Dân tộc Mông có 1.068.189 người (chiếm 1,24% dân số cả nước), xếp thứ 5 trong số các dân tộc ít người có dân số đông nhất Việt Nam. Đồng bào cư trú đông nhất là các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, dọc theo biên giới Việt – Trung, Việt – Lào. Họ có dân số theo tôn giáo đứng đầu các dân tộc ít người ở khu vực miền núi phía Bắc, chiếm tới 19,7% tộc người, ước khoảng 200.000 tín đồ. Có 2 tôn giáo ảnh hưởng lớn đến dân tộc Mông là công giáo, tin lành. Công giáo xuất hiện sớm nhất, gắn với thời điểm thành lập giáo xứ Sapa; tin lành có ảnh hưởng muộn hơn 8 thập kỷ, nhưng phát triển rất nhanh, có số tín đồ đi theo đông hơn nhiều.
Quá trình truyền bá đạo Công giáo vào dân tộc Mông
Theo tài liệu chính sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục do quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo, công giáo bắt đầu truyền vào Việt Nam từ cuối TK XVI, tại Nam Định, năm Nguyên Hòa thứ nhất, đời Lê Trang Tông (1).
Cuối TK XVI, đầu TK XVII, Việt Nam bắt đầu giao thương với các nước phương Tây, Nhật Bản, cũng là lúc đạo công giáo phát động cuộc truyền giáo quy mô lớn đi đến khắp nơi trên thế giới. Lịch sử Giáo hội công giáo Việt Nam đến nay đã trải qua 5 thời kỳ: khai sinh, hình thành, thử thách, phát triển, trưởng thành.
Trước khi đạo Công giáo truyền bá vào vùng đồng bào dân tộc Mông, đã trải qua lịch sử hình thành, phát triển khoảng 400 năm, với rất nhiều khó khăn. Có những lúc đạo này bị nhà nước phong kiến đặt vào tình thế đối đầu, ngăn cấm quyết liệt bằng những biện pháp cực đoan nhất. Theo ghi chép của các sử gia Công giáo, kể từ khi bắt đầu vào truyền giáo từ TK XVII, nhà nước phong kiến đã ban hành 53 sắc chỉ chính thức do các chúa (thuộc hai dòng họ Trịnh ở Đàng ngoài, họ Nguyễn ở Đàng trong), nhà Tây Sơn, các vua nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức) nhằm khai trừ đạo Thiên chúa. Tuy nhiên, sau này nhà nước cùng với đạo Công giáo có sự điều chỉnh mối quan hệ theo hướng ngày càng đồng thuận hơn. Công giáo đã dần xác lập được một chỗ đứng khá vững chắc trong đời sống tôn giáo Việt Nam. Đến đầu TK XX, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã xây dựng được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, quản lý theo giáo phận, giáo xứ; có các cơ sở nhà thờ, tu viện tòa giám mục, trường học… được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố (2).
Cho đến nay, các nghiên cứu liên quan đến thời kỳ đầu đạo công giáo truyền bá vào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc chủ yếu được cung cấp bởi các tài liệu của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Năm 2016, Hội đồng Giám mục Việt Nam biên soạn công trình Giáo hội Công giáo Việt Nam – niên giám năm 2016 (3), trong đó, tác giả Antôn Đỗ Hữu Nghiêm, giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đã dẫn lại thông tin khá chi tiết về thời điểm hình thành nhóm tín đồ Công giáo Mông đầu tiên ở Việt Nam. Theo 2 tác giả, năm 1905, các nhà truyền giáo bắt đầu tiếp xúc, truyền đạo vào vùng người Mông ở Sapa, Lào Cai. Tại thị trấn Sapa, người Pháp cho xây dựng 1 nhà thờ, 1 nhà xứ. Cha Savina, một linh mục tuyên úy, là người được cử đến để truyền đạo cho người Mông ở đây. Năm 1921, một gia đình người Mông trở thành tín hữu Kitô đầu tiên. Năm 1922, một nhà nguyện nhỏ được dựng lên ở Lồ Lao Chải làm nơi sinh hoạt, học giáo lý của các tín đồ người Mông. Với sự hợp tác của hai nhóm thừa sai người Mông từ Vân Nam, Trung Quốc sang, trong hai năm 1924, 1925, có thêm 20 gia đình người Mông nữa đi theo Công giáo.
Giáo xứ đầu tiên của người Mông được thành lập vào năm 1902 bởi các cha thuộc Hội Thừa sai Paris. Năm 1926, giáo xứ đã xây dựng được một nhà thờ, nhà xứ. Năm 1927, hai họ đạo Hầu Thào, Lao Chải được thành lập. Đến khoảng năm 1945, Sapa có 33 gia đình Mông, ở 11 bản đi theo đạo công giáo. Đến năm 1945, số lượng Kitô hữu người Mông có khoảng 240 gia đình, chủ yếu do cha F.Savina truyền đạo ở Sapa Lào Cai và Trạm Tấu Yên Bái (4).
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, việc truyền giáo ở vùng đồng bào Mông bị gián đoạn. Tài liệu của Giáo hội Công giáo ghi chép rằng năm 1950, do chiến tranh nên giáo dân phải đi sơ tán, sinh hoạt thực hành tôn giáo ở vùng người Mông bị tạm ngừng, nhà thờ, nhà xứ bỏ không. Đến năm 1985, số lượng gia đình người Mông theo đạo Công giáo đã giảm từ 240 hộ xuống còn 70 hộ, chủ yếu phân bố ở Sapa và Trạm Tấu (5). Đây được coi là thời gian tín đồ người Mông Công giáo giảm xuống mức thấp nhất. Những năm về sau, việc truyền giáo trở nên thuận lợi hơn, số tín đồ Mông bắt đầu tăng trở lại.
Trong các năm 1991 – 1992, do được tiếp xúc với một số linh mục trong vùng, nhiều người Mông ở các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng đã bỏ lệ cúng shaman, tục làm ma để theo Công giáo (6). Năm 1995, chính quyền địa phương đã cho phép các giáo xứ có người Mông phối hợp tiến hành sửa chữa nhà thờ, nhà xứ. Sinh hoạt nghi lễ từng bước phục hồi trở lại. Cùng trong thời gian này, hai họ đạo Hầu Thào, Lao Chải được tái lập.
Từ tháng 5 – 2006, Sapa chính thức có linh mục quản nhiệm, thường trú tại giáo xứ sau gần 60 năm không có cha xứ. Năm 2010, giáo xứ Sapa gồm có 2.300 giáo dân, trong đó có người Kinh, họ Hầu Thào, họ Lao Chải, họ Thôn Lý. Giáo lý viên trong toàn giáo xứ có 25 người, chưa có dòng tu nào hoạt động trên địa bàn giáo xứ (7).
Hiện nay, việc truyền đạo công giáo vào khu vực cư trú của người Mông ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Các giám mục, linh mục thường xuyên có các cuộc thăm viếng, cử hành nghi lễ tại các họ đạo người Mông mới thành lập, thường là những địa bàn nằm ở vị trí biệt lập, đặc biệt khó khăn.
Như vậy, lịch sử hình thành, phát triển đạo công giáo trong cộng đồng Mông ở miền núi phía Bắc có 3 giai đoạn quan trọng:
Giai đoạn thứ nhất, 1921 – 1948, là thời kỳ đạo Công giáo bắt đầu xâm nhập vào đời sống người Mông, hình thành các họ đạo đầu tiên.
Giai đoạn thứ hai, 1949 – 1985, là thời kỳ suy thoái của Công giáo, với sự giảm sút mạnh số Kitô hữu người Mông.
Giai đoạn thứ ba, từ sau năm 1986 đến nay, là giai đoạn đạo Công giáo được phục hồi, phát triển, với biểu hiện rõ nét nhất là sự xuất hiện nhiều họ đạo công giáo người Mông ở các địa phương khác nhau, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tín đồ.
Cùng với sự phục hồi tôn giáo, người Mông đi đạo công giáo bắt đầu đẩy mạnh quá trình di cư khỏi địa bàn cư trú truyền thống. Họ đến sinh sống, làm ăn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Người Mông từng bước tiếp xúc với các tổ chức tôn giáo, phối hợp với những chức sắc tổ chức, tham gia thực hành nghi lễ. Đồng bào có mối quan hệ liên kết ngày càng chặt chẽ với các tổ chức công giáo địa phương.
Quá trình truyền bá đạo Tin lành vào cộng đồng Mông
Khác với đạo Công giáo, lịch sử truyền đạo Tin lành vào dân tộc Mông diễn ra khá muộn. Tác giả Đỗ Quang Hưng cho rằng đạo tin lành bắt đầu được truyền vào Việt Nam từ đầu TK XIX, gắn với thời gian trị vì của vua Gia Long (1780 – 1802). Nhà thờ tin lành đầu tiên ở Đông Dương do các mục sư người Pháp xây dựng ở Hải Phòng năm 1894 (8).
Mặc dù đến trước các mục sư người Mỹ, nhưng người Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển mạng lưới cơ sở tin lành. Vai trò của họ khá mờ nhạt. Lực lượng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển đạo Tin lành ở Việt Nam là các nhà truyền giáo đến từ Bắc Mỹ. Những nhà truyền giáo này đã xác lập được vị trí vững chắc trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Tên tuổi người Mỹ đầu tiên đem Tin lành đến Việt Nam là tiến sĩ A.B.Simpson, người sáng lập ra Hội truyền giáo Phúc âm Liên hiệp C&MA. Đến năm 1911, giáo sĩ R.A.Jaffray, P.M.Horler với sự giúp đỡ của một nhà truyền đạo người Pháp tên là Bonnet, đã dựng được nhà thờ, làm trụ sở truyền giáo Tin lành ở Việt Nam.
Trước khi truyền bá vào vùng đồng bào dân tộc Mông, đạo Tin lành đã có trên 90 năm hiện diện ở Việt Nam. Tôn giáo này đã hình thành được mạng lưới cơ sở tôn giáo ở nhiều tỉnh thành thuộc các tổ chức như Hội thánh Tin lành miền Nam Việt Nam, Hội thánh Tin lành miền Bắc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Hội thánh Tin lành Mennonite Việt Nam, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam…
Khác với đạo công giáo, các tổ chức Tin lành không có sự liên kết chặt chẽ với nhau, không có sự quản lý thống nhất. Đạo Tin lành không lập giáo hội duy nhất mang tính phổ quát cho toàn đạo mà chủ trương xây dựng các tổ chức độc lập với những hình thức cơ cấu khác nhau, tùy thuộc vào từng hệ phái, hoàn cảnh cho phép. Đặc biệt, các hệ phái Tin lành đều trao quyền tự quản cho hội thánh cơ sở với tinh thần tự lập, tự dưỡng, tự truyền.
Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đăng Bản, từ năm 1930, Hội thánh Tin lành Việt Nam, một số tổ chức Tin lành khác đã tìm cách truyền đạo lên các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc nhưng kết quả rất hạn chế. Họ chỉ thiết lập được một vài nhóm nhỏ rải rác trong cộng đồng người Thái ở Sơn La, người Mông ở Lào Cai, người Mường ở Hòa Bình… Đến năm 1954 – 1975, hầu hết những nhóm này đều tự tan rã, đến nay không còn dấu vết, chỉ còn một nhóm khoảng vài trăm người Dao tại huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Đến năm 1962, nhóm người Dao này chính thức trở thành một chi hội thuộc Hội thánh Tin lành miền Bắc (9).
Đạo Tin lành bắt đầu truyền bá vào vùng cư trú của dân tộc Mông một cách rõ nét từ cuối những năm 80 TK XX. Họ nghe đài phát bằng tiếng Mông, tin theo, tuyên truyền, vận động người khác theo đạo. Họ gọi tôn giáo này là đạo Vàng Chứ, ám chỉ thượng đế, chúa trời hay Thiên chúa…
Cho đến nay, việc phân chia các giai đoạn phát triển đạo Tin lành trong dân tộc Mông còn chưa thống nhất. Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào sự thay đổi chính sách nhà nước đối với đạo Tin lành để chia thành 2 thời kỳ thay đổi lớn: thời kỳ trước năm 1990 và thời kỳ từ năm 1990 đến nay. Điểm mốc quan trọng đánh dấu giữa 2 thời kỳ này là sự xuất hiện Nghị quyết 24-NQ/TW vào ngày 16 – 10 – 1990 của Bộ Chính trị khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết này là bước ngoặt trong phát triển nhận thức về vấn đề tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Theo một số tác giả như Vương Duy Quang, Nguyễn Khắc Đức, Hoàng Minh Đô, Trần Hữu Sơn, Hoàng Thị Thúy, Nguyễn Quỳnh Trâm… quá trình truyền bá đạo Tin lành vào vùng dân tộc Mông được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1989 – 1993, là thời kỳ người Mông tiếp cận đạo tin lành. Qua sự dẫn dắt của số giáo dân người Kinh, người Mông theo đạo công giáo, họ đã tụ tập đọc kinh, cầu nguyện tập thể theo đài, băng ghi âm, cầu nguyện trước khi ăn, trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy. Một số gia đình đã thờ ảnh thánh theo cách của người Công giáo.
Giai đoạn thứ hai, từ năm 1993 – 2004, là giai đoạn đạo Tin lành phát triển rất nhanh ra các địa bàn có người Mông sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở Lào Cai, nhiều người Mông không thực hiện giáo lý như đạo Công giáo mà chuyển sang thực hành theo giáo lý tin lành. Họ chủ yếu học kinh thánh, thực hành các giáo lý thông qua đài phát thanh. Nhiều người Mông tham gia phong trào Vàng Chứ đã tìm đến Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam để học giáo lý, xin sự trợ giúp từ tổ chức này. Từ đó, họ hiểu rằng đạo Vàng Chứ thực chất là đạo Tin lành.
Giai đoạn thứ ba, từ năm 2005 đến nay, là giai đoạn nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn để các nhóm Tin lành người Mông hợp thức hóa sinh hoạt tôn giáo. Đây là thời kỳ nhà nước bắt đầu công nhận tư cách pháp nhân của các nhóm Tin lành. Điểm mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn này là sự ra đời của chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 4 – 2 – 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành. Theo nội dung chỉ thị, chính quyền địa phương căn cứ vào nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào để hướng dẫn cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo tại gia đình hoặc nơi nào có nhu cầu thì hướng dẫn cho đồng bào đăng ký sinh hoạt đạo ở địa điểm thích hợp tại bản, làng. Khi hội đủ các điều kiện thì tạo thuận lợi cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Chính quyền từng bước xem xét công nhận tư cách pháp nhân đối với số hệ phái Tin lành có trước năm 1975 đang hoạt động tôn giáo thuần túy, nếu đủ các điều kiện quy định của pháp luật thì chấp thuận cho tổ chức đại hội đồng để công nhận tư cách pháp nhân; quan tâm giúp đỡ giải quyết nhu cầu về xây dựng cơ sở thờ tự, phong chức sắc, bồi dưỡng giáo lý của các hệ phái Tin lành đã được công nhận. Bên cạnh đó Ban Tôn giáo Chính phủ có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các hội nghị hướng dẫn chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm đạo Tin lành người Mông hoạt động theo quy định pháp luật. Sau khi triển khai, vùng đồng bào Mông đi đạo Tin lành đã trở nên gần gần gũi, tin cậy, chia sẻ trách nhiệm và hợp tác với chính quyền (10) ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhận xét về quá trình truyền bá đạo Công giáo, Tin lành vào vùng đồng bào dân tộc Mông
Kể từ sau cuộc tiếp xúc với tôn giáo phương Tây đầu tiên vào cuối thập niên 20 của TK XX, người Mông không ngừng tham gia đạo Công giáo, Tin lành, đến nay số lượng lên đến hàng chục vạn người, chiếm tới 19,7% dân số.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng các tổ chức Tin lành đã sử dụng, khai thác khá hiệu quả phương tiện truyền thông, ngôn ngữ bản địa. Họ tìm cách bản địa hóa kinh thánh, hỗ trợ người Mông trong quá trình truyền đạo nên đem lại hiệu quả cao. Các tổ chức tôn giáo như FEBC đã khôn khéo sử dụng chất liệu ngôn ngữ, văn hóa dân gian Mông, những câu chuyện hấp dẫn để thu hút mọi người theo đạo (11).
Đạo Tin lành được coi là tôn giáo có ảnh hưởng mảnh mẽ đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của người Mông. Những đặc điểm đơn giản trong giáo lý, thực hành nghi lễ, tính dân chủ, đa dạng trong tổ chức sinh hoạt, phương pháp truyền đạo hiện đại, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm tâm lý của dân tộc khiến cho đạo Tin lành có sức thu hút lớn đối với đa số đồng bào Mông.
Bên cạnh việc thừa nhận vai trò của các tổ chức tôn giáo quốc tế đến từ các nước phương Tây, chúng ta cũng ghi nhận sự ảnh hưởng của các tổ chức hệ phái tôn giáo người Mông ở các nước láng giềng đối với việc truyền đạo ở người Mông Việt Nam (12).
Việc truyền đạo Công giáo vào khu vực cư trú của người Mông ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tuy không phát triển mạnh như Tin lành nhưng Công giáo đã bám rễ sâu trong cộng đồng dân tộc Mông. Sau một thời gian bị gián đoạn, đến nay đạo Công giáo trong cộng đồng người Mông đang được hoạt động trở lại với nhiều cơ sở giáo xứ được hình thành.
Sự phát triển mạnh mẽ của đạo Công giáo, Tin lành trong cộng đồng người Mông là một ví dụ điển hình cho sự phát triển của một dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều dấu vết của tín ngưỡng truyền thống cổ xưa, bị ảnh hưởng bởi quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra của Kitô giáo, một phong trào liên quan đến việc chuyển đổi các dân tộc bộ lạc, phi quốc gia sang các tôn giáo thế giới được tổ chức rộng rãi hơn.
____________
1, 2, 6. Anton Nguyễn Ngọc Sơn, Lịch sử Giáo hội công giáo, cuốn II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
3. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2016.
4, 5. Vương Duy Quang, Vấn đề người Mông theo đạo kitô ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Dân tộc học, số 4 – 1994.
7. Nguồn: sapachurch.org.
8. Đỗ Quang Hưng, Tin lành ở Việt Nam, một cái nhìn tổng quát, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 1 + 2 – 2011.
9. Nguyễn Đăng Bản, Chủ trương của Đảng CSVN đối với đạo Tin lành từ năm 1990 đến năm 2010, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012.
10. Tài liệu Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 01/2005/CT-TTg tổ chức ngày 5-11- 2015 tại Hà Nội.
11. Lê Đình Lợi, Vài nét về phương pháp truyền giáo của đạo Tin lành vào vùng dân tộc Mông ở Lào Cai, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10 – 2012, tr.44 – 51.
12. Nguyễn Khắc Đức, Về một số đặc điểm của Tin lành trong vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8 – 2013, tr.53 – 58.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017
Tác giả : TRẦN THỊ THỦY
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám