NGƯỜI GIỮ HỒN TRƯỜNG CA XA NHÀ CA


Hướng lên trên mở một lần, vào một buổi sáng


Muôn loài sinh ra, mọi thứ sinh ra


Hướng xuống dưới mở một lần, vào một buổi sáng


Muôn vật, nghìn loài chẳng thiếu thứ gì…

Trường ca Xa nhà ca của người Hà Nhì dài hàng đêm kể được mở đầu như thế. Với chất giọng trầm ấm, khỏe khoắn, nghệ nhân Pờ Lóng Tơ trong hàng chục năm qua là người duy nhất trong cộng đồng Hà Nhì ở Việt Nam lưu giữ được gần như nguyên vẹn trường ca này.
Sinh năm 1950 tại bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, Lai Châu, nghệ nhân Pờ Lóng Tơ có nước da ngăm đen của một cụ già miền sơn cước cùng vóc người rắn chắc của một chiến binh. Ông trầm ngâm kể lại huyền tích diệu kỳ của việc lưu giữ trường ca, điều mà không ít người cho là gàn dở.
Xuất thân trong một gia đình thổ ty thời chế độ cũ (đời ông, cha của nghệ nhân Pờ Lóng Tơ đều làm thống lý vùng này), ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp cận với nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những sinh hoạt chỉ những gia đình giàu có, quyền quý mới có thể tổ chức được, trong đó có những đêm hát kể Xa nhà ca.
Xa nhà ca có nghĩa là ở trên xuống. Nội dung của nó phản ánh quan niệm của người Hà Nhì về nguồn gốc vạn vật, cung cách ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Xa Nhà Ca được hát bên mâm rượu ngày tết, do một hay nhiều người thay nhau thực hiện. Trên mâm nhất thiết phải có một con gà và hai chén rượu để dâng cúng tổ tiên cùng các vị thần linh. Nhiều đoạn chính là những bài cúng, bài làm lý trong các nghi lễ thuộc chu kỳ vòng đời người hoặc các hoạt động mưu sinh như cúng khi đốt nương, khi đi săn, khi tiễn biệt người chết. Người hát vừa uống rượu vừa hát, nét mặt lúc vui, lúc buồn, khi thong thả, lúc vội vàng theo từng nội dung cốt truyện. Người hát phải có sức nhớ chi tiết, phải biết hát và có sức khỏe để hát.
         Sống đã gần hết cuộc đời, điều mà nghệ nhân Pờ Lóng Tơ mãn nguyện nhất là đã lưu giữ một vốn văn hóa cổ, quý báu của cha ông. Đó là một bản thuyết minh đầy đủ nhất về sự hình thành vạn vật, phong tục, bài học xã hội và luân lý theo quan niệm của người Hà Nhì. Nhiều năm qua, ông đã nỗ lực hết mình trong việc cộng tác với các nhà sưu tầm, nghiên cứu và các cơ quan chức năng trong việc ghi âm, phiên âm, dịch nghĩa, phát hành ấn phẩm… Nhưng, điều ông mong mỏi là làm sao có được truyền nhân, bởi nếu không làm được như vậy thì chuyện thất truyền Xa nhà ca sẽ là điều tất yếu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 330, tháng 12-2011

Tác giả : Tiểu Phong

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *