũi giống những người bạn dũng cảm, thủy chung. Bọ Ngựa là hạng người kiêu ngạo khoác lác. Xiến Tóc phần đầu tác phẩm là người trung thực, ngay thẳng nhưng cuối tác phẩm lại tỏ ra chán đời, thiếu nghị lực trong cuộc sống.
Cùng với vốn sống phong phú, tài quan sát sắc sảo, Dế mèn phiêu lưu ký lôi cuốn người đọc bởi nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong miêu tả và cách kể chuyện. Giọng kể chuyện luôn luôn thay đổi, có lúc duyên dáng hóm hỉnh, có lúc châm biếm, nhạo báng sâu cay, có chỗ là ngòi bút trữ tình đằm thắm. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, Dế Mèn tự kể về những chuyến phiêu lưu qua thế giới loài người và thế giới loài vật. Ở ngôi này, người trần thuật có điều kiện bộc lộ một cách tự nhiên những suy nghĩ, tâm trạng của mình. Dế Mèn như một chú bé hồn nhiên kể về những việc mình làm Tôi tợn lắm, dám cà khịa với tất cả bà con trong xóm, Tôi đã quát mấy chị Cào Cào, tôi ngứa chân đá một cái, ghẹo anh Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên…
Tô Hoài đã tạo ra một hệ thống ngôn ngữ giàu có và sáng tạo độc đáo. Ông đã sử dụng thành công những đại từ xưng hô để gọi các nhân vật của mình. Cách dùng các đại từ đã góp phần tích cực vào việc vẽ nên một bức tranh xã hội sinh động và thể hiện được cách đánh giá các nhân vật: chị Cào Cào, anh Giọng Vó, bác Xiến Tóc, chị Nhà Trò, gã Bọ Ngựa, lão Bói Cá, bọn Nhện, bọn Bọ Muỗm… Nhà văn thường sử dụng những từ láy gợi hình, gợi cảm để khắc họa nhân vật. Nhờ đó nhân vật hiện ra một cách sống động. Tác giả tả Dế Mèn khỏe mạnh với những định ngữ như: đôi càng mẫm bóng, mình màu nâu bóng mỡ, đầu to nổi từng tảng rất bướng, răng đen nhánh nhai ngoàm ngoạm, đạp phanh phách. Còn Dế Choắt ốm yếu thì được khắc họa qua các từ: người gầy gò, dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện, cánh ngắn ngủn, càng bè bè, râu ria cụt một mẩu, mặt mũi ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Sự giàu có về ngôn từ đã giúp Tô Hoài tạo ra những chân dung nhân vật – loài vật không lặp lại mình và không ai lặp lại được ông.
Sự nghiệp văn học của Tô Hoài vô cùng đồ sộ, nhưng nhắc đến Tô Hoài, người ta không thể không nhắc tới Dế mèn phiêu lưu ký. Tác phẩm này, với nghệ thuật viết văn miêu tả độc đáo, đã làm rạng rỡ tên tuổi Tô Hoài. Nhờ năng lực quan sát, miêu tả tinh tế, Tô Hoài đã mở ra một thế giới nghệ thuật kỳ thú, vượt lên thời gian, đem lại niềm vui thích không chỉ cho trẻ em mà ngay cả với người lớn.
_______________
Tài liệu tham khảo:
1. Phong Lê, Tô Hoài nhà văn lớn tiêu biểu của Hà Nội, trong Ngôn ngữ Văn hóa Thăng Long – Hà Nội, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2010.
2. Lã Bắc Lý, Giáo trình văn học trẻ em, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2003.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 323, tháng 5-2011
Tác giả : Phạm Thị Phương Liên
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn