Đồng bào Khơme Nam Bộ chiếm đa số trong khu vực ĐBSCL, tập trung nhiều ở các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, An Giang… Từ bao đời nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khơme đã góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Nam Bộ nói riêng. Nghiên cứu về văn hóa Khơme Nam Bộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy đời sống tinh thần, tâm linh vô cùng đa dạng, đặc sắc, trong đó, nổi bật là vai trò của ngôi chùa, đời sống tín ngưỡng.
1. Vai trò của chùa trong đời sống người Khơme
Phật giáo Nam tông Khơme nằm trong hệ phái của giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có mặt ở ĐBSCL từ rất sớm (vào khoảng TK IV). Đến cuối TK XIX, đầu TK XX đại bộ phận các phum, sóc của người Khơme đều có chùa thờ Phật. Ngôi chùa chính là đặc điểm chủ yếu để ta nhận biết nơi tập trung đông đồng bào Khơme. Chùa Khơme khác với những ngôi chùa của người Kinh, Hoa vùng ĐBSCL ở chỗ kiến trúc, màu sắc mang nét rất đặc trưng, chùa cao, uy nghi, màu sắc tươi sáng, chủ yếu là màu vàng chanh, thường được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ như sao, dầu.
Người Khơme theo Phật giáo tiểu thừa nên họ rất sùng bái, trọng vọng ngôi chùa, các vị sư như chính gia đình thân thiết của mình; bởi lẽ họ quan niệm cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, phía bên kia mới là cõi niết bàn. Ngôi chùa chính là trung gian, là nơi họ có thể gửi gắm niềm tin, nhận được những lời khuyên răn hữu ích cho cuộc sống từ phật pháp.
Có những ngôi chùa được xây dựng từ trước TK XVI nhưng cũng có những ngôi chùa được xây dựng hoặc trùng tu trong TK XX. Tuy có sự khác nhau khá xa về niên đại nhưng vẫn có những nét chung. Đó là sự đồ sộ, uy nghi với nét đặc thù rất tiêu biểu cho lối kiến trúc Khơme truyền thống. Có thể nói, nơi nào có đồng bào Khơme cư trú thì nơi đó có chùa. Ngôi chùa không chỉ là nơi tu hành của các vị sư mà còn là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng, thu hút mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi cùng nhau tiến hành các lễ nghi, sinh hoạt văn hóa, giáo dục. Vì vậy, đối với người Khơme, ngôi chùa tự bao đời nay đã là một thực thể gắn liền với cuộc sống của người dân như hình với bóng. Chính đặc điểm này đã chi phối gần như toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khơme. Hơn thế nữa, ngôi chùa còn là một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, thẩm mỹ rất cao.
2. Phật giáo trong đời sống tinh thần đồng bào Khơme Nam Bộ
Theo phong tục của người Khơme, khi người con trai đến tuổi 12, 13, phải vào chùa tu một thời gian. Việc làm này mang nhiều ý nghĩa: trả hiếu cho ông bà, cha mẹ; thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với dân tộc; tỏ lòng thành kính với đức phật… Các thanh niên này tu tối thiểu ở chùa một tháng, có thể tu lâu dài hoặc suốt đời, tùy theo nhân duyên, căn cơ, ý nguyện của từng người. Sau đó, họ có thể xin ra khỏi chùa, trở lại cuộc sống đời thường bất cứ lúc nào. Họ có thể lập gia đình, làm ăn, tham gia các công việc xã hội. Khi muốn, họ lại có thể xin vào chùa tu một thời gian rồi sau đó lại trở về với gia đình.
Người Khơme ĐBSCL quan niệm rằng bất cứ người con trai nào cũng cần phải qua tu hành một thời gian để trau dồi đạo hạnh, trang bị tri thức, cách sống làm người. Người đã trải qua thời gian tu hành ở chùa được cộng đồng người Khơme nhìn nhận, đánh giá cao, mới dễ lập gia đình, dễ được tiếp nhận làm các công việc xã hội. Quan niệm này ảnh hưởng rất lớn tới người Khơme.
Theo truyền thống, Phật giáo Nam tông Khơme không có người nữ đi tu ở chùa. Tuy nhiên, những người phụ nữ Khơme lại được giáo dục, ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng, đạo đức Phật giáo, thông qua nếp sống của những người đàn ông trong gia đình, thông qua các lễ hội, các buổi nhà sư thuyết giảng giáo lý, nghi thức truyền thống mang đậm nét Phật giáo của dân tộc Khơme: lễ Phật đản, lễ Chôl Chnăm Thmây, lễ Đônta… Dù là lễ của Phật giáo hay lễ dân tộc thì mọi hoạt động này đều gắn liền với các nghi thức tôn giáo, mọi người cùng đến chùa, đọc kinh, thả đèn lồng, có sự tham gia của các vị sư.
Sư tăng Phật giáo Nam tông cũng thụ giới qua các bậc sadi, tỳ kheo, tuy nhiên số lượng giới phải giữ có sự khác biệt. Đối với Phật giáo Nam tông, người thụ giới sadi phải giữ 105 giới; người đã thụ giới sadi được thụ giới tỳ kheo phải giữ 227 giới. Cũng có thể người đi tu nếu không muốn thụ giới tỳ kheo thì có thể giữ ở bậc sadi suốt đời. Người nam đi tu theo Phật giáo Nam tông trên tinh thần tự nguyện, tuy nhiên chỉ được nhận vào chùa, được thụ giới sadi khi đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản. Họ phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng (nếu còn nhỏ). Người nam đã có gia đình muốn vào chùa tu phải được sự đồng ý của vợ; phải là công dân tốt, không trong tình trạng vi phạm pháp luật; phải có thày dẫn dắt, có những vật dụng cần thiết của một nhà sư. Mỗi người con trai Khơme, bất kể thuộc tầng lớp xã hội nào đều phải đi tu để là người có nhân cách, có phẩm chất, đạo đức tốt theo quan niệm của họ. Về nguyên tắc, đi tu từ 12 đến 20 tuổi gọi là để trả ơn mẹ, từ 21 tuổi trở lên là trả hiếu cha. Họ xem việc đi tu vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh dự của cuộc đời. Tu dài hay ngắn, tu vĩnh viễn hay hoàn tục, tùy ý của người con trai.
Trong đời sống hàng ngày, Phật giáo Nam tông thực hành theo giới luật Phật giáo nguyên thủy nên không ăn chay, sống bằng sự dâng cúng thức ăn mỗi ngày của phật tử. Các sư chỉ ăn 2 bữa mỗi ngày, vào buổi sáng sớm, trước 12 giờ trưa. Sau 12 giờ trưa cho đến hết đêm, nhà sư chỉ được uống nước, sữa, trà… Trong năm, nếu bận việc mùa vụ, phật tử không có thời gian rảnh rỗi thì ban quản trị chùa có thể trao đổi với các gia đình phật tử dâng cúng theo từng ngày nhất định, tránh ngày thì quá nhiều, ngày lại quá ít. Nếu tín đồ bận, các sư có thể nhận thực phẩm do các gia đình dâng cúng, đem về chùa nhờ người nấu.
Đối với người Khơme Nam Bộ, các vị sư có vị trí, ảnh hưởng rất lớn. Được coi là đại diện cho đức phật để truyền dạy, giáo hóa chúng sinh, bởi vậy nhà sư luôn là người thày được tôn kính, tin tưởng. Theo truyền thống từ xa xưa của người Khơme ĐBSCL, tuyệt đại bộ phận người dân theo Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông, do đó khi nói đến dân số người Khơme ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc có thể hiểu đó là số lượng phật tử, tín đồ Phật giáo (trừ những vị sư đang tu trong chùa được coi là nhà tu hành). Có thể nói, đời sống thường nhật của đồng bào Khơme, Phật giáo Nam tông Khơme không thể tách rời chùa. Các vị sư đến chùa tu đều là con em của đồng bào dân tộc Khơme, chùa là nơi tu hành của các vị sư sãi, nơi làm lễ của đồng bào, nơi dạy chữ, dạy nghề cho con em của đồng bào dân tộc, là trung tâm văn hóa của dân tộc, bảo tàng lưu giữ các hiện vật từ đồ thờ tế tự, điêu khắc, chạm trổ, ghe ngo (để dùng đua trong các lễ hội dân gian), đồng thời cũng là nơi thờ cúng những người thân khi mất. Sinh hoạt trong gia đình, cộng đồng phum, sóc đa phần đều gắn với tín ngưỡng, triết lý của đạo Phật. Các công việc của gia đình cũng như sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cộng đồng đều có sự tham dự của các vị sư. Đại bộ phận các ngôi chùa đã trở thành nơi hội tụ, điểm đến, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã Khơme Việt Nam Bộ.
Một góc chùa Khơme. Ảnh Lệ Huân
3. Không gian thiêng liêng trong ngôi chùa Khơme Nam Bộ
Trong kho tàng di sản kiến trúc ở ĐBSCL, ngôi chùa Khơme có một vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật, xã hội của nó trong đời sống người dân. Ngôi chùa không những là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hóa lễ hội trong năm. Ngôi chùa như một biểu tượng văn hóa tinh thần, vật chất của dân cư trong khu vực với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo, đặc sắc.
Khu vực ĐBSCL hiện nay có khoảng 600 ngôi chùa Khơme với khoảng 10.620 sư sãi trong khi dân tộc Khơ me chỉ có hơn 1 triệu người; trong đó có rất nhiều ngôi chùa cổ vài trăm tuổi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là điểm thu hút rất nhiều khách du lịch trong, ngoài nước. Trong cộng đồng người Khơme, chùa là bộ mặt, là niềm tự hào, là công trình kiến trúc duy nhất cất giữ, trưng bày các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khơme. Đây là nơi duy nhất lưu giữ, truyền bá những tinh túy trong đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng. Ngôi chùa còn là nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên, nuôi dưỡng điều ước mong của con người đang sống là khi nhắm mắt xuôi tay được nhập tịch vào chùa để sống cuộc đời tiên phật trên cõi niết bàn.
Ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tu luyện, sinh hoạt cộng đồng, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người Khơme, tạo nên một không gian thiêng đặc sắc về văn hóa Nam Bộ. Ngôi chùa là trung tâm tu luyện của các thế hệ thanh niên về đạo đức, lối sống, nhân cách. Các vị chức sắc, sư sãi được nhân dân sùng kính, bởi vì họ là những người trí thức dạy dân học chữ, học nghề, tổ chức cuộc sống cho nhân dân.
Những buổi lễ hội Phật giáo, việc biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt vui chơi, sinh hoạt cộng đồng phum, sóc đều diễn ra ở chùa. Chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, xã hội, thông qua các hoạt động giúp con người sống gần gũi, thân thiện, đoàn kết, có trách nhiệm, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Lễ hội thường kéo dài suốt đêm, trong nhiều ngày, diễn ra nhiều trò chơi, hát múa mang đầy bản sắc văn hóa dân tộc.
4. Kiến trúc độc đáo của chùa Khơme Nam Bộ
Chùa Khơme có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa của bà con Khơme Nam Bộ. Vì vậy, mặc dù đời sống vật chất có lúc túng thiếu nhưng người Khơme vẫn tự nguyện đóng góp để xây dựng ngôi chùa của phum, sóc mình thật khang trang, lộng lẫy.
Mỗi ngôi chùa Khơme thường được xây dựng trên một khu đất rộng, rợp bóng mát của các loài cây cổ thụ, vị trí xây dựng của ngôi chùa thường là nơi được cho là tụ linh khí của đất trời, phải tuân thủ một số nguyên tắc trong triết lý Phật giáo tiểu thừa, cũng như phong tục tập quán của người Khơme.
Chùa Khơme Nam Bộ nói chung đều mang kiến trúc Angkor. Từ cổng nhìn vào, đi qua cầu thang, có 2 cấp sân rộng bao quanh ngôi chính điện được tráng xi măng, mái chùa có 3 cấp, mỗi cấp được chia thành 3 nếp, nếp giữa lớn hơn, 2 nếp phụ 2 bên bằng nhau, không có tháp nóc. Trang trí mặt tường ngoài của chùa là các hình đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng hổ phù, tiên nữ, chim thần Kâyno, chằn Yeak… Nhìn vào lớp hình tượng trang trí này, người ta dễ nhận ra những đặc trưng tín ngưỡng dân gian Bàlamôn – vốn là những tín ngưỡng, tôn giáo có trước đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Khơme.
Mỗi ngôi chùa bao gồm nhiều khu vực kiến trúc như: chính điện, sala, các dãy nhà tăng, nhà thiêu, những tháp để cốt… Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chính điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm, nền cao hơn so với các công trình khác. Chính điện bao giờ cũng quay mặt về hướng đông, vì người Khơme quan niệm đức phật ở hướng tây, quay mặt về hướng đông để cứu độ chúng sinh. Chính điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc trang trí của người Khơme. Tượng đức phật còn được đúc, chạm, khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi. Đó là thể hiện sự đa dạng, phong phú của ý nghĩa đạo đức, vẻ đẹp của đức phật, ở ngôi chính điện còn là nơi tàng giữ của cải quý báu của nhà chùa, dân chúng dâng cúng. Khác với Phật giáo đại thừa thờ nhiều phật, các vị bồ tát khác nhau, Phật giáo tiểu thừa chỉ thờ duy nhất một đức phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, trong gian chính điện của chùa Khơme bài trí khá đơn giản với một bệ thờ. Bệ tượng là một tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ. Trên tòa sen là tượng Phật đặt ở chính giữa.
Một điểm vô cùng đặc biệt trong các ngôi chùa Khơme là những bức bích họa được vẽ kín các mặt tường gian chính điện. Nội dung chủ yếu của những bức tranh tường này là kể lại cuộc đời của đức phật từ lúc sinh ra cho đến khi tu thành đạo hạnh, góp phần giáo dục nên một lối sống thanh sạch, hướng thiện, mang tư tưởng Phật giáo sâu sắc.
Có thể nói, ngôi chùa Khơme Nam Bộ là một tổng hòa các sắc thái riêng của người Khơme. Mặc dù không thể sánh được về mặt quy mô, tính chất hoành tráng với các kiến trúc Phật giáo Ấn Độ hay các đền tháp của người Khơme Campuchia, nhưng lại có những giá trị nghệ thuật được gửi gắm trong hình khối kiến trúc, sự hòa hợp giữa kiến trúc, điêu khắc cùng với những đường nét trang trí tinh xảo đầy ấn tượng. Tất cả tạo nên những nét riêng biệt đặc sắc, góp phần xứng đáng vào kho tàng kiến trúc của các dân tộc Việt Nam.
Việc xây dựng chùa cũng có những nguyên tắc, luật lệ riêng. Đầu tiên là việc chọn địa điểm. Đó là khoảng đất trống, rộng rãi, cao ráo; thường là nằm ở trung tâm phum, sóc. Sau khi chọn được ngày giờ tốt, người ta bắt đầu khởi công. Công trình xây dựng đầu tiên là sala – nhà ăn của sư sãi, cũng là nhà họp, đón tiếp khách thập phương, trong đó có bàn thờ Phật. Tiếp đó là ngôi tháp đựng hài cốt, có kiến trúc đặc biệt, kích thước lớn, nhỏ khác nhau, dựng ở xung quanh chính điện. Kiến trúc của tháp thường giống nhau, gồm 3 phần: chân tháp rộng, hình vuông, có một lỗ nhỏ để hài cốt người chết; thân tháp có nhiều tầng, nhỏ dần từ dưới lên trên; đầu tháp là một mũi nhọn, trên đỉnh có gắn tượng đầu thần 4 mặt, có ý nghĩa cầu xin cho người chết có hài cốt trong tháp hãy đầu thai ở kiếp khác; hoặc những người còn sống hãy sống sao cho đúng với tinh thần Phật giáo là từ, bi, hỷ, xả.
Phật giáo, ngôi chùa đã là một thực thể, một phần đời sống không thể tách rời của đồng bào Khơme Nam Bộ. Dẫu trải qua rất nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, thì những ngôi chùa sừng sững trong vườn cây cổ thụ mãi mãi là nơi chở che, là chốn tìm về của những người con đức phật.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : NGUYỄN VĂN CHUỘNG
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai