Lê lộng, vị khai quốc công thần người mường


Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với chiến thắng oanh liệt (1418-1427) đã đưa lịch sử Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Xã hội Đại Việt bước vào một thời mới, tiếp tục phát triển để dần trở thành một triều đại thịnh trị nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam.

Trong các bộ sử lớn của dân tộc, việc ghi chép các khai quốc công thần thường chỉ được dành một phần rất khiêm tốn, vì vậy việc tìm hiểu sâu về thân thế và sự nghiệp của họ là một việc làm hết sức cần thiết nhằm nhận thức rõ ràng hơn sự thật cũng như hiện thực khách quan đã từng diễn ra trong lịch sử dân tộc.

Trong chuyến nghiên cứu điền dã vừa qua thật may mắn, tôi biết được tin một số công nhân nhà máy Đường Lam Sơn đi mua nhiên liệu mía đã phát hiện một tấm bia đá. Tấm bia được ông Lê Văn Mừng người dân làng Như Áng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa tìm thấy khi đi khai hoang ruộng trồng mía ở địa phận khu đồi đất thuộc làng Lam Sơn, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Tấm bia đã được đưa về bảo vệ tại văn phòng nhà máy Đường Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Qua nghiên cứu phân tích, có thể thấy đây là một tấm bia cổ có giá trị, chứa đựng nhiều thông tin quý. Hai mặt bia ghi chung một nội dung. Bia có kích thước cao 40cm, rộng 40cm dầy 5cm, các đồ án họa tiết trang trí mang phong cách Lê sơ. Bia không có trán mà được tạo tác theo kiểu giá văn bằng gỗ có cắt hai góc phần trên bia tạo thành hình lục lăng. Diềm đỉnh, diềm đáy và diềm biên chạm hoa văn hình sin tựa như dây cúc leo, có các đao xoắn ngược chiều nhau ở mỗi bán cung. Phần trán bia khắc sáu chữ theo kiểu chữ Triện: Thụy Cung Vũ chi thạch bi làm tên bia. Loại bia này có cùng phong cách với bia Đại Việt Đường Vương chi mộ(1) thời Hồng Đức hiện dựng ở xã Thọ Minh huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Bia do Nguyễn Trực (2), đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất (1442), giữ chức Thủ trung thư lệnh, soạn ghi. Toàn văn chữ Hán, khắc kiểu chữ khải chân, 18 dòng, mỗi dòng từ 4 đến 19 chữ. Trong nội dung bia có áp dụng lối viết đề giống như các bia ở lăng vua Lê hiện dựng tại khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Từ hình thức và nội dung kể trên, tôi cho rằng đây là loại bia ghi chép về công thần triều Lê. Tấm bia này giúp chúng ta có thêm tư liệu về những đóng góp của Lê Lộng trong khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với bốn triều vua Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông và Thánh Tông mà ông đã từng trải qua. Việc tìm hiểu công lao hành trạng của Lê Lộng lâu nay vẫn đang là một ẩn số. Các bộ sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt thông sử… mới chỉ dành những dòng ít ỏi ghi chép về ông sau khi đã bình định xong giặc Minh bảy năm(3). Việc tìm thấy tấm bia ghi lai lịch tiểu sử và các tài liêụ Hán Nôm ghi chép về Thái úy Khang quốc công Lê Lộng là những tài liệu quý không chỉ có giá trị về văn bản học mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung giới thiệu nội dung ghi chép của tấm bia và một số các tài liệu Hán Nôm đã sưu tầm được trên quê hương Thanh Hóa để chúng ta hiểu thêm về công trạng cũng như giá trị lịch sử của khai quốc công thần Lê Lộng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và những đóng góp của ông dưới triều đại Lê Sơ, một triều đại được đánh giá là hùng mạnh vào bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Nội dung bia như sau (4):

Phiên âm:

Thụy Cung Vũ chi thạch bi

Tặng: Suy trung Bảo chính công thần, Sùng tiến tổng mậu phủ, Nhập nội kiểm hiệu Thái úy bình chương sự, thượng trụ quốc, tặng kim ngư đại ngân phù, tặng quốc tính, thụy Cung Vũ thạch chí. Nhập nội kiểm hiệu đại đô đốc, bình chương sự, chưởng Nam đạo, Đô đốc phủ Tả đô đốc, Lê công húy Lộng, Thanh Hóa trung lộ, Lương Giang huyện Khả Lam hương nhân.

Khảo húy Miêu, Chùm quan lang, tỉ diệc tính Lê húy Lậu, sinh nam nhị. Luyện kỳ thứ Nhập nội Thiếu úy, Hành Thanh Hóa phủ đô phủ quản công kỳ trường dã () Bính Tý niên sinh, ký trưởng tòng Cao Hoàng đế khởi nghĩa soái.

Thuận Thiên nguyên niên Mậu Thân sắc thụ Đại tướng đồng quản lĩnh Hưng Nghĩa quân, Quan Nội hầu, lịch Thiên Uy quân quản lĩnh, lục Lạng Sơn trấn đồng tri vệ chư quân sự, hậu trừ bản trấn tuyên úy sứ. Vị cơ lục đại sứ.

Kỷ Mùi chiêu hoàn thụ Đồng tổng quản Kim Ngô vệ chư quân sự. Canh Thân chuyển Qui Hóa vệ tiến trật Tổng quản, Canh Ngọ thụ Phụng tuyên sứ hành quân Tổng quản Kim Ngô vệ chư quân sự Tân Bình Thuận Hóa phủ. Đô phủ quản tri quân dân sự tầm. Lục Nhập nội Thiếu úy, Quý Dậu Nhập triều dĩ bản quan nhậm hạ Hồng Vệ, Giáp Tuất cải Hạ Nam sách vệ, Bính Tý tiến Thiêm tri chính sự hành quân tổng quản bổng thánh vệ chư quân sự. Canh Thìn lục nhập nội Đô đốc Đồng bình chương sự, Hành quân tổng quản Hạ Nam sách vệ chư quân sự.

Canh thìn thất nguyệt dĩ bản quan Thiêm tri đông đạo chư vệ quân sự. Bát nguyệt lục Nhập nội Đô đốc bình chương sự, Đồng đô tổng quản Nam vệ chư vệ quân sự.

Quang Thuận lục quý Ất Dậu lục nguyệt lục Nhập nội Kiểm hiệu Đại đô đốc, Bình chương sự, Nhưng chưởng Nam đạo Đô đốc phủ, Tả đô đốc, Thượng Trí tự tước, tự Quan nội hầu lụy gia chí Huyện thượng hầu, viết Thượng Trí tự tòng kim chế kỳ niên, cửu nguyệt nhị thập tam nhật, đinh mão hoang ư Kinh Sư chi đệ, thập nguyệt thập lục nhật Canh Thân táng vu kỳ làng chi hướng nguyên kỳ tẩm tật dã.

Thượng mệnh trung sứ thị vấn danh y chẩn trị, cập kỳ dịch trách hựu mệnh họa công sái kỳ hình mạo, cấp tặng vật thậm hậu úy tế, truy tặng Tráng Nghi, tất y định chế chuế triều tam nhật, đan quân hoàn kỳ táng .

Thê Huy nhân Lê Thị Lỗ, thiếp Nguyễn Thị Ngai, Lê Thị Kính, Sắc Thị Phong, tử nam Khắc Cần duệ kinh quân đồng tổng quản hi lật nhị cục, chính giám giai tiên công sới kiến lộc hiếu cực nhị cục chính giám. Khắc kiệm thượng ấu. Nữ Cố Thị Dương, sơ thích Nhập nội Thiếu úy Lê Hiết, hậu qui nguyên Đồng Tri. Hoàng Khánh. Cố Thị Bình thích nguyên Chỉ huy Lê Vĩ, Cố thị Ân thích đội trưởng thủ quân Phá Cao Thiểm, Thị Viện thích hương quan Lê Nhân Liệt, Thị Kỷ thích đồng tri Lê Nhữ Hồ.

Công trầm chí quả quyết, lịch sự tứ triều phục lao vương gia xuất phiên, nhập vệ đông chinh tây phạt, sở hướng hữu công phác hậu, kỳ tư kiệm ước tự sưu, cố năng thiện nhược chung vân.

Nhâm Tuất khoa tứ Trạng Nguyên thủ Trung thư lệnh Nguyễn Trực chí.

Dịch nghĩa:

“Bia đá ghi ông tên thụy là Cung Vũ

Tặng chức Suy Trung Bảo chính công thần, Sùng tiến tổng mậu phủ, Nhập nội kiểm hiệu Thái úy Bình chương sự thượng trụ quốc, tặng túi vàng phù hiệu bạc, ban cho quốc tính, tên thụy là Cộng Vũ, chép ghi vào đá. Nhập nôi Kiểm hiệu Đại đô đốc, Bình Chương sự, chưởng Nam đạo, Đô đốc phủ, Tả Đô đốc. Ông họ Lê tên húy là Lộng người lộ Khả Lam, huyện Lương Giang thuộc trung lộ Thanh Hóa(5).

Cha tên húy là Miêu làm chức Quan lang ở làng – dòng dõi lang đạo gốc Mường. Mẹ cũng họ Lê tên húy là Lậu, sinh trai hai người, trai thứ là Luyện giữ chức Nhập nội Thiếu úy, hành Thanh Hóa phủ, Đô Phủ quản mãi mãi.

Ông (Lê Lộng) sinh năm Bính Tý, đến lúc trưởng thành theo chủ soái Thái Tổ Cao Hoàng đế khởi nghĩa Lam Sơn. Năm Thuận Thiên thứ 1, tức năm Mậu Thân (1428) được sắc thụ Đại tướng Đồng quản lĩnh quân Hưng Nghĩa, tước Quan Nội hầu. Trải quản lĩnh quân Thiên Uy, thăng Lạng Sơn trấn Đồng tri vệ chư quân sự, hậu trừ bản trấn Tuyên úy sứ. Không lâu lại thăng Đại Sứ.

Năm Kỷ Mùi (1439) được gọi về cho nhận chức Đồng Tổng quản, Kim ngô vệ chư quân sự.

Năm Canh Thân (1440) chuyển về làm Qui Hóa Vệ tiến trật Tổng quản.

Năm Canh Ngọ (1450) được nhận chức Phụng tuyên sứ hành quân tổng quản, Kim ngô vệ chư quân sự ở phủ Tân Bình và Thuận Hóa vùng đất biên giới phân lập phía nam của Đại Việt thời Lê sơ, Quản tri quân dân sự tầm, thăng Nhập nội Thiếu úy.

Năm Quý Dậu (1453) vào triều đảm nhiệm mệnh quan ở Hạ Hồng vệ.

Năm Giáp Tuất (1454) lại đổi làm Sách vệ Hạ Nam.

Năm Bính Tý (1456) giữ chức Thiêm tri chính sự Hành quân tổng quản thánh bổng vệ chư quân sự.

Năm Canh Thìn (1460) giữ chức Nhập nội Đô đốc Đồng Bình chương sự, Hành quân tổng quản, Hạ Nam sách vệ chư quân sự. Tháng 7 cùng năm giữ chức Bản quan Thiêm tri Đông đạo chư vệ quân sự. Tháng 8 lại thăng Nhập nội Đô đốc Bình chương sự, Đồng đô đốc quản Nam vệ chư vệ quân sự.

Cuối tháng 6 năm Ất Dậu niên hiệu Quang Thuận thứ 6 (1465) thăng chức Nhập nội kiểm hiệu Đại Đô đốc Bình chương sự. Lại được thăng Chưởng Nam đạo Đô đốc phủ, Tả đô đốc, tước Thượng Trí tự (từ tước Quan Nội hầu nhiều lần gia phong đến Hương Thượng hầu, rồi đến Thượng Trí tự).

 Đến nay, ngày Đinh Mão tức ngày 23 cùng năm ông mất ở phủ đệ Kinh Sư, đến ngày Canh Thân tức ngày 16 tháng 11 táng ở làng quê.

Ông lúc còn tật bệnh trong cung, Hoàng Thượng lệnh cho các sai các danh y đến bắt mạch chữa trị, đến lúc sắp mất lại được ban lệnh sai thợ vẽ một bức họa về hình mạo, triều đình cấp tặng lễ vật rất nhiều để lo toan việc tế cúng. Truy tặng các đồ y quan táng lễ đầy đủ, nghỉ thiết triều 3 ngày, sau đó đưa thuyền trở về quê hương an táng.

Vợ là Huy nhân Lê Thị Lỗ, các bà thiếp là Nguyễn Thị Ngai, Lê Thị Kính, Sắc Thị Phong. Con trai cả là Khắc Cần, trải qua quân đội chức Đồng quản lĩnh Hi lật nhị cục, Chính giám giai Tiên công soái kiến lộc hiếu cực nhị cục chính giám. Con trai thứ là Khắc Kiệm còn nhỏ. Con gái Thị Dương ban đầu xuất giá lấy quan Nhập nội Thiếu úy Lê Hiết sau trở về giữ chức Đồng tri Hoàng Khánh. Thị Bình xuất giá lấy nguyên là quan Chỉ huy, Lê Vĩ Thị Ân lấy Đội trưởng thủ quân Phá Cao Thiểm, Thị Viện lấy quan trong làng là Lê Nhân Liệt, Thị Kỷ lấy Đồng tri Lê Nhữ Hồ.

Ông tính trầm lặng, mạnh mẽ nhưng quả quyết, làm quan trải bốn triều vua, một lòng cần lao phò tá vương gia đánh đông dẹp tây thật có công lớn, một lòng son sắc trước sau đáng nêu danh vậy.

Nguyễn Trựcđỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, giữ chức Trung thư lệnh ghi chép”.

Ngoài ra tại địa phương, hiện còn lưu giữ được một Bản khai sự tích(6), ghi chép rất rõ về công cuộc bình định giặc Minh của ông cùng với các bậc khai quốc công thần khác trong 10 năm. Nội dung như sau:

Lê Lộng là người đóng góp rất nhiều trong mười năm bình định giặc Minh và có mặt rất sớm ngay từ những ngày đầu của hội thề Lũng Nhai. Năm Mậu Tuất (1418) ông đã tham gia đánh trận cùng Lê Lý, Lê Ngân và nhiều người khác… đi trước vây hãm giặc ở đồn Lạc Thủy, chém được đầu giặc hơn nghìn thủ cấp thu nhiều quân nhung khí giới .

Năm Canh Tý (1420) lại vâng lệnh cùng Lê Triện, Lê Vấn đánh giặc ở Mường Thôi quân giặc đại bại tan tác .

Năm Tân Sửu (1421) vâng lệnh cùng Lê Lễ, Lê Bí, Lê Xí… đánh giặc ở Ải Ung, giặc phần đông bị thất bại.

Năm Nhâm Dần (1422) vâng lệnh cùng Lê Lĩnh, Lê Hào… xông lên trước vây hãm trận giặc, chém được tướng giặc là Phùng Quý, bọn giặc hồn bay phách lạc đại bại .

 Năm Quý Mão (1423) theo Bình Định Vương khôi phục binh lính trở về Lam Sơn lại được vua sai cùng Lê Bôi, Lê Khôi… đánh giặc ở các nơi: Khả Lưu, Chi Lăng, Trà Lân, Mã Yên, Bồ Lạp… tướng giặc là Hoàng Phúc, Lý An, Phương Chính, Thôi Tụ sợ hãi thoát thân chạy trước, quân giặc đại bại tan tác, thu khí giới quân nhung rất nhiều.

Năm Giáp Thìn (1424) hiệp sức cùng Lê Nỗ, Lê Đa lĩnh binh đánh giặc ở cửa Khả Lưu, quân giặc đều chạy tán loạn đến Khoái Châu, Thượng Hồng, Kinh Bắc, Lạng Giang, Lạng Sơn… phần đông trên đường bị đại bại tan rã.

Năm Ất Tỵ (1425) theo vua vào Nghệ An lại vâng lệnh cùng Lê Thụ, Lê Văn An đem quân đi đánh giặc ở Giang Ngạn để tạo thế công phá thành Tây Đô, lược định Trường An, Thiên Trường, Kiến Xương.

Năm Bính Ngọ (1426) cùng với Lê Chân, Lê Quốc Hưng, đem binh đi đánh giặc ở Tốt Động, Ninh Kiều… chém được tướng giặc là Trần Hiệp, Lý Lượng và hơn năm vạn quân giặc. Giặc phần bị chém đầu, phần bị chết đuối, bắt sống hơn vạn quân, thu vũ khí quân nhung ngựa voi tiền bạc không biết bao nhiêu mà kể. Cùng trận chiến năm đó ông còn vâng lệnh cùng Lê Mưu men theo đường sông nhỏ, thẳng về thượng lưu công phá bọn giặc làm cho chúng bối rối không biết chạy vào đường nào.

Năm Đinh Mùi (1427) vâng mệnh cùng Lê Thụ, Lê Liệt lãnh tinh binh hơn vạn người, tượng năm đôi, ngầm phục binh ở ải Chi Lăng đánh phá quân viện binh của giặc chém được đầu tướng giặc là Liễu Thăng, Lý Khánh cùng năm vạn thủ cấp, bắt sống Hoàng Phúc, Thôi Tụ… cùng khí giới voi ngựa không biết bao nhiêu mà kể…

Năm Mậu Thân (1428) vua luận công ban thưởng, ông được ban phẩm trật chức tước là: Khang Vũ Hầu, đáng là bậc Suy trung Đồng đức Tịnh nạn Kiệt tiết Tuyên lực công thần, tặng cho ngân thanh Vinh lộc đại phu, Tả xa kỵ vệ Đại tướng quân, khai nội phủ Đô đốc, Thiếu bảo Khang quốc công

Những tài liệu nêu trên phần nào hé mở cho chúng ta biết thêm về công trạng của vị khai quốc công thần triều Lê sơ. Mặc dù tài liệu quốc sử ghi chép ông là con trai của Lê Đa Mỹ có khác với tài liệu văn bia ghi chép cha ông là Miêu, làm chức quan lang ở làng. Những thông tin mà bia ký, bản khai sự tích ghi chép, có thể khẳng định rằng ông là người có mặt ngay từ buổi đầu của khởi nghĩa Lam Sơn cũng như trải qua bốn triều vua. Chức tước của ông đã đạt đến Bình chương quân quốc (Tể tướng), tên tuổi của ông sẽ mãi nêu danh xứng đáng là tấm gương sáng phản chiếu cho thế hệ con cháu mai sau noi theo. Mặt khác những nội dung trong tài liệu văn bia còn cho chúng ta thấy cụ thể hơn về thành phần xuất thân của ông thuộc dòng dõi nhà Lang – Lang đạo – chế độ cha truyền con nối cai quản một vùng trong xã hội Mường truyền thống. Chi tiết này cho thấy bên cạnh những tướng lĩnh Lam Sơn có gốc Muờng như Lê Lai, Lê Hiến, Lê Hưu… thì Lê Lộng cũng được biết đến là một võ tướng có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có nguồn gốc như các tướng lĩnh kể trên. Tộc người Mường bản địa có vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc cũng như quốc gia Đại Việt sau này. Hiện nay người Mường cũng là một trong 54 tộc người ở Việt Nam đang cùng cả nước phát triển kinh tế, củng cố vững chắc an ninh quốc phòng, bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

_______________

1. Tức Mộ Đường Vương Cảo, Hoàng tử con trai thứ 4 của Vua Lê Thánh Tông, tên hiệu là Đường Vương, tên húy là Cảo. Mẹ là Tuyên Từ Hà Thị Dĩ.

2. Nguyễn Trực tên tự là Công Dĩnh, hiệu là Sư Liêu, người làng Bối Khê huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông thi đỗ Trạng Nguyên khoa Nhâm Tuất (Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam, bản in lần thứ năm NXBVH 1999 ghi ông đỗ khoa Tân Dậu, ông là vị Trạng nguyên đầu tiên triều hậu Lê được ghi tên trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám). Vào Đời vua Nhân Tông giữ chức Trực học Viện sĩ Hàn lâm, rồi thăng Nam sách An vũ sứ. Vua Nhân Tông có đắp tượng ông để nơi chổ ngồi để tỏ lòng yêu mến, quý trọng ông. Đời vua Thánh Tông làm Hàn lâm viện thừa chỉ, Trung thư lệnh kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu. Ông đã từng đi sứ phương Bắc và được sĩ phu bắc quốc khen ngợi. Năm Quý Tỵ (1473) ông mất, thọ 56 tuổi. Nhân dân thường lấy tên làng đặt cho tên ông gọi là Trạng nguyên Bối Khê. Các tác phẩm có: Bối Khê tập, Sư Liêu tập, Ngu Hành tập.

3. Đại Việt Sử ký toàn thư, Viện Sử học Nxb KHXH 1972 tập 3 chép niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434), Tuyên úy Lê Đồ – Lê Lộng không biết vỗ về chế ngự nên bị bọn Hoàng Nguyên Úy mang lòng oán hận. Ngoài ra sách còn lược ghi: Lê Lộng là con trai của Lê Đa Mỹ, vào tháng 12 niên hiệu Quang Thuận thứ 3 (1462) phong cho ông chức Đô đốc Bình Chương Quân quốc trọng sự . Năm Hồng Đức thứ 10 (1479) mùa thu tháng 7 Vua xuống chiếu thân chinh đi đánh giặc Ai Lao cất cử Phó tướng Lê Lộng đi đường châu Thuận Mỗi để bóp cổ họng chặn lưng địch. Tháng 8 lại sai tướng thần và mười tám vạn quân đi đánh Bồn Man, Ai Lao, Lão Qua, thu được thắng lợi, Lê Lộng phải chịu tiết chế Công

4. Bản dịch của Cử nhân Hán học Nguyễn Văn Hải hiện đang công tác tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa.

5. Nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

           6. Hiện lưu giữ tại làng Thành Công, xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo nội dung bản khai sự tích thì thì Lê Khắc Kiệm con trai thứ của Lê Lộng, Làm quan dưới triều Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, được giao cho giữ chức Bắc quân Đô Đốc phủ Tả Đô Đốc, hành Tổng Quản trấn Nghệ An, Quản Tri quân dân sự vụ, tước An Mỗ hầu, sau này về trí sĩ sống tại thôn Lao xã Tịnh Man (làng Thành Công, xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) mất tại quê nhà. Nay mộ vẫn còn trên địa phận xã Thọ Vực, nhân dân gọi đó là Mả quan.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009

Tác giả : Nguyễn Văn Thắng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *