Tình cảm của Hồ Chí Minh với miền Nam “trên cái nền tình cảm chung yêu nước, thương dân của Bác thật vô cùng sâu nặng, có thể nói là rất đặc biệt”(1). Những biểu hiện tình cảm ấy được thể hiện suốt từ những năm Người còn bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước đến những năm cuối đời.
Sau Hiệp định Genève 1954, sự chia cắt lãnh thổ là một biểu hiện đau đớn đối với cả dân tộc và đặc biệt đối với Hồ Chí Minh. Tình cảm của Người đối với miền Nam lúc này chính là thể hiện tình cảm, ý chí thống nhất đất nước (2). Rồi trong cuộc chiến xâm lược của thực dân, đế quốc, miền Nam lại là vùng đất Pháp xâm lược đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, kế đến là đế quốc Mỹ với cuộc chiến ác liệt và tàn bạo vô cùng đối với đồng bào miền Nam. Miền Nam luôn đi trước về sau, chịu đựng những gian khổ và hy sinh lớn lao. Vì vậy tình cảm ấy của Người đối với miền Nam chính là thể hiện tình cảm, ý chí độc lập, tự do (3). Suốt 20 năm (1954 – 1974) trong khi miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì phần lớn miền Nam bị chế độ thực dân mới cai trị ngày một tệ hại hơn, nhân dân phải chịu ách áp bức của các thế lực đế quốc xâm lược, tư sản, địa chủ. Tình cảm của Người đối với miền Nam chính là thể hiện tình cảm, ý chí giành quyền dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh (4).
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến đồng bào và chiến sĩ trên chiến trường miền Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Suốt từ những năm giặc Pháp trở lại xâm lược miền Nam Việt Nam, rồi đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục tìm cách phá hoại Hiệp định Genève năm 1954, phá hoại hòa bình ở Việt Nam, muốn biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự xâm lược và thuộc địa Mỹ, tình cảm của Bác Hồ luôn đau đáu nghĩ tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang phải chiến đấu gian khổ, hy sinh chống giặc xâm lược. Trong thư viết năm 1961 gởi ông Kennedy, Tổng thống mới của Mỹ, Người đã viết: “…vì Mỹ mà miền Nam Việt Nam có những tòa án phát xít, những luật lệ bạo ngược, những máy chém lưu động giết người khắp thành thị và thôn quê, có những trại giam khổng lồ giam cầm và tra tấn hàng chục vạn người, giết chết hàng vạn người yêu hòa bình và yêu tổ quốc…”(5).
Cũng vì miền Nam thân yêu, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Mỗi người chúng ta… phải tuyên truyền cho đồng bào miền Bắc hiểu rõ nhiệm vụ của ta phải tham gia sự nghiệp giải phóng miền Nam, vì miền Nam là của nước ta. Phải nói miền Bắc là hậu phương của miền Nam…”(6).
Từ khi về nước lãnh đạo sau bao năm bôn ba, cho đến lúc ra đi, Hồ Chí Minh chưa một lần trở lại miền Nam, nhưng tâm trí Người luôn hướng về đồng bào ruột thịt: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Trong những năm tháng gian khổ, khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Người luôn theo dõi tình hình miền Nam, nóng lòng muốn trở vào miền Nam để được chia sẻ cùng đồng bào, chiến sĩ đang anh dũng chiến đấu với quân Mỹ xâm lược. Cho đến những ngày cuối đời, trong Di chúc, Người vẫn thể hiện niềm khao khát: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(7).
Nhiều người ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long chưa được một lần trực tiếp gặp Hồ Chí Minh, song tên gọi và hình ảnh của Người luôn luôn là biểu tượng cao đẹp nhất của ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Tình cảm của đồng bào các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với Bác Hồ rất sâu sắc. Tình cảm ấy bắt nguồn từ lòng yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết dân tộc và ý thức giai cấp. Chính tình cảm đặc biệt đó đã trở thành động lực vô cùng mạnh mẽ và là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của các phong trào cách mạng…
Hồ Chí Minh qua đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân miền Nam đang diễn ra vô cùng ác liệt. Nghe tin Người mất, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ở miền Nam, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ tổ chức lễ tang theo nghi thức quốc tang, mà còn tiến hành lập bàn thờ tại tư gia, trong lán trại và xây dựng đền thờ (hoặc nhà thờ, phủ thờ)… để tưởng niệm. Nghĩa cử cao quý này diễn ra rộng khắp, không chỉ công khai trong vùng giải phóng và các căn cứ cách mạng, mà còn bí mật hoặc bán công khai trong vùng địch kiểm soát. Có những đền thờ được xây dựng tại những nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt; có những đền thờ được xây dựng lại nhiều lần ngay trên nền cũ hoặc phải dời qua nhiều địa điểm vì sự càn quét, bắn phá hủy diệt của quân thù,… Bất chấp bom đạn của quân xâm lược, vượt qua mọi khốn khó, hiểm nguy, bằng tất cả tấm lòng và sự hy sinh của đồng bào các dân tộc trong vùng, hàng chục đền thờ đã được dựng lên trên vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn được xây dựng bằng vật liệu nhẹ như tre, gỗ, tôn,… nhưng mang nặng nghĩa tình, in sâu trong tâm trí mọi người dân và trở thành huyền thoại.
Đền thờ ở xóm Máng Chim, giáp sông Cái Xép (nay là ấp Cái Xép, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đây là mũi đất cuối cùng ven bờ biển Đông ở cực nam của tổ quốc. Từ Thành phố Cà Mau tới đền thờ phải vượt qua những tuyến đường thủy dài dọc theo sông Gành Hào – kinh Xáng Bảy Háp – kinh Xáng Cái Ngay – sông Cửa Lớn – sông Ông Trang – sông Rạch Gốc – sông Cái Xép, có hai bên bờ là những cánh rừng rậm bạt ngàn.
Đầu tháng 11-1969, đền thờ được bắt đầu khởi công xây dựng. Công việc được tiến hành hết sức khẩn trương và bí mật vì đồn địch đóng ở cạnh bờ sông Ông Trang, cách đó không xa. Đầu tháng 12-1969, đền thờ được hoàn thành. Do ở gần nơi địch đóng quân (đồn Ông Trang) và gần cửa biển, nên địch thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đốt phá, gom dân, nhiều lần đưa quân phá nhưng nhân dân Đất Mũi quyết tâm chống trả, bảo vệ đền thờ an toàn. Nhưng vào khoảng 3 giờ sáng ngày 5-2-1972, một trung đội biệt kích thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa tổ chức đột nhập đền thờ, bắn chết hai người bảo vệ, rồi lục soát và đốt phá đền, xé ảnh Bác Hồ.
Giữa năm 1972, nhân dân Viên An lại khởi công xây dựng đền thờ một lần nữa tại Vàm Roi (thuộc khu vực ngã sáu Cái Mú). Đến năm 1979 đền thờ này được dời ra ấp Cái Mòi, sau đó được chuyển về vị trí thuộc địa bàn trung tâm của xã Đất Mũi hiện nay (8).
Đền thờ ở xóm Ông Bọng, thuộc ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Có thể nói đây là đền thờ được xây dựng sớm nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Từ ngày 6-9-1969, trong khi cùng cả nước làm lễ truy điệu và để tang Người (theo nghi thức quốc tang, 7 ngày), đồng chí Trần Văn Thế, Bí thư Chi bộ ấp Ông Trang (xã Viên An) cùng toàn chi bộ và nhân dân địa phương đã quyết định lập đền thờ. Từ giữa tháng 5-1975, đền thờ được dời về vàm Ông Trang, cũng thuộc ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Năm Căn (ngày 17-10-1984, huyện Năm Căn được đổi thành huyện Ngọc Hiển).
Sự hiện diện của đền thờ đã làm cho quân đội Mỹ cũng như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa rất khó chịu. Chúng tổ chức bắn phá và đưa quân tập kích nhiều lần ở khu vực đền thờ, nhưng đều bị lực lượng quân và dân của ta đẩy lùi, đền thờ vẫn được nhân dân chăm sóc thường xuyên và bảo vệ an toàn. Năm 1990, Đảng bộ và nhân dân xã Viên An đề nghị cấp trên cho phép xã xây dựng lại đền thờ tại Vàm Ông Trang với chất liệu kiên cố hơn, hoàn thành đúng ngày 2-9-1991 (9).
Đền thờ ở Tân Hưng Đông (nay là thị trấn Cái Nước), huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Từ sau khi Người qua đời, đồng bào xã Tân Hưng Đông đã nhiều lần đề nghị cấp ủy địa phương lập đền thờ. Ngày 10-9-1974, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức hội nghị mở rộng 15 ngày tại ấp Cháy, xã Phong Lạc. Sau đó, Đại hội Đảng viên xã Tân Hưng Đông diễn ra từ ngày 3 đến 7-10-1974. Trước khi kết thúc Đại hội, tập thể đảng viên đứng trước bàn thờ, nghe đọc Di chúc của Người và đồng thanh hứa trước vong linh Người quyết tâm giải phóng Chi khu Cái Nước.
Sau khi giải phóng Chi khu Cái Nước, xã ủy Tân Hưng Đông quyết định phát động quần chúng nhân dân và các đoàn thể đóng góp công sức và vật liệu để xây dựng đền thờ ngay trên nền trại giam của địch tại Chi khu Cái Nước. Ngày 5-1-1975, công trình đền thờ được khởi công xây dựng. Đến năm 1984, Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước quyết định trùng tu và nâng cấp ngôi đền (tráng sân, dựng cổng và hàng rào kiên cố bảo vệ hai phía đông bắc và đông nam,…) (10).
Đền thờ ở ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu được xây dựng bên bờ sông Bà Chăng, cách trung tâm tỉnh Bạc Liêu về phía tây bắc chừng 15km theo đường chim bay. Đầu năm 1971, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Lợi về việc xây dựng đền thờ, sau năm ngày khẩn trưong lao động của một số cán bộ và nhân dân xã Châu Thới, toàn bộ sườn đền thờ đã được làm xong, nhưng quân địch từ phân chi khu quân sự Vĩnh Hưng đến vây ráp, bắt ép nhân dân ấp Bà Chăng A tháo gỡ sườn đền thờ và chở vật liệu xây dựng đến nộp tại phân chi khu Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, các chị em phụ nữ đã mưu trí lừa địch, đưa các vật liệu ấy trở lại cất giấu.
Ngày 15-4-1972, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã Châu Thới được triệu tập. Trong Nghị quyết của hội nghị đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành việc xây dựng đền thờ. Lễ khởi công xây dựng đền thờ tại ấp Bà Chăng được tổ chức vào lúc 10g sáng ngày 25-4-1972. Việc thi công xây dựng đền thờ diễn ra trong điều kiện địch bắn phá rất ác liệt, có nhiều lúc phải tạm ngừng. Khi vừa im tiếng bom đạn thì việc xây dựng lại diễn ra bất chấp ngày đêm, đến ngày 19-5-1972 thì hoàn thành (11).
Đền thờ ở xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (nay là Cù Lao Dung), tỉnh Sóc Trăng. Đầu tháng 9-1969, lễ truy điệu Người được long trọng tổ chức. Những người dân sinh sống trên Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã bày tỏ nguyện vọng với cấp ủy địa phương về việc lập một đền thờ trên vùng đất cù lao của mình để nhân dân tưởng niệm và phụng thờ Người. Việc xây dựng đền thờ được giao cho xã An Thạnh Nhì chủ trì. Tập thể thực hiện công trình hạ quyết tâm đến ngày kỷ niệm sinh nhật Người lần thứ 80 (tức vào ngày 19-5-1970) thì hoàn thành. Song song với việc xây dựng là các phương án để bảo vệ đền thờ.
Đến năm 1989, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo huyện Long Phú đã thống nhất kế hoạch trùng tu bằng những vật liệu có tính bền vững hơn như gạch ngói, xi măng, cốt thép,… Qua gần hai tháng thi công (từ ngày 25-4 đến 15-6-1990), đền thờ được xây dựng kiên cố và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người (12).
Đền thờ ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nằm trong vùng căn cứ cách mạng cực tây nam của tỉnh Hậu Giang.
Ngày 3-9-1969, nhân dân xã Lương Tâm lập bàn thờ để tổ chức lễ truy điệu. Sau lễ truy điệu, Đảng bộ xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ quyết định xây dựng đền thờ tại ấp 3, nơi có 2 con kênh Long Mỹ II và Năm Căn giao nhau. Nhưng kế hoạch còn trong quá trình chuẩn bị thì địch phản công, càn quét, bố ráp khốc liệt, nên lãnh đạo địa phương quyết định lấy Văn phòng Đảng ủy xã Lương Tâm làm đền thờ cho đến khi có điều kiện xây dựng đền thờ mới.
Mùa hè 1972, quân đội Việt Nam Cộng Hòa điên cuồng tổ chức nhiều đợt tấn công, càn quét với quy mô lớn trên địa bàn huyện Long Mỹ, trụ sở Đảng ủy xã Lương Tâm và đền thờ bị bom đạn tàn phá nặng.
Năm 1990, đồng bào và Đảng ủy xã Lương Tâm đề nghị với lãnh đạo huyện và tỉnh cho phép xây dựng đền thờ mới có quy mô lớn hơn, khởi công xây dựng vào đầu năm 1995 và hoàn thành vào ngày 19-5-1996, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 106 ngày sinh của Người (13).
Đền thờ ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cách trung tâm thị xã Trà Vinh 5km theo hướng tây bắc.
Đầu năm 1970 (có tài liệu ghi là cuối năm 1969), Đảng bộ thị xã Trà Vinh đã triển khai quyết định xây dựng đền thờ tại ấp Vĩnh Hội, nơi được xác định là cái nôi cách mạng của xã Long Đức, và giao cho thị xã Trà Vinh cùng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Ngôi đền được khởi công xây dựng vào ngày 10-3-1970, nhưng công việc xây dựng đền thờ bị gián đoạn nhiều lần do quân địch liên tục hành quân càn quét, ném bom, bắn pháo vào khu vực này. Vì vậy, phải đến ngày 26-1-1971 (nhằm vào 30 tết âm lịch), đền thờ chính thức được khánh thành. Sau khi ngôi đền được khánh thành, binh lính Việt Nam Cộng Hòa đánh phá quyết liệt. Ngày 10-3-1971, quân địch đưa một tiểu đoàn hỗn hợp có trực thăng yểm trợ, tấn công, liều mạng ồ ạt xông vào dùng xăng thiêu đốt đền thờ, sau đó liên tục đưa quân đến vây ráp và càn quét, nhằm quyết tâm ngăn chặn nhân dân ở nơi đây xây dựng lại đền thờ.
Nhưng đồng bào và chiến sĩ xã Long Đức quyết tâm xây dựng lại đền thờ ngay trên nền đền thờ cũ. Trải qua một thời gian dài chiến đấu giằng co với địch, ngày 22-1-1974, đền thờ một lần nữa được khánh thành.
Năm 1980, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh quyết định trùng tu, tôn tạo khu di tích đền thờ. Trong những năm qua đền thờ luôn được chính quyền và nhân dân tỉnh chăm sóc, nâng cấp khang trang, góp phần đền đáp những hy sinh mất mát mà đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu trong suốt thời gian chống quân xâm lược, giành độc lập cho tổ quốc, cũng như đã anh dũng bảo vệ đền thờ cho đến ngày hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước (14).
Sự hiện diện của đền thờ, phủ thờ Hồ Chí Minh trong kháng chiến có ý nghĩa thách thức với cuộc tấn công chống phá của kẻ thù, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân và chiến sĩ cách mạng hăng say chiến đấu và giành chiến thắng. Ngày nay, các đền thờ, phủ thờ là những di tích lịch sử cách mạng, điểm du lịch tham quan, sinh hoạt văn hóa bổ ích, trường học cách mạng cho các thế hệ nối tiếp của hôm nay và mai sau.
Giờ đây, nếu ai có một lần về thăm đền thờ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thắp một nén nhang tưởng nhớ Hồ Chí Minh, nghe những câu chuyện chứa chan tình cảm, cùng sự ngưỡng mộ, kính trọng của người dân nơi đây kể lại mới thấy hết ý nghĩa câu hát: Người sống mãi trong lòng miền Nam.
_______________
1, 2, 3, 4. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM, Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Nxb Mũi Cà Mau, 1998, tr.8, 9, 10.
5, 6, 7. Bùi Anh Tuấn, Trần Cao Kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam ruột thịt, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.396, 668, 808.
8, 9, 10. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM và tỉnh Cà Mau, Hồ sơ tài liệu về đền thờ Bác Hồ tỉnh Cà Mau, TLLT, 2003.
11. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM và tỉnh Bạc Liêu, Hồ sơ tài liệu về đền thờ Bác Hồ tỉnh Bạc Liêu, TLLT, 2003.
12. Bảo tàng Hồ Chí Minh – TP.HCM và tỉnh Sóc Trăng, Hồ sơ tài liệu về đền thờ Bác Hồ tỉnh Sóc Trăng, TLLT, 2003.
13. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM và tỉnh Cần Thơ, Hồ sơ tài liệu về đền thờ Bác Hồ tỉnh Cần Thơ, TLLT, 2003.
14. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM và tỉnh Trà Vinh, Hồ sơ tài liệu về đền thờ Bác Hồ tỉnh Trà Vinh, TLLT, 2003.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014
Tác giả : Nguyễn Thị Đức
Bài viết cùng chủ đề:
Định hướng giá trị yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay
Hồ chí minh – người khai sinh danh nhân văn hóa thời hiện đại
Ngoại giao văn hóa trong chính sách phát triển của việt nam