Phim sắp chiếu trên VTV3: “Anh có phải đàn ông không”


Ngay sau khi bộ phim “Mặt nạ gương kết thúc”, từ ngày 13-1-2022 tới, bộ phim “Anh có phải đàn ông không” sẽ lên sóng vào lúc 21 giờ 40′ các ngày thứ 5, 6 hằng tuần trên VTV3.

Xoay quanh cuộc sống gia đình, công việc, sự nghiệp của ba người đàn ông Tuấn Khang, Duy Anh và Nhật Minh, “Anh có phải đàn ông không” là những câu chuyện đời sống, gia đình rất thân quen được thể hiện dưới góc nhìn của những người đàn ông, đầy thú vị, mới lạ và có phần hài hước.

Tuấn Khang là người duy nhất độc thân trong bộ ba nên anh luôn tận hưởng hết mình sự độc thân đó, anh có quán nhậu đặt tên “No Woman” (Không đàn bà) thể hiện rõ sự ngông của mình. Tuấn Khang có mọi điều kiện cần và đủ để thu hút mọi cô gái mà anh muốn. Vy, Mai Ngọc hay cả người phụ nữ đặc biệt như Trúc Lam cũng sẽ bị thu hút bởi vẻ soái ca, biết chơi, giàu có và thông minh, có tài của Tuấn Khang. Tuy nhiên, không cuộc vui nào kéo dài mãi. Biến cố của gia đình ập đến khiến Tuấn Khang từ một thiếu gia – con trai một trọc phú trở thành một kẻ tay trắng, phải chuyển từ căn penhouse siêu sang về một căn nhà cũ ổ chuột. Tuấn Khang dần dần thấm thía cuộc sống của một người đàn ông tay trắng. Anh đi xin việc nhưng với kinh nghiệm toàn chuyện ăn chơi phung phí của anh thì đi được tới đâu.

Duy Anh – người đàn ông chấp nhận 18 năm nội trợ, thay vị trí của vợ – Thùy Dung để cô có thời gian phấn đấu cho sự nghiệp riêng. Duy Anh chờ đợi để bước đến thời điểm “viên mãn” của mình là khi con trai Duy Nam bước chân vào lớp 1, con gái Thùy Dương tốt nghiệp cấp 3 và đi du học, công việc kinh doanh của vợ cũng đã ổn định, anh sẽ bắt đầu chăm lo cho sự nghiệp của một người đàn ông. Tất nhiên, cuộc đời đâu như mơ và không ai đoán trước được chữ ngờ, mẹ anh – bà Hoa lên chơi với gia đình con trai mà không hẹn ngày về. Cũng bắt đầu từ đây, cuộc sống ngột ngạt với những mối mâu thuẫn không hồi phân giải giữa mẹ chồng nàng dâu bắt đầu và người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là người đàn ông bị kẹt ở giữa Duy Anh.

Trái ngược hẳn với Duy Anh là Nhật Minh – người hàng xóm của Duy Anh. Nhật Minh luôn nỗ lực để hoàn thành mục tiêu thăng chức, có mức lương tốt, có con, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, chính sự cầu toàn quá mức khiến nhiều lúc Nhật Minh không nhìn nhận đúng bản chất mọi sự khiến anh dần dần trở thành người chồng bất đắc chí, trở nên nhỏ mọn, xấu tính khi vợ thăng chức còn mình thì mất việc.

Anh có phải đàn ông không là một hành trình lớn lên, thay đổi của những người đàn ông và cả những người phụ nữ xung quanh họ. Duy Anh từ một người đàn ông luôn bằng lòng với mọi thứ, không có chí tiến thủ, đánh mất bản thân mình sau khi kết hôn, Duy Anh nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là không được đánh mất chính mình, phải sống có mục tiêu, có vạch đích. Nhật Minh từ một người đàn ông cố chấp phải học cách thay đổi bản thân, quan tâm tới cảm xúc của người khác. Và Tuấn Khang trưởng thành hơn và tìm lại được niềm tin vào tình yêu. Cuối cùng, những chàng trai nhận ra hạnh phúc đôi khi là bớt cái tôi của mình, để thêm cái chúng ta.

“Anh có phải đàn ông không?” là một câu hỏi bao hàm nhiều ý nghĩa, nó có sự khinh thường lẫn sự tội nghiệp, trách móc, cũng là thách thức đối với những người đàn ông. Câu chuyện phim là thế giới thu nhỏ của những người đàn ông – một đề tài chưa có nhiều bộ phim truyền hình khai thác. “Anh có phải đàn ông không” không thể nói lên tất cả nhưng nó phản ánh những phần nhức nhối nhất, lột tả những gì điển hình nhất của thế giới đàn ông. Bộ phim được thể hiện dưới góc nhìn của những người đàn ông về đời sống đầy thú vị, có chua cay của hiện thực, có những đau thương, mất mát của đời sống nhưng không thiếu sự hài hước, dí dỏm để qua những câu chuyện xung đột, mâu thuẫn ấy ta vẫn thấy được sự lạc quan, yêu đời và tích cực.

Bộ phim có sự góp mặt của những dàn diễn viên được khán giả yêu thích, bộ ba Tuấn Khang, Duy Anh, Nhật Minh do ba nam diễn viên soái ca của màn ảnh Việt đảm nhận. Diễn viên Nhan Phúc Vinh thoát khỏi hình ảnh trầm tính, cẩn trọng của nhân vật Minh trong Tình yêu và tham vọng. Lần xuất hiện này, anh hóa thân vào Tuấn Khang một thiếu gia, bad boy chính hiệu. Đây là một vai diễn có màu sắc hoàn toàn khác biệt với những vai diễn Vinh từng thể hiện, bởi vậy anh đã dành rất nhiều công sức, đầu tư, tìm tòi để mang tới cho khán giả một bad boy thực thụ. Diễn viên Tuấn Tú để lại dấu ấn vô cùng lớn với vai Quốc – ông bố đơn thân trong Về nhà đi con. Đảm nhận vai Duy Anh cũng là một thử thách trong sự nghiệp của Tuấn Tú. Tú sẽ thể hiện một ông chồng có thâm niên 18 năm nội trợ ra sao, nhu nhược thế nào sẽ là một điều đầy thú vị và hứa hẹn. Mảnh ghép cuối cùng trong bộ ba là diễn viên Hà Việt Dũng đảm nhận vai Nhật Minh. Dũng đã từng hóa thân vào rất nhiều dạng vai diễn khác nhau nhưng vai diễn Nhật Minh đã tạo cho anh cảm hứng ngay từ khi đọc kịch bản. Một người chồng cầu toàn, bất đắc chí, yêu thương gia đình nhưng chỉ vì sự vô tâm, không biết cách thể hiện tình cảm mà vô tình đẩy cuộc hôn nhân của mình trước bờ vực tan vỡ. Soái ca sẽ không phải là soái ca đúng nghĩa nếu không có những cô gái, những người phụ nữ bên cạnh. Diễn viên Thúy An đảm nhận vai Thùy Dung – vợ Duy Anh vừa thể hiện sự kiên cường, là trụ cột kinh tế của gia đình nhưng cũng nhiều lúc chạnh lòng vì cũng là phụ nữ như người ta nhưng Lệ phải gánh vác quá nhiều thứ, thay cả phần của chồng. Việt Hoa không còn là Đào ngang ngạnh, ương bướng trong Cô gái nhà người ta mà hóa thân vào Lệ – vợ của Nhật Minh, một người nhẫn nhịn, sống một cuộc sống hôn nhân ngột ngạt khi hai vợ chồng không có tiếng nói chung. Quỳnh Cool sau nhiều vai diễn đỏng đảnh, cá tính, hay bắt nạt người yêu thì lần này trở thành nạn nhân của “tay chơi” Tuấn Khang. 2 người phụ nữ khác của Tuấn Khang là Trúc Lam – người phụ nữ mạnh mẽ đầy tham vọng do Thanh Hương đảm nhận và Mai Ngọc – một cô gái độc lập, nguyên tắc, vai diễn đánh dấu sự trở lại của Đan Lê sau một thời gian vắng bóng trong các bộ phim truyền hình.

“Đứa trẻ to xác” là cụm từ mà một số người dành để gọi một cách “yêu chiều” xen chút trách móc những người đàn ông bên cạnh mình. Liệu có thật những người đàn ông mà các mẹ, các vợ vẫn gọi là “đứa trẻ to xác” ấy lúc nào cũng hồn nhiên, không bận tâm, không buồn phiền, vô lo, vô nghĩ, hay phải chăng đó chỉ là những chăm sóc, hy sinh, yêu thương hay thậm chí cả sự lãng mạn vụng về chưa biết thể hiện của các đấng nam nhi vốn đơn giản, xù xì? Xem phim, khán giả sẽ có những câu trả lời cho riêng mình.

HỒNG VÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *