Sức mạnh chiến đấu của quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố tạo thành, trong đó, con người và vũ khí là hai yếu tố nền tảng trong sức mạnh chiến đấu của quân đội. Vì rằng, “toàn bộ tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội và do đó, thắng lợi và thất bại đều tỏ ra là phụ thuộc…vào chất liệu của con người và vũ khí”(1). Song, trong quan hệ giữa con người và vũ khí, yếu tố con người luôn giữ vai trò quyết định, Ph.Ăngghen đã khẳng định “con người chứ không phải vũ khí, sẽ thắng trong trận đánh”(2). Theo đó, trong hệ thống các yếu tố cấu thành sức mạnh chiến đấu của quân đội, nhân tố chính trị, tinh thần và kỷ luật là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Quân đội mạnh về chính trị, tinh thần mới phát huy được sức mạnh trong chiến đấu, vượt qua được những khó khăn và thử thách lớn lao đối với khả năng chịu đựng của con người.
Theo Ph.Ăngghen muốn đánh giá đúng khả năng chiến đấu của một quân đội, cần xem xét cả mặt vũ khí trang bị và cả trình độ kỷ luật, khả năng và sự chuẩn bị về tinh thần để vượt qua những thử thách khốc liệt của chiến tranh và “nhất là trạng thái tinh thần của nó, nghĩa là đòi hỏi nó những gì mà không sợ làm cho nó mất tinh thần”(3), bởi, nhân tố tinh thần, sự dũng cảm ở đây sẽ biến thành sức mạnh vật chất. V.I.Lênin đã nhấn mạnh rằng, “đứng vững về mặt tinh thần có nghĩa là không để mất tinh thần, không để bị rối loạn, là giữ được sự sáng suốt trong việc nhận định tình hình, là giữ vững tinh thần dũng cảm và chí kiên quyết”(4), và chỉ rõ, “trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(5). Tinh thần của quân đội hình thành, phát triển phụ thuộc vào chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội; vào vai trò giai cấp cầm quyền và vào mục đích chính trị của chiến tranh.
Phẩm chất ý chí là một yếu tố quan trọng của tinh thần con người. ý chí quyết chiến, quyết thắng của người lính là vừa là yêu cầu, vừa là nhân tố quyết định đến thắng lợi của mọi cuộc chiến đấu. Nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu, phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng cũng là vấn đề quan trọng trong tất cả các giai đoạn của cuộc chiến tranh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ý chí quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ của mọi cán bộ, chiến sĩ nói chung và của bộ đội kéo pháo vào trận địa nói riêng là nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi của chiến dịch.
Tham gia chiến dịch Điện Biên phủ, lực lượng pháo binh có 2 trung đoàn (45 và 675), cuối chiến dịch được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn ĐKZ và 1 tiểu đoàn hỏa tiễn H6 cùng pháo binh trong biên chế của các đại đoàn. Pháo, cối các loại ta có tổng số 261 khẩu (từ cối 82mm) trở lên. Chiến trường Điện Biên Phủ chủ yếu là rừng núi, với những cánh rừng già và các điểm cao trung bình từ 400m đến 1.300m. Việc kéo pháo là một cuộc thử thách khó khăn, quyết liệt đối với cán bộ chiến sĩ ta. Đường kéo pháo chưa có, đã được mở bằng sức người trong một ngày đêm, để đảm bảo yêu cầu bí mật, bất ngờ. Con đường kéo dài 15km, chạy từ cửa rừng Nà Nham (km 70), vắt qua đỉnh Pha Sông cao 1150m, qua bản Tố (đường Điện Biên Phủ – Lai Châu) vươn tới bản Nghịu (tây bắc Điện Biên Phủ). Đường đi của những khẩu pháo nặng 2 tấn rưỡi phải vượt qua những dải núi non hiểm trở, độ dốc có chỗ lên tới 60 độ, bên đường phần lớn là vực sâu rất nguy hiểm; ngoài ra một số đoạn trống trải địch dễ phát hiện, điều kiện kéo pháo bằng sức người kết hợp với tời quay tay trong đêm tối. Pháo càng leo lên cao, số người càng phải tăng, có lúc đến 100 người/1 khẩu, có lúc pháo chỉ nhích từng phân một khá nặng nề. Nhất là những hôm trời mưa dầm, đường trơn, dốc tuột, đất biến thành bùn và những mất mát hy sinh đã xảy ra. Có lần, dây tời đứt, kéo luôn cả chùm người xềnh xệch trên mặt đường, không sao cưỡng nổi và đã có chiến sĩ xả thân mình, hy sinh chèn, cứu pháo. “Dũng cảm cứu pháo! Còn người, còn pháo!…” đã trở thành khẩu hiệu trong lòng mỗi chiến sĩ kéo pháo vào trận địa. Sau 9 ngày đêm, với quyết tâm cao và kế hoạch tổ chức kéo pháo ngày càng hoàn chỉnh, bộ đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập kỳ công bí mật đưa pháo vào trận địa, sẵn sàng đợi lệnh nổ súng.
Theo kế hoạch giờ G là 17 giờ ngày 24-1-1954, nhưng tình hình địch có thay đổi, chúng đã tăng cường lực lượng, bố trí dày đặc, xây dựng hệ thống phòng ngự khá vững chắc. Đảng ủy Mặt trận đã nhất trí thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc, hoãn tiến công, kéo pháo ra và tiếp tục chuẩn bị thật kỹ để đánh chắc thắng. Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại càng khó khăn hơn. Tình hình lúc đó thực sự là một khó khăn thách thức về cả nhiệm vụ và tư tưởng, tinh thần chiến đấu của bộ đội, cần có sự lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục và nêu cao tinh thần giác ngộ cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng, vượt khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ mới. Bao nhiêu mồ hôi và máu đã đổ xuống trên đường kéo pháo vào, bao gian khổ, ác liệt đã vượt qua, vậy mà giờ đây không được chiến đấu, phải rút ra, ai cũng dao động, tiếc nuối. Người trầm tĩnh thì ngao ngán thở dài, người nóng nảy, sôi nổi thì hậm hực ra mặt… Các chi bộ họp cấp tốc bàn việc lãnh đạo kéo pháo ra và tiến hành công tác tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ về chủ trương mới của chiến dịch: quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ của ta không thay đổi; đưa pháo ra chính là để trở vào lần thứ hai, khi đã bảo đảm mọi điều kiện chắc thắng. Sau khi bộ đội được quán triệt đầy đủ, thấu đáo hơn về cách đánh, mục tiêu chiến dịch, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, sắt son trước Đảng, nhân dân, quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng thực hành kéo pháo ra vị trí tập kết. Mặc cho bom, pháo địch, chiến sĩ ta lại tiếp tục vượt ngàn khó khăn, gian khổ kéo pháo ra vị trí tập kết, cuộc vật lộn với đèo cao, dốc thẳm lại bắt đầu. Kéo pháo vào vô cùng gian khổ, kéo pháo ra cũng gian khổ vô cùng. Dốc Bảy tời hôm vào cuộn tời đưa pháo nhích lên từng bước thì nay phải từ từ nhả dây, dòng pháo xuống. Ngược lại, những vực sâu trước chỉ có ghìm dây thả pháo, giờ còng lưng đẩy ngược pháo lên… và mất mát hy sinh lại đến với bộ đội kéo pháo. Đã xuất hiện những tấm gương anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Văn Chức, Trần Can, Tô Vĩnh Diện… lấy thân mình để cứu pháo. Vượt qua bao gian khổ, đến mờ sáng ngày 5-2 (tức mùng 3 tết) khẩu pháo cuối cùng đã được kéo an toàn ra vị trí tập kết. Đến ngày 7-2-1954 (mùng 5 tết), các đơn vị pháo binh được ăn tết, một cái tết kéo pháo vào, kéo pháo ra thắng lợi. Cũng sáng hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trưởng mặt trận, đã đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ pháo binh. Đại tướng khen ngợi: “Thời gian qua, theo lệnh trên các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ hành quân ra mặt trận, theo lệnh trên các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ chuyển pháo vào trận địa, chuyển pháo đến vị trí tập kết. Những nhiệm vụ đó đã được coi như nhiệm vụ chiến đấu vì nó phải thực hiện trong điều kiện khó khăn. Hoàn thành những nhiệm vụ đó là một thắng lợi. Tôi gửi lời khen ngợi các đồng chí”(6).
Như vậy, có thể thấy, trước những khó khăn thử thách càng lớn, lại đòi hỏi yếu tố tinh thần, phẩm chất ý chí quyết tâm con người càng cao và nó cũng khẳng định tinh thần, ý chí vượt khó, lòng quả cảm hy sinh của con người trước hiện thực nghiệt ngã của chiến tranh. Cuộc quyết chiến ở Điện Biên Phủ mang tính chính nghĩa cao cả của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cán bộ, chiến sĩ kéo pháo vào trận địa đã giác ngộ cách mạng và có niềm tin tưởng tuyệt đối vào mệnh lệnh người chỉ huy, nêu cao ý chí hành động thì trăm người như một, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn. Đúng như V.I.Lênin từng nói: “Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng, cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy” (7). Bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, với tổ quốc, tận hiếu với nhân dân, vì nhân dân quên mình, phụng sự nhân dân với tình cảm sâu sắc, trách nhiệm cao nhất; với bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu kiên cường, ý thức trách nhiệm cao trước mọi nhiệm vụ đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, chấp hành vô điều kiện mệnh lệnh cấp trên, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa pháo vào trận địa. Trải qua thực tiễn đưa pháo vào trận địa, chúng ta thấy, việc giữ vững quyết tâm, ý chí chiến đấu anh dũng, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh; bộ binh, công binh, pháo binh đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ để kéo pháo, đánh địch; bộ đội triệt để chấp hành mệnh lệnh cấp trên là những bài học có giá trị to lớn. Bộ đội pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tuy còn non trẻ, nhưng với truyền thống chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng đã băng qua dốc núi đèo cao kéo pháo đến trận địa, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Khẳng định vai trò pháo binh tác chiến hiệp đồng quy mô lớn ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “ Quân ta đã bạt núi, xẻ đồi mở những con đường mới để vận chuyển Pháo binh ta đến Điện Biên Phủ. Pháo binh ta đã được bố trí trong những trận địa hết sức kiên cố, một cách hoàn toàn bất ngờ đối với kẻ địch. Pháo binh ta tuy còn nhỏ nhưng đã có một tác dụng lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ”(8).
Phẩm chất ý chí quyết chiến quyết thắng của bộ đội ta đưa pháo vào trận địa ở chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, được bắt nguồn từ bản chất giai cấp công nhân của quân đội, kế thừa truyền thống dựng nước và giữa nước của cha ông từ ngàn xưa, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng, dân tộc. Ý chí ấy lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công giáo dục, rèn luyện, được hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đã thực sự trở thành biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó cũng chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta khi được giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, và chuyển hóa thành niềm tin, hành động chiến đấu cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Phẩm chất ý chí quyết tâm, tinh thần hy sinh, xả thân vì nhiệm vụ cách mạng, sẵn sàng nhận hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành truyền thống quý báu, niềm tự hào của quân đội ta, nó vẫn đang hiện hữu trong mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hôm nay.
Ngày nay, tình hình thế giới và khu vực với diễn biến nhanh chóng, phức tạp và chứa đựng nhiều nhân tố khó lường, đang đặt ra cả thời cơ, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và những vấn đề chính trị thế giới mới nảy sinh thời gian gần đây, đòi hỏi quân đội ta phải thường xuyên nâng cao sức mạnh chiến đấu. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”(9). Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng quân đội trong thời kỳ mới đòi hỏi quân đội ta vừa phải có đủ sức mạnh để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước; vừa phải có đủ khả năng và trình độ làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ngăn chặn và đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh và sẵn sàng đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược với mọi quy mô và trình độ, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt trong điều kiện biến đổi mau lẹ của xu thế toàn cầu hóa đời sống kinh tế xã hội hiện nay, chiến lược bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang có những chính sách và điều chỉnh chiến lược mới cho phù hợp, song xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong sức mạnh chiến đấu của quân đội vẫn là vấn đề quyết định. Thực tiễn đó vẫn cần phải tiếp tục củng cố và phát huy mạnh mẽ hơn nữa phẩm chất ý chí của bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới. Mọi cán bộ, chiến sĩ quyết tâm sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ, có lệnh là đi, đã đánh là thắng. Như vậy, có thể thấy phẩm chất ý chí quyết chiến, quyết thắng đưa pháo vào trận địa, cũng như tinh thần và ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm, vẫn là giá trị tinh thần, bài học vô giá, nguồn động lực cổ vũ, khích lệ chúng ta vươn lên, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
_______________
1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 673.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.278.
3. Chủ nghĩa Mác – Lênin bàn về chiến tranh và quân đội, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.518.
4. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.284.
5, 7. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1977, tr.147.
6. Nguyễn Trung Kiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Binh chủng Pháo binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.13.
8. Điện Biên Phủ – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.254.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.82.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014
Tác giả : Nguyễn Văn Thanh
Bài viết cùng chủ đề:
Định hướng giá trị yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay
Hồ chí minh – người khai sinh danh nhân văn hóa thời hiện đại
Ngoại giao văn hóa trong chính sách phát triển của việt nam