Tháng 11 – 2012, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam tại Nhà khách của Bộ quốc phòng. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đông đảo của nghệ sĩ hai miền Bắc, Nam. Bởi đây là lần đầu tiên, điện ảnh Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo quy mô đi thẳng vào những vấn đề còn nổi cộm trong việc làm phim lịch sử ở nước ta hiện nay.
Rất nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu điện ảnh, đạo diễn, nhà biên kịch được đưa ra như: Phim lịch sử từ khát vọng đến hiện thực của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Bắt chước và hư cấu của nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, Lịch sử và sáng tạo lịch sử của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, Nhân vật lịch sử trong phim truyện điện ảnh và truyền hình của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần, Đưa nhân vật lịch sử vào phim truyện của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn… Xung quanh những vấn đề lớn có liên quan giữa điện ảnh và lịch sử, còn nổi lên nhiều vấn đề không kém phần quan trọng như: phương pháp mượn lịch sử để nói hiện tại; điện ảnh khai thác đề tài lịch sử thế nào để không phản lịch sử; phạm vi hư cấu lịch sử tới đâu; đưa lịch sử vào đời sống như thế nào cho hiệu quả… Đó là những vấn đề tranh luận mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển phim lịch sử Việt Nam. Vậy điện ảnh Việt Nam đã từng khai thác lịch sử ở những góc độ nào?
Điện ảnh Việt Nam, ngay từ ngày đầu đã được xác định như một công cụ giáo dục tư tưởng. Và phim lịch sử phải góp phần quan trọng giúp người xem thấu hiểu lịch sử. Đó là một cách truyền bá kiến thức lịch sử, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Bởi, hơn bất kỳ một hình thức nào khác phim lịch sử có khả năng lay động trái tim khán giả, cuốn hút, giúp họ đồng cảm cùng nhân vật lịch sử, suy ngẫm trước những sự kiện gắn liền với vận mệnh dân tộc.
Trong quan niệm hiện nay, phim lịch sử được phân biệt thành 2 loại. Loại Phim lịch sử cách mạng là những bộ phim nói về cuộc cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp: Kim Đồng (1964), Ngọn lửa Nghệ Tĩnh (1965), Người cộng sản trẻ tuổi (1971), Sao tháng Tám (1976), Ngày ấy bên sông Lam (1980)… Loại phim lịch sử dân tộc cũng có 2 cách làm, đó là: phim lịch sử dân tộc là những bộ phim tái hiện quá khứ của dân tộc hoặc nói về cuộc đấu tranh thời kỳ phong kiến như: Đêm hội Long Trì (1989), Kiếp phù du (1990)…; còn phim chỉ lấy bối cảnh thời gian và không gian lịch sử, nhân vật là hư cấu và không đặt ra những vấn đề đại sự được gọi là phim cổ trang: Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tây Sơn hào kiệt…
Những năm 80 của thế kỷ trước, khi điện ảnh chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều nghệ sĩ phải làm phim mang tính chất giải trí, xu hướng làm phim cổ trang đã trở thành một trong những nạn dịch của dòng phim thương mại. Đề tài lịch sử ở dòng phim nghệ thuật lúc bấy giờ chưa được chú ý khai thác. Mặc dù trước đó, trong thời kỳ chiến tranh chúng ta đã từng làm những bộ phim lịch sử như: Trần Quốc Toản ra quân (1971), Thanh gươm cô đô đốc (1976), Thái hậu Dương Vân Nga (1978), Tướng quân Phạm Ngũ Lão (1979), Sóng Bạch Đằng (1980)…, nhưng tựu chung, các bộ phim đều làm trên tinh thần thực hiện nhiệm vụ cách mạng, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước. Ví như bộ phim Tướng quân Phạm Ngũ Lão nói về một chàng thanh niên trẻ tuổi có chí khí, dũng cảm. Trước nạn giặc Nguyên sang xâm chiếm nước ta, Phạm Ngũ Lão đã gạt những tình cảm gia đình, cá nhân để phục vụ cho lý tưởng đất nước. Chàng đã từ biệt mẹ già và dân làng để gia nhập đội quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và nhiều lần lập chiến công vẻ vang trong công cuộc đánh đuổi giặc Nguyên ra khỏi đất nước.
Giai đoạn sau chiến tranh, đạo diễn, NSND Hải Ninh đã thể hiện đề tài lịch sử qua 2 bộ phim: Đêm hội Long Trì (1989), Kiếp phù du (1990). Cả 2 phim đều đi vào những vấn đề lớn của cuộc sống, nói về cuộc đời dữ dội và thăng trầm của người đàn bà đẹp nhất nước Nam một thời, Tuyên phi Đặng Thị Huệ, người được chúa Trịnh Sâm sủng ái đến mê muội và để lại bao tai họa cho muôn dân. Đêm hội Long Trì đã tái hiện chân thực bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam suy tàn, khắp nơi nhân dân lầm than, còn trong phủ chúa, các bậc vương tôn chỉ lo hưởng thụ sắc dục. Trong Kiếp phù du, đạo diễn đã đi sâu vào khai thác số phận các nhân vật, đưa lên màn ảnh các tình huống quyết liệt, những số phận bi thảm, nhưng phim vẫn hàm chứa tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Nhìn một cách tổng quan, đó là những thước phim lịch sử đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được làm trên tinh thần nghiêm túc và có sức hấp dẫn khán giả. Qua đó, đạo diễn Hải Ninh đã tái hiện một giai đoạn lịch sử điển hình cho sự suy thoái đạo đức và phân chia xã hội bởi những mưu đồ chính trị trong cung đình. Ngoài ra, trong phim, đạo diễn đã đặt ra những vấn đề mang tính muôn thuở của đời sống xã hội con người. Từ câu chuyện tình trong sáng của hai nhân vật Bảo Kim và công chúa Quỳnh Hoa tan vỡ, đã mở rộng sang các mối quan hệ khác: thày – trò, bè bạn, cha mẹ – con cái, anh – em, vua – tôi… trong một xã hội rối ren, hỗn loạn làm tan hoang cả luân thường đạo lý.
Phải đến hơn 20 năm sau, điện ảnh Việt Nam mới có thêm một số bộ phim lịch sử. Có lẽ, chưa bao giờ việc làm phim lịch sử ở ta lại được mổ xẻ đặc biệt như bây giờ. Dường như các nhà làm phim không quan tâm lắm đến tính chân thực, không để ý đến sự khác biệt của phim lịch sử dân tộc hay phim cổ trang, mà quan tâm nhiều đến cách thể hiện. Dựa trên nhiều sự kiện lịch sử, các nhà làm phim đã có những cách thể hiện mới bằng việc hư cấu cốt truyện nhằm khắc họa chiều sâu tính cách, làm cho nhân vật lịch sử sống động hơn và tư tưởng phim cũng được nâng tầm. Hai bộ phim được xem là thành công hơn cả trong thời gian qua là Khát vọng Thăng Long (2010) và Long thành cầm giả ca (2010) được làm theo hai hướng khác nhau.
Xưa nay, chúng ta vẫn thường quan niệm, làm phim lịch sử là phải tái hiện cả một quá trình lịch sử với những sự kiện biến thiên gắn liền với vận mệnh dân tộc. Cách nghĩ đó không sai, nhưng rõ ràng, việc làm phim lịch sử giờ đây mang ý nghĩa rộng rãi hơn thế và có nhiều cách thể hiện khác nhau. Đạo diễn phim Long thành cầm giả ca đã hư cấu một mối tình đẹp, nhưng cũng không kém phần thiết tha, sâu nặng của thi nhân Nguyễn Du (Tố Như) và cô ca kỹ tên Cầm. Bộ phim dựa trên một bài thơ chữ Hán cùng tên của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du khi ông từ Huế, trên đường đi xứ phương Bắc, ghé qua Thăng Long gặp lại người con gái một thời tài sắc, nay tiều tụy mà tiếng đàn vẫn điêu luyện, quyến rũ như xưa. Trong phim, đạo diễn đã từng bước dẫn dắt câu chuyện một cách khéo léo khi cho Tố Như và nàng Cầm gặp nhau, rồi có những đồng cảm trong nghệ thuật, kỷ niệm từ thời còn trẻ. Lịch sử biến thiên gây ra bao bi kịch, hủy hoại nhan sắc, tàn lụi những ước mơ và khát vọng sống của con người. Câu chuyện tình trong phim là hư cấu nhưng dựa trên nền lịch sử tao loạn, đạo diễn đã làm rõ được thân phận của những con người tài năng bị đọa đày. Đặc biệt, những con người bị đọa đày ở đây lại là thi nhân kiệt xuất và người con gái tài sắc. Long thành cầm giả ca không phải là bộ phim ca ngợi người anh hùng, cũng không bàn đến các sự kiện liên quan đến số phận dân tộc, mà đề cập đến số phận của con người bình thường và bi kịch cá nhân của những trí thức lớn như Nguyễn Du, nàng Cầm… Trải qua những biến đổi đau thương của thời cuộc, rồi nạn kiêu binh nổi lên, nhà anh trai Nguyễn Du là Nguyễn Khản làm đến Tể tướng bên phủ chúa Trịnh cũng bị tàn phá, Tố Như và nàng Cầm phải cùng nhau chạy nạn… Rồi Tố Như đi làm quan ở Thái Nguyên, chẳng được bao lâu lại phải rời về quê vợ Đoàn Thị sống những năm tháng u buồn khi triều Lê sụp đổ và nhà Tây Sơn thay thế… Thế nhưng, tiếng thơ của Nguyễn Du và tiếng đàn của nàng Cầm vẫn sống mãi cùng đất Long Thành, sống cùng hồn Việt. Đó chính là hiện thân của cái đẹp, cái hồn của dân tộc và sức sống trường tồn của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, đúng như 4 câu thơ cũng là tư tưởng nhân văn của bộ phim:
Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ xứ tang điền bến thương hải
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong
Ca vũ không di nhất nhân tại
Ngược lại, Khát vọng Thăng Long lại được thể hiện theo chiều hướng sử thi, anh hùng ca. Khi xem phim, chúng ta có cơ hội hiểu thêm về người anh hùng dân tộc Lý Công Uẩn văn võ song toàn, mang trong mình tư chất đạo đức hơn người từ khi còn là một chú tiểu sống trong chùa với sự dạy dỗ của thiền sư Vạn Hạnh đến hành trình gian truân khi ông lên ngôi vua. Với Khát vọng Thăng Long, Lưu Trọng Ninh đã góp phần mang đến một diện mạo mới cho phim lịch sử. Từ cảnh sinh hoạt trong thôn làng cách đây hàng 10 thế kỷ của người Việt như: lễ hội tịch điền, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa của các cô thôn nữ thành Đại La…, đến những điểm nhấn, nét chấm phá đặc sắc mang phong tục tập quán như việc một cô gái chửa hoang bị cạo đầu, bôi vôi thả trôi sông… đều hiện lên một cách chân thực, sinh động. Những cảnh phim đó cho thấy sự nghiên cứu bài bản, công phu của đạo diễn về lịch sử dân tộc. Nếu như Long thành cầm giả ca được thể hiện bằng phong cách trữ tình, thơ mộng, tiết tấu phim chậm rãi như một bài thơ, không có nhiều cảnh quay hoành tráng, không có các trận đấu kiếm đẹp mắt, thì trong Khát vọng Thăng Long các yếu tố đó lại là một trong những thành tố quyết định sự thành công cho bộ phim. Màn đấu võ của Lý Công Uẩn thời niên thiếu có nhiều chi tiết ngộ nghĩnh khiến khán giả thú vị. Hay trận đấu kiếm trên cầu của Lý Công Uẩn bảo vệ vua đã tạo hiệu quả bất ngờ với người xem. Cùng với đó là sự tham gia của kỹ xảo, ở phần cao trào của phim khi Lê Long Đĩnh giương cung tên bắn Lý Công Uẩn là trường đoạn khá đắt gây được kịch tính, xúc động. Nhưng thành công lớn nhất của Khát vọng Thăng Long không phải ở bối cảnh hoành tráng hay những màn võ thuật kịch tính, hồi hộp, mà đã hiện thực hóa hình ảnh chân thực, sống động, uy nghi của Thái tổ Lý Công Uẩn với Chiếu dời đô bất hủ trở thành người anh hùng khắc sâu trong tâm tưởng hàng triệu người dân Việt.
Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ cũng được hư cấu dựa trên một sự kiện lịch sử có thật xoay quanh vụ án Lệ Chi Viên (1442) khiến đại thần Nguyễn Trãi chịu bản án tru di tam tộc. Phim là sự đan xen giữa các nhân vật được hư cấu và nhân vật có thật trong lịch sử như: Nguyễn Trãi và người thê thiếp Nguyễn Thị Lộ. Các chi tiết khác trong phim như bức huyết thư có liên quan đến vụ án, tố cáo tội ác của Thái hậu Tuyên Từ, hay mối tình giữa Nguyên Vũ, hậu duệ cuối cùng của gia tộc Nguyễn Trãi và Hoa Xuân đều do các tác giả hư cấu thêm. Sự hư cấu của bộ phim nhằm tăng tính hấp dẫn là điều rất đáng hoan nghênh. Mặc dù Thiên mệnh anh hùng là bộ phim giải trí nhưng đằng sau những thù hận của Nguyên Vũ, Hoa Xuân với Thái hậu Tuyên Từ, thì phim cũng cho thấy được giá trị tư tưởng, đó là con người không nên dùng mọi cách để đạt được mục đích của mình bằng tội ác. Nếu những hận thù mà máu phải trả bằng máu thì con người chỉ là nô lệ của tội ác mà thôi.
Những thành công trên là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh điện ảnh đương đại. Có thể còn nhiều thiếu sót do làm phim lịch sử là công việc không hề đơn giản, vì phải tái tạo tất cả những gì đã từng hiện hữu trong quá khứ từ bối cảnh, phục trang… Bối cảnh lịch sử càng xa hiện tại bao nhiêu thì sự phức tạp lại càng tăng bấy nhiêu.
Gần đây, một số phim lịch sử gây ra nhiều tranh luận. Có phim xa rời hiện thực lịch sử, thậm chí có phim hợp tác làm phim với nước ngoài, bối cảnh và trang phục ngoại lai… Đó là những nhược điểm cần phải khắc phục. Vậy phạm vi hư cấu của các nhà làm phim tới đâu khi làm về đề tài lịch sử? Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, cần làm sáng tỏ. Nhưng phải xác định rõ phạm vi hư cấu có giới hạn hay vô hạn. Đặc biệt khi làm về những sự kiện lịch sử quan trọng, các nhân vật có tầm vóc lớn, thân thế và sự nghiệp gắn liền với vận mệnh đất nước. Và dù người làm phim lịch sử hư cấu thế nào đi chăng nữa, cũng không nên đánh tráo nhân vật xấu thành tốt hoặc ngược lại. Bởi đã là lịch sử cần phải tuân thủ tính chân thực của nó. Ví như bộ phim Khát vọng Thăng Long không thể phủ nhận phim đã thành công ở một số mặt nhất định, nhưng có một điều cần phải xem xét lại. Đó là việc xây dựng hình tượng và tính cách của nhân vật Lê Long Đĩnh. Sau khi vua Lê Hoàn mất, lịch sử của ta lúc đó sản sinh một tên bạo chúa vô cùng tàn bạo với những tội ác: giết anh trai Lê Long Việt vừa lên ngôi được 3 ngày, sau đó đem quân đi đánh các anh em ruột của mình để củng cố quyền lực. Thế mà, nhân vật Lê Long Đĩnh trong phim này lại được các tác giả xây dựng tính cách như một ông vua có khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Tính chân thực trong việc xây dựng tính cách nhân vật lịch sử là điều vô cùng cần thiết. Bởi làm phim lịch sử chỉ có ý nghĩa khi giữ lại cho đời sau tinh thần, khát vọng và nghĩa khí của ông cha. Hoặc, trong phim Thái sư Trần Thủ Độ, từ đầu phim chỉ xoay quanh những chuyện đấu đá trong cung đình, mà không thấy tinh thần chống quân Nguyên Mông. Mãi đến gần cuối phim, mới xuất hiện câu nói nổi tiếng: Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ chớ lo… Hay bộ phim Đường tới thành Thăng Long do biên kịch và đạo diễn Trung Quốc thực hiện, người Việt Nam ta chỉ xem xét về mặt nội dung và một số diễn viên tham gia ở mặt diễn xuất… Đó thực sự là một điều khó hiểu. Tổ tiên ta, sao ta không tự làm, lại để cho người nước ngoài làm? Dù thế nào, việc để người nước ngoài làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một điều có gì không phải và không đúng với bậc tiền nhân như Lý Công Uẩn, người đã nuôi chí lớn dựng một quốc gia độc lập, hòa bình vĩnh cửu sánh vai cùng những thế lực hùng mạnh phương Bắc.
Có rất nhiều cách thể hiện trong việc làm phim về đề tài lịch sử ở Việt Nam. Khi xem Long thành cầm giả ca, tôi lại nghĩ đến những bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc như Thần y Hơ Jun, Nàng Đê Chang Kưm… Đó là những bộ phim về những nhân vật đặc biệt trong lịch sử. Qua các nhân vật ấy, có thể làm sống lại những tinh túy của nền văn hóa cổ truyền của một đất nước đồng văn. Thần y Hơ Jun là một hình tượng cao đẹp về nhân cách đạo đức của một thầy thuốc hết mình với nhân dân và để lại một gia tài vô giá về những kinh nghiệm chữa bệnh quý báu cho đời sau. Nàng Đê Chang Kưm chỉ là một người đầu bếp trong cung vua, nhưng qua đó giới thiệu được tài nghệ, sự tinh túy của nghệ thuật ẩm thực Hàn Quốc…
Bộ phim Long thành cầm giả ca đã mở ra một hướng làm phim mới ở nước ta, mà theo tôi, rất cần thiết để làm sống lại những tinh hoa văn hóa một thời đã qua. Phim lịch sử Việt Nam nên chú trọng khai thác những khía cạnh thuộc về chiều sâu văn hóa nguồn cội. Đó là cách làm phim lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về nguồn gốc dân tộc và có thể quảng bá ra thế giới những nét đặc sắc của văn hóa bản địa. Đồng thời, đây cũng là hướng làm phim lịch sử ít tốn kém, phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của ta hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014
Tác giả : Thu Thủy
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh