Cứ trước thềm các kỳ đại hội Đảng
là các thế lực thù địch lại tập trung
công kích, chống phá bằng nhiều thủ
đoạn ngày một tinh vi, xảo quyệt. Để
thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ
xã hội chủ nghĩa, chúng đã sử dụng
nhiều chiêu bài khác nhau, đặc biệt là
lợi dụng những ưu thế vượt trội của
mạng xã hội để chống phá. Vì vậy, nhận
diện và đấu tranh với những quan điểm
sai trái, thù địch của chúng trên mạng
xã hội trước thềm Đại hội XIII của Đảng
là việc làm hết sức quan trọng, cấp
thiết trong tình hình hiện nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng, không những tổ chức đánh giá kết quả lãnh đạo và phát triển đất nước, quá trình thực hiện nghị quyết Đại hội XII (2016-2020) mà còn đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2025. Đại hội XIII có ý nghĩa định hướng tương lai, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới sau 35 năm, đưa ra những giải pháp xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Do đó, càng gần đến ngày diễn ra Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch càng gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là các ứng dụng, dịch vụ tiện ích trên không gian mạng, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị không ngừng gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác nhân sự Đại hội XIII… Tất cả sự chống phá trên đều nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng; phá hoại Đại hội XIII của Đảng, làm suy giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII không diễn ra theo kế hoạch hoặc không đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra.
Thủ đoạn phổ biến của các thế lực thù địch là sử dụng các trang Web, Blog, Facebook, kênh YouTube để đăng tải, phát tán các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Ngoài ra, chúng còn triệt để tận dụng các ứng dụng Whats App, Fire Chat và các biện pháp công nghệ thông tin hiện đại để vượt qua các biện pháp truy quét của lực lượng an ninh mạng. Khi có một sự kiện nào đó xảy ra được dư luận quan tâm, nhất là khoảng thời gian gần diễn ra Đại hội XIII, chúng sẽ xuyên tạc, bóp méo sự thật, cắt xén thông tin, dựng chuyện, ngụy tạo bằng chứng, làm lẫn lộn đúng – sai, thật – giả để vu cáo, chống phá Đảng và Nhà nước. Có thể thấy, các quan điểm sai trái, thù địch thường tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động tập trung phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta, cụ thể là phủ nhận học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng; chúng đẩy mạnh việc kích động quần chúng nhân dân, gây sức ép đối với Nhà nước đòi đa nguyên đa đảng, xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp; tuyên truyền chống phá cương lĩnh, dự thảo các văn kiện Đại hội; tuyên truyền xuyên tạc nguyên tắc tổ chức, vấn đề nhân sự Đại hội XIII… Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn, từ tinh vi thâm độc đến công khai trắng trợn nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp phủ định các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hình thức này được thực hiện bằng việc bới móc khuyết điểm, sai lầm trong quá khứ; xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật… để phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, từ đó chúng kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân nổi dậy đấu tranh lật đổ Đảng…
Thứ hai, các thế lực thù địch thổi phồng những mặt trái hiện nay, công kích đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là định hướng XHCN, cũng như tình trạng tham nhũng để đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian qua, chúng tập trung vu cáo rằng chính Đảng là nguyên nhân biến Việt Nam từ một xã hội tốt đẹp thành một xã hội hỗn loạn, tham nhũng, quan liêu… Chúng thu thập những thông tin từ các nguồn không chính thống rồi cắt ghép, phụ họa xuyên tạc, thậm chí cho rằng tình trạng tham nhũng, suy thoái của đội ngũ cán bộ đảng viên và việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự nhiều cán bộ cấp cao vừa qua như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Đức Chung, Hồ Thị Kim Thoa là “dấu hiệu cho sự suy thoái, sụp đổ của Đảng”… Từ những “đại án” tham nhũng dưới sự chỉ đạo, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị những năm qua, các thế lực thù địch chớp ngay cơ hội, tăng cường thông tin trên mạng xã hội, suy luận vô căn cứ mối quan hệ giữa những đối tượng bị truy tố với các cán bộ cao cấp của Đảng, từ đó ra sức công kích hòng làm giảm sút uy tín của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với chế độ XHCN.
Thứ ba, để thực hiện tuyên truyền xuyên tạc công tác nhân sự Đại hội XIII, các trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong, trung tâm phá hoại tư tưởng nước ngoài đã đồng loạt tán phát các bài viết, clip có nội dung xuyên tạc về công tác nhân sự Đại hội XIII, bịa đặt nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang hình thành “phe cánh” để “tranh giành, đấu đá quyền lực”, “thanh trừng phe phái”, “lợi ích nhóm” trong công tác nhân sự; thậm chí chúng còn xuyên tạc rằng vấn đề nhân sự Đại hội Đảng XIII bị một số thế lực bên ngoài can thiệp, chỉ đạo. Đặc biệt, trong khoảng thời gian trước thềm Đại hội, các thế lực thù địch tập trung huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện tham gia nhằm làm gia tăng mức độ, tính chất, phạm vi tác động, ảnh hưởng của hoạt động tuyên truyền chống phá nhằm phá hoại an ninh chính trị nội bộ, phá hoại sự kiện chính trị – xã hội quan trọng nhất của đất nước.
Thứ tư, một số nhóm đối tượng xấu hoặc các tổ chức phản động lợi dụng một số vụ việc phức tạp xảy ra để vu cáo, nói xấu Đảng. Không chỉ xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng; hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng; các đối tượng còn tập trung gây nhiễu loạn thông tin; gây mâu thuẫn, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; kích động các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong năm vừa qua, nước ta đã trải qua một năm với nhiều sự kiện chính trị, xã hội lớn, cùng những thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng, các thế lực thù địch tập trung ngòi bút để vẽ ra bức tranh sai lệch, tương phản giữa người dân Việt Nam đang gặp vô vàn những khó khăn trong đời sống hằng ngày với việc tổ chức đại hội Đảng các cấp. Từ đó, cung cấp cho dư luận, những người quan tâm sự đối sánh có tính mâu thuẫn cao và hướng đến mục đích chính là xuyên tạc “sự bàng quan, lãnh đạm của Đảng, nhà nước”, cho rằng Đảng chỉ quan tâm tới công tác Đại hội của mình mà bất chấp tính mạng, tài sản của người dân trong bão lũ, dịch bệnh…
Để ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực của những quan điểm sai trái, thù địch của chúng trên mạng xã hội trước thềm Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần bám sát các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương trong việc chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quy định 205-QĐ/TW ngày 23-09-2019 về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Nội dung cần tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản về nền tảng tư tưởng, lý luận, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, phân tích luận giải làm rõ thực chất đằng sau luận điệu của các thế lực thù địch; đâu là thủ đoạn mới, tính chất nguy hại của nó là gì, để đấu tranh ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ cần tiến hành các biện pháp gì… Qua đó, tạo sức “đề kháng”, khả năng “tự miễn dịch” đối với các tổ chức và cá nhân trước các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch; trang bị cho họ những kỹ năng nhận biết và các giải pháp cơ bản để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân và cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin trên mạng xã hội thực sự hữu ích, văn hóa, văn minh. Đặc biệt, cần phải huy động được rộng rãi trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, đảng viên, nhân sĩ, trí thức và thế hệ trẻ am hiểu, nắm vững công nghệ thông tin, thường xuyên sử dụng mạng vào công tác phòng ngừa, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, thông tin xấu độc.
Hai là, phát huy vai trò của các cơ quan chức năng cung cấp thông tin có định hướng rõ ràng. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc làm chủ thông tin có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; quyết định đến việc định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, đúng với bản chất sự việc, tránh việc bị lợi dụng, tạo cớ, xuyên tạc; không để rơi vào thế “bị động” mà phải “chủ động” trong định hướng thông tin. Để thực hiện tốt việc này, các cơ quan tuyên giáo, thông tin truyền thông từ Trung ương đến cơ sở cần phát huy tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác và cung cấp, định hướng thông tin, bảo đảm thông tin một nguồn, một chiều, nhanh, chính xác, kịp thời; khắc phục “khoảng trống” hoặc sự chậm trễ trong cung cấp thông tin… làm sao để thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước thường xuyên, kịp thời đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngay từ đầu, luôn giữ vai trò chủ đạo trong định hướng dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc của các đối tượng chống phá.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Đây là biện pháp quan trọng nhằm khơi dậy tiềm năng và sức mạnh tổng lực của toàn xã hội trong tổ chức đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Để phát huy hiệu quả, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, phân rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp. Đồng thời, có chính sách động viên, khích lệ phù hợp, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ, công cụ, phương tiện phù hợp để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh. Trong đó, nhất thiết phải xây dựng được lực lượng chuyên gia, dư luận viên giỏi, chuyên sâu theo từng nhóm đối tượng; nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề lý luận chưa rõ…; tổ chức đấu tranh đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, có kiến thức, trình độ, kỹ năng phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội; giữ vững mặt trận tư tưởng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước; của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của nước ta.
Bốn là, tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. Qua đó, chủ động phát hiện những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc; phát hiện các tài liệu, bài viết tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, thù địch để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đồng thời, chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các trang mạng độc hại, các blog “đen” thường đăng tải các tin, bài, phim ảnh có nội dung xấu, độc hại, trái ngược với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thông tin sai sự thật, nhất là những trang hay đăng tải, chia sẻ những nội dung này về Đại hội XIII của Đảng. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, quản lý internet, mạng xã hội, cần xác định những quan hệ xã hội nảy sinh trên lĩnh vực này chưa được pháp luật điều chỉnh để kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Năm là, đổi mới hình thức, phương pháp đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội trước thềm Đại hội XIII của Đảng nói riêng. Đổi mới phương pháp, mở rộng các phương thức thông tin truyền thông đa dạng, phong phú, sinh động, giàu sức thuyết phục. Đồng thời, khuyến khích mọi tầng lớp dân cư xây dựng các trang blog cá nhân và tham gia trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter tạo diễn đàn tranh luận, trực tiếp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, phải tận dụng thế mạnh của mạng xã hội trong tình hình hiện này, bám sát vào các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược an ninh quốc gia… để dự báo tình hình và ngăn chặn, xử lý kịp thời những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc; xây dựng thế chủ động, kịp thời đấu tranh, phản bác một cách thuyết phục trên cả chiều rộng và chiều sâu, với sự đa dạng về hình thức…
Nhận diện, đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội trước thềm Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Muốn công tác đấu tranh có hiệu quả thì các giải pháp cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống nhằm ngăn chặn, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tác giả: Phạm Anh Dũng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng