Những giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam đã thấm sâu, quện chặt vào trong huyết quản của mỗi thành viên trong gia đình, trở thành sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn để cho dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh làm nên những chiến thắng lừng lẫy, ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới. Đó là một trong những thành quả thể hiện những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc. Trong đó, gia đình chính là nơi chưng cất, gạn đục khơi trong những giá trị văn hóa truyền thống đưa đất nước đi lên, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình chính là sự tiếp nối của những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, bởi những giá trị văn hóa truyền thống gia đình, không tách rời hoặc biệt lập với văn hóa truyền thống chung của dân tộc, mà đó là sự kế thừa, nằm trong dòng chảy liên tục của văn hóa truyền thống dân tộc. Có thể nói, gia đình Việt Nam đã thể hiện vai trò đặc biệt của nó trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên ba bình diện: là nơi tiếp nhận, giữ gìn và giáo dục truyền tải các giá trị truyền thống cho các thế hệ kế tiếp. Từ bao đời nay, gia đình truyền thống của Việt Nam kết tinh nhiều tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, gia đình – trên cơ sở những chuẩn mực chung của xã hội mà tùy theo điều kiện hoàn cảnh đã xây dựng nên những nề nếp, gia phong khác nhau. Thông thường, các giá trị văn hóa ngoại lai xâm nhập vào xã hội đã bắt đầu từ đời sống gia đình và gia đình luôn ở vào tư thế sẵn sàng mở cửa tiếp nhận những gì phù hợp với tâm thức của mình. Sự cô đọng này phản ánh một quá trình tích luỹ, vận động liên tục, tiếp nhận và truyền tải, hình thành nên bản sắc hết sức phong phú, độc đáo. Đó là những giá trị về mặt đạo đức, giáo dục, mặt tâm lý tình cảm và ý thức cộng đồng của gia đình. Đạo đức là cốt lõi của đời sống gia đình truyền thống.
Trong gia đình các mối quan hệ ông bà, cha mẹ, con cháu được xây dựng theo một tôn ti, trật tự tạo nên nề nếp, sự êm ấm, hòa thuận giữa các thành viên với nhau. Đó là tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, lòng thủy chung son sắt; tình thương yêu của cha mẹ đối với các con, sự hy sinh vô bờ bến của các bậc sinh thành; sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; tình thương yêu đùm bọc, gắn bó, giúp đỡ nhau giữa anh chị em ruột thịt; tương thân, tương ái trong anh em họ hàng. Gia đình là tổ ấm thân yêu đem lại hạnh phúc cho mỗi người. Trong gia đình, cá nhân được đùm bọc và giáo dục, trẻ thơ có điều kiện an toàn để khôn lớn, người già có nơi nương tựa, người lao động được phục hồi sức khoẻ và thoái mái về tinh thần; quan hệ sâu đậm giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái, anh – chị – em, những người đồng tâm, đồng cảm, nâng đỡ nhau suốt cả cuộc đời. Có rất nhiều vấn đề, ngoài môi trường gia đình không ở đâu có thể đáp ứng và giải quyết có hiệu quả. Chỉ khi nào được yên ấm trong gia đình và hữu ái trong xã hội, cá nhân mới thực sự yên tâm lao động và làm việc sáng tạo. Ngược lại, sự bất hạnh lớn nhất của con người là lâm vào cảnh vô gia cư, gia đình lục đục, tan vỡ, hoặc đói nghèo, khốn quẫn. Trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải phát huy tốt mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống gia đình để xây dựng gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi con người.
Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21 – 5 – 2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, những khó khăn và thách thức nêu trên sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình…”. Vì thế, xây dựng gia đình văn hóa mới là một việc làm mang tính chiến lược, cấp bách nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đất nước. Xây dựng gia đình văn hóa mới trong giai đoạn hiện nay còn có ý nghĩa chiến lược đối với việc xây dựng truyền thống văn hóa gia đình trong tương lai. Theo dự báo, trong tương lai, gia đình Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi về quy mô, kết cấu, chức năng. Quan hệ nam nữ sẽ ngày càng bình đẳng hơn. Số thanh niên chậm kết hôn, sống độc thân, chung sống trước khi kết hôn hoặc sống chung với nhau mà không kết hôn ngày càng tăng. Hôn nhân không chỉ diễn ra với những người cùng quốc tịch mà hôn nhân xuyên quốc gia diễn ra ngày càng nhiều, quan hệ huyết thống ngày càng rộng. Tỷ lệ ly hôn, ly thân ngày càng cao hơn. Quy mô gia đình tiếp tục thu nhỏ lại, gia đình hạt nhân một vợ một chồng và ít con sẽ là phổ biến, xuất hiện nhiều mô hình gia đình thiếu, khuyết – nghĩa là gia đình chỉ gồm có một người cha hoặc một người mẹ và con cái của họ. Trước thực trạng ấy, nếu không được chuẩn bị đầy đủ năng lực để thích ứng với xu thế tiến bộ, gia đình sẽ không thực hiện được chức năng vốn có.
Để phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình về vị trí, vai trò của văn hóa truyền thống gia đình.
Các thành viên trong gia đình nhận thức sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống gia đình không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải do lực lượng siêu nhiên nào ban ơn mang đến. Mà đó là kết quả của quá trình tạo dựng, vun đắp, xây trồng của biết bao các thế hệ thành viên trong gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình luôn có quan niệm và nhận thức đúng rằng, giá trị văn hóa truyền thống gia đình là tài sản tinh thần vô giá, liều thuốc vạn năng giúp cho mỗi con người có những suy nghĩ, hành động đúng đắn, hợp lý trong công việc, cũng như trong cuộc sống. Hiện nay, trước sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, những giá trị văn hóa truyền thống gia đình bị mai một, lãng quên không còn có giá trị to lớn trong giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình, nhưng ở đâu đó trong các gia đình Việt Nam vẫn còn giữ được gia phong, nề nếp, lề lối của gia đình có văn hóa. Đây là nhân tố quan trọng để Đảng, Nhà nước ta cùng các cơ quan, chức năng, ban ngành quan tâm nhằm khơi dậy những mặt tích cực đó vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Hai là, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư gắn với việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phòng, chống tham nhũng, lành mạnh hóa đời sống xã hội tạo môi trường văn hóa tốt đẹp, trong sạch để gia đình tồn tại, phát triển.
Trong những năm vừa qua Đảng, Nhà nước ta có nhiều chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là cuộc vận động xây dựng Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã có tác động sâu sắc tới các thành viên trong gia đình, làm cho những giá trị văn hóa truyền thống gia đình cũng được khơi dậy và phát huy một cách sâu sắc hơn bao giờ hết. Thông qua cuộc vận động, người dân đã tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào những công việc chung của khu vực nơi mình sinh sống, đó là thành quả, sự chuyển biến nhận thức sang hành động thực tiễn. Những giá trị văn hóa không phù hợp, lai căng sẽ biến mất để nhường chỗ cho những giá trị văn hóa tốt đẹp thẩm thấu, lan tỏa vào các thành viên trong gia đình, trở thành nguồn gốc, động lực cho sự phát triển của gia đình, quê hương và đất nước. Bên cạnh đó, thường xuyên tăng cường việc kiểm tra, giám sát của người dân đối với hoạt động của các cơ quan, chức năng, ban ngành trong việc duy trì, điều hành những hoạt động chung của khu dân cư để có những chủ trương, biện pháp xử lý hiệu quả trên cơ sở những quy định, chế ước chung của hiến pháp, pháp luật nhà nước, còn có những quy định đặc thù của mỗi địa phương, khu phố. Thông qua những việc làm như vậy, sẽ góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các khu dân cư, xây dựng gia đình trong sạch, lành mạnh.
Ba là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình.
Sự phát triển của gia đình gắn liền với những điều kiện kinh tế – xã hội và do điều kiện kinh tế – xã hội quy định. Do đó, để xây dựng gia đình mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì vấn đề quan trọng là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên gia đình. Sự no ấm về đời sống vật chất, lành mạnh và phong phú về đời sống văn hóa tinh thần là những tiền đề vững chắc bảo đảm cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức… của các thành viên gia đình. Đồng thời, góp phần thiết thực vào việc chuẩn bị nguồn lực con người và phát huy nguồn lực con người cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên gia đình có nội dung toàn diện, bảo đảm cho các gia đình có đời sống vật chất ngày càng no đủ, dồi dào; nơi ở và làm việc, nghỉ ngơi khang trang sạch đẹp; phương tiện đi lại thuận tiện cho học tập, công tác, sinh hoạt và giải quyết các mối quan hệ xã hội; đời sống tinh thần ngày càng phong phú dựa trên nền tảng vật chất kỹ thuật hiện đại, phù hợp với khả năng lao động cống hiến của mỗi gia đình, từng thành viên, đồng thời là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo, chính đáng của gia đình và thành viên gia đình. Ở nước ta hiện nay, một bộ phận gia đình thuộc các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ có khoảng cách khá lớn về thu nhập, nhất là vùng đô thị, các trung tâm kinh tế, chính trị. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng dần thu nhập, mức sống, chất lượng sống, xóa đói, giảm nghèo tiến tới xóa nghèo cho các gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phải giữ vững ổn định chính trị, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện gây chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết cộng đồng gia đình các dân tộc Việt Nam, bảo đảm cho các gia đình trên lãnh thổ Việt Nam đều có đời sống vật chất, tinh thần no đủ, phong phú để thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình.
Bốn là, xây dựng khu tập thể dân cư, làng, bản văn hóa.
Đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam và gia đình truyền thống Việt Nam. Từ lâu, gia đình truyền thống Việt Nam thường gắn liền với làng, với nước, hình thành nên sự cố kết bền chặt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhờ đó, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn để tồn tại và phát triển đến ngày nay. Để sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc ngày nay giành thắng lợi to lớn cần trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống ấy. Xây dựng khu tập thể dân cư, làng bản văn hóa là nhằm tạo ra một môi trường xã hội trong sạch lành mạnh, an toàn, thuận lợi nhất để các gia đình đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau cùng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở làng, xã, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả cộng đồng; góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Trên đây là một số nội dung và giải pháp chủ yếu để phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình trong bối cảnh mới của đất nước. Tuy mỗi phương hướng, giải pháp có vị trí, vai trò và nội dung riêng, song giữa chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đây đều là tiền đề, điều kiện để thúc đẩy xây dựng gia đình mới, đem lại hạnh phúc cho các thành viên gia đình, đồng thời góp phần vào sự phát triển ổn định bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ THU THỦY
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Đám cưới của người tày ở xã tô hiệu, bình gia, lạng sơn
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội