Nhìn lại văn học campuchia sau 1993


Hai sự kiện có ý nghĩa nổi bật cuối TK XX, ký Hiệp định hòa bình Paris về Campuchia (1991) và thành lập Chính phủ liên hiệp Vương quốc Campuchia (1993), đã làm thay đổi diện mạo Campuchia, đưa đất nước này vào thời kỳ vào thời kỳ phát triển mới. Nếu như về kinh tế, Campuchia thực hiện một nền kinh tế thị trường tự do và tư nhân hóa thì về chính trị, Campuchia trở lại chế độ quân chủ lập hiến, đồng thời thực hiện đường lối dân chủ, tự do, đa đảng. Những thay đổi này đã kéo theo sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội…

Về văn học, sự thay đổi dễ nhận thấy là sự tái lập Hội những nhà sáng tác Khơme (Hội nhà văn), vào ngày 12-4-1993 (1). Lúc tái lập, Hội chỉ có 20 hội viên, trong đó có 11 hội viên là những người may mắn còn sống sót sau nạn diệt chủng, do nhà văn You Bo làm Chủ tịch Hội. Sau đó, Hội đã tiến hành phát triển thêm nhiều hội viên mới ở Phnôm Pênh và các tỉnh, thành (đến năm 2003, Hội đã có 186 hội viên), tổ chức các lớp học về sáng tác văn học. Đặc biệt, Hội đã tích cực vận động các tổ chức thuộc chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) ủng hộ, tài trợ cho phong trào sáng tác văn học. Từ năm 1995, Hội đã tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, trao các giải thưởng hàng năm: (giải thưởng Preah Sihanouk Riech với sự hỗ trợ của Quốc vương N.Sihanouk và giải thưởng ngày bảy tháng giêng với sự hỗ trợ của Thủ tướng Hun Sen). Mỗi một giải thưởng đều có những nguyên tắc, thể lệ, tiêu chí riêng. Việc Thủ tướng Chính phủ và Quốc vương đứng tên giải thưởng đã thu hút được nhiều người sáng tác văn học tham gia.

Cũng cần nói thêm là phong trào sáng táng văn học trong thời kỳ này còn được trợ giúp đắc lực của báo chí, vốn mọc lên như nấm ngay sau khi Campuchia được thành lập và thực hiện đường lối tự do, dân chủ. Chỉ riêng ở Phnôm Pênh đã có 54 tờ báo, hầu hết đều có trang cố định để đăng liên tục các truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ.

Trong các cuộc thi này, bên cạnh một số tác giả vốn đã xuất hiện trong thời kỳ Cộng hòa nhân dân Campuchia (1979-1991) nay tiếp tục khẳng định giá trị, tài năng của mình trong giai đoạn mới như Ven Xôn, Un Xoc heang, Kưm Pếch Pinuôn, Mau Xomnang…, một số tác giả trẻ đã xuất hiện.

            Các khuynh hướng văn học

Có lẽ hiếm nơi đâu như ở đây, chỉ trong khoảng 40 năm, người dân đã trải 5 chế độ chính trị khác nhau (2), đã nếm trải, chiêm nghiệm đến tận cùng của mọi sự đau khổ, hạnh phúc. Các nhà văn cũng vậy. Mặt khác, từ sau năm 1993, Campuchia trở về với thể chế quân chủ lập hiến nhưng lại theo đường lối tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Vì thế Campuchia tồn tại rất nhiều đảng phái (đã có lúc lên tới 57 đảng phái), tạo nên bức tranh chính trị đa sắc màu. Điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, xã hội của Campuchia. Trong lĩnh vực văn học nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau đã xuất hiện. Tuy nhiên, nhìn tổng quát, có mấy khuynh hướng mang tính nổi trội sau đây.

Một là, tiếp tục viết về những mất mát, đau thương mà dân tộc Campuchia phải gánh chịu dưới thời Pôl Pốt. Phải nói rằng diệt chủng không còn là vấn đề hay một đề tài mới mẻ, mang tính thời sự. Trong những tám mươi của thế kỷ trước, nó từng là khuynh hướng văn học chủ đạo. Các nhà chính trị thời đó cũng từng yêu cầu viết về chế độ diệt chủng, vừa để nhân dân nhận thức một cách đầy đủ về tội ác của chế độ diệt chủng, lại vừa không được tạo nên cảm giác sợ hãi, không dám đấu tranh chống lại bọn diệt chủng. Từ sau năm 1993, khi Campuchia bước vào thời kỳ hòa bình, nhất là trong thời gian đầu sau tổng tuyển cử, khi hòa giải hòa hợp dân tộc được coi là một chiến lược nhằm tạo nên sức mạnh quốc gia thì viết về chế độ diệt chủng lại mang một yêu cầu khác, không phải là khơi dậy hay khoét sâu vào nỗi đau vừa liền da thịt mà là nhắc nhở mọi người, không vì sự bộn bề của cuộc sống hiện thời mà quên một thời quá khứ đau thương.

Hai là, tiếp tục phản ánh sự kiện ngày 7-1-1979 và khẳng định thành tựu của chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Các tác phẩm theo khuynh hướng này thường mang tính luận đề nhằm chứng minh cho một chân lý rằng nếu không có ngày này thì Campuchia sẽ không có cuộc hồi sinh kỳ diệu, sẽ không có Hiệp định hòa bình Paris về Campuchia năm 1991, sẽ không có cuộc tổng tuyển cử năm 1993, sẽ không có Vương quốc Campuchia II (3) và tất nhiên không có sự phát triển như ngày nay.

Ba là, viết về cuộc sống hiện tại dưới tác động của nền kinh tế thị trường và tư tưởng dân chủ, tự do, đa đảng… Những người đi theo khuynh hướng này thường bám sát hiện thực đời sống sôi động, nhiều màu vẻ, với những mảng sáng, tối khác nhau, có cảm hứng mang tính ngợi ca nhưng cũng có sự rụt rè e ngại về những mặt trái của nền kinh tế thị trường.

            Một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu

Ven Xôn (1939), hội viên Hội nhà văn, bắt đầu sáng tác văn học từ sau ngày Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Năm 1987, tác phẩm Mãi mãi đợi chờ của ông đạt giải ba. Năm 1991, ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ toàn quốc với tác phẩm Lời dặn nhà thơ (Bòn đăm kavây). Cả hai cuộc thi này do Bộ Văn hóa, Thông tin, Tuyên truyền tổ chức. Sau năm 1993, Ven Sôn tiếp tục sáng tác, trong đó Lời dặn người con Khơme đạt giải tư về thơ giải thưởng Preah Sihanouk Riech, năm 1996 và Giấc mơ thiên đường đạt giải nhì về thơ giải thưởng ngày bảy tháng giêng (1997). Giấc mơ thiên đường tái hiện lại một cách nhẹ nhàng xã hội Campuchia dưới thời diệt chủng, nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau hãy nhớ mãi bài học sai lầm của giới cầm đầu Campuchia dân chủ – những người đã sao chép y nguyên tư tưởng ngoại quốc, gây nên thảm họa cho dân tộc. Giấc mơ thiên đường còn hướng bạn đọc, nhất là lớp người trẻ tuổi, vào việc bảo vệ tiêu ngữ của Vương quốc Campuchia là dân tộc, tôn giáo, nhà vua bằng các biện pháp hòa bình, phi bạo lực.

Kưm pêch Pinuôn (1961), là thạc sĩ nghệ thuật học, hiện làm việc tại Khoa Sân khấu, Đại học Mỹ thuật Hoàng gia. Bước vào làng văn từ năm 1983 với vở kịch nói Tấm lòng anh, sau đó ông còn có các tác phẩm: Chú nông dân Kun (kịch, 1984), Con sinh trước cha (kịch, 1985), Bố tôi kể chuyện (truyện ngắn, 1987). Sau năm 1993, ông vẫn tiếp tục sáng tác, trong đó đáng chú ý nhất là tiểu thuyết Bản nhạc vu quy bất hạnh, tác phẩm đạt giải nhì giải thưởng ngày bảy tháng giêng (1997), xuất bản 1998. Bản nhạc vu quy bất hạnh đưa người đọc trở về những năm tháng đen tối, đói khổ, loạn lạc dưới thời Pôl Pốt. Hai anh em ruột Lẹ và Lẹkhana liên tục bị Angca bắt làm lao động khổ sai trong các công xã nông thôn mà thực chất là các trại tập trung trá hình. Từ đó họ thất lạc nhau. Nhưng rồi như một định mệnh, hai anh em lại bị Angca đứng ra mai mối, cưới gả thực chất là buộc họ phải thành vợ chồng. Nỗi cay đắng cùng cực nhất là hai anh em chỉ nhận ra nhau chính vào lúc bản nhạc vu quy nổi nên.

Un Xốcheang (1967), hội viên Hội Nhà văn, hiện làm việc tại Bộ Công nghiệp, mỏ và năng lượng. Ông bắt đầu sáng tác từ những năm tám mươi của thế kỷ trước với hai cuốn tiểu thuyết Đường vào trái timNgười viết trẻ (1987). Năm 1989, ông đoạt giải ba tại cuộc thi văn học nghệ thuật do TP Phnôm Pênh tổ chức với tiểu thuyết Sóng biển. Sau năm 1993, ông tiếp tục sáng tác, trong đó Đêm yên tĩnh (tiểu thuyết) đạt giải thưởng Preah Sihanouk Riech (1995) và Ngày không rơi (4) (tiểu thuyết) đoạt giải nhất giải thưởng ngày bảy tháng giêng (1997). Ngoài ra ông còn có một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Nước hồ Tônlê Sáp. Ngày không rơi mô tả một cách hết sức chân thực và sống động Campuchia trong thời gian ba năm tám tháng hai mươi ngày dưới chế độ Pôl Pôt. Sống trong một xã hội còn hơn là một địa ngục, những người dân Campuchia, những nô lệ hiện đại, đã bị biến thành những con vật người. Cuốn tiểu thuyết như một cuốn phim quay chậm gồm 8 chương. Từ chương 1 Làng trống, chương 2 Nhà vắng, miêu tả sự khởi đầu của nỗi bất hạnh, tất cả người dân bị lùa ra khỏi làng, đuổi ra khỏi nhà đến các chương tiếp theo Tan vỡ, Lửa than cũ, Chết trước khi chết, Dưới những hạt mưa sắt, Bản đồ địa ngục, Tôi không có lỗi mô tả cuộc sống cơ cực của dân chúng Campuchia mà đỉnh điểm là cảnh họ phải ăn thịt chính những đứa con của mình để duy trì sự sống. Nhưng rồi, từ vực sâu của sự bất hạnh, niềm hạnh phục vô bờ chợt ập đến, đất nước Campuchia được giải phóng vào ngày 7-1-1979 (chương 8, Cuộc đời mới).

Kuông Bunchươn (1939), hội viên Hội nhà văn, bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình từ năm 1957 với tiểu thuyết Biển chết, mô tả cuộc đời của một tác giả đã dấu mình để viết về biển hồ. Năm 1963, ông bị chính quyền bắt vì tội viết Lâu đài địa ngục (tiểu thuyết) có ngụ ý phê phán cộng đồng xã hội bình dân do Hoàng thân N.Sihanouk lãnh đạo. Năm 1970 ông lại bị bắt giam vì tội đã viết Đâu là tương lai của nó phê phán chế độ cộng hòa của tướng Lon-non, người đã lật đổ Quốc trưởng, Hoàng thân N. Sihanuc vào ngày 18-3-1970. Sau ngày 7-1-1979, ông làm việc tại Bộ Văn hóa, Thông tin, Tuyên truyền. Trong thời kỳ này ông sáng tác trở lại và cho xuất bản tập thơ Lửa lòng (1983). Năm 1985 ông viết Lá lìa cành (tiểu thuyết) ca ngợi tấm lòng quốc tế cao cả của quân tình nguyện Việt Nam, nhất là đối với những trẻ em mồ côi Campuchia. Năm 1987 ông viết Người đi qua giông bão (tiểu thuyết). Từ sau năm 1993, ông tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình với một chùm tiểu thuyết: Ánh kiếm Pô Nhiayat (1995), Hoa Rùm đuôn (1995), Đom đóm (1995), Nấm mồ nguyền (1997), Số phận nàng Marina (2000)… Trong số này, 3 tác phẩm Hoa Rùm đuôn, Đom đóm Nấm mồ nguyền tuy không được giải nhưng lại gây được sự chú ý trong giới văn chương Campuchia đương thời bởi cách nhìn thời cuộc qua những vấn đề mới mẻ mà tác giả đặt ra. Hoa Rùm đuôn tái hiện một cách chân thực xã hội Campuchia dưới thời Cộng hòa nhân dân Campuchia, một thời khó khăn nhưng rất đỗi hào hùng. Chàng thanh niên Chêt Chivin và cô gái Chăn Rùm đuôn, hai nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, đại diện cho lớp thanh niên trẻ tuổi Campuchia lúc đó, đã dám chấp nhận hy sinh mối tình đẹp đẽ, thơ mộng nhưng cũng đầy khó khăn của mình, để bảo vệ tổ quốc, chống lại tàn dư của bọn diệt chủng. Đom đóm, lại trăn trở về một hiện thực mới mà giai đoạn trước chưa đặt ra hoặc mới chỉ manh nha, đó là nền kinh tế thị trường và những hệ lụy của nó. Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là phê phán các chuẩn mực xã hội đang thay đổi một cách nhanh chóng. Bun chươn tiếp tục đi sâu phản ánh một “xã hội nhà tù không có tường bao quanh” qua Nấm mồ nguyền, hướng người đọc vào những giá trị bền vững, trường tồn của truyền thống văn hóa dân tộc. Hình ảnh trung tâm của tiểu thuyết là cảnh mấy tên đồ tể giết hại một nữ diễn viên múa ápsara xinh đẹp ở ngay chân đê. Mặc dầu đã chết, chị vẫn cầm chắc trong tay và giơ cao bức phù điêu ápsara. Đây là một hình tượng nghệ thuật mang tính hư cấu, nhưng nó có tính biểu tượng hết sức sâu sắc, rằng sự tàn bạo có thể nhất thời giết hại được người dân Campuchia về mặt thể xác, nhưng không thể tiêu diệt được tâm hồn dân tộc, rằng cái thiện rồi sẽ chiến thắng cái ác.

Păn Vannarira (1954), hội viên Hội nhà văn, đỗ tú tài phần II năm 1974. Sau năm 1979, bà làm việc tại Phòng văn hóa quận Cham kamôn (Phnôm Pênh) và là một trong những người sáng lập Hội nhà văn Phnôm Pênh. Trong những năm tám mươi (TK XX), 2 tiểu thuyết Trăng tàChân trời mới của niềm hy vọng của bà đã đoạt giải nhất và giải nhì tại cuộc thi văn học nghệ thuật nhân kỷ niệm 10 năm ngày đất nước thoát khỏi nạn diệt chủng (1979-1989). Sau năm 1993, bà sáng tác rất nhiều, chỉ tính đến năm 2000, đã có 24 tiểu thuyết và 8 kịch video, trong đó Không thể quên đoạt giải nhất giải thưởng Preah Sihanouk Riech năm 1995. Không thể quên là câu chuyện kể về người con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, không người thân thích, không nơi nương tựa. Một con người luôn bị bám riết bởi các hình ảnh đơn côi, không nhà, không cửa, lang thang, đói khát của quãng đời tuổi thơ. Chỉ có Trung tâm Hoa hồng (trại trẻ mồ côi ở Phnôm Pênh dưới thời Cộng hòa nhân dân Campuchia – NST) là nơi dung thân, là thiên đường để xoa dịu nỗi đau cho cô và các bạn trẻ mồ côi khác. Khi có chút vốn liếng trong tay, cô không quên mình có trách nhiệm đóng góp để cứu giúp những mãnh đời bất hạnh. Không thể quên còn là tiếng nói tự đáy lòng giữa cô gái mồ côi với người bạn đời thương tật của mình. Hội đồng giải thưởng Preah Sihanouk Riech đánh giá Không thể quên là một áng văn đẹp, ngợi ca một cuộc đời đã biết vượt lên số phận, vượt qua muôn ngàn khó khăn, đấu tranh không ngưng nghỉ, không chỉ vì bản thân mình mà còn vì biết bao cuộc đời cùng cảnh ngộ. Chính vì điều này mà nó đã đoạt giải nhất giải thưởng Preah Sihanouk Riech năm 1995 và được Hội nhà văn xuất bản năm 1996.

Pôn Pixây (1958), nhà thơ, nhà văn, hội viên Hội Nhà văn, làm việc tại Sở Công nghiệp, mỏ, năng lượng Phnôm Pênh, được biết đến từ hai bài thơ Linh hồn KhơmeKhơme ơi được phát trên Đài phát thanh quốc gia năm 1973. Cũng trong năm 1973, bà cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết Cuộc buộc chỉ cổ tay đầy nước mắt Tình yêu số phận. Sau năm 1979, bà tiếp tục làm thơ, trong đó hai bài thơ Đá thử Khơme, No cả một đời (1983) được nhiều người biết đến. Năm 1991, truyện thơ Vàng mười của bà được giải khuyến khích tại Liên hoan sáng tác văn học nghệ thuật toàn quốc.

Sau năm 1993, Pôn Pixây viết khá nhiều. Tuy nhiên người đọc chú ý đến Truyện thơ Sân khấu đời người, tác phẩm đoạt giải nhất giải thưởng Preah Sihanouk Riech (1995) và Hoa kê sô kôn, giải nhì cuộc thi do Trung tâm Phụ nữ Campuchia tổ chức (1996). Sân khấu đời người là ý nghĩa cuộc đời mà mỗi người trải nghiệm từ những góc độ khác nhau. Thông qua mối quan hệ của một gia đình, với những biến cố, thăng trầm nhưng vẫn giữ được tình cảm yêu thương gắn bó ruột rà, truyện thơ đề cao vai trò của gia đình trong giai đoạn đất nước có những thay đổi về chuẩn mực, về hệ giá trị dưới tác động của nền kinh tế thị trường. Nhưng trên hết, Sân khấu đời người là bài ca về lòng mẹ khoan dung, nhân hậu, là bài học giáo dục về sự bình đẳng trong thế hệ thanh niên nam nữ, khuyên họ làm tốt vai trò người chồng, người vợ và cao hơn là hoàn thành trọng trách của mình trong thời kỳ mới. Cũng có nhà nghiên cứu văn học Campuchia đi xa hơn, cho rằng Sân khấu đời người mang một ý nghĩa biểu tượng về bà mẹ Khơme nhân hậu, nhưng đau thương, đi suốt dọc dài của lịch sử đất nước (5).

Mau Xomnang (1959), hội viên Hội nhà văn, trình làng bằng tác phẩm đầu tay, tiểu thuyết Cái dốc tình (1982). Những năm dưới chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia, bà là một trong những người sáng tác nhiều và đều đặn nhất. Sau năm 1993, bà vẫn tiếp tục sáng tác. Tính đến năm 1996, bà đã có tất cả 24 tiểu thuyết và trên 10 vở kịch video được xuất bản, trong đó Sóng xô cát đoạt giải nhất giải thưởng Preah Sihanouk Riech (1995), xuất bản năm 1996. So với các tiểu thuyết được giải khác, Sóng xô cát không dày dặn bằng, chỉ vẻn vẹn 145 trang, được chia thành 7 phần (Hối hận, Cây cầu tình yêu, Hờn dỗi, Hận lòng, Đoán không ra, Nhẫn nại, Dấu vết tình yêu), nhưng Mau Xomnang đã đưa người đọc vào một thế giới phức tạp của đất nước Campuchia sau khi thoát khỏi cuộc nội chiến để bước vào cuộc sống mới. Đó là một Campuchia đang trong giai đoạn chuyển đổi, với những mối quan hệ chồng chéo, đan xen, phức tạp, với những thân phận giàu sang có, thấp hèn có, chính trực có, bất nhân có. Bởi vậy, cuốn sách đầy ắp các biến cố, các sự kiện, các tình tiết, mặc dầu cốt truyện xoay quanh thân phận của một cô gái bị chính người cha ruột của mình bỏ rơi từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Câu chuyện bắt đầu từ một chút hiểu lầm mà ông Narết đã đuổi bà Montha ra khỏi nhà khi bà đang mang thai cô con gái Bô Sệba. Bà Montha phải kiếm sống và nuôi con một mình với bao nỗi cô đơn, khổ cực. Montha vô cùng uất hận. Bà tìm cách trả thù chồng bằng cách quyết chí nuôi con gái ăn học nên người. Không phụ lòng mẹ, Bô Sệba trở thành một viên chức nhà băng tư nhân. Nhưng cũng như người mẹ của mình, Bô Sệba phải chịu bao sự va đập của cuộc đời… Mặc dầu có lúc mâu thuẫn, xung đột được đẩy lên đỉnh điểm, nhưng Sóng xô cát lại kết thúc có hậu theo lối truyền thống. Ông Narết thừa nhận đứa con ruột của mình, và được bà Montha thông cảm, tha thứ, bà Nali bị tống giam, Đinăn, kẻ sát nhân giết hại bố cô Đănni và là tên buôn lậu kim cương cũng bị bắt. Đặc biệt, Duthi đã thừa nhận sai lầm và tái hợp cùng Bô Sệba.

Có thể có nhiều người cho rằng Sóng xô cát có quá nhiều tình tiết, sự kiện mà quá mỏng về khía cạnh tâm lý để tạo nên những nhân vật văn học đích thực. Nhận xét này không phải không có lý. Nhưng, văn học Campuchia, như thường thấy, vẫn thiên về mặt hành động. Điều này có nguồn gốc từ trong lịch sử văn học, vả lại, nó cũng phản ánh, đồng thời cũng là để đáp ứng một thị hiếu mang tính phổ quát của phần lớn đọc giả Campuchia nói chung, đó là văn chương dùng để diễn chứ không phải để đọc. Tuy nhiên, đối với Mau Xomnang, điều ấy cũng không quan trọng lắm. Cái bà quan tâm là hiệu quả xã hội của tác phẩm. Ở Sóng xô cát, Mau Xomnang đã sử dụng một mô típ rất quen thuộc trong văn học Campuchia là thân phận của người phụ nữ, nhất là những phụ nữ mồ côi hay có số phận bất hạnh. Khác chăng là cái thông điệp mà Mau Xomnang muốn chuyển tới độc giả. Với Mau Xomnang, sống là phải biết yêu cái đẹp, yêu chân lý, yêu lẽ phải, ghét thói đố kỵ nhỏ nhen, ghét bản chất xấu xa của những kẻ hư hỏng, luôn tìm cách hủy hoại cuộc sống của người khác nhưng cũng biết biết nhân nhượng, tha thứ với những người biết nhận ra lỗi lầm. Có thể nói, Sóng xô cát là cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ của những con người không nơi nương tựa trong bão tố, giống như những hạt cát bị những đợt sóng liên hồi xô đẩy trên bãi biển.

Ngoài các khuynh hướng chủ đạo trên, tuy chưa trở thành một khuynh hướng, nhưng đã xuất hiện những nhà văn muốn thử sức mình trong loại truyện mang tính thương mại để kiếm sống, mặc dù số người thực sự sống được bằng nghề văn là cực ít, nếu không muốn nói là chưa có. Bên cạnh đó còn có một số nhà văn dựa vào các câu chuyện cổ để sáng tạo thêm nhằm phục vụ nhu cầu của một số đọc giả có tư tưởng trở về với quá khứ huy hoàng Angkor xưa.

Có thể nói, sau năm 1993, văn học Campuchia được hồi sinh và dường như nó được tiếp thêm sức mới, ít nhất là về tổ chức, để trăm hoa đua nở. Nhưng văn học Campuchia cũng phải đứng trước một cuộc cạnh tranh mới: văn hóa đọc bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn đang được hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, cùng tâm lý hưởng thụ của một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ. Thứ đến, vì sự mưu sinh, một bộ phận lớn công chúng không có thời gian và cũng chưa có hứng thú đến với văn học. Dù sao, trong bối cảnh hiện thời, những chuyển động, những khuynh hướng văn học Campuchia cũng khá rõ ràng và rất đáng được ghi nhận.

_______________

1. Hội nhà văn Khơme được thành lập lần đầu tiên vào năm 1956, do nhà văn Rim kin, tác giả Sô Phát, cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Campuchia (1938), làm Chủ tịch Hội.

2. Sau khi giành được độc lập (1953), Campuchia đã trải qua 5 chế độ chính trị và một thời kỳ quá độ: Cộng đồng xã hội bình dân (1954-1969), Cộng hòa Khơme (1970-1975), Campuchia dân chủ (1975-1979), Cộng hòa nhân dân Campuchia (1979-1991), Thời kỳ quá độ dưới sự quản lý của UNTAC (1991-1993), thời Vương quốc Campuchia (từ 1993 đến nay).

3. Vương quốc Campuchia I là thời kỳ 1954-1969, dưới sự trị vì của Quốc vương N.Sihanouk.

4. Tiểu thuyết này có tựa đề bằng tiếng Khơme là Thờ ngay mần rụ rôi, nghĩa là ngày hoặc mặt trời (thờ ngay) không (mần) rơi rụng (rụ rôi). Nó ám chỉ đến ngày 7-1-1979, ngày đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Vì thế ngày này không bao giờ rơi rụng trong tâm khảm người Campuchia. Bởi vậy chúng tôi tạm dịch tiểu thuyết này là Ngày không rơi.

                5. Tan Xokhunthia, Sự tiến triển của văn học Khơme giai đoạn 1979-1999, Phnôm Pênh, 2002 (tư liệu Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, tiếng Khơme), tr.76.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Nguyễn Sỹ Tuấn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *