Người giữ lửa cho âm nhạc cơ tu


 

        Già A Lăng A Vel (ở thôn Tà Làng, xã Bhalê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) là người duy nhất ở huyện Tây Giang và cũng là người hiếm hoi ở Quảng Nam biết chế tác và biểu diễn tất cả các loại nhạc cụ truyền của người Cơ Tu.

Để biết tất cả 19 loại nhạc cụ của người Cơ Tu, như đàn tơm rech, đàn jưl, abel, khèn a guôch, sáo a buốt, cr’dool (sừng sơn dương), t’hêy (tù và), cr’tooc (sáo), ching (chiêng), gong (cồng), ch’gơl (trống), pr’noóch (thanh la)… ngay từ thời trai trẻ, già đã là một tay chế tác và biểu diễn nhạc cụ nổi tiếng. Với chiếc khèn abel của ông nội, sau buổi phát rẫy trên, về nhà, già tự bắt chước để làm theo. Nhạc cụ đầu tay này của già vẫn được già giữ tới giờ, và lạ, nó lại là một cái khèn tốt nhất của già, luôn gắn bó với già trong những lễ hội, trong những lần thảnh thơi… Cái chất đam mê âm nhạc trong già lại càng tăng lên gấp bội, khi được ông nội mình – cũng là một tay chế tác nhạc cụ nổi tiếng – khuyến khích và bày vẽ cho. Già cũng tự tay mày mò các nhạc cụ để chế tác, rồi cũng học cách thổi khèn thổi sáo. Để bây giờ, nói về nhạc cụ truyền thống của người Cơ tu, không nhạc cụ nào là già không am hiểu tường tận.

Già nói về cái đàn atoong – nhạc cụ gắn bó thân thiết trong đời sống hàng ngày của người Cơ tu: “Với 7 thanh gỗ, mỗi thanh dài khoảng 1m, rộng 20cm, dày 3cm, khung đàn được treo song song trên một giá đỡ, khúc ca nào trầm hùng, rộn rã thì sử dụng đàn này”. Già nói về cây đàn độc đáo nhất của ngươi Cơ tu, đàn Apel: “Đàn này giống đàn nhị của người Kinh, nhưng nối với dây chính lại có thêm một dây phụ, đầu dây phụ có gắn một miếng vỏ trút hoặc một miếng sừng trâu, mài mỏng. Một hoặc hai người chơi cùng một cây đàn cũng được. Nếu một người biểu diễn thì tay kéo đàn, miệng điều chỉnh âm thanh. Còn khi hai người cùng chơi, người thứ hai ngậm miếng vảy trút để tạo nên sự cộng hưởng”.

Già nhớ, trong những đêm trăng, già ra đồi thổi a lướt, gảy a bel, tiếng sao vang vọng núi rừng, tiếng khèn tỉ tê giấc ngủ. Biết bao cô gái say mê già. Từ đó, già Avel cưới 2 cô vợ xinh đẹp của Tà Làng. Cụ bà Trieng Te – vợ của già – giờ đã trên 80 – móm mém cười sau làn khói bếp: “Mình say tiếng khèn ông ấy. Cả làng mê tiếng khèn của ông ấy”.

Ở cái tuổi 89 nhưng vẫn minh mẫn, đôi mắt sáng quắc, đôi chân còn nhanh nhẹn, già bảo có được sức khỏe như vậy cũng do việc thổi khèn, gảy đàn. Thời trẻ, ngoài việc làm nhạc cụ, già cũng lặn lội khắp nơi, qua cả Lào buôn bán chiêng ché, nhạc cụ. Trong căn nhà sàn rộng hơn 10m2 được già A Vel dựng cao chót vót, xếp đầy đủ, ngăn nắp những nhạc cụ truyền thống Cơ tu do già tự chế tác trong hơn 70 năm qua. Hiện giờ, có thể nói, trong bất cứ lễ hội Cơ tu nào ở huyện Tây Giang cũng như Quảng Nam, già đều tham dự biểu diễn. Già cũng đã đi nhiều nơi, như TP.HCM, Tây Nguyên… để biểu diễn. Bây giờ, trong căn nhà sàn kia, lâu lâu lại thánh thót lên tiếng đàn, nhưng tiếng đàn nghe có vẻ lẻ loi lắm.

Nhiều năm nay, tất thảy các làn điệu, những công đoạn chế tác nhạc cụ do già A Vel trình diễn đã được ghi âm và quay phim lại, nhưng chừng đó thôi chưa đủ. Hiện nay, lớp trẻ Cơ tu vẫn không mấy đam mê những nhạc cụ cổ truyền của dân tộc mình. Ngay cả các con của già A Vel, cũng không có ai chế tác hay biểu diễn được bất kỳ một loại nhạc cụ nào. Trong căn nhà sàn nơi thung lũng ấy, một mình già khắc khoải một nỗi lo thất truyền.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013

Tác giả : Mai Thành Dũng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *