Quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa vô sản là một hệ thống mở, xuất hiện ở cuối TK XIX đầu TK XX. Cho đến nay, mặc dù thế giới đã có nhiều biến chuyển sâu sắc, nhưng những giá trị của hệ thống quan điểm ấy vẫn thể hiện sức sống mạnh mẽ, là phương pháp luận cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam. Vì vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, việc tìm hiểu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa vô sản vào xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.
Hiện nay, có một vấn đề quan trọng đặt ra là cần nhận thức lại một cách tổng quát những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa vô sản, văn hóa xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, từ đó rút ra những bài học thiết thực cho việc xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Mục tiêu của văn hóa xã hội chủ nghĩa là hướng tới xây dựng thành công một nền văn hóa mới, trong đó con người được giải phóng toàn diện, tự do phát triển khả năng, tự do sáng tạo, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả… Đây là quá trình lâu dài khó khăn, đòi hỏi sự tự giác cao độ, sức sáng tạo mạnh mẽ của giai cấp vô sản và đội tiên phong là đảng cộng sản. Văn hóa xã hội chủ nghĩa với sự kế thừa những giá trị tốt đẹp của dân tộc và nhân loại là một động lực to lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhận thức đúng vấn đề này giúp chúng ta tránh được hai xu hướng cực đoan:
Một là, nôn nóng, muốn nhanh chóng có được nền văn hóa mới trong mỗi dân tộc đi đến hình thành một nền văn hóa chung – “văn hóa quốc tế”, chủ quan duy ý chí, bỏ qua những quy luật vận động và phát triển của văn hóa.
Khi các nhà kinh điển nói chúng ta chỉ cần có cuộc cách mạng văn hóa là có được chủ nghĩa xã hội, không có nghĩa là đã sắp có chủ nghĩa xã hội mà ở đây phải hiểu được tính chất lâu dài, phức tạp, khó khăn của cuộc cách mạng văn hóa, đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội, các thành tố trong hệ thống chính trị mà quan trọng nhất là vai trò của Đảng Cộng sản, đòi hỏi phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của Đảng, của đảng viên. Ngày nay, chúng ta đang quan tâm đến văn hóa đảng, xây dựng văn hóa trong đảng, văn hóa chính trị và giáo dục chính trị: “Giáo dục chính trị là đào tạo nên những người cộng sản chân chính có khả năng chiến thắng sự giả dối, các thành kiến và giúp đỡ quần chúng lao động chiến thắng trật tự cũ và tiến hành công cuộc xây dựng Nhà nước không có tư bản, không có bọn bóc lột, địa chủ” (1).
Hai là, coi nhẹ vai trò của văn hóa, quan niệm đó đã từng tồn tại trong nhận thức của rất nhiều người trong thời gian dài, coi văn hóa là cái đuôi của kinh tế, phụ thuộc vào kinh tế và chính trị, coi xây dựng văn hóa như một lĩnh vực chuyên môn cụ thể, chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Văn hóa mà không thấy được văn hóa như là mục tiêu, là động lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự ra đời Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã góp phần xóa bỏ những định kiến về văn hóa. Có thể nói, chính những quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa là cơ sở lý luận quan trọng để hình thành nên những tư tưởng chủ đạo của Nghị quyết này: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội” (2) trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.
Trong nhận thức lâu nay của nhiều người, Chủ nghĩa Mác – Lênin thường quá nhấn mạnh vai trò của yếu tố kinh tế đối với sự phát triển của lịch sử. Nhưng trên thực tế, Các-Mác và Ph.Ăngghen đã nhiều lần khẳng định quan niệm của mình về tính độc lập tương đối, về vai trò tích cực của các yếu tố, văn hóa tinh thần đối với sự phát triển của lịch sử. Đến V.I.Lênin, thông qua thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đã nêu rõ: Để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân đồng thời phải tiến hành những hoạt động cách mạng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó không thể không có lĩnh vực văn hóa, sẽ không có được một nền kinh tế phát triển, nếu không phát triển văn hóa. Do đó, giai cấp vô sản phải tự trang bị cho mình một trình độ văn hóa nhất định và phải tiến hành cuộc cách mạng văn hóa để xây dựng nền văn hóa – văn hóa xã hội chủ nghĩa mới, làm cơ sở, nền tảng cho công cuộc phát triển kinh tế.
Đưa ra chương trình kinh tế mới, V.I. Lênin khẳng định: “Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: trước đây chúng ta đã đặt và không thể không đặt trọng tâm công tác của chúng ta vào đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền… Ngày nay, trọng tâm ấy đã chuyển sang công tác hòa bình tổ chức “văn hóa”. Tôi dám quả quyết rằng trọng tâm của chúng ta đã chuyển sang hoạt động giáo dục… nếu gác tình hình quốc tế ra mà chỉ nói đến quan hệ kinh tế trong nước của chúng ta thì trọng tâm công tác của chúng ta hiện nay quả thật là xoáy vào hoạt động giáo dục” (3).
Khi đề cập đến công tác văn hóa trong nông dân, V.I.Lênin cũng nhấn mạnh, công tác văn hóa trong nông dân nhất thiết phải nhằm mục tiêu kinh tế – đó chính là thực hiện chế độ hợp tác xã… Để trở thành những người có văn hóa, tư liệu vật chất sản xuất phải phát triển tới mức độ nào đó, phải có cơ sở vật chất nhất định nào đó, mà cơ sở vật chất duy nhất chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo nông nghiệp.
Như vậy, các nhà sáng lập ra Chủ nghĩa Mác – Lênin đã đề cập rất rõ tư tưởng về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế, do đó không phải là khiếm khuyết của Chủ nghĩa Mác như nhiều ý kiến đã từng nêu ra.
Trong các nhiệm vụ của xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chú ý đề cập đến công tác văn hóa trong nông dân. V.I. Lênin luôn nhấn mạnh đến nông thôn, nông dân, coi công tác văn hóa trong nông dân như là một nhiệm vụ bức thiết và có ý nghĩa lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, điều kiện đã có nhiều thay đổi, nạn mù chữ, sự thiếu hiểu biết trong nông dân cơ bản đã được thanh toán. Công tác văn hóa trong nông dân không đơn giản chỉ là xóa mù chữ mà phải xóa bỏ những lực cản vô hình đang cản trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là những căn bệnh đã tồn tại từ lâu đời nay: làm ăn kiểu sản xuất nhỏ, tùy tiện, gia đình chủ nghĩa… mà xóa bỏ nó cần phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thành công của công cuộc này quyết định không nhỏ đến thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác văn hóa trong nông dân ngày nay còn phải chú trọng vào đào tạo nghề cho nông dân, nhằm tạo ra nguồn lực những người lao động mới trong nông thôn có trình độ tay nghề, có khả năng tiếp thu khoa học công nghệ.
Mặt khác, nông thôn, nông dân như một bảo tàng lớn để lưu giữ những di sản văn hóa truyền thống. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn một mặt tạo ra sự phát triển, nhưng một mặt tạo ra những thách thức trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, ở đây đặt ra mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển đòi hỏi phải có những chính sách của Nhà nước. Như vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không đơn thuần là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà quan trọng hơn là sự nâng cao về văn hóa. Chỉ khi xây dựng được môi trường văn hóa cao ở nông thôn mới đảm bảo cho sự thành công bền vững của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nhận thức lại những quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa để rút ra những bài học kinh nghiệm về sự vận dụng những quan điểm đó vào thực tiễn xây dựng nền văn hóa Việt Nam là một quá trình diễn ra liên tục và mang tính lịch sử cụ thể. Ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã luôn luôn xác định lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng của cách mạng Việt Nam và của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Đảng ta đã tiếp nhận những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin để chỉ đạo cuộc vận động và xây dựng sự nghiệp văn hóa cách mạng. Có thể nói, những quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng và phát triển nền văn hóa mới đã được Đảng ta quan tâm và thực hiện sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Đó là những quan điểm về giáo dục thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng; mở rộng và phát triển giáo dục – đào tạo; phát triển sự nghiệp báo chí cách mạng; phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật; bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, kế thừa di sản văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cách mạng… Đảng ta luôn quán triệt quan điểm phát triển, toàn diện, thực tiễn của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng, các lĩnh vực hoạt động văn hóa đã tham gia tích cực vào phát triển giáo dục, xóa mù chữ, nâng cao dân trí, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản… tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác – Lênin luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa. Từ thực tiễn gần 35 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra những bài học cho sự nghiệp cách mạng của đất nước: Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.
Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đây là bài học quý báu để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Thực tiễn đã chỉ rõ rằng, chỉ khi nào chúng ta vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, khi đó chúng ta mới đạt được những thành tựu to lớn. Khi nào chúng ta rập khuôn, giáo điều hoặc làm không đúng với những nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, nền văn hóa của chúng ta gặp những trở ngại, thậm chí suy thoái, đặc biệt là khi chúng ta tuyệt đối hóa tính giai cấp, coi nhẹ tính dân tộc và nhân dân của văn hóa; hoặc khi chúng ta buông lỏng quản lý, không coi trọng đúng mức tính đảng trong lĩnh vực này.
Nhìn lại quá trình vận dụng những quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần khẳng định những quan điểm đó luôn là nguyên tắc, là nền tảng tư tưởng để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.
Văn hóa là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức: mọi hoạt động văn hóa phải tham gia thực hiện mục tiêu của sự nghiệp đổi mới. Đồng thời, cũng cần quán triệt toàn diện và sâu sắc tư tưởng của Đảng về việc gắn kết chặt chẽ hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt với không ngừng phát triển văn hóa xã hội – nền tảng tinh thần của xã hội. Sự phát triển toàn diện và đồng bộ của ba lĩnh vực này là điều kiện đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.
________________
1. V.I. Lênin toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.479.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.110.
3. V.I.Lênin toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.428.
Tác giả: Nguyễn Lộc Đức
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng