1. UNESCO và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) được thành lập ngày 16-11-1945 với mục đích “góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng của tất cả các nước về công lý, pháp luật, quyền con người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo mà Hiến chương Liên hợp quốc đã công nhận đối với tất cả các dân tộc”(1). Là tổ chức trí tuệ lớn của Liên hợp quốc, UNESCO có các chức năng: thử nghiệm các ý tưởng về những vấn đề quan trọng đang phát sinh trong lĩnh vực của mình, từ đó định dạng những chiến lược và chính sách; soạn thảo và xác lập các quy chuẩn đạo đức, chuẩn mực và tri thức; tạo dựng năng lực cho các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin; và xúc tác quan hệ hợp tác quốc tế.
Trong lĩnh vực văn hóa nói chung, di sản văn hóa vật thể nói riêng, Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (sau đây gọi là Công ước) được Đại hội đồng các quốc gia thành viên thông qua vào năm 1972, đã trở thành một trong những dấu ấn nổi bật có ảnh hưởng sâu rộng nhất của UNESCO trong việc bảo tồn di sản. Đây là Công ước duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên.
Theo quan điểm của UNESCO, di sản văn hóa và thiên nhiên thuộc nhóm những di sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc, mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu biến mất, do xuống cấp hoặc thất thoát, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới. Trong số đó, có những di sản, với những tính chất vô cùng đặc biệt của chúng, được coi là có Giá trị nổi bật toàn cầu và vì vậy xứng đáng được bảo vệ đặc biệt để chống lại những nguy cơ ngày càng lớn mà chúng đang phải đối mặt.
Kể từ khi được thông qua, cộng đồng quốc tế đã luôn đề cao khái niệm phát triển bền vững trong đó việc bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên là một nội dung quan trọng. Công ước được đánh giá cao với tư cách là một diễn đàn quốc tế rộng mở và bình đẳng để các nhà văn hóa, các nhà khoa học từ các quốc gia thành viên có thể tự do tranh luận, trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa cũng như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên của quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại. Đặc biệt, Công ước được các nước thành viên tiếp cận như là một loại khung pháp lý để hình thành mạng lưới chung của một mô hình quản lý mang tính quốc tế ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc huy động nguồn lực của các chính phủ, các cộng đồng cư dân địa phương cho việc bảo tồn, giới thiệu và truyền lại cho đời sau những di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu. Việc quản lý, bảo vệ các di sản thế giới ngày càng được nâng cao và đạt được những thành công vượt bậc. Tính đến tháng 12-2013, đã có 190 quốc gia trên thế giới phê chuẩn Công ước, đồng thời 981 di sản của 160 quốc gia đã được UNESCO ghi vào Danh mục di sản thế giới với các giá trị nổi bật toàn cầu, trong đó có 759 di sản văn hóa, 193 di sản thiên nhiên và 29 di sản hỗn hợp giữa văn hóa và thiên nhiên.
Có thể thấy rõ những mục tiêu lớn của Công ước là: nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với tư cách là nguồn vốn văn hóa quan trọng cho phát triển bền vững, phương tiện giao lưu, đối thoại văn hóa và hội nhập quốc tế; Khẳng định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc thiết lập cơ chế chính sách, khung pháp lý và mô hình quản lý di sản; đề cao và tôn vinh cộng đồng cư dân địa phương với tư cách chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu, người hưởng thụ và cũng là nguồn nhân lực quan trọng bảo vệ di sản; khuyến khích hợp tác quốc tế, phối hợp liên quốc gia, liên ngành trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Tạo cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình thực thi Công ước tại các quốc gia thành viên.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra trong Công ước, UNESCO đã thiết lập và thực thi một mô hình quản lý các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được xem là có tính hợp lý cao, với đầy đủ các cơ quan, bộ phận chức năng, nhằm triển khai các hoạt động mang tính đồng bộ, có yêu cầu cao về mặt khoa học, đồng thời tạo ra sự bình đẳng trong toàn bộ các quyết định liên quan tới vấn đề bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở các quốc gia thành viên trên toàn thế giới, bao gồm:
Hội đồng các Quốc gia thành viên Công ước Di sản Thế giới (The General Assembly of States Parties to the World Heritage Convention, hiện nay gồm đại diện của 190 quốc gia thành viên của Công ước).
Ủy ban Di sản Thế giới (The World Heritage Committee): gồm 21 thành viên do Hội đồng các Quốc gia thành viên Công ước bầu ra.
Ban Thư ký của ủy ban Di sản Thế giới (The Secretariat to the World Heritage Committee) còn gọi là Trung tâm Di sản Thế giới (World Heritage Centre): có trách nhiệm hỗ trợ và cộng tác với các quốc gia thành viên và các Cơ quan tư vấn.
Các Cơ quan tư vấn cho ủy ban Di sản Thế giới gồm có: Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Bảo tồn và Trùng tu Di sản Văn hóa (International Centre for the Study of the Preservation and Restoration of Cultural Property – ICCROM), Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (International Council on Monuments and Sites – ICOMOS), Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources – IUCN).
2. Giới thiệu tổng quát về Ủy ban Di sản Thế giới
Ủy ban Di sản Thế giới bao gồm 21 thành viên, nhóm họp ít nhất mỗi năm một lần (vào tháng 6 hoặc 7). Ban Thường trực do ủy ban này lập ra sẽ gặp nhau trong các phiên họp của Ủy ban khi cần thiết. Nhiệm kỳ của các thành viên Ủy ban là 6 năm, nhưng để đảm bảo tính công bằng trong việc bầu và luân phiên đại diện các nước, ủy ban khuyến khích các Quốc gia thành viên xem xét tự giảm nhiệm kỳ của mình xuống còn 4 năm và không khuyến khích việc ứng cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Hiện nay, 21 quốc gia thành viên thuộc Ủy ban Di sản Thế giới gồm: Nhật Bản, Ấn Độ, Malaisia, Serbia, Algeri, Đức, Colombia, Qatar, Senegal (nhiệm kỳ 2011 – 2015) và Việt Nam, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Croatia, Hàn Quốc, Kazakhstan, Philippine, Peru, Lebanon, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Jamaica (nhiệm kỳ 2013 – 2017).
Chức năng chính của ủy ban là cùng với các quốc gia thành viên Công ước:
Xác định các di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu cần được bảo vệ theo Công ước để công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (VHVTNTG) trên cơ sở Danh sách đề cử dự kiến và các đề cử do các quốc gia thành viên đệ trình.
Khảo sát tình trạng bảo tồn của các di sản có tên trong Danh sách di sản thế giới thông qua các cơ chế giám sát, phản hồi và báo cáo định kỳ.
Quyết định xem nên đưa di sản nào trong danh sách di sản Thế giới vào hoặc ra khỏi danh sách di sản thế giới đang bị đe dọa.
Quyết định xem có cần thiết loại bỏ một di sản nào đó khỏi danh sách di sản thế giới hay không.
Đưa ra một quy trình yêu cầu hỗ trợ quốc tế và tiến hành các nghiên cứu, khảo sát cần thiết trước khi đưa ra quyết định.
Tìm hiểu phương án tối ưu nhằm sử dụng nguồn quỹ di sản thế giới một cách tốt nhất trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên trên lãnh thổ quốc gia họ.
Tìm cách thu hút thêm tài chính cho quỹ di sản thế giới.
Nộp báo cáo hoạt động 2 năm 1 lần cho Đại Hội đồng các quốc gia thành viên Công ước và cho Hội nghị toàn thể các quốc gia thành viên của UNESCO.
Rà soát và đánh giá định kỳ việc thực hiện Công ước.
Bổ sung, chỉnh sửa và thông qua hướng dẫn thực hiện Công ước.
Các quyết định của ủy ban đều dựa trên những suy xét khách quan và khoa học, và bất kỳ đánh giá nào chính thức từ ủy ban đều được thực hiện một cách cẩn trọng và trách nhiệm. ủy ban khẳng định các quyết định đó dựa trên: các hồ sơ, tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, các quy trình đánh giá nhất quán và đầy đủ, các đánh giá của chuyên gia có uy tín, và nếu cần, tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Công ước, Ủy ban đưa ra những mục tiêu chiến lược, được xem xét định kỳ và thay đổi nhằm xác định được những mục đích và mục tiêu chung của Ủy ban và đảm bảo rằng những mối đe dọa đối với các di sản VHVTNTG sẽ được xử lý một cách hiệu quả. Các mục tiêu chiến lược hiện nay (còn gọi là 5C) bao gồm:
Tăng cường uy tín (credibility) của danh sách di sản thế giới.
Đảm bảo bảo tồn (conservation) hiệu quả các di sản thế giới.
Khuyến khích phát triển nâng cao năng lực (capacity building) ở các Quốc gia thành viên.
Nâng cao nhận thức, thu hút sự tham gia và ủng hộ của người dân đối với di sản thế giới thông qua truyền thông (communication).
Tăng cường vai trò của cộng đồng (communities) trong việc thực hiện Công ước.
3. Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên Ủy ban Di sản Thế giới
Có thể nói, Ủy ban Di sản Thế giới là Ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của UNESCO có quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới việc công nhận các di sản VHVTNTG, đánh giá tình trạng bảo tồn các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định về chủ trương, đường lối, cũng như định hướng phát triển của Công ước,… Nhận thấy việc tham gia ủy ban Di sản Thế giới là mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã chính thức phúc đáp đề nghị của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đề cử PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đại diện cho Việt Nam ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới (giai đoạn 2013-2017).
Để thực triển khai nhiệm vụ, trong gần 2 năm qua, Cục Di sản văn hóa đã tích cực, chủ động cùng Cục Hợp tác quốc tế và các Cục, Vụ liên quan của Bộ phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ban Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris (Bộ Ngoại giao) xây dựng Chiến lược quảng bá hình ảnh của Việt Nam trong việc đóng góp vào sự nghiệp phát triển của UNESCO, Công ước, cũng như trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản VHVTNTG; thành lập Nhóm thành viên đại diện của Việt Nam ứng cử ủy ban Di sản Thế giới (2).
Nhờ có sự hợp tác chặt chẽ đó, cùng với việc tích cực chuẩn bị công tác giới thiệu, quảng bá về năng lực, chuyên môn của Việt Nam, ngày 19-11-2013, ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Hội nghị toàn thể lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước (gồm 169 nước) đã chính thức tín nhiệm bầu Việt Nam là một trong 21 thành viên của ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2013 – 2017). Điều này cho thấy vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về lĩnh vực quản lý, bảo vệ các di sản VHVTNTG đã được thế giới đánh giá rất cao.
Việt Nam tham gia Công ước từ năm 1987 và đến nay đã có 7 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, tuy nhiên, phải sau 26 năm sau, Việt Nam mới lần đầu tiên được bầu vào ủy ban quan trọng này. Để có được thành công này, cũng cần phải khẳng định rằng, trong suốt những năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của các di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn nhân loại. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hội thảo, tập huấn quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ di sản. Vì vậy, đến nay Việt Nam đã sở hữu một đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản, có đủ năng lực để đảm trách được các nhiệm vụ chuyên môn khi tham gia là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới.
Tuy nhiên, việc trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới cũng đặt ra những trọng trách, nhiệm vụ lớn lao mà chúng ta cần thực hiện đầy đủ trong nhiệm kỳ 4 năm từ tháng 11-2013 đến tháng 11-2017:
Tham gia đầy đủ vào các cuộc họp của ủy ban Di sản Thế giới tổ chức hàng năm, như: kỳ họp thường niên của ủy ban Di sản Thế giới (tháng 6 – 7 hàng năm); kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO (tổ chức hai năm/lần vào tháng 11 các năm lẻ); các cuộc họp chuyên gia của các cơ quan tư vấn của UNESCO là ICCROM, ICOMOS, IUCN về những vấn đề cần thiết có sự tham gia, quyết định của các thành viên Ủy ban Di sản Thế giới (tổ chức từ 2 – 3 lần/năm).
Thẩm định để có ý kiến đối với hồ sơ đề nghị công nhận là di sản VHVTNTG của 160 quốc gia thành viên Công ước Di sản Thế giới (từ 40 – 50 hồ sơ/năm). Thời gian thẩm định tập trung từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm (trước kỳ họp thường niên của Ủy ban Di sản Thế giới).
Thẩm định để có ý kiến đối với các báo cáo trả lời khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới về công tác bảo tồn di sản của gần 1.000 di sản VHVTNTG trên toàn cầu (thông thường khoảng trên 100 báo cáo/năm).
Nghiên cứu các chủ trương, định hướng của UNESCO đối với Công ước, đặc biệt là các quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước thường xuyên sửa đổi, bổ sung, để đưa ra chính kiến, sáng kiến của Việt Nam nhằm tạo ra sự bình đẳng trên toàn cầu, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của Công ước, đồng thời đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong mọi hoạt động có liên quan.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nói trên, đồng thời khẳng định sự hội nhập đầy đủ của Việt Nam tại diễn đàn quốc tế quan trọng này, trong thời gian tới chúng ta cần khẩn trương:
Xây dựng Đề án Việt Nam tham gia ủy ban Di sản Thế giới giai đoạn 2013 – 2017 làm cơ sở để triển khai, thực hiện hiệu quả tư cách thành viên của một ủy ban chuyên môn quan trọng bậc nhất tại UNESCO.
Thành lập tại Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) nhóm chuyên gia tư vấn cho đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Di sản Thế giới” để thẩm định các hồ sơ đề cử di sản VHVTNTG; thẩm định các báo cáo tình trạng bảo tồn của các di sản VHVTNTG của quốc gia thành viên Công ước đệ trình tới UNESCO; nghiên cứu các chủ trương, định hướng của UNESCO đối với Công ước, đặc biệt là các quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước.
Tăng cường tham gia vào các hoạt động của UNESCO như các hội nghị, hội thảo, tập huấn về lĩnh vực bảo tồn di sản thế giới do UNESCO, ICCROM, ICOMOS và IUCN tổ chức để quảng bá về hình ảnh của Việt Nam đối với các hoạt động bảo tồn di sản thế giới.
Nghiên cứu việc tổ chức các hội thảo, tập huấn về di sản VHVTNTG với sự tham dự của các quốc gia trong khu vực tại Việt Nam.
Xúc tiến việc thành lập ủy ban ICOMOS Việt Nam và tham gia là thành viên của tổ chức ICOMOS quốc tế.
Tăng cường công tác đào tạo cán bộ về chuyên môn và ngoại ngữ, đặc biệt là cho Nhóm Đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Di sản Thế giới.
_______________
1. Constitution of the United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization, Basic texts, p.7, UNESCO Paris, 2004.
2. Nhóm thành viên đại diện của Việt Nam ứng cử Ủy ban Di sản Thế giới bao gồm: PGS, TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn ghóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia và Ths Nguyễn Viết Cường – cán bộ Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014
Tác giả : Nguyễn Viết Cường
Bài viết cùng chủ đề:
Định hướng giá trị yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay
Hồ chí minh – người khai sinh danh nhân văn hóa thời hiện đại
Ngoại giao văn hóa trong chính sách phát triển của việt nam