Phát huy vai trò nhân tố chủ quan của hệ thống chính trị cấp cơ sở

Với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cơ sở, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố, coi việc đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở (HTCTCS) là nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phát huy vai trò nhân tố chủ quan là một trong những giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định tới nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCTCS hiện nay.


Điều kiện khách quan trong hoạt động của HTCTCS

Xem xét điều kiện khách quan phải xuất phát trên cơ sở khái niệm về khách thể. Khách thể bao gồm các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người hoặc tổ chức xã hội ở cơ sở. HTCTCS có chức năng vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết cấp trên nhằm lãnh đạo, quản lý, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong đời sống xã hội ở xã, phường, thị trấn… Như vậy, đối tượng tác động của HTCTCS là các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng trên địa bàn cơ sở; các tầng lớp dân cư với tư cách là đối tượng vận động, đối tượng quản lý nhà nước để đảm bảo thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị nghị quyết cấp trên, phát huy tốt các nguồn lực ở cơ sở.

Khách quan của HTCTCS là hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng ở cơ sở; đặc điểm lịch sử, truyền thống văn hóa, tâm lý, tập quán của địa phương và các yếu tố khác thuộc môi trường thể chế vĩ mô. Nó tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các chủ thể trong HTCTCS.

Nhân tố chủ quan trong hoạt động của HTCTCS

Xét nhân tố chủ quan cần đi từ quan niệm về chủ thể. Chủ thể trong hoạt động của HTCTCS gồm 2 cấp độ: tổ chức, nhân dân và cá nhân. Tổ chức gồm tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Nhân dân là chủ thể đặc biệt, chủ thể ủy quyền của HTCTCS. Chủ thể ở cấp độ cá nhân là đội ngũ cán bộ, đảng viên, thành viên trong các tổ chức đó hoạt động với danh nghĩa là cá nhân được phân công nhiệm vụ theo chức danh. Hai cấp độ này có quan hệ biện chứng, thống nhất. Tổ chức là do các cá nhân tạo thành, mang những nét đặc trưng của cả cá nhân và tổ chức.

Nhân tố chủ quan là những phẩm chất thuộc về chủ thể có vai trò là nguyên nhân, điều kiện đối với hoạt động của chủ thể, cùng bản thân sự hoạt động đó nhằm tác động vào khách thể cụ thể (1). Nhân tố chủ quan trong hoạt động của HTCTCS bao gồm những yếu tố thuộc về phẩm chất, năng lực cùng bản thân sự hoạt động của các tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong HTCTCS; năng lực thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Chủ thể trong hoạt động của HTCTCS không phải là cấp vạch ra mà là tổ chức quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; vận dụng vào thực tiễn cơ sở, tổ chức, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở cơ sở nhằm không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trên góc độ tổ chức, nhân tố chủ quan của HTCTCS là cơ chế kết hợp phẩm chất, năng lực hoạt động của các cá nhân và bộ phận hợp thành để tạo nên phẩm chất, năng lực mới của từng tổ chức, cũng như của cả HTCT trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức. Nó bao gồm: năng lực nhận thức đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cơ sở để đề ra nhiệm vụ trong hoạt động của từng tổ chức; năng lực phát hiện đúng, sai, đóng góp vào việc bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ thực tiễn ở cơ sở; năng lực tổ chức, vận động quần chúng nhân dân chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng ở cơ sở, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; tính kỷ luật, đoàn kết, phát huy dân chủ, đấu tranh tự phê bình, phê bình trong nội bộ; sự phối hợp hoạt động của các tổ chức trong HTCT theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đây là những yếu tố góp phần củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể trong sạch, vững mạnh, thực sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Chủ thể là nhân dân, nhân tố chủ quan là trình độ dân trí; thói quen, tập quán sinh hoạt, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; năng lực thực hiện quyền làm chủ của quần chúng nhân dân ở cơ sở; đặc biệt là nhận thức của quần chúng nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; năng lực tham gia vào xây dựng HTCTCS…

Ở cấp độ là những cán bộ, đảng viên của các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong HTCTCS, thì nhân tố chủ quan là ý chí, phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực nhận thức, hoạt động thực tiễn. Đây là những nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến hoạt động của đội ngũ này trong HTCTCS. Đặc điểm nổi bật ở đây chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong HTCTCS khi giải quyết công việc thường vận dụng kinh nghiệm nhiều hơn tư duy lý luận. Hơn nữa, họ là những người hàng ngày hoạt động trực tiếp với dân nên hiểu biết về thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở hơn các cấp khác.

Quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong phát huy vai trò nhân tố chủ quan của HTCTCS

Quan hệ này được thể hiện ở quá trình các chủ thể chủ động điều chỉnh tác động của điều kiện khách quan tới tổ chức, cá nhân sang trạng thái tác động có định hướng, kết hợp, nhân lên những nhân tố phù hợp để phát huy vai trò của HTCT. Đó là quá trình chủ thể hoạt động luôn năng động, sáng tạo, khẳng định vai trò trung tâm trong nhận thức và thực tiễn, làm biến đổi, chuyển hóa điều kiện khách quan vào trong nhận thức, nâng lên những chất lượng mới trong tư duy, hoàn thành quá trình khách quan hóa chủ quan.

Trong mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, phải luôn khẳng định tính quy định của điều kiện khách quan đối với nhân tố chủ quan. Điều kiện khách quan là cái hiện thực, hiện có, là điểm xuất phát của nhân tố chủ quan. Trong hoạt động của HTCTCS, vai trò quy định của điều kiện khách quan thể hiện ở hai khía cạnh chủ yếu: các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể phải trên cơ sở nhận thức những điều kiện khách quan, để vận dụng vào hoạt động thực tiễn; đồng thời chính hoàn cảnh khách quan đó tác động đến quá trình hình thành phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, như đặc điểm tâm lý, năng lực tư duy, đạo đức, tác phong, thói quen sinh hoạt…

Mặc dù điều kiện khách quan quy định nhân tố chủ quan, song, nhân tố chủ quan có tính độc lập tương đối, tác động trở lại điều kiện khách quan. Điều này thể hiện ở việc nhận thức và hành động của chủ thể luôn mang tính sáng tạo trước hoàn cảnh khách quan, kết quả của hành động đó sẽ trở thành điều kiện khách quan cho hoạt động tiếp theo. Tất nhiên, vai trò tác động của nhân tố chủ quan nói chung cũng như nhân tố chủ quan trong hoạt động của HTCTCS có những chiều hướng khác nhau và không ngừng biến đổi. Nhân tố chủ quan có vai trò sáng tạo và tác dụng thúc đẩy sự phát triển của cơ sở khi nó phù hợp với thực tế khách quan của cơ sở, với quy luật khách quan. Ngược lại, sự chủ quan duy ý chí khi đề ra chủ trương, nhiệm vụ, không căn cứ vào thực tế của cơ sở, bất chấp quy luật khách quan sẽ cản trở sự phát triển, gây hậu quả tiêu cực đến các mặt kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Vai trò nhân tố chủ quan trong hoạt động của HTCTCS được thể hiện trên những mặt chủ yếu:

Nhân tố chủ quan thể hiện thông qua vai trò hoạt động của các chủ thể, đó là năng lực của các chủ thể trong việc vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên vào thực tiễn ở cơ sở, nhằm phát huy mọi tiềm năng của địa phương, xây dựng, phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

Trong hoạt động, chủ thể luôn phải dựa trên những điều kiện khách quan, nhưng không chỉ là sẵn có, mà chủ thể chủ động chuẩn bị những điều kiện khách quan cho hoạt động của mình. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng khi vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết cấp trên để đề ra nhiệm vụ lãnh đạo ở cơ sở. Tuy nhiên, trong hoạt động của HTCT cần tránh chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan, đồng thời phải khắc phục thói ỷ lại, trông chờ khi có đủ điều kiện mới hoạt động.

Con người không thể xóa bỏ hay thay đổi quy luật khách quan, nhưng có thể điều chỉnh hình thức tác động của nó. Mặt khác, có thể kết hợp khéo léo sự tác động tổng hợp của nhiều quy luật để đạt được mục đích của mình. Để hoạt động của HTCTCS có hiệu quả cần phải không ngừng nâng cao vai trò sáng tạo của nhân tố chủ quan trong việc nhận thức, vận dụng quy luật khách quan. Quy luật là quan hệ bản chất, tất yếu, ổn định, quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, nhưng trong những điều kiện cụ thể khác nhau, hình thức và trật tự tác động của nó lại thay đổi. Lênin khẳng định: “Tính quy luật chung của sự phát triển trong lịch sử toàn thế giới đã không loại trừ mà trái lại, còn bao hàm một số giai đoạn phát triển mang những đặc điểm hoặc về hình thức hoặc về trình tự của sự phát triển đó” (2). Nếu hình thức, trật tự tác động của quy luật khách quan có thể thay đổi theo sự biến đổi của điều kiện, thì con người thông qua hoạt động có mục đích có thể chủ động đấu tranh cho sự hình thành những điều kiện mới, dựa vào đó để điều chỉnh hình thức, trật tự tác động của quy luật khách quan một cách thích hợp nhất với nhu cầu của sự phát triển xã hội. Bởi vì, hoạt động có mục đích là hoạt động cải biến khách quan, biến đổi hoàn cảnh sao cho phù hợp với lợi ích của chủ thể. Vì vậy, vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng là khi đề ra nhiệm vụ hoạt động, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó một cách tự giác để thực hiện những mục tiêu đặt ra.

Chế độ ta là chế độ dân chủ, do đó nhân dân là chủ thể đích thực của HTCT. Tất cả mọi quyền hành, lực lượng, sức mạnh là ở nơi dân. Vì vậy, vai trò nhân tố chủ quan trong hoạt động của HTCTCS được thể hiện ở chỗ các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở phát huy sức mạnh và quyền làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân là thước đo hiệu quả hoạt động của HTCTCS.

Phát huy vai trò nhân tố chủ quan trên cơ sở mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong hoạt động của HTCTCS chính là phát huy tính tích cực, sáng tạo của các chủ thể. Cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết cấp trên. Vì vậy, phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong hoạt động của HTCTCS quan trọng nhất là phát huy sáng tạo nhiều cách làm, biện pháp tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các đường lối, chủ trương, chính sách vào thực tiễn ở cơ sở.

_______________

1. Phạm Ngọc Minh, Nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.

2. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.431.   

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : NGUYỄN THANH MINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *