Nhường nhịn và tha thứ


Trong cuộc sống, nhường nhịn, tha thứ là một đức tính vô cùng quý báu, nó hóa giải được mọi tình huống phức tạp và tôn vinh giá trị cao đẹp của một con người.

Cuộc sống con người dù cho có phải tranh đấu, ganh đua để mưu cầu lợi ích đến bao nhiêu đi nữa thì con người vẫn sống bằng lý trí và tình cảm, Vì thế nên vấn đề nhường nhịn và tha thứ như là một hình thức thông cảm cho nhau mà thôi. Ngày nay có một số người coi thường tất cả mọi thứ lễ nghĩa trong việc đối nhân, xử thế, họ đặt lợi ích cá nhân lên tất cả mọi thứ. Đối với họ vấn đề nhường nhịn và tha thứ có nghĩa là là sự thua thiệt, một thất bại của cá nhân và làm như thế là nhục nhã, mất mặt v.v…Nếu mọi người đều biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, nhất định chúng ta sẽ sống hạnh phúc. Trong một gia đình cũng vậy, chồng vợ biết thương yêu nhau, luôn tha thứ cho nhau, sẵn sàng thông cảm lẫn nhau và lúc nào cũng nhường nhịn nhau, chắc chắn gia đình ấy là một gia đình hạnh phúc. Vậy tại sao trong cuộc sống đời thường chúng ta thường cố chấp nhau những điều không đáng chấp để rồi sau đó chúng ta lại phải hối tiếc những điều đã xẩy ra. H và S là hai vợ chồng bạn thân với gia đình tôi, cuộc sống của họ nhìn lên thì không bằng ai nhưng nhìn xuống thì nhiều người ước mơ cũng chẳng thể có. Ấy vậy mà chỉ vì một sự cố chấp, hiểu nhầm và hiếu thắng mà dẫn đến cuộc sống gia đình của họ đổ vỡ, vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ. Chuyện rất đơn giản: H được sếp cử đi công tác nước ngoài, trong thời gian đi công tác không biết lý do gì mà H ít gọi điện về nhà, Mỗi lần S điện thoại sang thì không nhận được tín hiệu. Là một người đàn ông có bệnh đa nghi nên S nghi ngờ vợ mình ngoại tình. Nỗi ghen tuông ấm ức đó cứ lớn dần trong lòng Sơn cho đến khi H về. S chưa hỏi về lý do chiếc điện thoại mà đã vội vàng kết tội H là đi đú đớn với xếp ở nước ngoài. Hồng cố giải bày nhưng S cương quyết không nghe. S cho đó là một sự xúc phạm không thể nào tha thứ được. Biết là mình bị oan nhưng dù có nói thế nào đi chăng nữa thì S vẫn cho đó là sự phản bội lại chồng. Như một giọt nước tràn ly, không ai chịu nhường nhịn ai họ quyết định làm đơn ly dị. Tất nhiên điều này S và H không ai muốn nó xẩy ra nhưng do sự hiếu thắng và lòng tự cao tự đại của mỗi người mà không ai chịu nhường nhịn ai, thế là họ đã phạm phải một sai lầm lẽ ra không đáng có. Khi sự việc được sáng tỏ thì cả hai đều ân hận vì đã không kiềm chế được bản thân mình hay nói đúng hơn là không nhường nhịn và tha thứ bỏ qua cho nhau. S tâm sự: “Giá như mình bình tĩnh hơn, rộng lượng hơn, giá như mình lắng nghe cô ấy nói thì gia đình mình đâu ra nông nỗi này. Giờ có hối thì cũng đã muộn”.

Tôi xin khẳng định lại là nhường nhịn không có nghĩa là đầu hàng, là thua thiệt mà trái lại nhường nhịn và tha thứ cho nhau, thì mới có thế thành công trong cuộc sống hạnh phúc gia đình mà nhất là trong lãnh vực đối nhân, xử thế.

 

HOÀNG BÍCH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *