TK XVII đã đánh dấu sự phát triển của kiến trúc đình, chùa, đền miếu, lăng mộ… cùng các loại hình đồ gốm, điêu khắc Phật giáo, chạm khắc trang trí đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, nghệ thuật điêu khắc lăng mộ ở TK XVII đã đạt đến trình độ thẩm mỹ nhất định, góp phần vào những thành tựu chung của mỹ thuật cổ truyền Việt Nam. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến một phần những biểu hiện đa dạng của nghệ thuật điêu khắc tượng tròn trong quan hệ với kiến trúc và trang trí lăng mộ giai đoạn này. Nghệ thuật tượng tròn được nhận dạng và biểu hiện thông qua ngôn ngữ hình thức của điêu khắc. Với phong cách tạo hình bằng một hệ thống ngôn ngữ bề mặt là tổ hợp của các khối lớn, nhỏ, kết hợp với không gian chung quanh, loại hình tượng tròn trong điêu khắc lăng mộ TK XVII đã là những căn cứ chuẩn mực cho những giá trị nghệ thuật tạo hình điêu khắc lăng mộ ở đồng bằng Bắc Bộ (1).
Hệ thống tượng tròn ở lăng mộ TK XVII, tính đến thời điểm này, có thể chia ra làm ba loại chính: tượng người, tượng linh thú và tượng thú. Trong đó, tượng người là loại hình được đánh giá cao nhất về phong cách nghệ thuật tạo hình.
Tượng chân dung
Không giống như các ngôi chùa, thể loại tượng chân dung rất hiếm gặp trong không gian kiến trúc công trình lăng mộ. Thông thường ở phần nhà thờ, có mái che, trong khu vực một lăng mộ, chỉ có các bài vị, ngai, bát hương và một số đồ thờ khác mang tính tượng trưng chứ không thấy có sự xuất hiện của loại hình tượng chân dung. Trường hợp nếu có thì mãi sau này, khi người trong họ làm tượng để thờ, nhằm tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn, công lao to lớn của chủ nhân ngôi mộ để con cháu dòng họ tưởng nhớ mà phấn đấu.
Quần thể lăng mộ Nguyễn Công Triều ở Hoài Đức (Hà Nội) là một trường hợp duy nhất có tượng thờ, nhưng tượng này về sau lại được dòng họ con cháu và người địa phương rước về thờ ở một nhà thờ phía sau chùa làng (chùa Đại Bi). Đây là tượng thờ toàn thân đang trong thế ngồi thiền. Câu chuyện về vị quan này và căn nguyên tại sao ông gắn với đức Phật như vậy cho đến nay vẫn còn được lưu truyền trong dân gian địa phương. Bên trong gian thờ, đi theo lịch sử của pho tượng còn có 2 bia đá lớn có ghi công trạng, cũng như chiến tích của ông và một phần lịch sử thời kỳ xây dựng lăng mộ. Như vậy, nói đến tượng thờ ở dạng tượng chân dung trong lăng mộ là rất hiếm gặp, hoặc nếu có thấy như trường hợp ở lăng Nguyễn Công Triều nêu trên thì, bức tượng cũng được thờ ở một nơi thờ tự khác chứ không nằm trong khuôn viên của lăng.
Tượng người toàn thân
Đặc điểm tạo hình dễ nhận thấy trong không gian lăng mộ TK XVII là hệ thống tượng tròn ngoài trời, bao gồm hai hàng tượng quan hầu, người hầu, võ sĩ canh lăng, hoặc lính canh. Nhưng do những biến động của lịch sử, xã hội, chiến tranh,… số lượng tượng quan hầu hoặc người hầu trong lăng mộ TK XVII đến nay thông thường chỉ còn là 2 tượng, như ở lăng Nguyễn Văn Nghi ở Đông Sơn, Đông Thanh, Thanh Hóa. Mỗi bộ tượng này đứng chầu hai bên đường thần đạo của lăng mộ. Các tượng trong không gian này bao giờ cũng đi theo từng cặp, sắp xếp đăng đối nhau thông qua trục trung tâm là đường thần đạo. Cũng trên đường thần đạo này, hệ thống lớp lang, thứ tự các tượng tròn thuộc loại tượng các linh thú, tượng thú cũng được đặt đăng đối nhau. Tuy nhiên, mỗi thể loại tượng đều mang theo những ý nghĩa biểu tượng và nội dung khác nhau.
Ở lăng Nguyễn Văn Nghi, đôi tượng quan hầu này có hình thức tạo hình và phong cách, cấu trúc tạo hình điêu khắc khá đặc trưng và rõ nét. Đây là cụm lăng mộ có hệ thống tượng tròn to lớn và quy mô nhất trong số các lăng mộ thuộc TK XVII. Toàn bộ cấu trúc của tượng được đặt trên nền đá. Tỷ lệ giữa các cấu trúc khối rất rõ ràng, mạch lạc và ranh giới giữa các cấu trúc này đều có điểm nhấn mang tính trang trí. Phần thân bao giờ cũng to về bề ngang và có chiều dài hơn hẳn so với các cấu trúc khác trên cơ thể. Phần cổ rất ngắn, nhiều khi không thấy được diện khối của cổ khi ta nhìn nghiêng. Chính vì thế mà cấu trúc khối và tỷ lệ trên toàn bộ hệ thống tượng quan hầu, người hầu trong lăng mộ TK XVII nói chung và lăng Nguyễn Văn Nghi nói riêng, không hợp lý so với nhận dạng thực tế.
Xét về chi tiết, những điểm nhấn cơ bản, để tượng có được sự biểu cảm cao nhất và toát lên được nội lực của nhân vật, là sự biểu hiện của hệ thống khối nổi (dương) hay khối lõm (âm), được đặt cạnh nhau, tác động vào nhau, do chính bàn tay và khối óc của người thợ đục chạm tạo nên. Điểm nhìn quan trọng để đánh giá được điều đó là sự tập trung đặc tả những điểm nhấn cơ bản trên tượng người toàn thân trong lăng mộ là cái thần sắc thông qua khuôn mặt của tượng, từ khối của vòm mắt, mí mắt, mũi, gò má, đường viền ranh giới giữa mắt… được đẩy sâu và rõ ràng.
Với một cấu trúc tổng thể khá lớn và nặng nề, trong khối lớn đó là tổ hợp của nhiều mảng, khối nhỏ, như phần cấu trúc thân cánh tay, y phục của tượng…, đôi tượng này cho thấy điểm nhấn đặc thù ở thể loại tượng người toàn thân trong điêu khắc lăng mộ TK XVII là tập trung vào một số điểm nhấn chính nhất trên tượng, không dàn trải như ở phong cách tượng của TK XVIII.
Sự phức tạp của xã hội, những nỗi thống khổ mà con người phải gánh chịu do biến cố lịch sử đương thời, những suy nghĩ, trăn trở, đôi khi là hoài bão, ước vọng,… được người thợ đá thể hiện một cách ngẫu hứng, không gò bó theo một khuôn phép nhất định.
Tượng tròn có mặt ở không gian lăng mộ là một dạng ý thức chuẩn mực và tự khẳng định mình một cách cụ thể nhất. Chính thế mà chúng luôn được đặt để ở những vị trí dễ quan sát thấy nhất. Ý nghĩa, hình thức này còn được phát triển đến các giai đoạn nghệ thuật tạo hình lăng mộ sau này.
Lăng Vũ Hồng Lượng ở Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hải Dương) cũng có 2 tượng đôi. Điểm đặc biệt trước tiên là 2 nhân vật được đục chạm ở dạng tượng tròn trên một khối đá, nhưng không đặt dưới đất như ở các lăng mộ khác, mà được đặt và gắn với thành phần kiến trúc lan can của đài thờ, có mộng khớp với mộng của lan can và có mộng để cắm xuống mặt đá của đài thờ. Do lăng mộ chưa có sự đầu tư và quan tâm nhiều, nên hiện nay, 2 bức tượng đôi này không còn nữa. Rất may mắn, trước khi hai tượng này bị đánh cắp, các nhà nghiên cứu và sưu tầm đã thực hiện được phiên bản, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phiên bản có tỉ lệ chuẩn với bản gốc, chiều cao khoảng 65cm, bề dày 50cm. Nhìn thì thấy ngay là có một quan văn và một quan võ mỗi bên, hai tượng này được tạc trên một khối đá liền.
Trên cơ sở những lỗ mộng còn lại tới ngày nay tại di tích, ta thấy 2 tượng đôi này được vị chủ nhân đầu tư rất kỹ lưỡng về cả mặt nội dung và hình thức biểu đạt của tượng. Trong tất cả các cụm lăng mộ của TK XVII và đến cả nửa đầu TK XVIII, chúng ta đều không thấy hiện tượng như vậy: thứ nhất là tượng quan văn và quan võ được tạc trên một khối đá liền, thứ hai là vị trí đặt tượng là trên đài thờ, cách mặt đất 95cm. Thông qua 2 tượng đôi này, ta cũng có thể đưa ra những nhận định về người chủ nhân của ngôi mộ này là một người có những quan điểm khác thường so với mặt bằng chung của xã hội đương thời và khẳng định những quyền lực nhất định của chủ nhân. Trên phương diện của nghệ thuật tạo hình, có thể đây là những gợi mở và cũng có thể là một gợi ý sự sáng tạo ban đầu, vượt khỏi những chuẩn mực xã hội của vị chủ nhân này về một hình thức nghệ thuật nhóm tượng nhiều nhân vật trong điêu khắc lăng mộ, mà sau này ta thấy xuất hiện tại lăng Dinh Hương ở Bắc Giang.
Tượng tròn người hầu và quan hầu trong điêu khắc lăng mộ là điểm nhấn quan trọng định hình vị thế của nghệ thuật lăng mộ cũng như vai vế chủ nhân. Hình tượng quan hầu, người hầu, người hầu, lính canh,võ sĩ… đã là những nhận diện không thể thiếu trong không gian lăng mộ. Những hiện vật này gần như đóng vai trò chủ yếu cho điểm nhìn của các quần thể lăng mộ. Bởi nó mang dáng dấp của con người, mang theo những yếu tố chủ quan của chủ nhân ngôi mộ, đó là những ý nghĩa căn bản mà người chủ nhân để lại cho hậu thế.
Nhận xét chung
Trong nghệ thuật điêu khắc lăng mộ, ngoài nghệ thuật điêu khắc tượng tròn còn có nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc, các đồ thờ, thậm chí ngay trên các pho tượng. Nghệ thuật điêu khắc này không những làm đẹp cho công trình kiến trúc, đồ vật trong lăng mà còn góp phần tăng thêm vẻ sinh động, sức gợi tả và cao hơn là ý nghĩa biểu trưng cao quý của tác phẩm (2).
Qua những di vật là tượng tròn còn lại của TK XVII tại các lăng mộ, chúng ta thấy nghệ thuật chạm khắc có vai trò quan trọng trong việc cấu thành nên hệ thống tượng trong lăng. Quan niệm của nghệ nhân về cuộc đời, nhân tình thế thái được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc là đục, chạm, gợi khối trên cấu trúc phiến đá, đã hình thành nên một hệ thống ngôn ngữ có hình thức tiêu biểu và có nội dung biểu cảm sâu sắc. Thông qua những biểu hiện của hình thức bố cục, cách tạo tác, và sự ngẫu hứng của dân gian, đã tạo nên những quần thể kiến trúc lăng mộ đặc sắc. Đóng góp của nghệ thuật tượng tròn, nhất là tượng người đã làm nên những chỉnh thể thống nhất về ngôn ngữ, hình thức tạo hình và nội dung biểu cảm trên mỗi hiện vật điêu khắc. Mỗi thành tố trong khuôn viên lăng mộ đều có những vai trò nhất định. Sự đặt để ấy cũng có những quy tắc đặc thù như: tính đăng đối, đi theo cặp đôi đối xứng qua trục thần đạo… Tất cả những điều này đã làm nên một không gian lăng mộ với đúng quy mô, ý nghĩa phong thủy và ý nghĩa tượng trưng của nơi tưởng niệm người đã khuất.
Thể loại tượng người là điểm nhấn nòng cốt cấu thành nên phong cách nghệ thuật điêu khắc lăng mộ. Trong đó, các yếu tố ngôn ngữ tạo hình của nó đã nâng cao giá trị nghệ thuật cũng giá trị lịch sử của ngôi lăng mộ. Ngôn ngữ điêu khắc ngự trị và chi phối toàn bộ hình thức và nội dung tổng thể kiến trúc. Nơi vốn chỉ là của người chết đã được kiến tạo một cách sống động, đẹp đẽ và mang theo những giá trị còn cao cả hơn hẳn việc sống hay chết. Mỗi hình tượng nghệ thuật, mỗi di vật điêu khắc đều mang theo và ẩn chứa những thông điệp từ quá khứ. Những hình thức điêu khắc, được thể hiện bằng ngôn ngữ đặc trưng, là những giá trị sâu sắc và cô đọng nhất, phản ánh bối cảnh xã hội, đời sống, sinh hoạt của tầng lớp quan lại trong thời kỳ phong kiến tập quyền. Nhưng cũng thông qua bàn tay và sự ám thị của người thợ đá, đâu đó trên mỗi hiện vật điêu khắc, nhất là tượng người, còn cho chúng ta thấy những sự đồng cảm được gửi gắm. Nghệ thuật điêu khắc trong lăng mộ là một cách phóng tác lại môi trường, đời sống của người xưa. Qua đó đã góp phần làm những bằng chứng cụ thể, giống như sự minh họa một cách cô đọng nhất những biến cố của vạn vật, con người, giống như những lát cắt ngang các vỉa tầng văn hóa và rồi thông qua lát cắt đó, ta nhìn thấy cốt lõi của từng vấn đề trong một xã hội.
Điêu khắc trong không gian lăng mộ là một thành phần không thể thiếu trong việc hình thành các dạng thức, kiểu cách, quy mô của lăng mộ. Nếu như trong lăng mộ không có hệ thống điêu khắc, phù điêu hay trang trí thì có lẽ đó chỉ là nơi an nghỉ thông thường của người chết. Chính vì thế mà chúng ta cần có những phương hướng bảo lưu, gìn giữ thích đáng những giá trị văn hóa lịch sử, là những bằng chứng sống động mà cha ông ta để lại cho hậu thế.
_______________
1. Ed Castagnol, Những tượng đá trong các lăng mộ của người An Nam, khảo cứu, tư liệu Viện Mỹ thuật, 1993.
2. Đặng Phong Lan, Nghệ thuật điêu khắc lăng mộ TK XVII – XVIII ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, luận văn thạc sĩ văn hóa dân gian, 2003.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013
Tác giả : Nguyễn Văn Hùng
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn