Phát huy nghệ thuật quân sự truyền thống trong tình hình mới

Văn hóa quân sự (VHQS) là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị VHQS nói chung và giá trị nghệ thuật quân sự (NTQS) độc đáo Việt Nam nói riêng là vấn đề quan trọng, cần thiết. Đó cũng là một trong những động lực cơ bản của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

 

         Dân tộc Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu dài, dựng nước và giữ nước luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Trải qua hàng nghìn năm, nhân dân ta đã kiên cường, bền bỉ đấu tranh giành và giữ nền độc lập, giải phóng đất nước, bảo vệ tổ quốc, tạo nên một bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc tiêu biểu cho phẩm chất, cốt cách, khí phách, tâm hồn người Việt Nam, trong đó có VHQS. Với dân tộc ta, hoạt động quân sự không hề mang ý nghĩa tự thân và cho dù phải đối đầu với những kẻ thù cực mạnh thì cũng luôn hướng đến chân, thiện, mỹ. Điều đó đã tạo nên giá trị VHQS với các nhân tố nền gốc, tiêu biểu là: chủ nghĩa yêu nước, truyền thống nhân đạo và NTQS độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc.

         NTQS độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc là một giá trị văn hóa được hình thành, vun đắp, lưu giữ, kế thừa và phát huy trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Với dân tộc Việt Nam, hoạt động quân sự có mục tiêu xuyên suốt là giữ nước nên việc tổ chức ra lực lượng vũ trang mang tính đặc sắc, cốt để toàn dân đánh giặc giữ nước thành công. Sự độc đáo của NTQS Việt Nam được thể hiện rõ nét trong nghệ thuật dụng binh với chủ trương dựng gậy làm cờ, bốn phương dân cày tụ hợp, cách tổ chức nhiều thứ quân nhằm phát huy sức mạnh chính nghĩa để khơi dậy ý thức cố kết cộng đồng trên cơ sở lợi ích tối cao của dân tộc. Đó là nghệ thuật dụng binh luôn mang tư tưởng tiến công, phát động và tổ chức cho toàn dân đánh giặc cùng tinh thần quyết chiến, quyết thắng với mọi thứ công cụ có thể làm vũ khí trong tay. Đó là mưu phạt tâm công cốt đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, là nghệ thuật lấy đoản binh thắng trường trận, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, luôn nắm vững quyền chủ động chiến lược để tạo thế, tranh thời, chuyển lực… Đỉnh cao của sự phát triển giá trị NTQS Việt Nam đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta kế thừa, phát triển thành học thuyết chiến tranh nhân dân hoàn chỉnh.

         Nhìn lại tiến trình lịch sử của dân tộc, chúng ta thấy trong mỗi giai đoạn, NTQS Việt Nam lại có những đặc thù và giá trị được biểu hiện ở các cung bậc khác nhau. Dù ở thời chiến hay thời bình, nó đều vận động không ngừng và luôn cần phải định hướng, khơi dậy, phát huy, phát triển để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của đất nước.

         Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo, song cuộc đấu tranh giai cấp, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vì lợi ích quốc gia dân tộc, an ninh phi truyền thống… đang diễn ra phức tạp với nhiều hình thức khác nhau. Nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay có sự phát triển mới, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, trong đó lĩnh vực văn hóa, tư tưởng là một mũi nhọn tấn công. Mặt khác, mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, sự xâm thực của văn hóa ngoại lai, phản động đã làm cho nét đẹp văn hóa dân tộc nói chung, giá trị VHQS nói riêng có phần bị mai một, lệch lạc. Vì vậy, phát huy giá trị VHQS nói chung, giá trị NTQS truyền thống độc đáo Việt Nam nói riêng là nội dung có tầm quan trọng chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Trong đó, phát huy giá trị NTQS truyền thống của dân tộc với tính cách là giá trị VHQS trong tình hình mới cần hướng vào thực hiện các nội dung chủ yếu sau.

               Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị NTQS trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, vai trò của giá trị NTQS Việt Nam trong tình hình mới

         Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong quá trình phát huy giá trị NTQS Việt Nam trong thời kỳ mới. Thực chất đây là quá trình tạo ra những hiểu biết sâu sắc, toàn diện cho các chủ thể quân sự về văn hóa, nội dung, bản chất, tính cấp thiết phát huy giá trị NTQS Việt Nam trong tình hình mới.

         Tăng cường giáo dục sâu rộng cho nhân dân cùng các tổ chức quân sự có nhận thức đúng đắn về NTQS độc đáo Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước, quá trình hình thành, phát triển trong những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh, giai đoạn, thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giải phóng, bảo vệ đất nước. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước của nhân dân ta đã ghi nhận NTQS là một nhân tố hết sức quan trọng trong chiến tranh. Nhân dân ta thắng giặc ngoại xâm không chỉ bằng ý chí quật cường mà còn có sự kết hợp chặt chẽ ý chí với tài trí thông minh, sáng suốt. Thắng lợi của nhân dân ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc vừa qua là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng. Đường lối đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ tổ quốc vào điều kiện thực tế Việt Nam. Đó là sự kế thừa, phát triển truyền thống đánh giặc của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm trong hoạt động quân sự của thế giới.

         Trong điều kiện mới, phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” (1). Vì vậy, cần nhận thức đúng về vai trò phải phát huy giá trị NTQS trong tình hình mới. NTQS hiện nay phải quán triệt mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, từ đó khơi dậy lòng tự hào, tiềm năng sáng tạo, niềm vinh dự, trách nhiệm trong giữ gìn, vận dụng, phát huy những giá trị NTQS truyền thống của dân tộc.


  Hát giữa lòng dân (ngày đầu Quảng Trị được giải phóng 5-1972). Ảnh Đoàn Công Tính 

         Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm trân trọng, giữ gìn, vận dụng và phát triển NTQS Việt Nam, góp phần xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân

         Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã để lại di sản NTQS vô giá, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Những di sản về lý luận và thực tiễn ưu việt cần được trân trọng, giữ gìn, nghiên cứu vận dụng, phát huy trong điều kiện mới. Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới có sự phát triển, không chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang mà là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và chế độ, được xây dựng bằng mọi nguồn lực của đất nước, con người Việt Nam. Điều đáng chú ý là phương thức bảo vệ tổ quốc hiện nay đã có sự nhận thức mới. Bảo vệ tổ quốc bằng phương thức phi vũ trang ngày càng nổi bật, nhất là khi các thế lực đang đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình len lỏi vào từng lĩnh vực đời sống xã hội, từng bước làm thay đổi tư tưởng, nhận thức của mọi người, từ đó làm chuyển hóa quan niệm của cả hệ thống chính trị, thay đổi tư duy giữ nước truyền thống đã được xác lập và ổn định trong lịch sử của nhân dân ta. Do vậy, NTQS truyền thống của dân tộc phải góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của kẻ thù trong chiến lược diễn biến hòa bình, các thủ đoạn xâm phạm chủ quyền biên giới, biển đảo. Đồng thời, phải vận dụng sáng tạo, tiếp thu tinh hoa NTQS dân tộc và thế giới để xây dựng NTQS trong tình hình mới, đảm bảo chủ động, sáng tạo, đánh thắng mọi hình thức chiến tranh kiểu mới của địch.

         Phát huy giá trị NTQS truyền thống của dân tộc phải phục vụ cho việc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc trong điều kiện mới

         Muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh phải phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục lối sống lành mạnh, đồng thời phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững an ninh, củng cố quốc phòng, phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cả về kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng an ninh để phát triển đất nước trong tình hình mới.

         Chiến tranh bảo vệ tổ quốc của chúng ta ngày nay là cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, lấy tinh thần làm cơ sở và vẫn phải là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, truyền thống dân tộc, tài thao lược, có mưu kế, thế trận, vận dụng phương châm kết hợp truyền thống với hiện đại trong sử dụng NTQS. Trong điều kiện hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, xu thế hòa bình hợp tác là chủ đạo song mưu toan chống lại, lật đổ chủ nghĩa xã hội, gây chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang… vẫn diễn ra. Điều đó đòi hỏi cần phải thường xuyên xây dựng, củng cố quân sự, phát triển NTQS, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong mọi trường hợp nếu có chiến tranh xảy ra. Nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc hiện nay không chỉ nhằm để chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia mà còn gắn chặt với yêu cầu thường xuyên bảo vệ an ninh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, đối ngoại…, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Do đó, nền NTQS phải đáp ứng được yêu cầu mới. NTQS ngày nay không thể thoát ly nền NTQS truyền thống với những quy luật đã được vận động trong chiến tranh và đã được kiểm chứng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, song phải phát triển vượt bậc về trình độ khoa học kỹ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến trong điều kiện chiến tranh kiểu mới, chống lại vũ khí công nghệ cao. NTQS phải hàm chứa một nhiệm vụ quan trọng là tham gia đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để phát triển đất nước.

         ___________________

         1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75-76.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : TẠ HỮU HÙNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *