1. Phim nhà nước đầu tư
Là dạng phim được nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ phục vụ một số chủ điểm truyền thống, văn hóa, giáo dục… Điều dễ nhận thấy theo mức độ thị trường hóa và xã hội hóa, theo nhu cầu định hướng nhiều ít mà lượng phim nhà nước đầu tư tăng giảm khác nhau ở một số thời điểm vài chục năm qua. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì số lượng phim nhà nước ngày càng giảm. Nếu như cuối thập kỷ 1980 đến 1990 bình quân mỗi năm là 20 phim, thì từ năm 1991 đến 2000 giảm xuống trên dưới 10 phim, năm 2001 chỉ còn trên dưới 5 phim, thậm chí vài năm nay chỉ có từ 2 đến 3 phim.
Từ năm 1990, với đà mở cửa, đổi mới, phim thị trường phát triển, các nguồn vốn đa dạng đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh tăng lên, nhu cầu khán giả thay đổi, thêm nữa truyền hình phát triển gánh đỡ rất nhiều vai trò tuyên truyền, giáo dục quần chúng cho điện ảnh. Vì thế, điện ảnh không còn độc tôn trong phục vụ định hướng mà trở dần về các chức năng nghệ thuật, văn hóa, giải trí, kinh doanh. Người ta khó có thể bỏ ra hàng tỷ đồng làm phim chiếu rạp vốn ít khán giả để tuyên truyền, trong khi chỉ cần 1/5 hoặc 1/10 số tiền đó làm phim truyền hình lại đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy số tác phẩm xuất sắc như mong muốn không nhiều, nhưng cũng có những phim hay đọng lại với thời gian như những năm 1990: Kiếp phù du, Tuổi thơ dữ dội, Canh bạc, Vị đắng tình yêu (tập 1), Xương rồng đen, Bọn trẻ, Dấu ấn của quỷ, Cỏ lau, Cây bạch đàn vô danh, Ai xuôi vạn lý, Bụi hồng, Giải hạn, Hà Nội mùa đông năm 46, Ngã ba Đồng Lộc, Hải Nguyệt, Những người thợ xẻ, Đời cát… Từ năm 2000 đến nay: Mùa ổi, Bến không chồng, Vào Nam ra Bắc, Hà Nội 12 ngày đêm, Lưới trời, Thời xa vắng, Người đàn bà mộng du, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Đừng đốt, Long thành cầm giả ca, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại…
Mặc dù đầu tư của nhà nước cho phim có ý nghĩa thời điểm, đôi khi là tình thế, song các nhà làm phim đã làm được những tác phẩm tâm huyết, không vị đề tài và định hướng khô cứng hoặc khuôn mẫu cũ. Các bộ phim đạt được các tiêu chí về nghệ thuật, văn hóa, phản ánh hiện thực một cách sâu sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phim có chất lượng trung bình, cũ trong cả nội dung lẫn nghệ thuật. Cũ ở đây là chưa thoát ra cách làm, cách thể hiện của thời kỳ 1990 về trước khi thực tiễn và thời đại đã thay đổi. Vì thế, báo chí, công luận vẫn kêu ca là phim cúng cụ, mang nặng cảm hứng đường mòn, rơi vào minh họa đề tài, hô hào… Về mặt sản xuất, do chưa có sự thay đổi cơ chế phù hợp, cho nên tất cả các phim kinh phí nhà nước đều được cắt khá lớn. Với phim tài trợ, nhà nước cấp 70% giá thành phim, hãng phải bỏ thêm 30%, nhưng tất cả các hãng hầu như chỉ làm với 70% được cấp và còn cắt tiếp cho khâu quản lý, dịch vụ… nên khâu hiện trường sản xuất có kinh phí eo hẹp. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều phim truyện bao cấp bị hụt hơi và chất lượng thấp. Mô hình hãng phim truyện nhà nước, chỉ dựa vào bao cấp, móc ngoặc xin cho… đã hoàn toàn không phù hợp với thời kỳ mới. Đòi hỏi cần chuyển sang hình thức hãng phim cổ phần và nghệ sĩ chỉ nên làm hợp đồng.
2. Phim của các tổ chức sự nghiệp, chính trị xã hội, đoàn thể
Dạng thức phim của các tổ chức sự nghiệp, chính trị xã hội, đoàn thể là nét riêng của phim truyện thập kỷ 1990. Do thời kỳ này thị trường khát phim, phim truyện trở thành món hàng khá hút vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Căn cứ vào yếu tố nhà nước không cấm, hàng chục hãng phim của những tổ chức công, bán công, công tư kết hợp của các đơn vị sự nghiệp hoặc đoàn thể ra đời. Họ làm phim truyện chiếu rạp, chủ yếu như một lĩnh vực kế hoạch 3 nhằm mục đích thị trường. Có tới hàng chục phim được sản xuất và công chiếu trên toàn quốc như: Người không mang họ, Bí mật thành phố cấm (Điện ảnh Công an nhân dân và Liên hiệp xí nghiệp điện ảnh và băng từ TP. Hồ Chí Minh); Đêm giông (Vinavideo và Điện ảnh Công an); Hai năm nữa anh về (Công ty Điện ảnh Quảng Nam); Hát giữa chiều mưa, Truyền thuyết tình yêu thần nước (Hãng phim hoạt hình Việt Nam); Kỳ tích bà đen (Xí nghiệp phim TP. Hồ Chí Minh), Lục Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga (Xí nghiệp phim tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và Công ty Điện ảnh Bến Tre); Ngược dòng (Hãng phim truyện 1 và Công an Quảng Nam – Đà nẵng); Người đàn bà nghịch cát, Chuyện tình bên dòng sông, Tên phim dành cho khán giả, Giọt lệ Hạ Long (Hãng phim Thanh Niên); Phía sau cuộc chiến (Công ty Điện ảnh Quảng Nam – Đà Nẵng và Hãng phim Giải Phóng); Yêu đương ở tuổi nào (Vinavideo); Đêm hoang tưởng (Hãng phim Bến Nghé và Hội điện ảnh TP. Hồ Chí Minh); Đời hát rong (Vinavideo và Công ty phát hành phim Trung ương 2); Không phải chuyện cười, Tráng sĩ Bồ Đề (Hãng phim Ngọc Khánh); Lệnh truy nã (Hãng phim trẻ TP. Hồ Chí Minh và Hãng phim Bến Nghé); Mảnh tình nghiệt ngã, Đảo hải tặc (Hãng phim Bến Nghé); Ngọc trong đá (Hãng phim trẻ và Xí nghiệp phim TP. Hồ Chí Minh ); Thanh gươm để lại, Ngôi nhà oan khốc, Vết thù năm tháng (Xí nghiệp phim TP. Hồ Chí Minh); Ai chết cho người đẹp, Bỉ vỏ, Số đỏ (Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương); Truyền thuyết tình yêu thần nước, Em là nghiệp chướng của đời anh (Hãng phim hoạt hình); Ảo ảnh tình yêu (Sài Gòn phim); Anh sẽ về (Sài Gòn video); Cạm bẫy tình (Hãng Vavifilm Hội nhà văn); Đi tìm cô gái Si đa (Trường Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh); Hãy tha thứ cho em (Trung tâm Điện ảnh trẻ); Vĩnh biệt mùa hè (Hãng phim trẻ và Hãng phim Giải Phóng); Yểu điệu thục nữ (Đài truyền hình Cần Thơ); Hào Phú đa tình (Hãng phim Bến Nghé); Chân trời nơi ấy (Hãng phim Tây Đô); Nước mắt thời mở cửa, Vầng trăng lửa (Hodaphim – Hội Điện ảnh)…
Số phim kể trên tuy chưa phải tất cả, nhưng cho thấy trong những năm 1990 phim được làm bằng kinh phí xã hội khá lớn. Nó nảy nở trong điều kiện đặc thù nhà nhà làm phim của thời kỳ mà nay không lặp lại. Từ cuối những năm 1990 tới nay, các cơ sở làm phim truyện theo dạng thức này hầu như ngừng hoạt động, vì không giành được thành tựu và chỗ đứng trên thị trường cũng như chất lượng nghệ thuật.
3. Phim tư nhân
Dòng phim tư nhân bao gồm 2 nguồn chính, một lượng lớn do tư nhân trong nước đầu tư và phần còn lại do Việt kiều tham gia. Từ sau năm 1990, một cách tự phát với động cơ kinh doanh, hàng chục nhà làm phim tư nhân đã tích cực tham gia làm phim thị trường. Có thể dẫn ra một số phim đạt thành công nhất định về nghệ thuật hoặc thương mại với sự cộng tác của các nghệ sĩ và hãng phim truyện nhà nước. Những năm 1990: Thăng Long đệ nhất kiếm, Sơn thần thủy quái, Áo trắng sân trường, Nước mắt học trò (Lý Huỳnh); Chiếc mặt nạ da người (nhóm Thiên Nga); Bản tình ca cuối cùng (nhóm Nguyễn Chánh Tín – Phụng Thiều); Tình ngỡ đã phôi pha, Trong vòng tay chờ đợi, Em không thể xa anh (nhóm Thái Hòa); Con Thuyền bị đánh đắm (nhóm Hai Nhất); Em và Michael Jackson (nhóm Phước Sang – Lưu Huỳnh); Nữ sinh quý tộc (nhóm Xuân Kỳ); Vườn đào năm ấy (nhóm Lâm Thành Sung); Những ngày tháng đẹp (Phạm Lan Vinh và Hãng phim truyện 1)…
Những năm 1997 tới 2003, do thị trường lắng xuống, số lượng phim từ nguồn vốn tư nhân xuất hiện không đáng kể. Từ năm 2002, khi nhà nước cho phép thành lập hãng phim tư nhân, và sau sự thành công của phim giải trí, thị trường như Gái nhảy, Lọ lem hè phố, các nhà làm phim tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh lại hăng hái nhập cuộc. Số lượng phim sản xuất ngày càng nhiều, có thể kể tới: Những cô gái chân dài, Hai trong một, Nữ tướng cướp, Trai nhảy, Giải cứu thần chết, Nhật ký Bạch tuyết, Khi yêu đừng quay đầu lại, Đẹp từng xen ti mét, Scandal (Hãng Thiên Ngân); Áo lụa Hà Đông, Đẻ mướn, Mười, Hồn trương ba, da hàng thịt, Phát tài, Võ lâm truyền kỳ, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Huyền thoại bất tử, Hello cô ba, Lấy chồng người ta (Phước Sang); Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, 14 ngày phép, Chết lúc nửa đêm, Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn, Cưới ngay kẻo lỡ (Chánh Phương); Tây Sơn hào kiệt (Lý Huỳnh); Khát vọng Thăng Long (Công ty Kỷ nguyên sáng); Cánh đồng bất tận, Lệ phí tình yêu, Cô dâu đại chiến, Những nụ hôn rực rỡ, Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng cười cô gái điếm và con vịt, Dành cho tháng 6 (BHD); Duyên trần thoát tục (Công ty Senafilm); 1735 km (Hãng phim Phương Nam); Thập tự hoa (Hãng phim Á Châu); Bóng ma học đường (Thiên Ngân và LBT); Nàng men chàng bóng (Thiên Ngân và HK film); Để mai tính, Chuyện tình xa xứ (focus Media Group, Early Risers Media Group và Wonderboy Entertaiment); Những bức thư từ Sơn Mỹ (Hãng Điện ảnh truyền thông Unesco); Thiên mệnh anh hùng (Phương Nam Phim, Saigon Films, PhimThiên Minh, Thanh Niên Films, BHD)…
Đáng chú ý, dạng thức phim này thu hút khá đông Việt kiều tham gia trong tư cách đạo diễn, diễn viên hoặc nhà sản xuất, đầu tư. Cùng với các nhà sản xuất nội địa, họ đã huy động nguồn vốn lớn cho dòng phim tư nhân và đạt được thành công thương mại như các phim: Bóng ma học đường, Cánh đồng bất tận, Những nụ hôn rực rỡ, Long Ruồi, Để mai tính, Cô dâu đại chiến, Ngôi nhà trong hẻm, Mỹ nhân kế… Và cũng có phim đạt giải của Hội điện ảnh, Liên hoan phim Việt Nam như: Những cô gái chân dài, Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng, Scandal…
Tuy đạt được nhiều thành công, nhưng dòng phim này vẫn còn bị đánh giá mang nặng tính giải trí tầm phào, hài quấy chọc cười lố lăng, khai thác nhiều cái lạ dị hợm, chiều nịnh thị hiếu thấp… Đặc biệt trong thời kỳ 1990, nó còn bị công luận gọi vui là phim mỳ ăn liền. Nhưng có lẽ, điều đó sẽ được khắc phục khi mà tính thị trường và nghệ thuật ngày càng hội tụ với trình độ ngày càng nâng cao của các nhà làm phim tư nhân. Điều này gần đây, đã hiện rõ khi mà căn bản không còn thấy tính nghiệp dư trong biểu đạt ở dòng phim này so với trước năm 2000. Thấy có sự nâng cao cập nhật quốc tế rất nhiều về các khâu thể hiện và kỹ thuật, tiếp cận thị trường chuyên nghiệp, bài bản. Việc vận dụng khá nhiệt tình ở hầu hết các phim những yếu tố giải trí hút khán giả từ thời trang, bối cảnh, âm nhạc, vũ đạo tới hành động… Đặc biệt các nghệ sĩ Việt kiều còn trực tiếp mang kiến thức nghề nghiệp với tính chuyên nghiệp cao từ những cường quốc điện ảnh như Mỹ về áp dụng. Đó là những điều rất đáng ghi nhận cho các nhà làm phim tư nhân trong đó có Việt kiều. Ý nghĩa lớn khác mà dạng thức phim tư nhân mang lại chính là đóng góp vào phát triển tài năng điện ảnh. Các đạo diễn, diễn viên, quay phim trẻ mới khởi nghiệp có nơi hành nghề và phát huy tài năng trí lực của mình. Nhờ thế mà thị trường phim không bị tắt ngấm lúc nhà nước giảm dần đầu tư cho sản xuất phim truyện.
4. Phim liên doanh với nước ngoài
Vào những năm trước 1990 ở Việt Nam có một số phim hợp tác sản xuất mang ý nghĩa giao lưu hữu nghị với các nước như: Tọa độ chết (Liên Xô), Ngọn tháp Hà Nội (Cộng hòa dân chủ Đức)… Từ 1990 đến nay, số lượng phim liên doanh với đối tác nước ngoài mang tính thị trường và hội nhập văn hóa đã tăng dần theo thời gian: Trang giấy trắng (Hãng phim Giải Phóng và Hãng NHK Nhật Bản, 1991); Vị đắng tình yêu, tập 1 (Hãng phim Giải Phóng và Hãng Aumovisco Đài Loan 1991); Hồng hải tặc (Hãng phim Truyện 1 và Hãng Main Yang Hồng Công, 1996); Bông sen (Hãng phim Truyện Việt Nam và Trung tâm nghệ thuật – công nghệ điện ảnh Angeri, 1998); Mùa hè chiều thẳng đứng (Hãng phim Truyện Việt Nam và Hãng Encoproduction Le studiocanal + art fran cinema, 1999); Vũ khúc con cò (Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam và Công ty Mega Media Singapore, 2002); Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công (Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang Trung Quốc, 2003); Thời xa vắng (Hãng phim Giải Phóng và Solimane Productions – Pháp, Quỹ Pháp ngữ, 2004); Mùa len trâu (Hãng phim Giải Phóng và Hãng Novak PRD – Bỉ, 3 B prodution – Pháp, 2004); Hạt mưa rơi bao lâu (Hãng phim Truyện 1, Hãng phim Thủy Triều – Việt Nam và Moonfish – Đức, 2005); Sống trong sợ hãi (Hãng phim Truyện 1 và Đài NHK – Nhật Bản, 2005); Hà Nội, Hà Nội (Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam và Điện ảnh dân tộc Vân Nam Trung Quốc, 2006); Mười (Billy Picture Hàn Quốc và Phước Sang, 2007); Trăng nơi đáy giếng (Hãng phim Giải Phóng, Alliancefilms, Quỹ điện ảnh Phương Nam, Quỹ sản xuất nghe nhìn các nước nói tiếng Pháp phương Nam, 2007); Cú và chim se sẻ (Annam pictures – Mỹ và Hãng Chánh Phương, 2008); Bi đừng sợ (Hãng Thiên Ngân và Arte cinema France, Dominic Scriven, 2009); Chơi vơi (Công ty cổ phần phim truyện 1 và đối tác Acrobates, CNC Pháp, Quỹ Liên hoan phim Roterdam Hà Lan, 2009); Vượt qua bến Thượng Hải (Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Điện ảnh Hoành Điểm – Tập đoàn Thượng Hải, 2010); Ranh giới trắng đen (Công ty Nghiệp Thắng, Vinacinema, Jelita Alip film – Indonesia, Hồng Kông, 2012)… Nhìn khái quát thì số lượng phim liên doanh chưa nhiều trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, cũng có vài ba phim có giá trị nghệ thuật, tư tưởng ít nhiều đọng lại với thời gian, như các phim: Thời xa vắng, Hạt mưa rơi bao lâu, Trăng nơi đáy giếng, Sống trong sợ hãi, Bi đừng sợ.
5. Phim tác giả
Ở những nước phát triển, dạng thức phim tác giả được hình thành một cách có ý thức, lý luận dẫn đường, nở rộ thành hệ phái rõ rệt, riêng biệt, nằm ngoài các hệ thống xưởng phim lớn. Nhưng khác họ, dòng phim tác giả ở Việt Nam nhìn chung còn nhỏ lẻ, không mạnh vì chưa có được nền tảng kinh tế, xã hội, văn hóa. Hầu hết việc sản xuất phim ưu tiên cho mục đích định hướng hoặc giải trí, thương mại.
Chúng ta có thể thấy một điều thú vị rằng, phim tác giả ở Việt Nam chủ yếu hình thành ngay trong luồng phim chính thống của các hãng nhà nước, phần còn lại là nguồn liên doanh… Như vậy, dạng thức phim khán giả đã có sự giao thoa với các dạng thức phim khác. Chúng không khác nhau mấy về phương thức đầu tư, sản xuất, nhưng cũng có nét khác đáng kể về nội dung, nghệ thuật. Người đạo diễn không chỉ thuần túy là người làm thuê cho nơi đầu tư, nhà sản xuất, mà còn là nhà sáng tạo, biểu đạt cảm quan nghệ thuật, tư tưởng một cách tương đối độc lập. Qua đó đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh và ít nhiều tiến tới tiến bộ xã hội bằng kiến giải màn ảnh của mình.
Có thể nói, những đạo diễn như Đặng Nhật Minh, Việt Linh Trần Văn Thủy… là những người đi tiên phong làm mới mạch phim tác giả từ những ngày điện ảnh Việt Nam còn hoàn toàn hoạt động theo một dạng thức là phim nhà nước bao cấp. Họ đã vượt qua giới hạn của người đạo diễn, viên chức làm nhiệm vụ văn hóa định hướng thuần túy vốn thường khuôn hẹp vào thời kỳ, yêu cầu kế hoạch đề tài có ý nghĩa nhất thời để tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm nói lên tâm thức thời đại, giàu tính nhân văn đọng lại với thời gian.
Dáng nét của dòng phim tác giả ở Việt Nam, có thể thấy rõ hơn chỉ từ sau thời điểm 1986. Khởi đầu là vào cuối những năm 1980 đầu 1990 với các phim: Tướng về hưu (Nguyễn Khắc Lợi); Cô gái trên sông (Đặng Nhật Minh); Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ (Việt Linh); Chuyện cổ tích cho tuổi 17 (Xuân Sơn); Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm (Lê Đức Tiến); Người rừng (Nguyễn Văn Thông)... Thời gian sau: Lương tâm bé bỏng (Lê Hoàng); Của rơi (Vương Đức); Con thuyền bị đánh đắm (Vũ Xuân Hưng); Trung úy (Hà Sơn); Cây bạch đàn vô danh, Đời cát (Nguyễn Thanh Vân); Trở về, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi (Đặng Nhật Minh); Vào Nam ra Bắc (Phi Tiến Sơn); Cạm bẫy tình (Phạm Lộc); Dịch cười, Vua bãi rác (Đỗ Minh Tuấn); Bến không chồng (Lưu Trọng Ninh), Bụi hồng, Thời xa vắng (Hồ Quang Minh)… Gần đây một số đạo diễn thế hệ thứ 3, thứ 4 cũng hăng hái đi vào dòng phim này với cách làm mang tính chất hội nhập hơn trong việc chủ động gửi kịch bản, dự án xin tài trợ trong nước, nước ngoài. Nhiều tác phẩm sản xuất được khán giả và những nhà nghiên cứu điện ảnh đánh giá cao như: Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn); Chuyện của Pao (Ngô Quang Hải); Sống trong sợ hãi, Chơi vơi (Bùi Thạc Chuyên); Bi đừng sợ (Phan Đăng Di)…
Nhìn lại dòng phim tác giả Việt Nam, có thể thấy dạng thức làm phim này thường giúp bộc lộ cảm quan nghệ sĩ cao nhất. Qua đó, nhà làm phim có thể khám phá hiện thực một cách mạnh mẽ để có thể làm nên những tác phẩm mang tinh thần thời đại. Vì vậy, cần khuyến khích dòng phim tác giả phát triển, tạo nên các tác phẩm mới, bên cạnh các dòng phim khác.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013
Tác giả : Đặng Minh Liên
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh