Phát huy vai trò của nữ trí thức dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc hiện nay


Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Bắc hiện nay vẫn đang là khu vực khó khăn về mọi mặt so với các vùng khác trong cả nước. Để phát triển bền vững khu vực này, việc phát huy vai trò của nữ trí thức DTTS ngày càng quan trọng. Đội ngũ nữ trí thức là người DTTS không chỉ có vai trò tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của khu vực mà họ còn là những người tiên phong áp dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kéo gần hơn khoảng cách chênh lệch về giới. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng các nữ trí thức DTTS chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nơi đây. Vì vậy, cần đề ra những giải pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ này phát huy hơn nữa năng lực và vai trò của bản thân.

Hiện  nay,  có  54  tộc người sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam. Gọi tộc người thiểu số là để phân biệt với tộc người đa số mà tiêu chí phổ dụng là xem xét  tỷ  lệ  dân  số  tộc  người trong  tổng dân số quốc gia. Một tộc người chỉ được xem là thiểu số khi đặt dân số tộc người đó với tổng dân số cả nước mà  không  xem  xét  ở phạm  vi  vùng  hay  địa phương. Vì, một  tộc  người thiểu số nào đó (của cả nước) nhưng đặt trong phạm vi một địa phương nhất định có khi lại chiếm đa  số như  trường hợp người Thái ở Sơn La, Mông ở Điện Biên. DTTS ở nước ta được hiểu là “tộc người thiểu số”, tức 53 tộc người còn lại, ngoài người Kinh. Các tài liệu phổ biến ở nước ta thường phân biệt tộc người này với tộc người khác ở các dấu hiệu về ngôn ngữ, đặc trưng sinh hoạt văn hóa, ý thức tự giác tộc người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tộc người thiểu số là một bộ phận của cộng đồng quốc gia – dân  tộc Việt Nam  thống nhất, đã từng gắn bó keo sơn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” (1). 

Vai trò của nữ trí thức DTTS ở Tây Bắc hiện nay

Đặc điểm kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc hiện nay

Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc, được giới hạn bởi phía Nam hữu ngạn sông Hồng và phía Tây là dãy núi sông Mã. Vùng này có khi được gọi là Tây Bắc Bắc bộ và là một trong 3 tiểu vùng của Bắc Bộ Việt Nam. Về mặt hành chính, vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái; với diện tích trên 5,64 triệu ha và trên 3,5 triệu dân (2).

Tây Bắc có trình độ phát triển kinh tế chưa cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Mức sống các tỉnh Tây Bắc vẫn còn khoảng cách lớn với mức trung bình cả nước (chỉ bằng 40%-60% trung bình của người dân cả nước – năm 2012). Khu vực này có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước ta, riêng Sơn La (2013) cao gấp ba lần so với mức trung bình cả nước, Điện Biên là 38,6% (2013) gấp bốn lần mức 9,8% của cả nước (3). Cơ sở hạ tầng của khu vực còn yếu kém so với các khu vực khác. Những năm gần đây, các tỉnh phía Tây Bắc đang được chú trọng đầu tư điện – đường – trường – trạm nhằm đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế.

Do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhiều giống cây mới được đưa vào canh tác, đặc biệt là các giống hoa quả nên đã phát huy được thế mạnh của vùng. Kinh tế công nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ cả về quy mô và doanh thu, chủ yếu là các ngành khai khoáng, thủy điện. Du lịch, dịch vụ đang phát triển và có nhiều tiềm năng để khai thác, tuy nhiên chưa được đầu tư đúng mức nên chưa phát huy hết thế mạnh của vùng. Hiện nay, Tây Bắc đang chú trọng vào các dự án lớn như: đầu tư du lịch ở tỉnh Điện Biên, khu du lịch Lòng hồ Sông Đà, dự án khu du lịch quốc gia ở Mộc Châu (Sơn La), suối khoáng Hòa Bình, Mai Châu (Hòa Bình)… và các mô hình du lịch sinh thái nhà vườn nhỏ.

Cơ cấu dân tộc vùng Tây Bắc rất đa dạng, đây là vùng có cơ cấu dân số là người DTTS lớn nhất cả nước. “Hiện vùng Tây Bắc có 23 DTTS sinh sống, chiếm 79,2% dân số toàn vùng” (4).

Vai trò của nữ trí thức DTTS ở Tây Bắc hiện nay

Thứ nhất, nữ trí thức DTTS góp phần phát. triển và ổn định kinh tế, xã hội tại Tây Bắc hiện nay

Thực trạng cho thấy, miền núi, vùng DTTS có số dân mù chữ chiếm tỷ lệ cao (kể cả tái mù chữ), điều này đã gây khó khăn cho việc tiếp nhận và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hay đưa các kiến thức khoa học – kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho cuộc sống và sản xuất. Việc phát triển nữ trí thức DTTS có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong quá trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Những năm gần đây, bà con người Dao ở tỉnh Lai Châu đã có sự thay đổi lớn trong nếp nghĩ, cách làm, từ chỗ bỏ đất hoang, nay người dân đã biết liên kết với doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu mía trên vùng đất bạc màu. Họ được hỗ trợ về phân bón và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy khó khăn về kinh phí, song những năm qua, tỉnh Ðiện Biên vẫn chỉ đạo ưu tiên dành nguồn hỗ trợ các dự án, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và giữ gìn thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, các huyện của tỉnh Ðiện Biên đã xây dựng, phê duyệt 154 dự án liên kết, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 81 tỷ đồng. Trong số đó, lĩnh vực trồng trọt có các dự án về cây ăn quả, gồm: bưởi, xoài, nhãn, mít, chanh leo…, các dự án lúa gạo, rau màu, chè; các dự án chăn nuôi thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây dược liệu (sa nhân tím và sả), cây mắc-ca. Tham gia các mô hình liên kết, nông dân giảm được ngày công lao động, hạ chi phí đầu tư mà trình độ sản xuất lại được nâng lên do được tham gia các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và được làm việc bằng máy móc.

Thành công của việc nhân rộng mô hình trồng một số giống cây ăn quả như xoài, nhãn có giá trị, thay thế cây trồng truyền thống kém hiệu quả tại vùng cao, vùng khó khăn được khẳng định bằng kết quả triển khai trồng thử nghiệm tại vùng cao các huyện Mộc Châu, Yên Châu và Thuận Châu (Sơn La). Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, trong 5 năm qua, Sơn La đã đưa khoảng 20 giống cây ăn quả có chất lượng cao, phù hợp điều kiện tự nhiên, chống chịu sâu bệnh vào trồng thay giống cũ. Hiện nay, Sơn La có 25 sản phẩm oCoP, là những sản phẩm có giá trị ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến. Khi áp dụng công nghệ giống, thay đổi nhận thức và quy trình sản xuất, mỗi héc-ta đất nông nghiệp ở Sơn La cho thu nhập bình quân 44 triệu đồng, có thể giúp tăng thu nhập lên hàng chục lần (5). Để đạt được những thành công như vậy, có sự đóng góp không nhỏ của nữ trí thức DTTS, họ là những người trực tiếp nghiên cứu, học tập, lao động sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng vào đời sống của làng bản mình. Góp phần hiện thực mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đưa Tây Bắc thoát khỏi đói nghèo và nâng cao vị thế khu vực.

Trong yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc, nguồn lực nữ trí thức, trong đó có nữ trí thức DTTS là những người có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng sống, khả năng làm việc hiệu quả, họ có thể sử dụng các công nghệ hiện đại, truyền thụ tri thức, giúp họ nắm bắt được các cơ hội, tận dụng được những điểm mạnh và thành tựu của toàn cầu hóa. Nữ trí thức các DTTS có tri thức giúp họ ứng phó với mặt trái của nền kinh tế thị trường và của sự hội nhập quốc tế.

Thứ hai, nữ trí thức DTTS góp phần ổn định xã hội Họ đóng góp cho sự phát triển của gia đình và xã hội thông qua các hoạt động lao động, thiên chức sản xuất ra con người, tái sản xuất sức lao động của toàn xã hội, chăm lo, nuôi dưỡng thế hệ tương lai của khu vực. Người phụ nữ DTTS có trình độ cao còn giáo dục để con mình tránh xa các tệ nạn xã hội, trở thành những công dân có ích. Xã hội ngày càng phát triển, nữ trí thức DTTS ngày càng có cơ hội nâng cao trình độ học vấn nên họ không chỉ làm các công việc gia đình mà còn tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp nâng cao thu nhập.

Hiện nay, công cuộc đổi mới kinh tế, xã hội đã cho phép nữ trí thức DTTS có cơ hội, điều kiện phát triển toàn diện năng lực của mình, giúp họ thể hiện vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, truyền thụ, giữ gìn và phát triển văn hoá dân tộc, đặc biệt là nét văn hóa của các DTTS. Văn hóa các tộc người vùng Tây Bắc được thể hiện rất phong phú, sinh động qua hàng loạt các loại hình như nhạc cụ dân gian, dân vũ…, có những nhạc cụ nổi tiếng như cồng, chiêng của người Mường; khèn, kèn lá, đàn môi của người Mông… Múa dân gian của các tộc người Tây Bắc cũng rất đa dạng: người Thái có mùa xòe, nhảy sạp, múa nón; người Mông nổi tiếng với múa khèn. Chính những hoạt động, sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày, cũng như trong lao động sản xuất, nuôi dạy con cái, nữ trí thức DTTS đã sáng tạo, truyền đạt, lưu giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa các DTTS.

Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước những âm mưu thù địch, nữ trí thức DTTS đóng vai trò định hướng việc tiếp thu, thanh lọc thông tin, đập tan những luận điệu xuyên tạc, chống phá của kẻ địch. Những nữ trí thức DTTS cắm bản, truyền thụ tri thức cho con em đồng bào DTTS tại vùng biên giới; tuyên truyền, giáo dục tới bà con những chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, công tác tôn giáo vùng đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên, Sơn La… góp phần củng cố sự lãnh đạo của Đảng.

Phát triển lực lượng nữ trí thức DTTS góp phần đẩy mạnh xây dựng đất nước theo hướng bền vững

Phát triển bền vững là mục tiêu hướng tới của mỗi quốc gia. Đây cũng là mục tiêu chiến lược quan trọng mà Đảng, Nhà nước ta quyết tâm đạt được. Quan điểm phát triển bền vững được Việt Nam khẳng định rõ từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội 1991-2000, các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX,X, XI, XII, XIII.

Trong văn kiện Đại hội XIII ghi rõ: “Phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… phát huy tối đa lợi thế của các vùng miền, phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội và văn hóa… tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào DTTS” (6).

Nữ trí thức DTTS tham gia tích cực vào hầu hết các ngành nghề và đạt hiệu quả năng suất lao động cao. Tuy nhiên, họ còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới. Bên cạnh đó, trong lao động, một số công việc do họ đảm nhận không có thu nhập và không được ghi nhận khiến phần lớn công sức và trí tuệ của họ như: đầu tư, chăm sóc cho gia đình, sinh đẻ, nuôi dưỡng con cái được coi như một đóng góp hiển nhiên, chưa có sự bù đắp thích đáng.

Nữ trí thức DTTS ở Tây Bắc hiện nay không chỉ được tăng cường về số lượng, mà chất lượng cũng không ngừng được nâng cao. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh cơ cấu nhân lực nữ DTTS, có đánh giá công bằng đối với sức lao động mà họ bỏ ra, từ đó đóng góp cho sự văn minh, tiến bộ của xã hội.

Phát triển lực lượng nữ trí thức DTTS là một nội dung trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Phát triển nữ trí thức, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ trí thức DTTS góp phần xây dựng nền tảng bình đẳng giới, tăng cường cơ hội cho phụ nữ vùng DTTS nói chung. Bình đẳng giới chịu tác động bởi các quyết định hằng ngày của nam giới và nữ giới trong gia đình. Trong khi đó, tiếng nói và quyền năng thương lượng của phụ nữ so với các thành viên khác trong gia đình được quyết định bởi các vấn đề sức khỏe, kỹ năng, giáo dục, khả năng kiểm soát các nguồn lực trong gia đình… Ngoài ra, vị thế của nam giới và nữ giới trong gia đình và ngoài xã hội lại chịu tác động bởi các quy định, chuẩn mực xã hội, luật pháp, chính sách của nhà nước. Theo đó, các vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực như: giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe… sẽ góp phần cải thiện tình trạng phân biệt nam nữ. Phát huy nguồn nữ trí thức DTTS và thúc đẩy bình đẳng giới là hai yếu tố tương tác, có ảnh hưởng lẫn nhau.

Bình đẳng giới sẽ tạo ra các giá trị văn hóa, xã hội cũng như các cơ hội, khả năng cho phụ nữ và nam giới, có tác động trực tiếp tới phát triển con người. Như vậy, để đạt được bình đẳng giới thực chất và tiến bộ cho phụ nữ, không có cách nào khác là tạo điều kiện trao quyền và cơ hội để phụ nữ các DTTS, đặc biệt nữ trí thức DTTS phát huy được vai trò của họ trong gia đình và ngoài xã hội.

Giải pháp nâng cao vai trò của nữ trí thức DTTS ở Tây Bắc hiện nay

Trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, yếu tố con người là quan trọng nhất. Đối với vùng Tây Bắc, việc đào tạo, xây dựng đội ngũ nữ trí thức DTTS còn có ý nghĩa hơn thế. Để làm tốt công tác này, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phải gắn việc xây dựng đội ngũ nữ trí thức DTTS với đường lối chính trị của Đảng, trước hết là với đường lối chính sách dân tộc. Tạo ra sự đột phá trong nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo, quản lý đối với đánh giá và sử dụng nguồn nhân lực nữ trí thức DTTS. Từng bước khắc phục sự chênh lệch trình độ kinh tế, văn hóa, thực hiện bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc. Xây dựng kế hoạch và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực nữ trí thức DTTS. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức trong phát huy vai trò nguồn nhân lực nữ trí thức DTTS…

Thứ hai, xây dựng và củng cố các trường dân tộc nội trú, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới loại hình tổ chức và đào tạo; nâng cao chất lượng giảng dạy để theo kịp với sự phát triển của xã hội. Thực tế cho thấy, đây là môi trường tập trung hầu hết những học sinh có khả năng nhận thức tốt là con em đồng bào vùng sâu, vùng xa, có ý chí phấn đấu, nhiệt huyết vươn lên trong học tập. Chúng ta cần tận dụng nguồn lực này, nhằm tăng cường đội ngũ trí thức cho vùng đồng bào DTTS.

Cùng với việc đào tạo cán bộ cơ sở nội trú là việc xây dựng các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng mang tính khu vực cho con em DTTS. Hiện nay, Trường Đại học Tây Bắc cùng hệ thống các trường cao đẳng đặt tại các tỉnh là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực DTTS cho vùng Tây Bắc. Hàng nghìn sinh viên ra trường, đổ về khắp các địa phương ở vùng sâu, vùng xa ở Tây Bắc, trong đó xuất hiện nhiều nữ trí thức DTTS đã thành công, trở thành những người lãnh đạo giỏi, giảng viên có uy tín. Tuy nhiên, với tình hình biến đổi của thị trường lao động hiện nay, các trường cần đầu tư xây dựng những chương trình đào tạo mới và cập nhật những phương pháp giảng dạy hiệu quả… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS, đặc biệt là những sinh viên nữ DTTS.

Thứ ba, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nữ trí thức DTTS hiện có, kết hợp củng cố đội ngũ già làng, trưởng bản để họ phát huy tốt vai trò của mình trong việc đưa những tri thức khoa học kỹ thuật vào công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các đồng bào dân tộc. Nhiều tri thức khoa học công nghệ mới, đặc biệt là những tri thức liên quan tới lĩnh vực pháp luật, lao động sản xuất cần được truyền thụ tới bà con một cách khéo léo, đơn giản, dễ hiểu, có như vậy họ mới từ bỏ những thói quen cổ hủ vốn trường tồn từ lâu. Để làm được điều này, cần một đội ngũ trí thức DTTS có trình độ chuyên môn, có phương pháp và giàu lòng nhiệt huyết.

Thứ tư, việc bố trí sử dụng đội ngũ nữ trí thức DTTS  phải  phù  hợp  với  trình  độ,  năng  lực,  sở trường của họ. Có chính sách đãi ngộ cho cán bộ dân tộc nói chung và đội ngũ nữ trí thức DTTS nói riêng, cũng như về đầu tư trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, phát huy tích cực vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, bản thân mỗi nữ trí thức DTTS cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp của mình. Chủ động học tập, nâng cao tri thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm mở rộng giao lưu, học hỏi. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng gia đình văn hóa “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” tại chính bản, làng của mình. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm gương cho con cái, người thân trong gia đình.

Việc đào tạo xây dựng đội ngũ nữ trí thức DTTS để đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước là việc làm cần kíp, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm sâu sắc, bởi lợi ích của đồng bào các DTTS luôn gắn với lợi ích của từng vùng, từng dân tộc và cả nước. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nữ trí thức DTTS, việc họ vừa thông thạo tiếng Kinh, vừa thông thạo tiếng mẹ đẻ… chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; trực tiếp đưa khoa học kỹ thuật, tinh hoa văn hóa vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở vùng dân tộc và miền núi (7).

________________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.217.

2. Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số, Hà Nội, 2009, tr.21.

3, 4. Nguyễn Thị Hoàng Lý, Thực trạng nguồn nhân lực Tây Bắc và những vấn đề đặt ra cho sự phát triển bền vững, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5-1995.

5. My Lan Sơn – Đức Tuấn – Trần Tuấn, Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc, nhandan.vn, 31-3-2021.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.214.

7. Bài báo này là kết quả từ công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

ĐỖ HUYỀN TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *