Phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc – bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam


Trong những thập niên cuối của TK XX và những năm đầu của TK XXI, Hàn Quốc có bước chuyển mình ngoạn mục về kinh tế nhờ biết tận dụng sức mạnh mềm văn hóa. “Sự phục hưng của điện ảnh Hàn Quốc” được thúc đẩy bởi “tình yêu dân tộc” của người Hàn ngay sau khi đất nước này trải qua cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1998. Hàn Quốc khẳng định quan điểm đưa nhiệm vụ bảo vệ văn hóa quốc gia lên hàng đầu, nhấn mạnh sản phẩm có bản sắc văn hóa Hàn Quốc nhất sẽ chứa đựng sức hấp dẫn nhất đối với công chúng; nếu sản phẩm chỉ có tính giải trí phổ thông, không bao hàm cơ sở văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc thì chỉ là sự bắt chước, không bền vững. Bên cạnh đó, Hàn Quốc chủ trương việc học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và việc bảo tồn, văn hóa truyền thống phải luôn song hành.

Trên cơ sở đó, đã có nhiều sản phẩm điện ảnh được sản xuất theo hướng kết hợp giữa nội dung là những câu chuyện thấm đẫm tình yêu đất nước với phong cách làm phim bom tấn của Hollywood – kinh đô điện ảnh Mỹ, hấp dẫn hàng triệu khán giả, tạo ra những “cơn sốt” phòng vé và gây được tiếng vang lớn. Có thể kể đến như Shiri (Chiến dịch Shiri, năm 1999), Joint Security Area (Khu vực an ninh chung, năm 2000), Roaring Currents, (Đại thủy chiến, năm 2014).

Gần đây, bộ phim Parasite (Ký sinh trùng, năm 2019) đã trở thành kỳ tích khi là bộ phim châu Á đầu tiên giành 4 tượng vàng Oscar, trong đó có hạng mục quan trọng nhất là Best Picture (Phim xuất sắc nhất). Chiến thắng này đã phá vỡ lịch sử 100 năm chưa có bộ phim nào không sử dụng tiếng Anh nhận giải này. Parasite cũng đánh dấu lần đầu tiên, một đạo diễn người châu Á nhận giải Oscar nhờ một dự án chỉ sử dụng ngôn ngữ và diễn viên bản địa. Chiến thắng lịch sử này càng góp phần khẳng định sự bùng nổ của Làn sóng Hàn Quốc trên thế giới và là một minh chứng cho sự thành công của sức mạnh mềm văn hóa Hàn Quốc thông qua kênh truyền dẫn là ngành công nghiệp điện ảnh.

Từ năm 1999, lượng khán giả xem phim nội địa ở Hàn Quốc tại hệ thống rạp chiếu ở nước này chiếm khoảng 40%, căn cứ vào số lượng vé phát hành. Đến năm 2001, số lượng phim sản xuất trong nước chiếm tới 49,1% thị trường phim ảnh Hàn Quốc. Số lượng các rạp chiếu đã tăng 60% kể từ năm 1996, số khán giả tăng nhanh chóng từ 54,7 đến 87,9 triệu người từ năm 1999 đến 2001 (1). Các rạp chiếu phim tại Hàn Quốc tuy vẫn còn bị “thống trị bởi những bộ phim bom tấn Hollywood nhưng trong hai thập niên qua, điện ảnh trong nước đã từng bước vươn lên và năm 2018, chiếm lĩnh 50,9% thị phần qua lượng vé bán ra” (2). Phim Hàn Quốc xuất khẩu sang các nước châu Á đều nhận được những phản ứng rất tích cực từ khán giả sở tại. Một số các phim thuộc dòng phim nghệ thuật giành được những giải thưởng lớn trong các liên hoan phim quốc tế. Những thành tựu này đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của điện ảnh Hàn Quốc, từ một vùng trũng của điện ảnh thế giới trở thành một thị trường nóng nhất châu Á (3).

Nhìn lại sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc tại các liên hoan phim gần đây, nhiều nhà phê bình điện ảnh xác nhận về một giai đoạn mới với “sự phục hưng của nền điện ảnh quốc gia Hàn Quốc” sau thời gian dài bị quên lãng ở cả hai khía cạnh là lợi nhuận và giá trị thẩm mỹ.

 Có thể bao quát về ba khía cạnh được cho là kinh nghiệm phát triển nền điện ảnh của Hàn quốc như sau:

Thứ nhất, tình cảm dân tộc tạo đà cho các chiến dịch ủng hộ phim Hàn. Doanh thu từ điện ảnh quốc nội tăng đột biến ở các phòng vé của Hàn Quốc trong những năm gần đây là kết quả sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có sự hiện thực hóa cái mà người Hàn thường nói là “tình cảm dân tộc” bằng chính sách bãi bỏ các luật lệ ngặt nghèo trong ngành Điện ảnh, từ đó tiến tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa này. Hàn Quốc không chỉ thay đổi về tư duy kinh tế mà còn tìm ra động lực mới để vươn lên, đó là sự gắn kết của tình cảm dân tộc và tinh thần đoàn kết vượt qua gian khó. Hàng loạt chiến dịch chung tay phát triển phim nội địa và bảo vệ những giá trị văn hóa quốc gia, như chiến dịch Cùng xem phim Hàn, cuộc biểu tình thành công đòi dỡ bỏ hạn ngạch chiếu phim… Đây là những tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy sự cải cách nhằm giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy điện ảnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Năm 2004, tổng doanh thu phim nội địa Hàn Quốc là 239 tỷ won (tương đương khoảng 203 triệu USD). Theo số liệu thống kê năm 2019 của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), doanh thu phòng vé cho các bộ phim được sản xuất tại Hàn Quốc đã tăng vọt trong hơn một thập niên qua. Trong năm 2019, tổng doanh thu của các bộ phim Hàn Quốc là 971 tỷ won (khoảng 823 triệu USD) (4).

Thứ hai, hợp tác điện ảnh Mỹ – Hàn và quá trình chủ động tạo sự pha trộn giữa phong cách bom tấn của Hollywood với những “chất liệu Hàn Quốc”. Từ năm 1987, những công ty phim ảnh lớn của Hollywood đã bắt đầu phát hành phim của họ trực tiếp thông qua các công ty con đến thẳng thị trường Hàn Quốc. Mặc dù những phim được nhập trực tiếp từ Hollywood chỉ chiếm 15% trong tổng số phim nhập khẩu, nhưng hầu hết chúng đều là những phim bom tấn, vì thế các công ty này đạt được nhiều lợi nhuận nhất. Sự xâm nhập của điện ảnh Mỹ đã đem đến một sự thay đổi đáng chú ý đối với công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, như nâng cao và phát triển kết cấu hạ tầng, thay đổi cách thức tổ chức trong ngành Điện ảnh dựa vào các mẫu phim Hollywood. Quá trình tiếp nhận điện ảnh Mỹ đã giúp điện ảnh Hàn Quốc điều chỉnh và có những bước tiến vượt bậc nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc đấu tranh sinh tử với “người khổng lồ” từ bên kia bán cầu. Một số tập đoàn tài phiệt đã bắt đầu đầu tư và tham gia vào việc sản xuất phim trong nước từ giữa những năm 90 của TK XX.

Đảo Jeju không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng mà còn là phim trường
của những bộ phim lãng mạn Hàn Quốc – Ảnh: Nguyễn Dương

Từ vị trí bình thường, điện ảnh đã trở thành một trong những ngành công nghiệp có tiềm năng thu được lợi nhuận lớn nhất của Hàn Quốc. Hơn nữa, từ cuối những năm 1980, ngày càng có nhiều sinh viên đại học tài năng đã tham gia làm việc cho các công ty sản xuất điện ảnh. Đây là nguồn nhân lực vô cùng quan trọng để phát triển một nền công nghiệp điện ảnh chất lượng trên tất cả các phương diện, như tổ chức lại khâu phát hành, tìm kiếm nguồn tài chính ổn định… Họ góp phần sửa đổi những chính sách liên quan đến công nghiệp điện ảnh bằng nhiều cách thức, nhanh chóng, cởi mở và tự do hơn. Hiện nay, hầu hết đội ngũ này đã trở thành những người lãnh đạo trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành và đầu tư trong ngành công nghiệp này, đóng vai trò quan trọng trong việc làm mới lại Tập đoàn điện ảnh Hàn Quốc (MPPC). Trong giai đoạn 1998 – 2002, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra rất nhiều chính sách để quảng bá hỗ trợ cho điện ảnh, như việc thành lập Quỹ quảng bá phim (Film Promotion Fund) và Quỹ quảng bá văn hóa (Cultural Promotion Fund), đồng thời khuyến khích các thành phần tư nhân đầu tư vào công nghiệp điện ảnh thông qua việc giảm thuế. Với Screen Quota (hệ thống hạn ngạch được thi hành để ngăn thị trường nước ngoài xâm nhập vào thị trường phim trong nước), rất nhiều chính sách quảng bá khác nhau với các quá trình cởi trói, dỡ bỏ điều luật bất lợi… khiến công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc từ một nền công nghiệp điện ảnh bản địa trở thành một nền công nghiệp có hệ thống và hiện đại ở tầm quốc tế với nét riêng biệt là sự pha trộn giữa phong cách bom tấn của Hollywood với những “chất liệu Hàn Quốc”. Nói cách khác, sự kết hợp giữa yếu tố “địa phương” và yếu tố “toàn cầu hóa”, giữa những câu chuyện mang màu sắc Hàn Quốc và phong cách làm phim nước ngoài đã biến điện ảnh Hàn Quốc trở thành một kênh chuyển hóa thành công văn hóa Hàn Quốc ra thế giới và hấp dẫn người nước ngoài tới khám phá, trải nghiệm văn hóa xứ sở kim chi.

Thứ ba, dỡ bỏ các điều luật “trói buộc”, thực thi các chính sách huy động tài chính và kinh doanh điện ảnh. Trước đây, điện ảnh Hàn Quốc phải chịu đựng những kiểm duyệt rất hà khắc. Quá trình công nghiệp hóa và dỡ bỏ một số các điều luật trong công nghiệp điện ảnh là một trong những nguyên nhân chủ chốt mở đường cho sự phát triển nhanh chóng của ngành này. Động thái này mang đến những cơ hội to lớn cho những người trẻ, một thế hệ đầy sức sống và sáng tạo của Hàn Quốc trong việc biểu đạt những ý tưởng mới và táo bạo thông qua ngôn ngữ điện ảnh và âm nhạc. Chính vì vậy, trong giai đoạn này tại Hàn Quốc, đã xuất hiện rất nhiều những đạo diễn nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn.

Ngành công nghiệp Điện ảnh Hàn Quốc còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các xu hướng và điều kiện trong cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung. Các tập đoàn lớn, đầu tư mạo hiểm và Chính phủ đều đóng một phần quan trọng trong việc các bộ phim được tài trợ, sản xuất, phân phối và chiếu cho người xem địa phương. Giải Oscar 2019 dành cho phim hay nhất thuộc về Parasite (Ký sinh trùng), phim do quỹ đầu tư thuộc Ryukyung PSG Asset Management Inc đầu tư là minh chứng cho thấy sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc trên phạm vi toàn cầu và sức mạnh của các tập đoàn đầu tư.

Gần đây, bên cạnh các tập đoàn kinh doanh lớn, có tài chính ổn định, các công ty đầu tư mạo hiểm cũng là một nguồn đầu tư lớn cho điện ảnh Hàn Quốc. Từ năm 1998 đến cuối năm 2005, ngành công nghiệp điện ảnh đã chứng kiến sự ra mắt của 48 quỹ, trị giá tổng cộng 535 triệu USD. Hầu hết các quỹ có thời hạn hoạt động 5 – 6 năm và sẽ dành 50-70% vốn cho tài trợ phim, phần còn lại được đặt vào cổ phiếu hoặc các khoản đầu tư khác (5). Việc các nhà sản xuất có biện pháp thu hút giới đầu tư trở lại sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đóng góp một khoản tiền lớn cho việc làm phim trong nước thông qua hoạt động của KOFIC. Từ năm 1998 đến năm 2005, các tập đoàn kinh doanh nhỏ đã đóng góp tổng cộng 121 triệu USD cho các quỹ điện ảnh trong khi đó, KOFIC đầu tư 46 triệu USD. Sự tham gia này của Chính phủ đã khuyến khích nhiều nhà đầu tư mới tham gia tài chính điện ảnh, đặc biệt là vào đầu những năm 2000.

Hướng đi sắp tới của KOFIC là tập trung phát triển theo chiều sâu, nuôi dưỡng tài năng từ cộng đồng các nhà làm phim trẻ độc lập. Đánh giá của KOFIC dựa trên tác phẩm chứ không phải danh tiếng của nhà làm phim. Chính phủ và các nhà làm phim tin tưởng rằng những hình ảnh đẹp về đất nước và con người Hàn Quốc sẽ thu hút du khách đến với Hàn Quốc, qua đó góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc rộng rãi trên khắp thế giới.

Như vậy, từ những năm 90 của TK XX đến nay, với những chính sách cởi mở, mạo hiểm và quyết đoán của nhà nước cùng tinh thần tự tôn dân tộc, nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh, vững chắc, thực sự mang giá trị cốt lõi của sức mạnh mềm văn hóa Hàn Quốc và góp phần quan trọng gia tăng sức mạnh mềm quốc gia, đưa Hàn Quốc vươn tầm trên thế giới về nhiều mặt. Những kinh nghiệm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc có ý nghĩa to lớn với nhiều nước châu Á, nhất là đối với Việt Nam.

Là một quốc gia có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, Việt Nam giàu tiềm năng và lợi thế để phát huy tài nguyên văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội, chuyển hóa các giá trị văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với quan điểm xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đại hội Đảng XII đã đề ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa, coi phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới cũng như trong kế sách gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khẳng định quan điểm: các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế, xã hội và gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong ngành công nghiệp văn hóa, điện ảnh là một lĩnh vực quan trọng, có nhiều lợi thế so sánh và là một kênh dẫn hiệu quả để thực hiện các mục tiêu được đề ra.

Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để phát triển ngành Điện ảnh, trong đó có việc học tập và tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh của các nước trên thế giới mà trước hết là Hàn Quốc. Cùng với đó là việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực điện ảnh. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh, ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương) ưu tiên bố trí vốn đầu tư để nâng cấp, mở rộng và xây mới các công trình điện ảnh quy mô lớn tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Hỗ trợ một phần kinh phí để cải tạo, nâng cấp, xây mới các rạp chiếu phim có quy mô phù hợp tại các địa phương nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương, trong đó ưu tiên cho các địa phương thuộc các địa bàn khó khăn. Hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy và học tập, đào tạo nâng cao trình độ giảng viên, cải tiến giáo trình tại hai trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần đối với các dự án xã hội hóa trong đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh. Tập trung huy động các nguồn vốn và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, nhất là từ các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, các nguồn viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Tăng cường xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, tăng nguồn thu hợp pháp sử dụng cho đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh. Tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của điện ảnh đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; giáo dục và định hướng thẩm mỹ cho nhân dân; bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa bình đẳng cho nhân dân trên mọi vùng, miền trong cả nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Điện ảnh. Tăng cường giới thiệu phim Việt Nam ra thế giới và giới thiệu phim có giá trị của nước ngoài tại Việt Nam; xây dựng thương hiệu Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội; mở rộng hợp tác, liên doanh sản xuất phim với nước ngoài, kết hợp giữa điện ảnh với du lịch để quảng bá đất nước, nét đặc sắc của các vùng, miền; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững (6).

_______________

1, 3. Sự phục hưng điện ảnh quốc gia Hàn Quốc như là một địa hạt cho những thương thuyết và tranh luận giữa toàn cầu và địa phương: phân tích hai bộ phim bom tấn của Hàn, Shiri (1999) và JSA (2000), Sung Kyung Kim, phóng viên Hollywood, 18-4-2000

2. Trung Nguyên, 100 năm điện ảnh Hàn: 6 điều có thể bạn chưa biết!, www.thegioidienanh.vn.

4. Willem Roper: Sự trỗi dậy của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, www.statista.com.

5. Lời giới thiệu về Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), www.koreanfilm.or.kr.

6. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài Nhà nước Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, Mã số KX.01.16/16-20, thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

Tác giả: Nguyễn Minh Tiệp

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *