Phủ tây hồ – điểm đến của du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh (DLTL) là một khái niệm còn mới với người dân và ngành du lịch Việt Nam, tuy nhiên, hoạt động DLTL đã và đang trở thành xu hướng phổ biến và đa dạng, không chỉ gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền và các yếu tố linh thiêng khác.Phủ Tây Hồ là nơi thờ Tiên Chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam. Khách DLTL đến phủ trong những năm gần đây rất đa dạng, nhiều tầng lớp và lứa tuổi khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là được trải nghiệm, củng cố đức tin hướng tới những giá trị tốt đẹp: chân, thiện, mỹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Quan niệm về DLTL

Xét về nội dung và tính chất hoạt động, DLTL là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố thiêng làm cơ sở để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người. DLTL khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa trên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác (1). Như vậy, DLTL đã đem lại cho con người những cảm xúc, những trải nghiệm thiêng khi đi du lịch. Có thể thấy, những dòng người đi du lịch đến các điểm tâm linh gắn với không gian văn hóa, cảnh quan nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, vãn cảnh trong đó nhu cầu tâm linh được xem là chính. Ở Việt Nam, khách DLTL thường hội tụ về các địa điểm có đình, đền, chùa, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự… những vùng đất linh thiêng phong cảnh đặc sắc gắn với văn hóa truyền thống, lối sống, nét riêng của mỗi dân tộc, từng vùng miền khác nhau. Tại các điểm du lịch, du khách tiến hành các hoạt động tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu văn hóa lịch sử, tôn giáo, cúng tế, tham gia lễ hội… thông qua đó, có những cảm nhận, trải nghiệm, củng cố đức tin hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, DLTL thường gắn với các hoạt động chủ yếu sau:

Du lịch tham quan các di tích tôn giáo, tín ngưỡng

Loại hình này thể hiện qua các hoạt động chiêm nghiệm, tham quan, nghiên cứu… Tại các chùa chiền, đền miếu, nhà thờ, thánh thất, thánh địa, du khách trực tiếp chiêm ngưỡng, tìm hiểu kiến trúc, mỹ thuật, cảnh quan, hệ thống tượng thờ, phù điêu, các di vật… Đối với những di tích tín ngưỡng tôn giáo hàm chứa nhiều giá trị lịch sử khoa học nghệ thuật, khi tham quan kiến trúc, tìm hiểu tượng thờ hay các di vật, du khách có thể khám phá được các giá trị đó. Đặc biệt, di tích này gắn liền với các tín ngưỡng tôn giáo cụ thể, du khách có thể tăng thêm vốn hiểu biết hệ thống thờ tự, giáo lý, lễ nghi… Quan trọng hơn, ý niệm linh thiêng của họ về các đối tượng tâm linh cũng được thỏa mãn khi tham gia dưới dạng thức này. Ưu điểm của sản phẩm này không phụ thuộc vào thời vụ mà có thể tổ chức quanh năm. Du khách có tham gia vào chuyến đi vào bất cứ thời điểm nào họ mong muốn.

Du lịch tham gia vào các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng

Các tôn giáo thường có những nghi lễ riêng, gắn với đối tượng phụng thờ và được tổ chức tại các di tích hoặc thánh đường. Tham gia trực tiếp các nghi lễ này thường là các tín đồ của các tôn giáo. Ngoài ra, đối với người ngoài đạo đây cũng có thể xem là những nghi thức thiêng liêng giúp họ thỏa mãn trí tò mò cũng như hiểu hơn về các sinh hoạt tôn giáo.

Đối với các di tích Phật giáo, các lễ thường là cầu an, cầu siêu, phóng sinh, lễ niệm Phật, lễ tắm Phật, lễ ăn chay… Các nghi lễ này được tổ chức theo một nghi thức rất thiêng liêng với quy mô khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của các nhà chùa. Các lễ này được thực hiện bởi các nhà sư, các vị chủ trì của các ngôi chùa cùng với sự giúp việc của các cụ, các vãi ở địa phương. Tham gia các lễ này các phật tử phải tuân thủ theo các nguyên tắc của từng nhà chùa như cách đi lại, nói năng, tụng niệm…

Đối với các nhà thờ, việc tổ chức các nghi lễ lại thường xuyên hơn. Bởi, các hoạt động trong nhà thờ thể hiện sự phụng thờ và khẳng định niềm tin của họ về thánh. Nếu là người ngoài công giáo, đến nhà thờ họ có thể hòa vào không khí của các lễ để có những trải nghiệm về tôn giáo này.

Du lịch lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng

Du khách được tham gia trực tiếp các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng với không khí náo nhiệt và sống động. Các hoạt động đó được tái tạo qua những hoạt động sống của sinh hoạt lễ hội chùa, đền, phủ, quán, nhà thờ, thánh thất. Thông qua các thành tố của lễ hội bao gồm các nghi thức, nghi lễ, vũ điệu, trang phục, ẩm thực… họ có thể cảm nhận giá trị văn hóa một cách sống động. Các nghi lễ trong phần lễ thường tái hiện lại hoạt động hoặc công lao của các vị thánh thần thông qua các lễ rước, lễ tế… Thông qua đó, du khách có thể tưởng nhớ những vị thánh thần mà họ ngưỡng vọng. Điều đó làm cho niềm tin thiêng liêng của mỗi con người được củng cố.

Trong loại hình này, phải kể đến hoạt động trò chơi gian dân. Các trò này thường gắn liền với phần lễ tạo ra sự ăn nhập về truyền thống. Các trò chơi này ngoài mục đích cho người tham gia giải trí mà nhiều khi nó còn gắn với đối tượng thờ tự hay văn hóa của từng địa phương.

Trong các lễ hội tín ngưỡng, tâm linh, hoạt động văn hóa ẩm thực cũng được coi trọng. Trong đó, ẩm thực mang đặc trưng tín ngưỡng và văn hóa riêng của địa phương được coi trọng đặc biệt là các món chay. Cỗ chay – lễ tiểu thực thường được các chùa tổ chức vào ngày lễ Vu Lan. Các phật tử đến chùa sẽ được thưởng thức. Ngoài ra, khách có thể tham gia vào các lễ cầu siêu, cúng phóng sinh của các chùa trong dịp này.

Các lễ hội tín ngưỡng, tâm linh cũng có sự khác nhau. Các ngày lễ của Phật giáo sẽ khác các ngày lễ của Thiên Chúa giáo hay của đạo Mẫu… về thời gian cách thức tổ chức, lễ nghi… Điều này góp phần tạo nên những nét đặc sắc riêng cho các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh.

Loại hình này có đặc trưng cố định về thời gian. Do đó, sản phẩm này có tính mùa vụ. Du khách chỉ có thể tham gia vào loại hình này tại những thời điểm đã được ấn định trước.

DLTL phủ Tây Hồ

Phủ Mẫu Tây Hồ hay còn gọi là Phủ Tây Hồ được xây dựng khoảng TK XVI, trước thuộc thôn Tây Hồ, một làng cổ của kinh thành Thăng Long nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngày 13-2-1996, Phủ Tây Hồ được cấp bằng di tích lịch sử – văn hóa (2).

Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh, một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu) (3). Từ xa xưa, người dân Việt vẫn tôn thờ mẫu, ngài tượng trưng cho người mẹ Việt Nam bình thường nhưng vĩ đại. Ngày nay, mẫu được người dân Việt thờ tất cả những nơi có sinh hoạt tín ngưỡng, nhưng thiêng nhất thì chỉ có ở phủ Tây Hồ, nơi kết tinh sinh khí của đất – trời được dân gian quen gọi là đất thiêng.

Các công trình kiến trúc phủ Tây Hồ, bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính 3 nếp (tam tòa thánh mẫu). Mặt trước của cửa tam quan 2 tầng mái giữa có ghi Tây Hồ hiển tích, được trang trí tỉ mỉ công phu. Bốn cánh của giữa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, giữa chạm đào thọ. Qua tam quan là phương đình 2 tầng, 8 mái. Nhà tiền tế, hậu cung xây sát sau phương đình; kế bên là Điện Sơn Trang có 3 gian; khu nhà khách, lâu cô, lầu cậu… Di tích phủ Tây Hồ còn lưu giữ được khối di vật phong phú, có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của TK XIX, XX như bộ tượng tròn gần 300 pho tượng, hoành phi, câu đối… và đặc sắc nhất là bức đại tự ghi: Thiên tiên trác giáng; bức hoành phi ở cửa cung có đề: Mẫu nghi thiên hạ. Tại điện thờ mẫu, có 3 pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn, tượng trưng cho rừng; Mẫu Thoải (thủy) tượng trưng cho nước; mẫu Địa tượng trưng cho đất (4). Ba vị mẫu này hợp thành tam phủ: cai quản thiên phủ có thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa quán xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản thủy phủ có thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người.

Phủ Tây Hồ, với thế mạnh là di tích lịch sử có bề dày văn hóa truyền thống gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, là điểm đến của du lịch tâm linh. Hàng năm, phủ Tây Hồ đã thu hút hàng vạn lượt khách không chỉ người dân Hà Nội mà còn có cả du khách thập phương trong và ngoài nước.

Người Việt Nam quan niệm đi lễ đầu năm để cả năm được may mắn. Vì vậy, thời điểm họ đi DLTL hầu hết là vào tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Đó cũng là thời điểm tại các di tích tín ngưỡng tôn giáo thường diễn ra các lễ hội truyền thống. Do đó, du khách đi vừa được khám phá, chiêm nghiễng các công trình kiến trúc lại vừa được tham gia vào không khí sống động của lễ hội với các nghi lễ, trò diễn, hoạt động văn hóa văn nghệ, văn hóa ẩm thực… Và di tích phủ Tây Hồ cũng không ngoại lệ. Đối với với người dân Hà Nội, thời gian đến Phủ Tây Hồ thường rơi đều vào các tháng trong năm, vào các ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng.

Độ tuổi tham gia của DLTL ở các di tích tôn giáo tín ngưỡng nói chung và ở di tích Phủ Tây Hồ nói riêng rất đa dạng phong phú, ngoài lứa tuổi trung niên (từ 35 đến 55 tuổi) và cao niên (trên 55 tuổi) còn có một phần nhỏ thanh niên.

Ở lứa tuổi trung niên, họ đã đạt những mặt ổn định nhất định về gia đình, công việc, trong đó một số đã nghỉ hưu. Hơn nữa bên cạnh thu nhập ổn định hàng tháng, họ đã có những khoản dư thừa để phục vụ cho những nhu cầu vật chất và tinh thần. Trong đó, việc cải thiện sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần được ưu tiên hàng đầu. Do vậy, họ thường chọn DLTL làm hoạt động nhằm thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần. Những người tuổi trung niên không thích sự ồn ào, náo nhiệt hay mạo hiểm nên họ thường chọn các điểm đến có không gian yên tĩnh, khí hậu mát mẻ, không khí thoáng đãng như các di tích tôn giáo, danh lam thắng cảnh như đình đền, chùa, lăng tẩm… Đến đó, họ có được cảm giác thanh bình, tĩnh tâm… phù hợp với tâm lý tuổi trung niên.

Còn ở tuổi cao niên, lứa tuổi này có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn thanh niên hay trung niên, do đó họ có thể đi DLTL vào bất cứ lúc nào họ thích. Tuy nhiên, họ có khó khăn về mặt sức khỏe nên tần suất họ đi du lịch không nhiều đặc biệt là các chuyến du lịch xa. Do vậy, họ thường đến các điểm DLTL gần nơi họ cư trú. Đối với lứa tuổi này, họ cũng thường sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng theo nhóm, đoàn nơi họ cư trú.

Thanh niên là độ tuổi thường bị cuốn hút bởi nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, vui chơi giải trí khác nhau nên ít chú ý tới tín ngưỡng, tôn giáo. Họ bận bịu với việc mưu sinh thường nhật, ít thời gian rảnh rỗi, nên khó có thể đi du lịch văn hóa tâm linh một cách thường xuyên mà họ thường chọn vào dịp đầu năm, hay các dịp lễ, các ngày rằm, mùng một – những ngày cần phải cúng lễ đã đi vào tiềm thức của họ… Ở độ tuổi này, họ cũng thích được khám phá, tiếp xúc sâu hơn về tôn giáo tín ngưỡng để rút ra những bài học bổ ích trong cuộc sống.

Khách DLTL đến với phủ Tây Hồ thường là nữ giới nhiều hơn nam giới. Bởi, xét về khía cạnh tâm lý, nam giới thường được coi là phái mạnh, cứng rắn, mạnh mẽ và sống thiên về lý trí, nữ giới được coi là phái yếu, dịu dàng, cả tin, sống thiên về tình cảm. Nên, nữ giới dễ có cảm giác lệ thuộc vào tâm linh, dễ tin tưởng vào các đấng siêu nhiên, tối cao cũng như chỗ dựa về mặt tinh thần cao hơn nam giới.

Đối với nam giới, họ có rất nhiều hình thức giải trí khác nhau. Việc giải trí của họ cũng rất đơn giản và dễ thực hiện bởi họ không phải chịu những định kiến của gia đình. Họ có thể chat với những người bạn, đi ăn nhậu hay đi uống. Do vậy mà ít khi họ có khoảng thời gian trống trải để cảm thấy cô đơn. Đối với phụ nữ thì họ sống khép mình hơn, ít thể hiện do vậy hình thức giải khuây của họ không thể giống nam giới. Họ thích những gì êm ả, thanh tịnh hơn. Đó cũng là lí do mà nữ giới chọn đến các điểm tâm linh nhiều hơn nam giới.

Khách DLTL đến phủ Tây Hồ có trình độ học vấn, ngành nghề, phân tầng trong xã hội rất đa dạng và phong phú: có người giầu, người nghèo, doanh nhân, thương nhân, công chức, nội chợ… Nhưng, dù ở vị trí nào trong xã hội, làm bất cứ ngành nghề nào thì khách DLTL đến phủ Tây Hồ đều có chung mục đích: học hỏi, tìm tòi và nâng cao nhận thức về thế giới xung hay sau những ngày làm việc vất vả với bao lo toan tính toán, họ tìm đến nơi linh thiêng để được tĩnh tâm, xua đi những mệt mỏi của cuộc sống đời thường và hoàn thiện mình theo hướng chân, thiện, mỹ. Ngoài mục đích trên, khách du lịch tìm đến phủ Tây Hồ để được thư giãn tinh thần, chiêm ngưỡng một cảnh đẹpcó nước mây thoát tục, một danh thắng hiếm có ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Như vậy, phủ Tây Hồ cùng với các địa điểm du lịch khác trong thành phố như: Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn… trong những năm gần đây các hoạt động DLTLđã phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển này là tất yếu, bởi tôn giáo là chỗ dựa tinh thần cho con người, là yếu tố mang tính giáo hóa tích cực, góp phần thúc đẩy con người tiến bộ. Sự tiến bộ của con người được thực hiện thông qua các hoạt động DLTL. Những yếu tố tích cực này đã góp phần bảo vệ, thúc đẩy tự do tôn giáo lành mạnh và phát triển.

______________

1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb TP.HCM, Hà Nội, 1990.

2. Nguyễn Viết Chức, Nếp sống người Hà Nội từ truyền thống của thủ đô Hà Nội, Nxb Thời đại, Hà Nội.

3. Nguyễn Đăng Duy, Các hình thái tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Nguyễn Duy Hinh, Tâm linh Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.

5. Đoàn Thị Thùy Trang, Nghiên cứu hoạt động du lịch văn hóa tâm linh của người Hà Nội, Luận văn, ĐHQGHN-Trường ĐHKHXH NV.

6. Lê Ngọc Nhất, DLTL tại danh thắng Ngũ Hành Sơn – định hướng phát triển, Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, 2015.

7. baoquocte.vn.

8. baodansinh.vn.

9. gianganh.net.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : VŨ THỊ MINH PHƯỢNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *