Nguyễn văn vĩnh với báo chí tiếng việt đầu tk xx


Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 30-4 năm Nhâm Ngọ (15-6-1882), tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội, nguyên quán làng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông con nên bố mẹ ông phải bỏ quê ra Hà Nội kiếm sống. Tám tuổi ông làm nghề kéo quạt ở trường thông ngôn của Pháp mở tại đình Yên Phụ. Năm 11 tuổi nhờ chăm chỉ và ham học ông được Hiệu trưởng D’Argence đồng ý cho dự thi tuyển vào lớp thông ngôn tập sự ngạch Tòa công sứ, niên khóa 1893-1895. Ông đỗ thứ 12 trong số 40 học sinh, rồi đỗ thủ khoa vào 13 tuổi và được tuyển làm phiên dịch của Tòa công sứ Lào Cai, Tòa công sứ Hải Phòng, sau lại làm thông ngôn ở Tòa công sứ Bắc Giang (từ 1902-1905).

Ngoài công việc chính ở Tòa công sứ, Nguyễn Văn Vĩnh còn là cộng tác viên của hai tờ báo tiếng Pháp: Courrier de Hai PhongTribune Indochinoise của Schneider. Chính nhờ những hoạt động năng nổ này mà Nguyễn Văn Vĩnh được viên Công sứ Bắc Giang Hauser tuyển làm thư ký riêng. Cho nên khi Hauser được cử về làm Đốc lý Hà Nội, ông cũng đưa Nguyễn Văn Vĩnh về theo.

Đầu TK XX, tình hình thế giới có nhiều biến đổi: phong trào “châu Á thức tỉnh” nổi lên; Nhật thắng Nga trong chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905). Ở trong nước phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân phát triển rầm rộ. Trước tình hình này, sau khi được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương P.Beau nhận thấy cần cải cách nền giáo dục Việt Nam để có thể theo kịp được những biến động xã hội, đồng thời chú ý đến các công việc từ thiện nhằm xoa dịu sự phản kháng của nhân dân trước chính sách của chính quyền thuộc địa. Toàn quyền P. Beau giao nhiệm vụ cho Đốc lý Hauser trực tiếp vận động và giúp đỡ người Việt làm đơn và thảo điều lệ xin phép lập các trường, các hội, rồi dịch ra tiếng Pháp để đệ trình lên Phủ thống sứ. Nguyễn Văn Vĩnh được Hauser tín nhiệm và giao cho đảm trách toàn bộ công việc này. Chính vì vậy, Nguyễn Văn Vĩnh là sáng lập viên của các hội, các trường được thành lập ra lúc bấy giờ như: Hội Trí Tri ở 59 phố Hàng Quạt; trường Đông Kinh Nghĩa Thục thành lập năm 1907 ở phố Hàng Đào; Hội dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt đi sang Pháp học trung, đại học và kỹ thuật, cùng nhiều trường, nhiều hội khác…

        Năm 1906, Pháp mở Hội chợ thuộc địa tại Thành phố Marseille. Đốc lý Hauser được giao tổ chức gian hàng Bắc Kỳ. Ông đã tin tưởng và giao cho Nguyễn Văn Vĩnh tất cả công việc từ thu thập sản phẩm hàng hóa, thiết kế trưng bày đến tuyển thợ đi Marseille dựng gian hàng. Đồng thời, ông được giao quản lý luôn gian hàng Hội chợ thuộc địa từ tháng 3 đến tháng 8-1906, khi đó ông mới 24 tuổi.

Hội chợ thuộc địa kết thúc, Nguyễn Văn Vĩnh ở lại Marseille một tháng, được Đốc lý Hauser đưa thăm nhà in và báo Revue de Paris, Nxb Hachette, Nxb Từ điển Larousse.

 

       Sau khi về nước, ông xin nghỉ việc và cùng với một người Pháp tên là Dufour thành lập nhà in. Ông cùng với Phan Kế Bính dịch và xuất bản hai tác phẩm đầu tiên là Tam QuốcTruyện Kiều. Trong Lời tựa của cuốn Truyện Kiều ông đã đưa ra câu nói nổi tiếng: “Nước Nam ta mai sau này hay hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”. Câu nói này đã trở thành lời kêu gọi của các nhà truyền bá chữ quốc ngữ đầu TK XX, nó được in trên tất cả các bìa sách do nhà in của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản. Đồng thời, đây cũng là mục đích trong suốt cuộc đời làm báo và xuất bản của ông. Từ đó, Nguyễn Văn Vĩnh chuyển hẳn sang nghề làm báo và xuất bản. Ông đã quyết định “tự cách tân” mình, bỏ búi tó, khăn xếp, bỏ áo dài, mặc quần áo theo kiểu Âu, đội mũ cát két, cắt tóc ngắn, đi giầy da, dùng xe môtô mang từ Pháp về. Năm 1907 là năm đầu tiên ông thực sự bước vào làng báo với nhiều bút danh khác nhau như: Tân Nam Tử, Đào Thị Loan, V, Bản Quán… tùy theo từng thể văn.

 

 

          Bên cạnh đó, ông cũng là hội viên rất tích cực của hai hội lớn là Trí Tri và Khai Trí Tiến Đức. Song song với công việc mà cả cuộc đời ông say mê kể trên, ông còn tham gia hoạt động chính trị, làm Ủy viên Hội đồng Thành phố Hà Nội khi mới 25 tuổi (1907), trong nhiều khóa liên tiếp làm hội viên Hội đồng Tư vấn Bắc kỳ (tức Viện Dân biểu) từ năm 1913, và thành viên của Đại Hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương (cơ quan tư vấn tối cao về kinh tế của Chính phủ Liên bang Đông Dương). Ông còn tham gia Hội Nhân quyền Pháp tại Việt Nam và Hội Tam điểm Quốc tế.

 

         Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người Việt Nam đầu tiên tiếp nhận văn hóa Âu Tây và tích cực truyền bá vào Việt Nam, mở màn cho việc phát triển báo chí tiếng Việt, một nghề hoàn toàn mới đối với người Việt Nam đầu TK XX.

        Ông chính thức làm chủ bút tờ Đăng cổ tùng báo số ra đầu tiên ngày 28-3-1907, thay cho tờ Đại Nam đồng văn nhật báo. Tờ Đăng cổ tùng báo chỉ tồn tại được 9 tháng, đến ngày 14-11-1907 thì ngừng hẳn. Sau đo, ông chủ trương ra tờ báo tiếng Pháp Notre Journal (1908-1909). Một năm sau vào năm 1910 ông lại ra tờ Notre Revue nhưng cũng chỉ tồn tại được 12 số, và cùng năm đó, ông làm chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn ở Sài Gòn.

         Đầu năm 1913, ông ra Hà Nội làm chủ bút tuần báo Đông Dương tạp chí, số đầu ra ngày 15-5-1913. Năm 1915 ông kiêm làm chủ bút luôn cả tờ Trung Bắc tân văn. Từ đây, tờ Đông Dương tạp chí chỉ chuyên về những bài đại luận, bài văn chương, bài sư phạm, còn những bài thời sự và tạp luận thì chuyển hết sang tờ Trung Bắc tân văn. Cả 3 tờ báo tiếng Việt mà Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút đều do một người Pháp là Schneider sáng lập (1). Năm 1919 tuần báo Đông Dương tạp chí một lần nữa được đổi thành Học báo vẫn do ông làm chủ nhiệm. Học báo là chuyên san về những vấn đề sư phạm, nhằm giúp các giáo viên dạy tốt và đặt ra phương pháp mới để dạy chữ Quốc ngữ. Cùng năm, ông mua lại tờ Trung Bắc tân văn và cho xuất bản nhật báo. Đây là tờ nhật báo đầu tiên ở Bắc Kỳ trong lịch sử báo chí Việt Nam. Năm 1931, ông cho ra tờ báo tiếng Pháp Annam Nouveau (An Nam mới). Ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho tới năm 1936. Trong 30 năm tròn ông vừa là một cây bút viết một cách say mê trong tất cả mọi lĩnh vực, vừa là người quản lý nhà xuất bản.

       Trong 30 năm làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết một khối lượng bài viết khổng lồ thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại, đăng trên các báo do ông làm chủ nhiệm, chủ bút hoặc trên nhiều tờ báo ra cùng thời. Điều đặc biệt của Nguyễn Văn Vĩnh là ông có thể viết một lúc nhiều thể loại báo chí khác nhau mà vẫn đưa được vào trong các tác phẩm của mình sự uyên bác, thông tuệ của một người trí thức mẫn cảm với thời cuộc: “…viết luôn một bài xã thuyết cho báo l’Annam nouveau, thảo một bức thư cho viên toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng “Tê Lê Mạc phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện thống sứ Pháp “có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được”, miễn là ông tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngưng chống nhà vua”(2).

        Với bút danh Tân Nam Tử, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết nhiều bài nghị luận về các vấn đề khác nhau đăng ngay từ những số đầu tiên của tờ Đăng cổ tùng báo như: Tại người hay tại đất? (thói lười biếng dẫn tới nghèo đói) số 2; Thói tệ (nói về lối sống thờ ơ không quan tâm đến nhau trong các đô thị), số 6; Phận làm dân (kêu gọi người dân thực hiện quyền bầu người đại diện trong nghị viện), số 17; Chết về gạo(về sự độc canh cây lúa mà dân vẫn đói), số 26; Hội Kiếp Bạc (về thói mê tín buôn thần bán thánh ở các đền chùa), số 28. Ngay số 2 trên Đông Dương tạp chí Nguyễn Văn Vĩnh đã có bài Học hành (nói về thói học vẹt, không sáng tạo trong tiếp thu kiến thức); Luận về việc du học (nói về sự vần thiết phải cử người đi du học nước ngoài), số 30… Trong những bài nghị luận của mình, bên cạnh những luận điểm, dẫn chứng để so sánh, phân tích các vấn đề nêu ra. Ông còn “nhìn thấy trước” các vấn đề trong xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề ông đặt ra đến nhiều thập kỷ sau, thậm chí hàng trăm năm sau người Việt Nam vẫn phải đối mặt. Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ dừng lại ở việc đưa ra được những vấn đề xã hội mà ông còn đi sâu phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, thực trạng và quan trọng hơn ông còn đưa ra các giải pháp để hạn chế các mặt tiêu cực của những hiện trạng đó. Chính sự phân tích khách quan, khoa học cộng với tầm nhìn xa của một người làm báo khiến cho các bài báo nghị luận của ông có sự bền vững của thời gian.

         Tuy nhiên, Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ viết những bài nghị luận, mà còn tham gia viết rất nhiều chuyên mục khác nhau với nhiều giọng điệu phù hợp với từng chuyên mục. Đồng thời, giữ vai trò là chủ bút, ông có đóng góp rất lớn trong lịch sử báo chí Việt Nam những năm đầu TK XX, khi luôn chủ động thay đổi nội dung tờ báo hoặc mở ra những chuyên mục riêng với phong cách, giọng điệu rất riêng, phù hợp với tâm lý và thị hiếu của người đọc trong từng thời kỳ. Và mỗi chuyên mục riêng đó, ông đều viết với ngữ điệu khác nhau khiến người đọc dễ tiếp thu, tiếp nhận những ý kiến, tư tưởng mà nhà báo muốn truyền đạt như chuyên mục Nhời đàn bà, và một loạt bài Xét tật mình… được đăng trên Đăng cổ tùng báoĐông Dương tạp chí.

        Hầu hết các bài trong mục Nhời đàn bà trên cả Đăng cổ tùng báo (20 bài) và Đông Dương tạp chí (53 bài) đều không có tựa đề riêng mà chỉ gộp chung lại trong mục Nhời đàn bà và đều ký tên Đào Thị Loan. Các bài trong mục Nhời đàn bà bàn đến mọi vấn đề, mọi góc cạnh trong đời sống của người phụ nữ: từ chuyện mang thai, nuôi dạy con, chăm sóc chồng con, trang phục, vệ sinh, nữ công gia chánh, đối nhân xử thế… Giọng điệu trong các bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh ở mục này đã mở ra hơi hướng của thể loại báo chí phiếm đàm (hoặc phiếm luận, nhàn đàm…) trên báo chí quốc ngữ sau này. Nhiều bài viết trong mục Nhời đàn bà đã tiến đến gần hình thức của những tiểu phẩm báo chí. Với việc viết đều kỳ cho mục Nhời đàn bà, Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những nhà báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam đảm nhiệm công việc viết chuyên mục dài ngày trên một tờ báo. Mặc dù được viết trong cả khoảng thời gian dài nhưng mỗi bài viết của ông luôn có nội dung mới, hấp dẫn người đọc. Nghiên cứu những bài viết nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh trên các tờ báo tiếng Việt, có thể nhận thấy một văn phong rất riêng, đặc thù cho một thể loại báo chí nghị luận. Đây là đóng góp rất lớn của Nguyễn Văn Vĩnh với việc phát triển báo chí tiếng Việt. Báo chí Việt Nam sau này đã có sự thừa hưởng thành quả mà Nguyễn Văn Vĩnh đã vô tình hay hữu ý để lại .

         Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh còn là người đi tiên phong viết về thể loại phóng sự. Hai phóng sự Từ triều đình Huế trở về Một tháng với những người đi tìm vàng (đang viết dở thì ông qua đời) được đăng trên tờ L’Annam nouveau, tuy chưa hẳn đã là những hình mẫu chuẩn mực của phóng sự nhưng rõ ràng đây là những bài đầu tiên mang đậm dấu ấn thể loại phóng sự mà nhiều nhà báo sau này đã vận dụng và tiếp tục sáng tạo trong nền báo chí tiếng Việt.

        Bên canh đo, với vai trò là chủ bút Đông Dương tạp chí, ông đã cho đăng rất nhiều công trình dịch thuật của các tác phẩm văn chương đặc sắc của nước ngoài. Ban thân ông cũng dịch tất cả các thể loại, không chỉ riêng tiếng Pháp mà cả chữ Hán, chữ Nôm, và dịch ngược từ chữ Nôm ra chữ Pháp, nổi tiếng nhất là Truyện Kiều. Tìm hiểu các công trình dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Đông Dương tạp chíTrung Bắc tân văn, ta thấy có sự thay đổi đáng lưu ý. Lúc đầu ông thường thiên về dịch các tác phẩm học thuật tư tưởng của các bậc danh sĩ nổi tiếng nước Pháp như Emile Zola, Pascal. Nhưng dần về sau, ông chuyển sang dịch tiểu thuyết và hài kịch. Có lẽ, ông muốn thu hút nhiều người đọc báo hơn, vì đọc tiểu thuyết và hài kịch thường gây lôi cuốn hơn đọc tư tưởng triết học. Những tác tác phẩm dịch tiểu thuyết, văn xuôi, thơ… của Nguyễn Văn Vĩnh giúp cho người dân Việt Nam hiểu biết những tư tưởng mới, những điều hay của phương Tây và phương Tây cũng qua những tác phẩm dịch ngược của ông mà biết được nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam và phương Đông. Do đó, có thể khẳng định Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người đầu tiên bắc chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông và Tây. Đây là đóng góp rất lớn của Nguyễn Văn Vĩnh với nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền báo chí nói riêng những năm đầu TK XX.

         Những năm cuối đời, Nguyễn Văn Vĩnh gặp nhiều khó khăn trong công việc báo chí, xuất bản lẫn trong chính trường. Từ năm 1930 trở đi, ông đã nợ Ngân hàng Đông Dương rất nhiều tiền nên chính quyền thuộc địa Pháp buộc ông phải lựa chọn một trong ba con đường: vào Huế làm quan Thượng thư; vào tù, đày biệt xứ. Cuối cùng, ông đã chọn phương án thứ ba là đi biệt xứ sang Lào tìm vàng về trả nợ, để bảo vệ nhân cách của mình, đồng thời ông cũng muốn qua chuyến đi này có thể khảo sát thêm và có điều kiện tiếp tục viết báo. Nhưng ông đã chết trong lần thứ hai đi tìm vàng trên dòng sông Sêbăngghi, trên một chiếc thuyền độc mộc, trong người không có lấy một đồng xu, nhưng trên tay vẫn đang cầm một quản bút và một bài phóng sự đang viết dở Một tháng với những người đi tìm vàng, mà mấy bài đầu ông gửi về đăng trên tờ Annam Nouveau. Ông mất vào ngày 1-5-1936.

        Nguyễn Văn Vĩnh lúc đầu gặp nhiều hạn chế về học hành, nhưng bù lại ông lại có một trí thông minh tuyệt vời. Bằng nỗ lực cá nhân, ông đã vươn lên và trưởng thành một cách nhanh chóng. Nguyễn Văn Vĩnh là người mở đầu và có đóng góp rất lớn cho một ngành mới trong những năm đầu TK XX: ngành báo chí, mà bây giờ rất phát triển và quan trọng. Đồng thời ông cũng mở đầu cho một nghề mới: nghề in ấn và xuất bản. Nghề này, được phát triển nhanh chóng và trở thành nghề tối quan trọng không thể thiếu được ở các quốc gia văn minh. Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người khởi đầu cho các thể loại như thơ mới, truyện ngắn, tiểu thuyết mà đến những năm 1930-1945 đạt đến đỉnh cao và giai đoạn này đã ghi được một nét sâu đậm trong đời sống xã hội và lịch sử của đất nước. Đồng thời, ông còn là người khơi nguồn và cổ động nhiệt tình cho một loại hình nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ đối với dân tộc Việt Nam lúc đó là kịch nói và điện ảnh. Về văn hóa ông đóng góp rất lớn trong việc truyền bá văn hóa phương Tây vào Việt Nam thông qua hoat đông dịch thuật. Những tác phẩm của ông để lại, theo thống kê của con cháu ông, có đến hàng ngàn cuốn sách viết, dịch và hàng vạn bài báo bằng tiếng Việt, tiếng Pháp. Có thể nói, cho đến ngày hôm nay cái tài viết của ông gồm đủ các thể loại, với nội dung phong phú từ viết tin, dịch thơ, phóng sự, khảo cứu, dịch tiểu thuyết, dịch hài kịch… ít ai vượt qua được. Một khối lượng khổng lồ làm ra trong vòng có 30 năm (1906-1936), quả thật đáng kính nể và là những tài liệu quý.

        Cụ Hoàng Đạo Thúy, một trí thức yêu nước người Hà Nội đã nhận xét: “Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những thông ngôn đầu tiên giỏi tiếng Pháp, có học thức, tinh khôn, tài hoa, lại có óc kinh doanh. Vĩnh rất hăng hái trong việc truyền bá chữ quốc ngữ… Sau Nguyễn Văn Vĩnh kinh doanh nghề in, cải tiến nhà in, ra được nhiều sách đẹp, lại làm việc kinh doanh nữa. Đã kinh doanh thì va ngay vào các quyền lực tài chính của thực dân Pháp và bị đè bẹp” (3). Khi ông mất, rất nhiều bậc danh tiếng thời đó như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Tố… đã gửi tới viếng ông những câu đối, trướng, liễn với biết bao tình cảm tiếc thương và kính trọng.

_______________

1. Schneider ban đầu làm việc trong xưởng in của Nhà nước, sau đứng ra mở nhà in riêng. Ông là một trong những thầy dạy người Việt Nam đầu tiên bước chân vào nghề làm báo và nhà in.

2. Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2001, tr.81-82.

3. Hoàng Đạo Thúy, Người và cảnh Hà Nội, Nxb Hà Nội, 1982, tr.242.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009

Tác giả : Nguyễn Thị Lệ Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *