Các thế hệ người Trung Quốc đã sáng tạo ra ngoại giao văn hóa (NGVH) từ xa xưa rồi không ngừng bồi bổ, phát triển qua các thời đại một cách không tự giác và tiến tới tự giác. Mọi người đều biết Trung Quốc là một số ít nước lớn có nền lịch sử văn hóa lâu đời. Ngay từ thời xa xưa, chí ít là từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, đã xuất hiện sự qua lại, giao tiếp nhộn nhịp và được ghi chép khá đầy đủ giữa nhà vua (hoặc bá chủ) với các nước chư hầu và giữa các nước chư hầu với nhau.
Ngay từ lúc đó, các hoạt động NGVH này đã có những thành tựu vượt trội. Tuy nhiên, phải đến thời gian gần đây, người Trung Quốc mới nâng NGVH lên thành lý luận và vận dụng một cách chủ động, tự giác hơn và với qui mô ngày càng lớn hơn, phong phú hơn.
Vào năm 2005, Nxb Trường Đại học Bắc Kinh mới cho ra cuốn Ngoại giao văn hóa, một cuốn sách chủ yếu dựa vào tài liệu của nước ngoài và nói về kinh nghiệm của nước ngoài, và tới tháng 1-2008 Nxb Thế giới tri thức mới xuất bản cuốn Ngoại giao văn hóa Mỹ và sự vận dụng của nó tại Trung Quốc, và tới tháng 5-2008, Nxb Dạy và nghiên cứu ngoại ngữ mới cho ra đời cuốn sách Ngoại giao văn hóa và sức mạnh mềm của Trung Quốc – đây mới thực sự là cuốn sách của người Trung Quốc viết
Vai trò của NGVH Trung Quốc được nổi bật lên trong Văn kiện Đại hội 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc với việc nhấn mạnh cần “nâng cao sức mạnh mềm của văn hóa Trung Quốc” và trong thuyết thế giới hài hòa của Hồ Cẩm Đào. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVII, ông một lần nữa nhấn mạnh: “Văn hóa ngày càng trở thành một nguồn lực quan trọng của đoàn kết dân tộc và của sức sáng tạo, là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh về toàn thể lực lượng quốc gia”.
Trước tình hình mới, nhiệm vụ mới, các ban ngành phụ trách NGVH của Trung Quốc đã đề xuất, NGVH Trung Quốc cần phải thực hiện được quan niệm 3 kiên trì, nâng cao 3 năng lực (1)
Ba kiên trì là: thứ nhất, kiên trì coi hướng ra ngoài làm chủ đạo, coi đương đại là chủ đạo, ra sức thực thi chiến lược hướng ra ngoài của văn hóa Trung Hoa; thứ hai, kiên trì coi trung ương là chỉ đạo, địa phương là quân chủ lực, đại sứ quán và lãnh sự quán đóng ở nước ngoài và trung tâm văn hóa Trung Quốc ở hải ngoại làm mặt trận tiền phương, tạo dựng ý thức toàn quốc một mặt trận; thứ ba, kiên trì coi phục vụ cho ngoại giao toàn diện là kim chỉ nam, ra sức triển khai NGVH, mở rộng quy mô thương mại của văn hóa đối ngoại.
Ba năng lực bao gồm: Thứ nhất, cùng với việc củng cố và phát triển quan hệ văn hóa với các nước đang phát triển, nâng cao năng lực triển khai giao lưu văn hóa với các nước đang phát triển. Khi giao lưu với các nước phát triển phương Tây, phải luôn luôn tích lũy kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn, đạt tới cầu đồng tồn dị (tìm những điểm chung, bảo lưu những điểm khác biệt), thuần phục kỹ năng, cùng mưu cầu phát triển.
Thứ hai, đồng thời với việc xử lý tốt công tác văn hóa song phương, phải nâng cao năng lực triển khai ngoại giao văn hóa đa phương (1). Hiện nay, Trung Quốc đã tích cực tham gia thậm chí tổ chức một số hoạt động NGVH đa phương, trên thực tế mỗi lần tổ chức hoạt động văn hóa quốc tế đều phải xử lý rất nhiều công việc quốc gia. Do đó, cần tăng cường nghiên cứu và tham gia các công tác trên phương diện này, bồi dưỡng cán bộ làm công tác chuyên môn, mở rộng tiếng nói trên diễn đàn văn hóa quốc tế.
Thứ ba, đồng thời với việc ra sức triển khai NGVH, cần nâng cao năng lực triển khai thương mại văn hóa. Các doanh nghiệp văn hóa của Trung Quốc không chỉ hoạt động trên dòng sông nội địa, muốn đi ra biển lớn cần phải tăng cường thực lực vận hành.
Một số thành tựu nổi trội của NGVH Trung Quốc trong những năm qua như truyền thông đối ngoại, Viện Khổng Tử, mạng lưới Hoa kiều… có mặt tại rất nhiều nước trên thế giới.
Lĩnh vực truyền thông Bắc Kinh lên kế hoạch chi 45 tỷ tệ cho chiến dịch truyền thông toàn cầu, nhằm khuếch trương hình ảnh của Trung Quốc ra thế giới. Kênh truyền hình quốc tế phát sóng 24/24h mỗi ngày, CCVT9, đã phát sóng bằng cả 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha; và đang triển khai kênh truyền hình bằng tiếng A rập tới 22 quốc gia với số lượng người xem tiềm năng trên 300 triệu người. Tháng 9-2010, kênh truyền hình bằng tiếng Nga cũng được đi vào hoạt động. Kế hoạch tiếp theo của Bắc Kinh trong những năm tới sẽ có 10 kênh truyền hình có thể phủ sóng khắp toàn cầu, trong đó có một kênh tin tức tiếng Anh do chính Trung Quốc thực hiện.
Các báo đăng phiên bản tiếng Anh cũng liên tiếp ra đời. Trong khi các tập đoàn truyền thông phương Tây đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế thì ngành truyền thông Trung Quốc lại có được sức mạnh tài chính từ nguồn ngân sách khổng lồ của chính phủ.
Văn hóa là một thế giới biểu tượng. Tượng đất nung binh mã của Tây An, Cố Cung và Trường Thành của Bắc Kinh, cùng với xường xám (nam và nữ), võ thuật, múa lân, ẩm thực Trung Hoa, đũa… đều là những biểu tượng văn hóa Trung Quốc. Đối dân chúng nước ngoài, những biểu tượng như ẩm thực Trung Quốc, võ công Trung Quốc, đèn lồng đỏ và kinh Dịch có thể đại diện cho văn hóa Trung Quốc nhiều nhất…
Trong lịch sử hiện đại, NGVH Trung Quốc nổi tiếng với ngoại giao bóng bàn trong quan hệ Trung – Mỹ (1971-1972). Hoạt động NGVH nổi bật nhất trong thời gian gần đây là ngoại giao Olympic Bắc Kinh năm 2008, khi cả thế giới được chiêm ngưỡng những màn phô diễn sức mạnh kinh tế và văn hóa của Trung Quốc. J.Nye nhận thấy rằng, “Trung Quốc không chỉ đạt mục tiêu về huy chương, mà còn đạt được mục tiêu quan trọng hơn, đó chính là sự gia tăng sức mạnh mềm của mình”. Và mới đây nhất, sức mạnh này được Trung Quốc khuếch trương trong đại lễ kỷ niệm 60 năm độc lập của mình.
Các sự kiện văn hóa Trung Quốc trên thế giới cũng liên tục được tổ chức trong vài năm qua. Có thể kể đến năm Trung Quốc tại Nga 2003, năm Trung Quốc tại Pháp 2007, triển lãm Olimpic Bắc Kinh 2008 tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới, hội tụ văn hóa Trung Quốc 2009 tại 20 quốc gia ở châu Phi. Ngoài ra, các sự kiện tuần lễ văn hóa, ngày văn hóa, thành phố huynh đệ, tuần lễ phim Trung Quốc… diễn ra ở hầu khắp các châu lục, đi kèm theo đó là hoạt động biểu diễn văn nghệ, võ thuật, giao lưu giới thiệu các sản phẩm văn hóa, văn học, ẩm thực, phim ảnh, giới thiệu lịch sử và con người…
Ngoài ra Trung Quốc còn chú trọng xây dựng hình ảnh quốc gia qua việc tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, kinh tế lớn như triển lãm thế giới Thượng Hải 2010, phóng tàu Thần Châu, đưa người vào vũ trụ, liên hoan nghệ thuật châu Á, liên hoan dân ca quốc tế, tăng cường giao lưu quốc tế về xã hội, tuyên truyền và mở rộng ảnh hưởng của triết học. Một trong những thành công của ngoại giao văn hóa Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương là ảnh hưởng tư tưởng của điện ảnh Trung Quốc, nhất là về các đề tài lịch sử, truyền thống, những tư tưởng và học thuyết cổ đại của Trung Quốc.
Thời gian gần đây, thế giới được chứng kiến sự bành trướng của nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của Trung Quốc như: Ngọa hổ tàng long, Thập diện mai phục, Anh hùng… hay một số bộ phim ăn khách như Họa bì, Tuyệt đỉnh Kungfu, Hoàng Kim Giáp… Các bộ phim mang tính dã sử, võ thuật này đã cho cả thế giới thấy sức mạnh về văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Tiếp đó là sự gia tăng nhanh chóng số lượng các học viện Khổng Tử trên thế giới. Trung Quốc nhấn mạnh ngôn ngữ là chiếc cầu quan trọng trong tiếp xúc giao lưu đối ngoại, vì vậy từ tháng 3-2004 họ bắt đầu thiết lập học viện Khổng Tử tại nước ngoài (học viện Khổng Tử đầu tiên được xây dựng vào năm 2004 tại Hàn Quốc) nhằm dạy và bồi dưỡng tiếng Trung cho giáo viên người bản địa với mục tiêu rõ ràng: phổ biến và bổ túc tiếng Trung, bảo vệ địa vị thế giới của tiếng Trung, truyền bá văn hóa Trung Quốc, tăng cường nhận thức về Trung Quốc với người dân bản địa. Đến nay đã có hơn 260 học viện tại 75 quốc gia trên toàn thế giới.
Đây là tổ chức giáo dục phi lợi nhuận và nhận được sự tài trợ tích cực từ phía chính phủ Trung Quốc. Nó cũng khá giống với những viện Goethe của Đức, các trung tâm văn hóa Pháp, hay các hội đồng Anh. Nhiệm vụ của chúng không phải để truyền bá những tư tưởng Khổng giáo như tên gọi, mà chủ yếu để dạy ngôn ngữ, trao đổi nghiên cứu, giáo dục, sách báo, phim ảnh, nói chung là quảng bá các sản phẩm văn hóa Trung Quốc ra toàn cầu, với mục tiêu khuếch trương việc phát triển đa văn hóa và để xây dựng một thế giới hài hòa theo tinh thần đoàn kết, giá trị đạo đức, tôn trọng quyền lực, đề cao tầm quan trọng của các mối quan hệ tôn ty trận tự đang được tuyên truyền rộng dãi chưa từng thấy ở Trung Quốc.
Hiện nay, những học viện kiểu này vẫn đang tiếp tục được chính phủ Trung Quốc tài trợ xây dựng tại nhiều nơi trên khắp các châu lục trong đó, Mỹ có hơn 40, Đông Nam Á có 17. Ngay cả ở châu Phi xa xôi, nơi hoàn toàn xa lạ với những giá trị văn hóa phương Đông và Khổng giáo, hiện cũng đã có ít nhất 19 học viện kiểu như vậy. Tại nhiều nước châu Phi, tiếng Trung thậm chí còn được đưa vào chương trình học trong các trường phổ thông và được người dân ở đây hưởng ứng nhiệt tình.
Tiếp đến, không thể không kể tới việc phát tán văn hóa qua mạng lưới Hoa kiều của người Trung Quốc
Trung Quốc vốn là quốc gia có nhiều di dân nhất thế giới, số lượng người rời quê hương đến những miền đất mới hàng năm cũng gia tăng không ngừng. Họ có những đóng góp đáng kể cho quê hương, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn quảng bá hình ảnh đất nước đến những nơi họ sinh sống.
Thế giới biết đến những nét văn hóa và con người Trung Hoa trước tiên là thông qua những cộng đồng người Hoa tại đất nước mình. Và họ chính là một phần làm lên sức mạnh mềm Trung Quốc.
Hiện nay, làn sóng di cư mới của Trung Quốc lại tiếp tục cộng hưởng vào sức mạnh mềm ấy. Vì di cư hiện nay không chỉ là di cư tự do nữa, nó đã trở thành chiến lược quốc gia, chiến lược gia tăng sức mạnh mềm trên toàn thế giới. Gọi là làn sóng di cư mới, là bởi vì nó có những đặc điểm khác xa với những làn sóng di cư trước đây của Trung Quốc. Thông thường, hướng di chuyển chủ yếu của dân di cư là đến các quốc gia phát triển hơn, với mục đích chính là tìm kiếm các cơ hội và điều kiện làm ăn sinh sống tốt hơn. Nhưng làn sóng di dân mới này ở Trung Quốc lại chuyển hướng sang những nước nghèo, những nơi kém phát triển nhất thế giới, đông nhất là các nước láng giềng Đông Nam Á và châu Phi xa xôi.
Họ được gọi chung bằng một cái tên Xin yimin gọi là tân di dân. Phần đông trong số họ là lao động phổ thông thiếu việc làm. Họ có mặt ở khắp nơi, từ hầm lò đến những cánh đồng, làm đủ mọi việc, từ làm nông cho đến bán hàng rong, tại những nước tình trạng đói việc làm chẳng thua kém gì đất nước họ. Nhưng họ được chính phủ khuyến khích, và địa phương nơi họ sinh sống tạo điều kiện để dễ dàng ra khỏi biên giới, kể cả ra đi bất hợp pháp, vừa giải quyết tình trạng thất nghiệp của hàng triệu lao động tại đất nước 1,3 tỷ dân đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, vừa đóng góp một phần vào chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc.
Chính phủ có chủ trương là: “tăng cường sức mạnh của khối di dân Trung Quốc mới không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho Trung Quốc, mà còn quảng bá hình ảnh quốc gia cũng như gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và phát triển mối quan hệ với các nước có người Trung Quốc sang định cư”. Còn địa phương thì tạo mọi điều kiện tối đa cho việc di dân. ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, việc di dân ra nước ngoài đã trở thành thời thượng, và có một câu ngạn ngữ mới được họ truyền tụng gần đây: “Đi một người, giàu cả nhà, đi mười người giàu cả thôn”.
Số lượng gia tăng nhanh nhất phải kể đến là ở lục địa đen xa xôi, số lượng ước tính lên đến gần triệu người. Nhưng Đông Nam Á mới là tâm điểm đến của những tân di dân, nhất là tại 3 nước Lào, Campuchia và Myanma. Điều này dễ hiểu vì vài năm qua Trung Quốc đã tập trung đầu tư vào đây nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là những nước láng giềng gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc. Tiền đầu tư rót vào đâu, công nhân, nông dân Trung Quốc tập trung đông đảo ở đấy, mặc dù dân bản địa cũng đang phải lao đao tìm việc.
Tại Việt Nam, mặc dù tình hình nhập cư có vẻ khó khăn hơn, nhưng theo báo cáo chính thức của Tổng cục xây dựng lực lượng (Bộ công an), cả nước hiện có khoảng 35 nghìn người lao động Trung Quốc đang làm việc, phần đông không trình độ hoặc chỉ là lao động phổ thông nhưng vẫn được phía Trung Quốc cấp hộ chiếu công vụ, được đưa đến làm việc tại cả những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới. Nhưng đó cũng chỉ là số lượng công nhân được cấp hộ chiếu công vụ, số sang bằng đường lậu có thể cao hơn nhiều. Vì các nhà thầu Trung Quốc thường phàn nàn Việt Nam khó khăn trong việc cấp thị thực nhập cảnh, nên họ phải tìm cách đưa người lao động sang bằng những phương pháp khác.
Các nhà thầu Trung Quốc thì vẫn luôn duy trì quan điểm: lao động Trung Quốc tốt hơn lao động địa phương. Một giám đốc dự án đang làm việc tại Việt Nam cho rằng: “Họ (người Việt Nam) không chăm chỉ như người Trung Quốc, và hiệu quả lao động lại thấp, chúng tôi cần 3 đến 5 công nhân Việt Nam cùng trình độ mới bằng năng suất của một công nhân Trung Quốc”. Ngoài ra, thuê lao động Trung Quốc sẽ không gặp những trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa và dễ quản lý hơn.
Tại hầu hết những nước này, lao động Trung Quốc có thể chi tiêu bằng đồng tệ, trao đổi với dân địa phương bằng tiếng mẹ đẻ, giải trí trong những quán xá mọc lên như nấm hầu như chỉ để phục vụ cho người Trung Quốc.
Tại Niberia một quốc gia xa xôi thuộc châu Phi, thậm chí còn có hẳn một đài phát thanh tiếng Trung phủ sóng toàn quốc, chất lượng không thua kém bất kỳ kênh truyền thanh nào. Vấn đề là ở chỗ những tân di dân thường tính chuyện ở lại lâu dài, hết dự án này họ có những dự án khác, và lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, sống đường hoàng hơn ở quê hương, kèm theo đó, phong tục tập quán, ngôn ngữ, những lễ hội của người Trung Quốc cũng được tổ chức linh đình và trở thành một phần văn hóa của địa phương nơi đến. Những tân di dân này rõ ràng đã góp một phần không nhỏ vào việc phổ biến văn hóa Trung Quốc ra bốn phương.
Lấy một ví dụ để thấy rõ hơn sự hiện diện của người Trung Quốc có những ảnh hưởng lớn như thế nào. Nằm ngay biên giới Trung Quốc, đô thị Boten được xác định là đặc khu kinh tế của Lào năm 2002, sau đó đổi tên là thành phố vàng Boten, hiện nay đô thị rộng 20km2 hầu hết thuộc về Trung Quốc, do một công ty Trung Quốc thuê lại trong vòng 30 năm, và có thể mở rộng thời gian thuê thêm 60 năm nữa. Được ca tụng là thành phố quốc tế hiện đại nhất Lào, Boten có kế hoạch xây dựng sân golf, trung tâm hội nghị, chung cư, thậm chí có cả sân bay quốc tế.
Nổi bật trên nền Boten là tổ hợp khách sạn – sòng bài hoàng gia Jinlun nằm bên cạnh trung tâm mua sắm với đầy rẫy những nhà hàng Trung Quốc, đại lý điện thoại di động, cửa hàng miễn thuế và quầy bán hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Người Lào không được phép đánh bạc, song người Trung Quốc có thể đi bộ qua biên giới mà không cần thị thực. Tuy Boten tạo một số việc làm cho dân địa phương, nhưng chủ yếu mang tính phục vụ. Thị trấn này làm việc theo giờ Bắc Kinh, chỉ nhận tiền Trung Quốc. Điện và điện thoại được kéo từ Trung Quốc sang, ổ cắm điện cũng theo chuẩn Trung Quốc. Lượng gái mại dâm qua lại ngày càng nhiều trên phố đều là những người Trung Quốc, bia và thuốc lá cũng thế.
Hiện nay, việc đầu tư vào phát triển sức mạnh mềm là chưa tương xứng so với việc phát triển của kinh tế Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn tập trung ưu tiên phát triển kinh tế lên trên hết, kể cả việc gia tăng sức mạnh mềm cũng chủ yếu là mục tiêu thúc đẩy kinh tế. Theo nhiều nhà phân tích, sức mạnh mềm của Trung Quốc chỉ có thể hấp dẫn được những nước nghèo có nền chính trị độc tài mà không có sức cuốn hút đáng kể đối với thế giới phát triển. Bởi lẽ, những nước thuộc thế giới này thấy rằng bên cạnh một Trung Quốc lỗ lực quảng bá những hình ảnh ra bên ngoài, thì vẫn còn đó một Trung Quốc khác – xét từ giác độ là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” với những bất đồng chính kiến nội bộ, chênh lệch giàu nghèo, tham nhũng, thực phẩm nhiễm độc, và ô nhiễm môi trường trầm trọng… Chiến lược đầu tư và viện trợ ra nước ngoài của Trung Quốc cũng bị chỉ trích là chỉ nhằm lấy được tài nguyên nhiên liệu, đất đai bằng mọi giá, bất chấp những hậu quả về mội trường. Ngay cả những nước châu Phi vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc cũng bắt đầu nghi ngờ và chỉ trích họ.
_______________
1. Mạnh Hiểu Tứ, Trung Quốc – sức hấp dẫn của ngoại giao văn hóa, Nhân dân nhật báo, ngày 11-11-2005.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thái Việt, Ngoại giao văn hóa. Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng, Nxb Chính trị – hành chính, Hà Nội, 2012.
2. Bành Tân Lương, Ngoại giao văn hóa và sức mạnh mềm Trung Quốc: Một góc nhìn toàn cầu hóa, Nxb Giảng dạy và nghiên cứu ngoại ngữ, Bắc Kinh, 2008.
3. Lê Thanh Bình (CB), Giáo trình quan hệ công chúng chính phủ trong văn hóa đối ngoại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013
Tác giả : Nguyễn Thị Thùy Yên
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai