Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa diễn ra trong điều kiện, hoàn cảnh quốc tế, khu vực, trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong chiến lược của các thế lực chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chiến tranh tâm lý được kết hợp với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao nhằm làm suy yếu tinh thần quân – dân đối phương.
Và nếu chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao xảy ra thì bộ đội phòng không – không quân là lực lượng nòng cốt, chủ yếu, trực tiếp tham gia chiến đấu đánh trả các phương tiện tiến công đường không của kẻ thù ngay từ giờ đầu, ngày đầu của chiến tranh. Vì vậy, để sẵn sàng đánh thắng chiến tranh tâm lý và chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao của kẻ thù đòi hỏi bộ đội phòng không – không quân nói chung, đội ngũ phi công quân sự nói riêng không chỉ có vũ khí trang bị, hiện đại mà còn đòi hỏi mỗi người phải được xây dựng và phát triển phẩm chất tinh thần vững vàng, kiên định, bền vững.
Phẩm chất tinh thần của con người, trong xã hội có giai cấp, là tổng hòa các yếu tố, giá trị về chính trị, đạo đức, tâm lý, nghề nghiệp… tạo nên sức mạnh và định hướng cho mọi hoạt động của họ đạt chất lượng, hiệu quả nhất định. Phẩm chất tinh thần là thành tố cơ bản trong nhân cách quân nhân nói riêng, trong sức mạnh tổng hợp của quân đội ta nói chung. Trước đây, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bộ đội phòng không – không quân đã phát huy cao độ phẩm chất tinh thần, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, những hạn chế về vũ khí, trang bị, kỹ thuật chiến đấu, chuyển hóa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Trong những năm tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường; đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức gay gắt”(1). Điều đó khẳng định vai trò phẩm chất tinh thần của bộ đội phòng không – không quân nói chung, đội ngũ phi công quân sự nói riêng trong sức mạnh chiến đấu, trong mọi hoạt động của quân chủng phòng không – không quân không hề giảm sút, trái lại ngày càng phải được đề cao hơn bao giờ hết. Việc phát triển phẩm chất tinh thần của bộ đội phòng không – không quân nói chung, đội ngũ phi công quân sự nói riêng hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân chủng phòng không – không quân, mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách, thực hiện chiến lược con người của Đảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Thực tế sự phát triển nhanh chóng của nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ xây dựng quân chủng phòng không – không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở đòi hỏi tất yếu phải phát triển phẩm chất tinh thần của bộ đội phòng không – không quân ngang tầm yêu cầu mới. Song phẩm chất tinh thần của bộ đội phòng không – không quân nói chung, của đội ngũ phi công quân sự nói riêng không thể hình thành một cách tự phát, không thể đợi đến khi chiến tranh xảy ra mới bắt đầu xây dựng, phát triển mà phải được chuẩn bị từ rất sớm và phải được thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình. Đòi hỏi tất yếu khách quan phải phát triển phẩm chất tinh thần của phi công quân sự Việt Nam hiện nay xuất phát từ những vấn đề cơ bản sau đây:
Vai trò của nhân tố tinh thần của người phi công quân sự trong chiến đấu và huấn luyện chiến đấu
Từ đặc thù nghề nghiệp của phi công quân sự, trong những tình huống chiến đấu và luyện tập sẵn sàng chiến đấu, mỗi phi công quân sự luôn có những áp lực căng thẳng về tinh thần, tư tưởng, tâm lý. Trong các tình huống chiến đấu ác liệt một mất một còn của các chiến đấu cơ, nếu người phi công quân sự không có những phẩm chất tinh thần vững vàng, kiên định, bền vững và thể lực tốt thì không thể có ý chí, quyết tâm cao, nghị lực phi thường để khắc phục khó khăn, thử thách thực hiện tốt các phương án chiến đấu và cách đánh, kiên quyết đánh thắng địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, khi được chuẩn bị chu đáo, phẩm chất tinh thần luôn là yếu tố mang tính quyết định để phi công quân sự không chỉ bảo vệ mục tiêu, phòng tránh tốt, mà còn đánh trả với hiệu suất cao nhờ nắm vững lý luận khoa học, nhận thức đúng bản chất, tính quy luật của các hiện tượng chính trị, tinh thần trong chiến tranh, đủ sức vận dụng những tri thức đó góp phần giải quyết các nhiệm vụ, phương án tác chiến. Ngược lại, nếu không được chuẩn bị chu đáo về các phẩm chất tinh thần thì phi công quân sự không thể phát huy được năng lực sáng tạo trong hoạt động tác chiến trên không, mặc dù vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự có hiện đại đến mấy cũng không thể phát huy được uy lực và sức mạnh để chiến thắng kẻ thù.
Sự tác động của cuộc chiến tranh tâm lý kết hợp với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao hiện nay đến tư tưởng, tinh thần của phi công quân sự
Cuộc chiến tranh tâm lý kết hợp với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao trong tương lai diễn ra có thể ở quy mô vừa hoặc lớn, chiến trường mở rộng, ranh giới tiền tuyến, hậu phương bị xóa nhòa, nhưng mức độ hủy diệt, tính chất ác liệt tăng lên gấp nhiều lần so với những cuộc chiến tranh đã xảy ra trước đây. Chính vì vậy, đòi hỏi phải xây dựng, phát triển nâng cao phẩm chất tinh thần cho đội ngũ phi công quân sự để giúp họ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tâm lý bền vững, sức khỏe dẻo dai làm cơ sở tiền đề cơ bản xây dựng niềm tin, ý chí chiến đấu ngay từ thời bình, đồng thời là động lực trực tiếp quyết định quá trình củng cố niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng trong chiến tranh.
Thời gian qua, thực tế đã cho thấy tình hình chiến sự tại các nước trên thế giới như Irắc, Nam Tư, Afganixtan, Libya, Syria còn mang nặng về tuyên truyền, nhấn mạnh đến ưu thế của vũ khí công nghệ cao, đến thiệt hại nặng nề do các loại vũ khí công nghệ cao gây ra dẫn tới tác động không nhỏ đến trạng thái chính trị, tinh thần, tâm lý, thái độ của bộ đội, làm xuất hiện tư tưởng sợ vũ khí công nghệ cao, sợ tính chất ác liệt, tổn thất do chiến tranh gây ra, thiếu tin tưởng vào khả năng, uy lực vũ khí, trang bị kỹ thuật, sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Vì vậy, nếu không có những chủ trương, biện pháp xây dựng, phát triển phẩm chất tinh thần cho đội ngũ phi công quân sự một cách cơ bản, hệ thống, thiết thực thì chúng ta không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao; khi đó sẽ xuất hiện tình trạng hoảng loạn, suy sụp về chính trị, tinh thần, dẫn đến thoái thác nhiệm vụ, thậm chí bỏ vị trí chiến đấu.
Số lượng, chất lượng vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật của quân đội ta chưa theo kịp quân đội các nước tiên tiến hiện đại
Đây là một trong những vấn đề rất cấp thiết hiện nay trong xây dựng, phát triển nâng cao phẩm chất tinh thần của đội ngũ phi công quân sự. Nhận thức rõ vai trò, vị trí của vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật quân sự, Đảng, nhà nước và quân đội ta trong những năm gần đây đã tăng cường đầu tư nâng cấp các trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là việc đầu tư trang bị những máy bay hiện đại Su – 30MK2 cho quân chủng phòng không – không quân.
Khi nói về vai trò của vũ khí, trang bị kỹ thuật trong chiến tranh Lênin đã chỉ rõ: “Một quân đội giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”(2).
Trong thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược của quân, dân ta đã chứng minh con người là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc chiến tranh, sức mạnh chính trị, tinh thần của bộ đội ta chiếm ưu thế tuyệt đối so với quân địch. Tuy vậy, không có nghĩa chúng ta đánh thắng địch chỉ thuần túy bằng sức mạnh của ý chí, niềm tin mà chúng ta phải có vũ khí, phương tiện kỹ thuật để chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Bộ đội phòng không – không quân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mặc dù là lực lượng non trẻ, mới thành lập nhưng các loại máy bay, vũ khí, trang bị hầu hết do Liên xô (cũ) và Trung Quốc cung cấp, về số lượng khá dồi dào đáp ứng yêu cầu chiến tranh, về chất lượng cũng đạt trình độ hiện đại tương đương với vũ khí của Mỹ. Vì vậy, các loại vũ khí, trang bị của ta đủ sức tiêu diệt các phương tiện vũ khí hiện đại của Mỹ, kể cả máy bay ném bom chiến lược B52, hay “thần sấm”, “con ma”… Điều này đã tạo cho cán bộ, chiến sĩ quân chủng phòng không – không quân niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh bại mọi cuộc tiến công đánh phá Miền Bắc từ năm 1964 đến 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không tháng 12 – 1972.
Hiện nay, các loại máy bay chiến đấu của quân chủng phòng không – không quân ngoài thế hệ chiến đấu cơ Su – 30MK2 thì hầu hết các loại máy bay đều chủ yếu do Liên xô trước đây sản xuất đã lạc hậu về trình độ công nghệ, trong khi kinh tế đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thiên tai liên miên lại thêm một số vụ tai nạn máy bay trong một vài năm qua đang là vấn đề tác động rất mạnh đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý đội ngũ phi công quân sự. Tuy nhiên, vấn đề có tính nguyên tắc, yêu cầu cao đối với bộ đội phòng không – không quân nói chung, đội ngũ phi công quân sự nói riêng vẫn phải là lực lượng nòng cốt, chủ yếu, trực tiếp sẵn sàng đánh thắng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao của kẻ thù nếu xảy ra. Chính vì vậy, cùng với quá trình hiện đại hóa, mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật; quá trình cải tiến, nâng cấp các loại khí tài hiện có, với việc nghiên cứu để tìm ra cách đánh thích hợp, hiệu quả thì đồng thời phải không ngừng xây dựng, phát triển nâng cao phẩm chất tinh thần cho đội ngũ phi công quân sự trong tình hình hiện nay. Đây là đòi hỏi tất yếu cần phải thực hiện rất chặt chẽ và nghiêm túc.
Sự tác động của tình hình kinh tế – xã hội đất nước, của kinh tế thị trường đối với phi công quân sự Việt Nam
Xây dựng, phát triển nâng cao phẩm chất tinh thần của phi công quân sự luôn chịu sự chi phối, tác động ảnh hưởng của tình hình kinh tế, xã hội đất nước. Trong tình hình hiện nay, đất nước ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, quân chủng phòng không – không quân tiến thẳng lên hiện đại đang đặt ra rất nhiều vấn đề trong xây dựng, rèn luyện, phát triển phẩm chất tinh thần (phẩm chất chính trị, đạo đức, tâm lý, nghề nghiệp…) cho cán bộ chiến sĩ trong quân đội nói chung và cho đội ngũ phi công quân sự nói riêng.
Người phi công quân sự chịu sự tác động rất mạnh từ những vấn đề nảy sinh của thực trạng kinh tế – xã hội của đất nước nhất là những mặt tiêu cực. Mọi động thái của đời sống xã hội đều tác động ngay lập tức đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, ý chí, niềm tin của bộ đội. Đáng lưu ý là những tác động từ sự biến đổi cơ cấu xã hội, giai cấp trong nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng miền, giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội ngày càng gia tăng; tình trạng tham nhũng, quan liêu của một bộ phận cán bộ đảng viên trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, quân đội; những biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân; sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên. Cùng với những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, ý chí, niềm tin của phi công quân sự thì những chế độ, chính sách đối với họ và hậu phương gia đình họ vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập; nhiều phi công quân sự còn trăn trở, vất vả vật lộn bởi những khó khăn, thiếu thốn của cha mẹ, vợ con, gia đình. Những vấn đề trên phần nào đã làm ảnh hưởng đến ý chí, niềm tin, mục tiêu lý tưởng chiến đấu của đội ngũ phi công quân sự. Bởi vậy, đòi hỏi tất yếu khách quan các Trung đoàn, Sư đoàn Không quân phải tăng cường công tác giáo dục, huấn luyện để đội ngũ phi công quân sự luôn phát triển, nâng cao phẩm chất tinh thần, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có phẩm chất tâm lý bền vững, có thể chất cường tráng, dẻo dai sẵn sàng chiến đấu đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù.
Phát triển phẩm chất tinh thần của phi công quân sự Việt Nam hiện nay là một đòi hỏi tất yếu khách quan, song quá trình xây dựng, phát triển phẩm chất tinh thần cho đội ngũ phi công quân sự là quá trình khó khăn, phức tạp đòi hỏi các chủ thể lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trung, sư đoàn không quân phải nhận thức cho đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, những mâu thuẫn, bất cập và cả những nguy cơ để có những giải pháp sát đúng, mang tính khả thi cao để giáo dục, rèn luyện phi công quân sự có đủ phẩm chất, năng lực, đủ sức đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi tình huống cùng toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.
_______________
1. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1976, tr.497.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.56.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : TRẦN HỮU HÒA
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam