Nhớ về danh nhân văn hóa Phan Kế Bính

Đã từ lâu danh nhân Phan Kế Bính (1875-1921) được đặt tên cho một đường phố đẹp cách không xa hồ Thủ Lệ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Thụy Khuê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là phố Thụy Khuê, quận Ba Đình). Thuộc dòng dõi khoa bảng, ông đỗ cử nhân Hán học năm Bính Ngọ (1906). Thời bấy giờ ở nước ta, đội ngũ nhà báo còn đang khan hiếm, Phan tiên sinh đã xuất hiện như một ngôi sao sáng giữa làng báo, viết thành thạo cả Hán văn lẫn Việt văn.

Ngay sau khi đỗ cử nhân, tiên sinh được mời làm việc cho Đăng cổ tùng báo (1907) và được giao viết bài bằng Hán văn. Đến năm 1912, ông vào Sài Gòn làm biên tập cho tờ Lục tỉnh tân văn. Nhưng đến năm 1914, tờ Đông Dương tạp chí ra đời, Nguyễn Văn Vĩnh mời ông ra Bắc làm biên tập và trở thành cây bút chủ lực của tạp chí này. Đến năm 1918, tờ Đông Dương tạp chí được đổi tên thành Trung Bắc tân văn Học báo, ông phụ trách viết phần xã thuyết (xã luận) của tờ báo. Với tài năng xuất sắc, đương thời ông xứng đáng sánh vai cùng chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh. Suốt 14 năm làm báo, ông viết khá nhiều bài và rồi tuyển thành sách, trong số đó có nhiều bài được tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh các trường trung học. Đó là nét sắc sảo về chất lượng các bài viết…

Điều nổi bật là giữa buổi giao thời cũ – mới, bút lông chuyển sang bút sắt – thời mà câu chuyện văn dĩ tải đạo đang ngự trị thì Phan tiên sinh đã là người sớm nhận thức một cách khoa học vai trò của văn chương – báo chí qua cuốn Việt Hán văn khảo ra mắt năm 1918. Ông khẳng định: Văn chương là một thứ khoa học rất cao và rất khó, không những là một lối thù ứng tiêu khiển rất tao nhã, mà lại biểu lộ được tính tình và tư tưởng của người ta, có thể cảm xúc được nhân tâm, duy trì được phong hóa, cái công dụng của văn chương không phải là nhỏ…

 Cuốn sách được dùng giảng dạy cho học sinh chuyên khoa tú tài (THPT) từ năm 1934. Cách đây một thế kỷ, mà tác giả đã bộc lộ rõ quan điểm tiến bộ nêu bật những nguyên tắc khoa học hợp lý, mà ngày nay đọc lại vẫn rất bổ ích: Nhời văn cốt cho đạt được ý thì thôi. Nghĩa là nói câu nào phải cho thiết thực, làm văn bất tất phải cầu kỳ. Văn chỉ cốt ở chính đáng mà thôi, nghĩa là nói câu nào phải cho thiết thực đích đáng, hợp với lẽ phải và sự thật, không nên bàn nơi viển vông, huyễn hoặc mà sai với lẽ đương nhiên. Văn chương không cần phải đua khéo trong từng chữ, từng câu, phải nghĩ cả toàn bài cho khéo thì mới là hay: mộc mạc thì như một tấm lụa, mà rực rỡ thì như một tấm gấm…

Điều đáng chú ý là tác giả đã xác định khá rõ nét nhiệm vụ, chức năng của văn học, báo chí gắn bó với tính khuynh hướng, không thể dừng lại ở thú ngâm vịnh giải trí, mà còn “khả dĩ ái, khả dĩ quần”. Ông còn nêu bật mối quan hệ mật thiết giữa văn chương với xã hội, đồng thời khảo sát các thể loại văn chương qua văn thơ cổ điển Trung Hoa và Việt Nam, tựa như một cuốn đại cương về lý luận văn học thời hiện đại. Quả là một đóng góp khoa học đáng quý trong quá trình phát triển văn hóa dân tộc nước Việt đang buổi tìm đường hướng đem lại lợi ích cho đông đảo người đọc. Bao năm tháng qua đi, nếu nhìn kỹ lại, chúng ta nhận thấy công lao đóng góp về văn hóa của Phan tiên sinh thật quý giá!

Từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã đánh giá rất cao: Từ cách chấm câu đến cách diễn đạt ý kiến cùng tư tưởng của ông, người ta tưởng như ông là một nhà Tây học kiêm Hán học, chứ không mấy ai có thể biết ông chỉ là một nhà Hán học thuần túy, chưa hề chịu ảnh hưởng Tây học trực tiếp.

Hơn nữa, có thể khẳng định Phan Kế Bính là nhà văn hóa lớn đầu TK XX với cuốn Việt Nam phong tục (1915) – một tác phẩm có độ dày bề thế xứng đáng là một công trình khoa học giá trị, góp phần khẳng định những mặt tốt đẹp trong truyền thống văn hóa lâu đời, thể hiện bản sắc dân tộc, phê phán những lề thói lạc hậu kìm hãm sức phát triển xã hội; đồng thời lên án những yếu tố cản trở quyền sống của con người trong luân lý Nho giáo cần loại bỏ, mà trước đó ở TK XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã đặt nền móng.

Qua cuốn sách này, hình ảnh xã hội và con người Việt được khắc họa khá cụ thể, vừa sinh động lại vừa phong phú. Nổi bật là chân dung những người nông dân vốn gắn bó theo những tập tục tốt đẹp của làng xã hòa vào cộng đồng không tách rời những làng nghề thủ công tài hoa, những hội hè đầu xuân vui tươi rộn rã yêu đời.

Mặt khác, ông còn biên khảo hai tập sách Nam Hải dị nhânHưng đạo đại vương (1909-1915), tựa như sách danh nhân văn hóa ngày nay. Điều đáng trân trọng nhất là ở hai cuốn sách này, tác giả ngợi ca các bậc tiền nhân từng lập nên bao công trạng cứu nước, cứu dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chống giặc ngoại xâm phương Bắc từ Hai Bà Trưng đến Trần Quốc Tuấn. Ông còn viết cuốn Đại Nam nhất thống chí (1916) và Việt Hán văn khảo (1918)…

 Không chỉ có thế, trong buổi bình minh của ngôn ngữ báo chí, Phan tiên sinh đã tự mình trau dồi tiếng Việt đuổi kịp văn phong hiện đại, sánh cùng Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và các đồng nghiệp khác, tuy ông không học tiếng Pháp. Là một nhà Hán học uyên thâm, song ông đã chiếm lĩnh thành thạo Việt văn đến mức tài hoa trong việc viết báo, viết xã luận, viết truyện, đặc biệt là dịch thuật. Ngày nay, ta hãy đọc một đoạn văn của Phan tiên sinh dịch truyện Tam quốc diễn nghĩa vào năm 1907 thì có thể thấy rõ nét sự linh hoạt trong việc sử dụng điêu luyện tiếng mẹ đẻ. Mặc dù ông đang chăm chú viết báo bằng Hán văn, nhưng nếu bạn đọc phần mở đầu tập VII (bản cũ – tiếng Việt) cuốn Tam quốc diễn nghĩa, bạn sẽ thấy lời văn dịch sinh động như văn viết: “Lại nói Khổng Minh thu quân về nước, Mạnh Hoạch dẫn các chúa động và tù trưởng, bộ lạc lễ lạy, tiễn đưa. Quân đi gần đến bờ sông, bấy giờ đang mùa thu, tháng chín, bỗng dưng mây kéo mù mịt, gió thổi ù ù, quân không sao sang được đò, bèn trở lại báo với Khổng Minh. Khổng Minh hỏi Mạnh Hoạch thì Hoạch nói: Ở con sông này, xưa nay vẫn có ác thần gây tai quái, kẻ đi lại phải cúng tế mới yên…”.

Việc phiên dịch toàn tập bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ từ nền văn học cổ điển Trung Hoa của La Quán Trung, dày hơn 2.000 trang gồm 120 hồi và kết thúc bằng bài dân ca dài 2 trang tóm lược, được dịch thành thơ song thất lục bát đầy hấp dẫn! (Nxb Văn hóa – Văn nghệ tái bản năm 2011). Ở thời điểm chữ Quốc ngữ mới phát triển, quả là nét tài hoa của người dịch không chỉ bộc lộ khả năng ưu việt về Hán văn – Việt văn, mà còn bộc lộ rõ tầm hiểu biết sâu rộng về văn hóa sử Trung Hoa, góp phần mở mang phương thức giao lưu văn hóa bình dân giữa hai nước. Công lao phát triển ngôn ngữ tiếng Việt thật đáng ngợi ca không ai bì kịp, đúng như lời nhận xét của Vũ Ngọc Phan.

Về sau ông dịch nhiều bộ sách lớn như Đại Nam nhất thống chí (1916), Đại Nam điển lệ toát yếu (1915-1916), Việt Nam khai quốc chí truyện (1917), Đại Nam liệt truyện tiền biên (1918), Đại Nam liệt truyện chính biên (1919)…

Điểm ngời sáng nhất của Phan Kế Bính chính là ở trí tuệ sắc sảo với khát vọng chiếm lĩnh khoa học say mê đầy sáng tạo. Ông đã lưu lại cho con cháu đời sau hàng ngàn trang sách quý sống mãi với non sông đất nước! Chỉ trên dưới 10 năm, Phan tiên sinh đã soạn thảo gần chục tác phẩm có giá trị lâu dài chứng tỏ nghị lực lao động bền bỉ đầy sáng tạo vượt qua mọi trở ngại. Đúng là một nhà văn hóa tài hoa dồi dào năng lực đã góp phần làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Điều đáng tiếc nhất là ông giã từ cuộc sống quá sớm lúc tài năng đang nở rộ.

Ngày nay, chúng ta không chỉ tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn sức cống hiến tuyệt vời, mà còn cùng các thế hệ hậu sinh tìm thấy trong sự nghiệp cao đẹp của danh nhân họ Phan sức sống trường tồn trong nguồn mạch văn hóa Việt Nam vẫn không ngừng phát triển từ đời này qua đời khác trước sức bành trướng của các thế lực văn hóa ngoại bang. Và nhiệm vụ của lớp trẻ là cần chung sức kế thừa những truyền thống quý báu của các bậc tiền nhân, nhằm phát huy bản sắc dân tộc, tiến lên sánh vai cùng bè bạn bốn phương.

PGS, TS NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *