Con người không có rễ,
nó có hai bàn chân
B.BRECHT
Hoàng Ngọc Hiến hiện nay, cũng như một vài người khác ở ta như Hữu Ngọc, Dương Tường…, khó mà phân định được là nhà gì: nhà triết, nhà phê bình, nhà dịch thuật hay cứ tổng gọi là nhà… văn hóa? Thời đại khai minh khiến cho một số người có thực tài nhìn đâu cũng thấy cần phải khai quang. Họ trở thành nhà bách khoa bất đắc dĩ là vì vậy. Nhưng thời nào cũng có những con người dao pha, đa năng đến mức thành đa di năng.
Tôi gặp anh Hiến vào năm 1971, tại Hà Nội, trong Hội nghị Văn học so sánh. Tuy chưa hiểu lắm những gì người ta thảo luận, nhất là ai là ai?- những người tham gia thảo luận ấy, nhưng tôi cứ cảm tưởng rằng anh Hiến là người cả giọng (Vo ves’golos – tên một bài thơ của Maia) trên diễn đàn. Anh như một Maia của lý luận phê bình chăng? Nhớ lại năm 1967, những buổi tối lang thang cùng Nguyễn Đăng Mạnh trên cánh đồng Thanh Miện, nơi khoa Nga Đại học Sư phạm Ngoại ngữ sơ tán, anh Mạnh thường kể cho tôi nghe về Nguyễn Tuân, và về Hoàng Ngọc Hiến, bạn anh. Chả là năm ấy, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười, anh Hiến có cho in bản dịch trường ca Tốt lắm! Anh Mạnh bảo, Hiến nó có chất Maia, ngang bướng, thích nổi loạn. Anh còn khoe anh được anh Hiến gọi là Julien Sorel, nhân vật chính của Đỏ và đen. Kể từ khi nghe và thấy đó, anh Hiến trong tôi đã là một nhân vật. Bởi vậy, sau 1981, khi ra quân để tái hòa nhập vào xã hội giao tiếp, tôi bao giờ cũng dõi theo anh. Và đặc biệt nghĩ về anh như một ca, thậm chí một đại ca, của làng phê bình văn học Việt Nam đương đại.
Sinh năm 1930, Hoàng Ngọc Hiến vẫn thuộc về lớp người chót được đào tạo trong nhà trường Pháp – Việt (mà về sau một số người trong đó, mỗi khi cần lên mặt với cánh hậu sinh local chúng tôi, vẫn thường tự khu biệt mình là formation francaise). Anh học Thiên Hựu (Providence), một trường Công giáo nổi tiếng ở Huế. Bởi thế, anh sớm có một vốn hiểu biết cơ bản về văn hóa phương Tây, đặc biệt một đầu óc tư biện. Hoàng Ngọc Hiến “phát hiện” ra mình vào đêm trước của Cách mạng tháng Tám, khi ở nhà quê trông nom mẹ ốm, đọc được cuốn sách giáo khoa triết học của linh mục Lahr (1). Sau Bốn nhăm, anh học Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng rồi làm giáo viên cấp 2, cấp 3. Rồi dạy đại học. Thấy mình được đãi ngộ chỉ thuần vì học thức, anh mơ hồ nhận ra rằng con người ta có thể tiến thân bằng học thuật. Việc được gửi đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh càng củng cố thêm cảm nhận này. Bởi thế, sang Liên Xô, với anh, không phải để “lấy quan điểm lập trường” như số ít bấy giờ, hoặc để “làm kinh tế” như số đông sau này, mà để học thật. Vấn đề còn lại là xây dựng học thuật trên lớp màu Xô Viết hay cả trên nền móng Nga cổ điển. Nghiên cứu sinh Liên Xô bấy giờ, phần lớn đi vào văn học Nga – Xô Viết. Hoàng Ngọc Hiến cũng không ngoại lệ. Khi luận án viết xong, chỉ phải chỉnh sửa đôi chút về quan điểm thì có lệnh ở “nhà” sang là mọi lưu học sinh đều phải về nước để học tập. Hoàng Ngọc Hiến phải về đợt một. Anh một mặt xin về đợt hai, mặt khác lên khoa làm ầm lên để khỏi phải sửa cho kịp bảo vệ. “Xì căng đan” thanh công, nhưng anh trở thành một “nguyên tử bị đánh dấu”. Tấm bằng của anh, quả thật là một bằng chứng học thuật. Và, căn bản học thuật của anh, tôi nghĩ, bập bênh trên hai nhịp mạnh: tinh thần nổi loạn của Maia và lối tư duy kinh viện Xô Viết.
Như vậy, có thể nói, Hoàng Ngọc Hiến là người được đào tạo một cách chính quy, bài bản để trở thành trí thức hàn lâm. Đến đây tôi bỗng hiểu vì sao, trong lời bạt cho Tuyển tập Nguyễn Đăng Mạnh, anh lại gọi bạn mình là trí thức bình dân, không hề có ý khinh thị, mà chủ yếu muốn chỉ ra một hiện tượng xã hội học của trí thức Việt Nam, mà anh Mạnh là một gương mặt khá tiêu biểu. Đó là những người có xuất phát điểm thấp, nhưng bằng ý chí và nghị lực, vẫn chinh phục được những chuẩn nào đó trong đời sống và nghề nghiệp, như học vị, học hàm và danh hiệu các loại. Còn việc anh Hiến gọi anh Mạnh là Julien Sorel hẳn vì quý cái ham muốn chinh phục đó ở bạn mình, và ở kiểu trí thức này.
Lịch sử văn hóa Việt Nam đã từng có những loại hình trí thức như trí thức Phật học, trí thức Nho học, trí thức Tây học. Và giờ đây là trí thức cán bộ. Không theo sự phân loại này, anh Hiến đề xuất khái niệm trí thức bình dân trong sự đối lập với trí thức hàn lâm. Với học vấn phổ cập, với văn hóa quần chúng, với nghệ thuật phong trào thì nhân vật chính của thời đại chúng ta (tên tiểu thuyết của Lermontov) ắt phải là người trí thức bình dân. Có điều, anh Mạnh hơn người khác không phải ở chỗ anh đạt được hầu hết các danh vọng, mà biết mình là trí thức bình dân, nên luôn nỗ lực “vượt khung trí thức bình dân”. Điều này hẳn là lý do sâu xa, thậm chí vô thức, khiến anh Mạnh, dù tính cách khác hẳn anh Hiến, vẫn thân thiết với anh Hiến đến như vậy. Nhưng cũng có điều hẳn cả anh Hiến lẫn anh Mạnh không ngờ là trong cảnh ngộ bao cấp tư tưởng, kể cả tư tưởng học thuật, thì người tự đào tạo, kẻ bên lề chính quy, lại dễ có được thành công học thuật hơn. Từ cạnh khía này mà nói, anh Hiến, vốn là người rất mả trong việc nắm bắt tinh thần thời cuộc, lại đang vận động về phía trí thức bình dân. Và, cái cách thành công của anh rõ ràng không phải là cách của trí thức hàn lâm.
Tuy nhiên, biết bao người được học hành tử tế như, thậm chí hơn, Hoàng Ngọc Hiến, nhưng không trở thành một người như anh. Hẳn họ thiếu một tố chất quan trọng, chất Hoàng Ngọc Hiến. Cần cù và có tính mục đích cao thì đó là sản phẩm chung của thổ người xứ Nghệ. Liệu có phải đặc trưng riêng của Hoàng Ngọc Hiến là chủ nghĩa độc đáo? Hay lỳ lợm? Có lẽ người làm phê bình ở Việt Nam ít nhiều cũng buộc phải lỳ lợm? Anh Hiến hẳn là một người lỳ được đánh số. Một thứ lỳ dựa trên sự thông minh, sắc sảo, cần cù và gàn bướng.
Sau vụ “văn học phải đạo”, Hoàng Ngọc Hiến rơi vào một vùng khí áp thấp. Hàng ngày anh phải trốn đến Thư viện Quốc gia. Tòa cổ thư ngày ấy còn chưa có nạn sinh viên đến chiếm chỗ học nhờ, nên hoàn toàn vắng lặng. Ngồi trước trang chữ, bên chiếc bàn lim trăm tuổi, cách sự ồn ào phường phố cả một sân bàng cổ thụ, đây có lẽ là nơi ẩn náu lý tưởng. Đọc sách, với anh, vừa là để củng cố một phong cảnh nội tâm sau bão, vừa là để dịch (và lược) thuật kiếm tiền. Trước anh, những Trần Đức Thảo, Trần Dần, Lê Đạt… cũng đều đến đây để kiếm sống, và để qua chữ ngoại được tiếp xúc với thế giới ngoại chữ.
Ngày nào cũng vậy, suốt mười năm trời, anh Hiến đi thư viện từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Chị Nga, vợ anh, ở nhà phải buôn bán thêm giấy vụn, rồi đi giao thuốc tây để nuôi hai cháu ăn học. Trong cảnh ấy, người đàn bà nào mà chẳng ỉ eo. Anh Hiến mặc. Anh cứ lẳng lặng làm việc của anh, như một triết gia, không biết gì đến đời sống “trần tục” của những người thân xung quanh. Anh buộc mọi người phải chấp nhận anh như đã là, đang là, và sẽ là. Có điều, may cho anh, chị Nga, không như những người đàn bà khác, phàn nàn thì phàn nàn vậy thôi, hoặc phàn nàn để đánh tiếng cho người ta biết mình đang khổ nạn, chứ chắc chẳng bao giờ chịu buông cây thánh giá mà mình đang cõng trên lưng.
Con đường học thuật của Hoàng Ngọc Hiến có thể chia thành 3 giai đoạn: kỳ đầu nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga – Xô Viết ở Đại học Sư phạm Vinh; kỳ giữa làm phê bình văn học Việt Nam ở Trường Viết văn Nguyễn Du; kỳ cuối, khi đã nghỉ hưu, dịch và giới thiệu minh triết phương Đông. Dĩ nhiên, đường biên của các giai đoạn này không rạch ròi một cách hành chính, mà xen canh gối vụ. Đó cũng không phải là một phương án sống quen thuộc, trẻ Nho già Lão, của các cụ đồ ta, mà là những bước chân có ý thức của một người trí thức đương đại.
Chọn Maia làm đối tượng nghiên cứu, một mặt phù hợp với tư chất Hoàng Ngọc Hiến, mặt khác cũng là theo dòng tư tưởng bấy giờ. Ai cũng biết, Maia đã từng là tấm gương tư tưởng và nghệ thuật, là ví dụ tuyệt vời cho sự hợp nhất của cách mạng xã hội và cách mạng thơ ca, của các nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt. Dịch thơ và viết sách về cuộc đời và sự nghiệp Maia dường như Hoàng Ngọc Hiến muốn tiếp tục con đường dang dở của các nhà Nhân văn. Tuy thời buổi bấy giờ đã khác, nhưng Maia vẫn còn phù trợ được cho những người sùng mộ ông. Bởi lẽ, dù ngoài Đảng, Maia vẫn là người Cộng sản, một kiểu cộng sản ngoài đảng như nhà thơ tự nhận. Thế rồi, chính tính nhị phân này, ở Maia và ở cả người sùng bái ông, đã chỉ ra giới hạn của nhận thức đương thời. Dễ hiểu khi thấy sự đổi mới vào thời Đổi mới của anh Hiến chỉ dừng lại ở Bến bờ của Bondarev (2).
Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi dường như cũng đủ cho sự nhận diện văn học Việt Nam đương đại và thổi một luồng gió mới cho những cây bút trẻ thời tiền Đổi mới. Hoàng Ngọc Hiến bắt chết hiện trạng văn học bao cấp này bằng những định ngữ thần tình như chủ nghĩa hiện thực phải đạo, nền văn học dương tính… Người đọc bấy giờ đang sống trong bầu khí khô hạn đón nhận ngay lập tức cơn mưa kịp thời (cập thời vũ) này. Hoàng Ngọc Hiến, quả thực, cũng là một thứ Tống Giang cho những bút mới như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh.
Tuy nhiên, khi văn học đã bước qua lời nguyền, thì ngọn bút phê bình Hoàng Ngọc Hiến dường như cũng trễ tràng. Anh quay sang dịch, tổ chức dịch và viết giới thiệu những cuốn sách triết học ứng dụng của Francois Julien, một giáo sư người Pháp giảng dạy triết học Trung Hoa. Anh đã biến Julien thành một “hiện tượng” trong sinh hoạt trí thức ở Việt Nam. Làm thời thượng hóa vấn đề minh triết. Thậm chí, một trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng lấy tên là Minh triết Việt. Như vậy, từ một người yêu thích lý luận phương Tây, anh Hiến chuyển sang ca ngợi phê bình ấn tượng/giảng văn Hoài Thanh như một thứ phê bình siêu lý luận, rồi ngưỡng mộ Julien như một người phương Tây có công phát hiện lại cho dân chúng Việt Nam về minh triết phương Đông.
Đến đây, nhìn lại hành trình học thuật của Hoàng Ngọc Hiến, ta thấy anh có sự vận động, đổi thay, thậm chí đổi ngược. Từ Liên Xô về Việt Nam, từ Tây sang Đông, từ lý luận về tiền/siêu lý luận. Có lần, biện luận cho chủ trương “xê dịch” học thuật của mình, anh Hiến đã mượn lời B.Brecht nói rằng con người không nên bén rễ, mọc rễ, cắm rễ ở một chỗ, mà phải luôn di chuyển vì nó có hai bàn chân (3). Có thể, còn phải đi nhiều nước, qua nhiều miền văn hóa nữa. Nghĩa là phải thay đổi; thay đổi để khỏi mọc rễ, đúng hơn, mục rễ. Nhưng dù bình bồng thế nào đi nữa, thì ở anh Hiến vẫn có một phương thức không thay đổi. Nó trở thành sợi chỉ đỏ xâu chuỗi các công việc khác nhau của anh: đó là mọi hoạt động học thuật của Hoàng Ngọc Hiến, xét cho cùng, chủ yếu là sự truyền bá tri thức, tức học để thuật. Có điều, anh ít khi thuật một cách đủ đầy, có tính hệ thống, kể nội dung, mà thường chỉ tóm lấy một luận điểm nào đó, ấn tượng nhất, đẩy đến cùng cực, rồi diễn giải nó, phần nhiều theo ý mình, bằng các ví dụ bản thổ. Nhưng chính sự chống lại lược thuật một cách hệ thống, chống lại lối tư duy kinh viện kiểu con tằm ăn lá dâu rồi nhả ra tơ… này lại tạo ra sự độc đáo Hoàng Ngọc Hiến.
Làm học (và) thuật, dường như anh Hiến đã phản bội lại thiên tư lý luận của mình. Hoặc, như anh vẫn tự hào, biết đi giữa triết và văn: làm triết ở trong văn, làm văn ở trong triết. Có thể, ở Việt Nam, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, làm lý luận thực sự là rất khó, cả ở điều kiện “tiên thiên” (người Việt không thích hoặc không có khả năng lý thuyết), lẫn “hậu thiên” (lĩnh vực lý thuyết luôn được coi như một đặc quyền của quyền uy chính trị). Hơn nữa, làm lý luận đòi hỏi sự dài hơi, dám trồng cây lâu niên. Liệu có thể vì thế mà anh chuyển sang công việc ngắn hạn hơn, phục vụ nhu cầu trước mắt, mang tính khai minh cho sinh viên và bạn đọc số đông. Nhưng ở vào thời buổi cũng đang cần đến những nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống, những chuyên gia dám cắm rễ sâu vào một lĩnh vực, để đến được mạch ngầm, điều không phải ai cũng làm được, thì sự “chạy làng” của Hoàng Ngọc Hiến là một phao phí. Có thể, đấy là sự hy sinh của anh, như mọi nhà khai minh khác bắt đầu từ Trương Vĩnh Ký. Cũng có thể đơn giản chỉ do óc thực tế, tùy thời của anh. Hẳn vì thế mà các sách dịch, hoặc sách lược thuật của Hoàng Ngọc Hiến thường là các sách loại hai, hoặc sách đọc ở cấp độ hai. Tức không phải sách của những nhà lập thuyết như Bakhtin, Lotman, Foucault, mà những người diễn giải họ, hoặc những nhà nghiên cứu tầm trung khác. Tác phẩm phổ thông hóa của họ dễ hơn với con người Việt Nam tầm thước. Vấn đề nội dung, kể cả khi viết nội dung, đã rơi vào tình trạng “thường thường bậc trung” như vậy, thì tâm lực anh Hiến dồn cả vào hình thức diễn đạt.
“Trong 5 năm học ở Liên Xô – anh Hiến viết – điều quan trọng nhất tôi học được là trong văn học, khâu quan trọng nhất, khâu cuối cùng là viết, và trong viết văn quan trọng nhất là đặt câu. ở phương Tây, thời gian gần đây, nói đến văn học (litérature), người ta thường nhấn mạnh đến phương diện “viết văn” (écriture). Trường Viết văn Nguyễn Du được thành lập có sự mô phỏng Học viện Văn học Gorki (của Liên Xô). Rất may là chúng ta không bắt chước cách đặt tên, chúng ta không gọi là trường văn học…, mà đặt tên là trường viết văn… và đặt câu. Những nhận xét của ông thầy tôi về bản thảo luận án chung quy lại là đánh giá câu: câu này tốt, câu này hay, câu này kém, câu này bẹt, câu này trẹo lôgíc, câu này lười biếng”.
Câu văn anh Hiến, quả thực, không hề lười biếng, ăn sẵn. Nó găm vào óc người ta, làm tổ ở đấy mà sinh sôi nảy nở. Nó đẩy một ý tưởng nào đó đến cực hạn, trở thành vô lý. Nó được thể hiện bằng những từ ngữ ấn tượng, khiêu khích, thậm chí gây hấn. Nó xây nên hình ảnh một người phát ngôn thông thái, độc đáo và khả tín. Hãy xem, anh phân biệt hai loại người bằng từ có và là: “Mâu thuẫn trong “cõi người ta” là mâu thuẫn giữa “có” và “là”. Có thể có vợ nhưng không là một người chồng, có thể có con nhưng không là một người cha, có thể có học hàm nhưng không là một người thầy, có thể có học vị nhưng không là một trí thức… có thể có tất cả nhưng không là gì cả”. Thực ra, những lời có cánh, những câu điểm huyệt như trên của Hoàng Ngọc Hiến không chỉ là hình thức diễn đạt nữa, nó còn là nội dung, một nội dung rộng được cảm nhận thật sâu, trở thành nhức nhối, cho đến khi nó bật ra, thốt lên với một hình thức sẵn có như vậy. Bởi thế, nó được cả xã hội nồng nhiệt đón nhận.
Xã hội Việt Nam, cho đến tận giờ, chưa bao giờ trút bỏ được tâm thức huyền thoại. Hẳn do sự tồn tại quá đát của các cộng đồng làng xã, của một xã hội đóng kín. Lịch sử Việt Nam, vì thế, luôn trở thành huyền thoại, còn huyền thoại Việt Nam thì lại sẵn sàng trở thành lịch sử. Có điều ngày nay, trong xã hội hiện đại, sự huyền thoại hóa sự thật và sự thật hóa huyền thoại đó thường tồn tại dưới dạng giai thoại. Vì thế, ở ta, bất kỳ một nhân vật nổi tiếng nào bao giờ cũng nổi lên trước hết bằng giai thoại. Và, anh ta tạo ra giai thoại bao nhiêu thì giai thoại cũng tạo ra anh ta bấy nhiêu. Anh Hiến đã từng rất nổi tiếng với câu nói: “Dắt một con bò sang Liên Xô nó cũng đỗ phó tiến sĩ”, hoặc giai thoại anh dám tranh cãi với Timôphiev, tác giả bộ kinh văn Những nguyên lý lý luận văn học, quyền uy một thời cả ở Liên Xô lẫn Việt Nam, và nhất là ở Việt Nam. Với tâm thức này thì rồi có khi mọi tác phẩm sẽ qua đi chỉ những giai thoại quanh tác phẩm còn ở lại. Ít người biết Trần Đức Thảo viết gì, nhưng dường như ai cũng biết ông đã từng tranh luận với Sartre (4).
Hoàng Ngọc Hiến, dường như một cách vô thức, nắm bắt rất giỏi cái tâm thức này và khai thác nó một cách triệt để. Những câu điểm nhãn trước đây của anh như “hiện thực phải đạo”, “văn học dương tính”, “văn học bước qua lời nguyền”, “kể nội dung và viết nội dung”… sẽ dễ dàng dựng dậy số đông, và bằng bia miệng, nó cầm chắc thọ hơn những cuốn sách dày cộp. Còn bây giờ, khi đề cao minh triết phương Đông, anh đã đánh trúng tâm lý những người đương chán ngấy những lý thuyết duy lý và duy ý chí cực đoan, xơ cứng, và đáng lẽ đi tìm một lý thuyết khác nhu thuận hơn, thì lại muốn thoái lùi về tình trạng tiền lý thuyết.
Câu nói của anh Hiến: “Cái nước mình nó thế!” là một câu nói đầy minh triết. Khác với triết học, minh triết không cần lý trí, không cần hệ thống, không có lịch sử. Nó chỉ là nó, ở đây và bây giờ. Vì thế ai cũng thấy câu nói ấy đúng mà không cần phải chứng minh, giải thích gì cả. Người ta vận dụng nó một cách tự nhiên nhi nhiên vào mọi trường hợp của đời sống. Giữa đường gặp sự bất bình, người ta tặc lưỡi: “Cái nước mình nó thế!”. Đứng trước một hiện tượng phi lý, đáng lẽ phải tìm hiểu, lý giải và tìm cách thay đổi nó, thì người ta lại thốt lên: “Cái nước mình nó thế!”. Câu nói này nhanh chóng trở thành cửa miệng. Nói ra là giải quyết xong mọi vấn đề, lương tâm lại yên ngủ. Anh Hiến không phải là không thấy rõ hạn chế của minh triết, nhưng thay vì xóa bỏ thì anh lại lợi dụng chính cái hạn chế đó để làm việc của mình.
Với hai bàn chân của mình, anh Hiến đã di chuyển nhiều trong cả không gian địa lý lẫn không gian học thuật. Tuy nhiên, ít nhất với tôi, mảnh đất anh để lại dấu chân đậm và to hơn cả là phê bình văn học. Không phải chỉ để lại “một vài chữ” như anh thường nói với niềm tự hào không thèm giấu, mà quan trọng hơn, lại cũng là ít nhất với tôi, một lối phê bình nổi loạn, tuy xét kỹ nó vẫn thuộc phạm trù phê bình ấn tượng. Trong nội bộ hệ hình phê bình bị quy định bởi lề lối tư duy kinh viện Xô Viết thì phê bình Hoàng Ngọc Hiến là yếu tố nổi loạn nhất, có vẻ như chống lại hệ thống, nhưng do bản chất ấn tượng (phát biểu, nhận định, điểm nhãn, siêu lý luận) của nó, cho nên dù bao giờ cũng ở mép rìa của hệ thống, mà không bao giờ thắng được sức hút của nó, để văng ra ngoài, gia nhập một hệ thống khác, tạo nên cuộc cách mạng hệ hình.
_______________
1. “Đây là cuốn sách giáo khoa triết học dùng cho học sinh Pháp ban tú tài triết, tác giả là linh mục Lahr”. Hoàng Ngọc Hiến cho biết, và anh tâm sự thêm: “Một kinh nghiệm tâm đắc của tôi là trên đường học tập nghiên cứu may mà “vớ” được một cuốn sách hay thì đọc thật kỹ, không tiếc công sức. Căn cốt của học thuật một người tóm lại là những cuốn sách hay được đọc kỹ” (“Con người không có rễ, nó có hai bàn chân”, Ngày nay, số 11-2005.).
2. Nhà văn Nga – Xô Viết, thuộc giai đoạn văn học sám hối, các tác phẩm Bến bờ, Trò chơi, Tuyết bỏng được dịch ra tiếng Việt và được bạn đọc bấy giờ đón nhận. Hoàng Ngọc Hiến đã gặp Bondarev và viết giới thiệu nhà văn này rất nồng nhiệt.
3. Xin xem tlđd ở chú thích 1.
4. Theo tài liệu tự thuật của Trần Đức Thảo (Cao Việt Dũng dịch từ tiếng Pháp) thì J.P.Sartre gặp ông chỉ để trao đổi chứ không hề có tranh luận. Nhưng, có lẽ, “mặc cảm thuộc địa” hoặc “mặc cảm nhược tiểu” đã nâng nó lên thành tranh luận triết học. Các giai thoại về “đối đáp” giữa sứ ta với người Tàu, hoặc huyền thoại về “lưỡng quốc trạng nguyên”, “lưỡng quốc tiến sĩ” hẳn cũng nằm trong dòng tâm lý này.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009
Tác giả : Đỗ Lai Thúy
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ