Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng của tượng đài nói chung, tượng đài nhân vật lịch sử đã và đang được dựng lên ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Sự xuất hiện ngày càng nhiều tượng đài nhân vật lịch sử, đặc biệt là những tượng đài tái hiện chân dung các vị vua, hoàng đế, anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa, được tôn vinh ở các thời kỳ xa xưa, không những làm cho các công trình tượng đài thêm phong phú, mà còn góp phần không nhỏ nâng cao vị thế của các địa phương xây dựng tượng đài.
Thực tế cho thấy nhiều công trình tượng đài còn gây bức xúc trong dư luận cũng như giới chuyên môn với những hạn chế về thẩm mỹ, quy hoạch, những tiêu cực phát sinh từ khâu tuyển chọn, thi công…, gây lãng phí tiền của và để lại những công trình kém chất lượng trơ gan cùng tuế nguyệt; nhiều bài báo, hội thảo chuyên ngành đã đề cập tới những hạn chế cần được khắc phục ngay đối với chủ trương tiến hành xây dựng hàng loạt tượng đài ở các địa phương. Song cũng cần có những đánh giá, ghi nhận những thành công của một số công trình tượng đài, nhất là tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử. Trên thực tế, đã có khá nhiều công trình tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử đạt được những thành công nhất định trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, thể hiện được vẻ đẹp của một vị danh tướng văn võ song toàn, vị vua anh minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất…; đồng thời, khoe được vẻ đẹp của chất liệu xây dựng tượng đài, tạo ra được những địa điểm văn hóa tinh thần, phục vụ nhân dân, phục vụ các hoạt động xã hội, góp phần ca ngợi truyền thống đấu tranh giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
Tượng đài Trần Hưng Đạo đặt trên núi An Phụ, Hải Dương, của nhà điêu khắc Hà Trí Dũng, là một trong những tượng đài được giới chuyên môn đánh giá cao. Tượng đã được đặt trong một không gian khá lý tưởng, trên đỉnh núi với độ cao 200m, thấp hơn đền Cao – đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, cha của Trần Hưng Đạo khoảng 50m. Phía dưới đền là chùa Cao, một ngôi chùa khá cổ và đẹp, có sân vườn rộng và hai giếng nước trong mát. Bên trái pho tượng là hai dãy phù điêu lớn bằng đất nung dài 45m, cao 2,5m, làm rất công phu và hoành tráng. Một trong những lý do để tượng đài được đánh giá cao, là bởi, ở đây, tác giả đã giải quyết tốt việc xây dựng công trình tượng đài hiện đại, nhưng không làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ của hai công trình mỹ thuật cổ là đền Cao và chùa Cao. Một thành công nữa, cũng phải nói đến ở tượng đài này là việc sử dụng chất liệu đá xanh núi Nhồi (Thanh Hóa), một chất liệu bền vững, đáp ứng được điều kiện khí hậu, và rất phù hợp với hai công trình mỹ thuật cổ.
Tượng đài vua Quang Trung được xây dựng ở Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn), Bình Định, cũng là một trong những tượng đài nhận được sự đồng tình của dư luận, công chúng và các nhà chuyên môn. Đây là một trong số các tượng đài bề thế, có tính sáng tạo trong nghệ thuật và ít sai sót nhất về kỹ thuật. Những đường nét điêu khắc được thể hiện ở pho tượng khá mạch lạc, các khối được sử dụng rất phù hợp, khiến thần thái của pho tượng được bộc lộ rất rõ. Ngoài ra, sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu đồng (đúc tượng) và đá granit đen dùng làm bệ tượng cũng là yếu tố mang lại thành công cho tượng đài.
Tượng đài Lê Lợi ở TP Thanh Hóa cũng là một trong những tượng đài được đánh giá thành công về nghệ thuật. Việc thể hiện một nhân vật lịch sử đã từng là nhân vật được tạc tượng thờ, vốn là điều không dễ. Song, ở đây, bằng loại hình ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật tượng đài, tính cách của Lê Lợi đã được thể hiện khá rõ nét. Đó là một vị anh hùng dân tộc, xuất thân từ tầng lớp bình dân, mặc áo vải, chít khăn như bao người dân đương thời. Sự oai phong của một vị vua được thể hiện ở tư thế đứng hiên ngang, với một tay chỉ xuống đất, khẳng định quyền tự chủ dân tộc, và một tay nắm chắc bao gươm như sẵn sàng chống trả những thế lực xâm lược, toan cướp đi quyền tự chủ ấy. Sự oai phong càng được tôn thêm bởi vẻ linh thiêng toát ra từ hình tượng thần Kim Quy, ngay bên cạnh pho tượng. Cũng như những tượng đài được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, tượng đài Lê Lợi đã tạo được sự hài hòa giữa tượng và bệ tượng, giữa tượng đài với cảnh quan kiến trúc xung quanh. Lối tạo hình hiện thực đã được kết hợp một cách khéo léo với những cách điệu khối hợp lý.
Tượng Bác Hồ ở trung tâm thị xã Cao Bằng (của nhà điêu khắc Minh Đỉnh) cũng là một tác phẩm tượng đài được đánh giá cao bởi sự kết hợp hài hòa giữa pho tượng với môi trường xung quanh. Bác Hồ đứng ung dung tự tại, thong dong quay mặt về phía công viên trung tâm, ngay sát tượng đài là một con phố lớn, phía sau là dãy nhà Tỉnh ủy. Khuôn viên dựng tượng nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng trang nghiêm…
Nhân đây, cũng xin được nói thêm về tượng đài Lênin ở đường Điện Biên Phủ, Hà Nội, do người Nga xây dựng ở Việt Nam. Đây là một công trình rất thành công cả về nội dung và hình thức biểu hiện. Vị trí đặt tượng ở vườn hoa Canh Nông, vốn là nơi có một vườn cây rất đẹp, nằm giữa ba con đường lớn của Hà Nội là Trần Phú, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ. Tượng quay mặt về đường Điện Biên Phủ, nơi có không gian thoáng rộng. Đứng trước tượng đài, người ta có thể phóng tầm mắt nhìn về phía lăng Bác, ngắm Bảo tàng Quân đội với kỳ đài lịch sử của thủ đô. Ở đây, tác giả đã cải tạo khá nhiều sân vườn phía trước mặt tượng và cây xanh phía sau lưng tượng để tạo ra một không gian đẹp làm nền, tôn thêm vẻ đẹp trang trọng của Lênin.
Nhìn chung, các tượng đài nói trên đều đã có thành công nhất định trong việc kết nối tượng đài với không gian xung quanh, tạo ra những điểm nhấn, làm đẹp cho cảnh quan không gian địa phương nơi dựng tượng. Nhiều tượng đài không những đã trở thành địa điểm lý tưởng để người dân địa phương đến thư giãn sau một ngày, một tuần làm việc căng thẳng; mà còn trở thành nơi tụ họp, biểu thị tinh thần đoàn kết của người dân địa phương; nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của địa phương; nơi chứng kiến những bước chuyển đáng ghi nhớ trong cuộc đời mỗi người dân như: lễ kết nạp Đội, Đoàn, Đảng… Đặc biệt, do một số nhà điêu khắc khi dựng tượng đã có những tìm hiểu khá kỹ về nhân vật và sự nghiệp của nhân vật, cũng như môi trường không gian nơi dựng tượng, mà mặc dù tượng đài được dựng có thể còn có một số khiếm khuyết nhất định, nhưng về tổng thể, lại có sức thuyết phục lớn cả về giá trị nghệ thuật và nội dung biểu đạt. Thông thường, tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử hay được dựng ở chính quê hương của nhân vật, hoặc được dựng ở địa phương nơi đã diễn ra hoạt động nổi bật trong sự nghiệp của nhân vật. Do những môi trường không gian ấy đều có những liên quan nhất định đến nhân vật được dựng tượng, mà những tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử đã có thể phát huy những giá trị của chúng.
Một minh chứng cho vấn đề nói trên là tượng đài Trần Hưng Đạo ở Hải Dương của nhà điêu khắc Hà Trí Dũng. Có thể nói đây là một trong số không nhiều tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử rất thành công nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo trong việc lựa chọn vị trí đặt tượng và không gian môi trường tác phẩm. Theo nhà báo Xuân Ba, vị trí đặt tượng là do Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn. Và nhà điêu khắc Hà Trí Dũng đã khai thác triệt để vẻ đẹp hoành tráng, đầy sức thuyết phục, rất đặc thù của môi trường không gian nơi đặt tượng. Tác giả đã để “Đức Thánh Trần hướng mặt về phía biển Đông, thế tiền thủy hậu sơn, đằng sau Ngài không xa là đền An Vương Sinh Trần Liễu, để cha che chở cho con… Và đắc địa hơn là từ các trục đường chính đi qua địa phận Hải Dương, mọi người đều nhìn thấy Đức Thánh Trần rất rõ…”(1).
Việc thể hiện nhân vật lịch sử trong hình ảnh, thế dáng… hài hòa với môi trường không gian liên quan tới những hình ảnh, thế dáng của nhân vật trong quá khứ (khi nhân vật còn sống), không chỉ đã mang đến những thành công nhất định cho tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử; mà còn làm cho hình tượng của mỗi nhân vật ở mỗi tượng đài có một sắc thái biểu hiện riêng, mang nét đặc thù của địa phương, cũng như gắn bó với địa phương. Sự thực, cho dù vẫn còn một số khiếm khuyết, nhưng tượng đài Lê Lợi ở Thanh Hóa, tượng đài Trần Hưng Đạo ở Nam Định, tượng đài Quang Trung ở Bình Định… đều đã trở thành những biểu tượng ấn tượng của địa phương nơi dựng tượng, đã được sử dụng trong quảng bá hình ảnh của địa phương. Ở Hà Nội, mặc dù tượng đài Lý Thái Tổ vẫn còn có khá nhiều vấn đề phải bàn, song, rõ ràng, tượng đài đã và đang là một trong những biểu tượng ấn tượng của thủ đô tròn một ngàn năm tuổi này.
Với một tầm vóc mới mang tính vượt thời gian và không gian, tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử không chỉ đã thành công trong việc nâng cao giá trị và tầm ảnh hưởng của các nhân vật vốn đã được thờ trong quá khứ, ở các cộng đồng làng người Việt xưa, thành biểu tượng văn hóa lịch sử mang tính vĩnh cửu của dân tộc Việt; mà quan trọng hơn, với sự cụ thể hóa các giá trị đó trong những hình ảnh rõ ràng và thường trực, đã giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam có được những cảm nhận cụ thể và trực tiếp hơn về cha ông mình.
Phần lớn các tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật đã từng được tôn vinh, thờ phụng ở các thời kỳ trước, đều đã kế thừa ít nhiều lối tạo hình truyền thống, với phong cách thể hiện chủ yếu mang tính hiện thực, kết hợp với những chi tiết tạo hình mang tính ước lệ; với xu hướng hiện thực trong nội dung hình tượng, cùng phương pháp tạo hình phù hợp với nội dung hiện thực ấy (một phẩm chất tạo hình tượng Phật được hình thành từ thời Lý); và với sự kết hợp của những trang trí hoa văn truyền thống, có cội nguồn từ những biểu thị biểu tượng của tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước. Đặc biệt, những nguyên tắc tạo hình truyền thống như: cách tạo hình kết hợp phù điêu và tượng tròn, đường nét và hình khối, cách điệu và tả thực, biểu tượng hóa và khái quát hóa… cũng đã được nhiều nghệ sĩ, nhà điêu khắc áp dụng trong xây dựng tượng đài các nhân vật lịch sử. Phần lớn các tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử đều kết hợp với những phù điêu diễn tả những hoạt động gắn bó của nhân vật (như tượng đài Trần Hưng Đạo ở Hải Dương được kết hợp với bức phù điêu diễn tả cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông; tượng đài Quang Trung ở gò Đống Đa cũng được kết hợp với phù điêu diễn tả cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung…). Kế thừa những yếu tố nghệ thuật tạo hình truyền thống, tượng đài tái hiện các nhân vật lịch sử đã như là một tiếp nối để nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt được bảo tồn, phát triển trong sự hòa nhập tất yếu với các nền nghệ thuật tạo hình hiện đại trên thế giới.
Nhìn chung, khi nhìn vào thực trạng hiện nay của tượng đài, người ta thường nói nhiều đến những hạn chế. Song, nếu thực sự chỉ có những hạn chế, thì chắc chắn, tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử đã không có lý do gì để tồn tại.
Sự thật, như mọi tượng đài nói chung, tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần của một pho tượng. Với sự phát triển của công nghiệp và tốc độ phát triển của đô thị, tượng đài các nhân vật lịch sử còn mang ý nghĩa thiết định lại, ở một trình độ cao hơn, mối tương quan hài hòa của một môi trường thẩm mỹ thời đại; cũng như, khẳng định lại, ở một tầm vóc mới, những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc Việt. Rõ ràng, trong gần hai mươi năm qua, tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử, tuy không nhiều, nhưng cũng đã có những đóng góp nhất định trong việc góp phần làm thay đổi diện mạo của các địa phương, tỉnh, thành… trong cả nước; đồng thời cũng đã có những đóng góp không nhỏ đến việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho người dân. Đặc biệt, trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử, văn hóa của dân tộc, tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử, với sự hiện diện cụ thể, thường trực và thường xuyên; bằng những đường nét, hình khối mang tính biểu trưng, biểu cảm, có thể tác động một cách dễ dàng đến tận sâu thẳm tâm hồn của mỗi người,… đã là phương tiện giáo dục có nhiều ưu thế vượt trội so với những phương tiện giáo dục khác.
Tất cả những đóng góp nói trên đều là những thành công của tượng đài tái hiện nhận vật lịch sử ở Việt Nam.
Như vậy, tượng đài tái hiện nhận vật không chỉ đã có những thành công nhất định trong việc tái hiện nhận vật lịch sử ở một tầm vóc mới, nâng cao giá trị và tầm ảnh hưởng của nhân vật, mà còn có những thành công trong sự hòa hợp những tác phẩm tượng đài mang tính hoành tráng với không gian kiến trúc, con người, và cảnh quan thiên nhiên Việt. Trong những thành công của tượng đài tái hiện nhân vật lịch sử, đáng chú ý là những thành công bước đầu của việc sử dụng những yếu tố văn hóa, nghệ thuật tạo hình truyền thống trong tạo dựng tượng đài. Có thể nói, đó chính là chỗ dựa vững chắc để các nhà điêu khắc tự tin hơn khi thể hiện, xây dựng những tượng đài Việt Nam mang tính hiện đại và dân tộc trong phong cách tạo hình nghệ thuật, hòa hợp với cảnh quan kiến trúc, với thiên nhiên đặc thù của Việt Nam, với quan niệm thẩm mỹ, phong tục, tập quán của dân tộc.
_______________
1. Xuân Ba, Nghìn thủa với núi sông này, Văn nghệ số 41, ra ngày 10-10-1996.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 323, tháng 5-2011
Tác giả : Đinh Gia Lê
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn