Dòng âm nhạc mới Việt Nam từ ngày ra đời đến nay, nếu tính tròn đã được 85 năm. Trên chặng đường ấy, âm nhạc mới Việt Nam – mà chủ thể của nó chính là các nhạc sĩ – đã góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (28-12-2014), Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng. Đó là sự ghi nhận những đóng góp lớn lao của các nhạc sĩ nói chung, mà các nhạc sĩ – những người con của Hà Nam cũng chẳng phải trường hợp ngoại lệ.
Theo cuốn Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản 2007, nước ta có 1278 nhạc sĩ (đến nay số lượng chắc đã tăng hơn một trăm người nữa) hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động âm nhạc trên các lĩnh vực: biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu, sáng tác, quản lý. Nếu chia đều cho 63 tỉnh thành, thì trung bình mỗi tỉnh có 22 hội viên. Tuy nhiên, trong tổng số nói trên, đã có gần 50 nhạc sĩ là người con của tỉnh Hà Nam. Chúng tôi xin điểm qua (theo vần a-b-c) nhạc sĩ người Hà Nam đã và đang hoạt động trên các lĩnh vực của âm nhạc như sau:
Lĩnh vực sáng tác có các nhạc sĩ: Nguyễn Đình Bảng, Văn Chi, Lê Anh Chiến, Trần Chung, Đào Ngọc Dung, Trịnh Vinh Dụ, Đoàn Tiến Dũng, Ngọc Đại, Minh Đoàn, Minh Đỗ, Trần Thanh Hà, Lương Hải, Trịnh Tuấn Khanh, Phong Kỳ, Phạm Đức Lộc, Phong Nhã, Ngọc Quang, Nguyễn Xuân Sinh, Văn Thành, Bùi Đình Thảo, Văn Thắng, Lê Xuân Thọ, Huy Thục, Trọng Thủy, Ngô Quốc Tính, Phạm Tịnh, Hữu Xuân…
Lĩnh vực biểu diễn: Nguyễn Đức Chính, Đặng Văn Cường, Trương Đức Hà, Nhữ Thanh Hằng, Trần Mai Huyên, Huy Luân, Trần Minh, Nguyễn Văn Quỳ..
Lĩnh vực đào tạo: Lã Hữu Quỳnh, Văn Thư…
Đến thời điểm hiện tại, người mất, người còn, nhưng những đóng góp của họ thông qua các tác phẩm vẫn còn song hành mãi với sự phát triển của lịch sử âm nhạc nước nhà. Trong số những nhạc sĩ nêu trên, đặc biệt là ở lĩnh vực sáng tác, một số nhạc sĩ đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong lòng công chúng nghe nhạc. Nhiều tác phẩm của họ đã đồng hành cùng dân tộc trong những giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn, và nay trở thành những tác phẩm bất hủ đi cùng năm tháng. Trong số những nhạc sĩ là người con của Hà Nam, chúng tôi chỉ xin lược qua một vài gương mặt tiêu biểu:
Nhạc sĩ Phong Nhã (1), tên thật là Nguyễn Văn Tường. Ông sinh ngày 4 – 4 – 1924 tại một làng quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Phong Nhã không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp, do đó hoạt động âm nhạc là nghề tay trái, mang tính quần chúng. Đầu những năm 40 TK XX, Phong Nhã tham gia âm nhạc trong phong trào Hướng đạo. Với vốn âm nhạc được tích lũy từ cuộc sống kết hợp với năng khiếu, ông chuyển hướng sang sáng tác ca khúc cho thiếu nhi từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trên bước đường đi theo cách mạng, Phong Nhã đã giữ nhiều cương vị quan trọng: ông là người sáng lập, đồng thời là Tổng biên tập đầu tiên của báo Thiếu niên tiền phong. Ông được bầu và trúng cử Ủy viên BCHTƯ Đoàn khóa II, khóa III. Năm 1979, Phong Nhã tham dự cuộc họp mặt quốc tế của những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật vì thiếu nhi trên thế giới với chủ đề Trẻ em ngày mai của hành tinh chúng ta.
Mặc dù Phong Nhã đã đạt được nhiều thành công đáng kể trên cương vị là nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhưng tên tuổi của ông lại được nhắc đến nhiều hơn khi gắn với những ca khúc sáng tác cho thiếu nhi. Nhạc sĩ đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, cảm hóa và hướng thiếu nhi Việt Nam đi theo con đường cách mạng thông qua các ca khúc. Phong Nhã viết hàng trăm ca khúc cho thiếu nhi, tiêu biểu như: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Nhanh bước nhanh nhi đồng, Kim Đồng, Lê Văn Tám, Anh còn sống mãi, Cùng nhau ta đi lên, Đội ta lớn lên cùng đất nước, Làng em xanh tươi, Em yêu Đội nhi đồng, Bác sống đời đời, Hành khúc đội, Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh, Bài ca sum họp, Du ca mùa hè, Hát với Thăng Long – Hà Nội 2000… Ông đã xuất bản cuốn: Đội ta lớn lên cùng đất nước (Nxb Văn hóa – 1970), Tuyển chọn ca khúc và Album Phong Nhã (Hội Nhạc sĩ Việt Nam và DIHAVINA).
Với những cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam nói chung và nền âm nhạc mới nước nhà nói riêng, Phong Nhã đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2001, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp âm nhạc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…
Nhạc sĩ Trần Chung (2) sinh ngày 1 – 12 – 1927, tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ngay từ khi còn trẻ, năng khiếu âm nhạc đã sớm bộc lộ, ông đã tìm sách và tự học nhạc, bên cạnh đó, ông cũng được sự hướng dẫn tận tình của nhạc sĩ Hoàng Quý. Tri thức âm nhạc được bổ sung ngày càng hoàn thiện hơn và ông quyết định bước chân vào con đường sáng tác. Khi là biên tập viên âm nhạc của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Trần Chung vẫn đi học bổ túc kiến thức âm nhạc qua một số giảng viên ở Nhạc viện Hà Nội.
Ngoài ảnh hưởng từ các nhạc sĩ đàn anh như Đặng Thái Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Văn Cao, Hoàng Quý…, âm nhạc Trần Chung còn mang đậm tố chất văn hóa của Hà Nam, tạo nên chất nhạc vừa trữ tình, vừa lãng mạn.
Trần Chung đã sáng tác hàng trăm ca khúc với các chủ đề khác nhau, chủ đề nào cũng có những ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của công chúng. Một số ca khúc tiêu biểu: Hát lên cô gái xã viên, Tình yêu nông trường, Chúng tôi vào lò, Nắng trên mỏ thiếc, Bàn tay thợ xây, Đêm Trường sơn nhớ Bác (thơ: Hoàng Trung Thông), Bài ca Trường sơn (thơ: Gia Dũng), Chiều dài biên giới, Hành quân qua Bạch Đằng Giang, Hát mừng đất nước hôm nay, Mùa xuân đến rồi đó, Tiếng gọi sông Đà, Mùa xuân trên thành phố dệt, Trên biển trời Đông Bắc, Nỗi nhớ bên hồ Dầu Tiếng… Ông đã xuất bản: Tuyển tập Mùa xuân đến rồi đó, Tuyển tập ca khúc Trần Chung và băng cassette Trần Chung (Hội Nhạc sĩ Việt Nam và DIHAVINA). Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt 1 năm 2001.
Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (3) (1931 – 1997) quê ở huyện Duy Tiên, Hà Nam. Nguyên là cán bộ tuyên truyền, với cây đàn ghi ta Bùi Đình Thảo luôn gắn bó với phong trào quần chúng thông qua các buổi sinh hoạt văn nghệ ở thôn làng. Năm 1956, ông bắt đầu theo học sáng tác khóa đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Thời gian này ông viết ca khúc Tiếng hát quê ta, đã được thu và phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng ca của nghệ sĩ Thương Huyền.
Bùi Đình Thảo là nhạc sĩ suốt đời gắn bó với quê hương, chính nơi đây đã một phần tạo nên tố chất âm nhạc của riêng ông. Ở lĩnh vực khí nhạc hay thanh nhạc, các tác phẩm của ông đều chân chất đậm hồn quê. Ngoài một số tác phẩm khí nhạc mà điển hình là bản giao hưởng thơ Hồ Chí Minh – mùa xuân thống nhất, ông còn viết nhiều ca khúc tiêu biểu như Thư biên giới, Lúa uốn câu, Xôn xao Cúc Phương, Tiếng hát vào ca, Trong lời ru quê mẹ. Đặc biệt Bùi Đình Thảo có năng khiếu viết ca khúc cho thiếu nhi. Những ca khúc: Đi học (thơ: Minh Chính), Em đi giữa biển vàng (thơ: Nguyễn Khoa Đăng), Bà thương con, Chúng em làm chị Tấm, Bàn tay mẹ (thơ: Tố Hữu)… đã làm nên tên tuổi của Bùi Đình Thảo. Năm 1995, ông được Hội Nhạc sĩ và DIHVINA chọn xuất bản cuốn Tuyển chọn ca khúc Bùi Đình Thảo và Album tác giả. Bùi Đình Thảo đã nhận được nhiều giải thưởng của các hội, ngành nghề, trong đó có giải Âm nhạc Nguyễn Khuyến.
Nhạc sĩ Huy Thục (4) tên khai sinh là Lê Huy Thục, bút danh: Lê Anh Chiến, ông sinh ngày 22 – 12 – 1935, quê ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Nhạc sĩ Huy Thục tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày nhân dân ta vùng lên dành lại chính quyền (8 – 1945). Với lòng say mê âm nhạc, ông tự học và biết chơi đàn violon từ năm 1950, đây là dấu mốc đầu tiên trên con đường hoạt động âm nhạc của Huy Thục. Năm 1954, Huy Thục vào Đoàn Văn công Quân khu Hữu Ngạn. Năm 1956, ông theo học lớp sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, thời gian sau, ông được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Liszt ở Hungary. Về nước, Huy Thục tham gia giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Có thể nói, Huy Thục là nhạc sĩ của chiến trường, bởi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông lặn lội cùng các chiến sĩ trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào. Sau đó ông về làm, trưởng Đoàn Ca múa Tổng cục chính trị, cho tới khi về hưu, ông mang cấp hàm Đại tá. Huy Thục còn là nguyên ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, khóa IV, hiện ông sống tại Hà Nội.
Với kiến thức âm nhạc được trang bị từ các nhạc viện trong và ngoài nước, cùng với tinh thần làm việc không mệt mỏi của người lính, Huy Thục là nhạc sĩ có khả năng sáng tác ở cả lĩnh vực khí nhạc và thanh nhạc. Về khí nhạc, ngoài những tác phẩm viết cho kịch nói, phim truyện, phim tài liêu, múa… ông còn có tác phẩm đáng ghi nhớ như Vì miền Nam – độc tấu đàn bàu, Nhịp điệu nước non – độc tấu trống dân tộc… Đặc biệt, Huy Thục có một khối lượng tác phẩm thanh nhạc đồ sộ, riêng ca khúc có tới 450 bài. Các tác phẩm hợp xướng tiêu biểu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tiến lên toàn thắng (chương 1); vũ kịch: Ngọn lửa Nghệ Tĩnh (viết cùng Nguyễn Thành và Lương Ngọc Trác)…; ca khúc: Kèn xuất trận (thơ: Tô Đức Chiêu), Tiếng hát trên đường quê hương, Dòng suối La La, tiếng đàn ta lư, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Tiến lên chiến sĩ đồng bào (thơ: Hồ Chí Minh), Đợi (thơ: Vũ Quần Phương), Trăng khuyết (thơ: Phi Tuyết Ba)…
Nhạc sĩ Huy Thục đã xuất bản Tuyển tập ca khúc Huy Thục và Album Tiếng đàn ta lư. Ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt 1, giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng 3 và nhiều giải thưởng của các hội ngành nghề, đoàn thể ở trong và ngoài nước.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng (5) sinh ngày 27 – 12 – 1942 ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông từng là nhạc công của Đoàn Chèo Trung ương, đã đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở Trường Sơn và nhiều sân khấu trong, ngoài nước. Sau đó, ông về học chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Ra trường, Nguyễn Đình Bảng về DIHAVINA làm biên tập âm nhạc cho đến khi nghỉ hưu. Hiện tại, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đang sống tại Hà Nội.
Là người được đào tạo trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, ngoài sáng tác ca khúc, Nguyễn Đình Bảng còn có khả năng viết khí nhạc. Ông là một trong những nhạc sĩ của thời kỳ đổi mới tạo được dấu ấn mạnh mẽ tronng tâm trí của công chúng nghe nhạc Việt Nam. Các tác phẩm của Nguyễn Đình Bảng có thể ví như bức tranh thủy mặc vừa xa, lại vừa gần, vừa có tính triết lý, lại vừa giàu chất thơ… Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu, về ca khúc: Thời hoa đỏ (phỏng thơ: Thanh Tùng), Hai nửa vầng trăng (phỏng thơ: Hoàng Hữu), Mùa xuân về, Tuổi mới yêu, Khỏa trần Trường Sơn, Tình quê (thơ: Hàn Mặc Tử), Du thuyền sông Lam… Về khí nhạc: Ngôi sao biển, Ballade giao hưởng Thị Kính – Thị Màu… Ông đã có Album Audio Thời hoa đỏ, Khỏa trần Trường Sơn và Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Đình Bảng (Nxb Âm nhạc – 1995).
Nguyễn Đình Bảng đã đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đặc biệt năm 2007, ông đã được tặng Giải thưởng về Văn học – Nghệ thuật.
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính (6) sinh ngày 10 – 8 – 1943 tại Hà Nội, quê gốc của ông ở Bình Lục, Hà Nam. Ông tốt nghiệp sáng tác hệ chính quy tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1970 – 1971, Ngô Quốc Tính đã đi sáng tác và biểu diển ở chiến trường B và C. Ông từng là chỉ huy của dàn nhạc Đoàn chèo, rồi sang làm việc tại Đoàn Ca Múa Kịch Ninh Bình. Sau này Ngô Quốc Tính chuyển về Nxb Âm nhạc làm biên tập viên. Trước khi về hưu, Ngô Quốc Tính làm việc tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam với cương vị là Chánh văn phòng. Nay ông sống tại Bắc Ninh.
Các tác phẩm âm nhạc của Ngô Quốc Tính luôn hàm chứa những nét tinh tế kế thừa từ âm nhạc dân tộc và có bản sắc riêng. Ông sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc, viết nhạc cho trên 100 vở diễn sân khấu kịch nói, tuồng, chèo cải lương, kịch hát dân ca. Riêng lĩnh vực thanh nhạc, Ngô Quốc Tính có những đóng góp nhất định, nhiều ca khúc của ông đã có đời sống lâu bền trong công chúng như: Niềm vui cô thợ dệt, Trên công trường rộn tiếng ca, Tình trăng tình biển, Hương hồi xứ Lạng, Hương tám xoan, Tiếng ru trong ánh điện sông Đà, Chùm hoa biển, Hồ Tây chiều nhớ, Mai em mười bảy, Phượng tím, Chiều chưa em…
Nhạc sĩ Phạm Tịnh (7) sinh ngày 22 – 6 – 1944, quê ở Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, hiện ông đã nghỉ hưu và sống tại Hà Nội.
Nhạc sĩ Phạm Tịnh gia nhập lực lượng vũ trang năm 1963. Từ năm 1970 đến 1973, Phạm Tịnh theo học chuyên ngành sáng tác hệ đại học chính quy tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1974, Phạm Tịnh về Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân vũ trang. Năm 1975, ông chuyển về công tác tại Cục Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng. Từ 1978 đến 1980, ông là biên tập viên Chương trình Ca nhạc dành cho chiến sĩ nơi biên cương và hải đảo của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ 1981 đến 1989, Phạm Tịnh là nhạc sĩ sáng tác của Cục chính trị Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Từ 1989, Phạm Tịnh chuyển sang làm việc tại Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Phạm Tịnh là nhạc sĩ có thiên hướng khai thác những yếu tố dân gian của các tộc người thiểu số ở khu vực phía Bắc Việt Nam để đưa vào tác phẩm. Có thể kể một số ca khúc tiêu biểu của ông như: Lạng Sơn quê tôi, Đu đu điềng điềng, Đi chợ vùng cao, Nòn đắc nòn đi, Sli lượn tìm nhang, Tính then trảy hội lùng tùng, Điều chưa thấy trong văn tự người Dao, Tình yêu từ chân ruộng bậc thang, Trăng đầu núi, Xuống chợ, Bức tranh thổ cẩm, Những bông đỏ của rừng… Ông đã xuất bản: Tuyển tập ca khúc Lạng sơn quê tôi (Nxb Âm nhạc – 1995) và Tuyển chọn ca khúc Phạm Tịnh kèm băng âm thanh (Nxb Âm nhạc – 1996).
Nhạc sĩ Phạm Tịnh đã đoạt được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ, giấy chứng nhận nhạc sĩ có nhiều sáng tạo trong các Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1999 và năm 2004…
Nhìn chung các nhạc sĩ người Hà Nam, đa số sống và làm việc ở một số thành phố lớn, chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM. Dẫu vậy, các nhạc sĩ vẫn ghi rõ trong lý lịch nơi sinh hoặc quê quán là Hà Nam. Điều đó phần nào cho thấy, các nhạc sĩ luôn tự hào và nhớ về quê hương bản quán. Chất văn hóa Hà Nam vẫn không ngừng chảy trong họ, đó là cơ sở để lý giải sự mộc mạc, dung dị nhưng đậm chất thơ trong lời ca và tính trữ tình mang nhiều yếu tố dân gian trong giai điệu ở hầu hết tác phẩm của các nhạc sĩ người Hà Nam. Nhìn trên phương diện khuếch tán văn hóa, vô hình chung các nhạc sĩ – thông qua tác phẩm – đã đem chất văn hóa Hà Nam đến với công chúng mọi miền đất nước. Suy cho cùng, đó cũng là cách ứng xử có trước có sau của các nhạc sĩ đối với quê hương bản quán của họ. Ở chiều ngược lại, nếu văn hóa (trong đó có âm nhạc) vẫn được coi như một động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội thì thiết nghĩ, Hà Nam cũng nên có những ứng xử cần thiết với nhạc sĩ là người con của quê hương, nhất là đối với các nhạc sĩ trẻ. Có như vậy mới tạo được sự gắn kết mật thiết giữa quê hương và các nhạc sĩ, một điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
_______________
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xb, Hà Nội, 2007, tr.729, 157, 955, 1026, 65, 1066, 1070.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : NGUYỄN ĐĂNG NGHỊ
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo