Trà Vinh là tỉnh nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có dân số khoảng 1,1 triệu người theo thống kê năm 2010. Đây là vùng đất đa tộc người, nơi tụ cư lâu đời của người Việt, Khơme, Hoa và Chăm. Trong đó, người Khơme chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh, người Hoa khoảng 15.000, người Chăm khoảng 300. Chính quá trình cộng cư lâu dài, liên tục đã làm cho diện mạo văn hóa tộc người của Trà Vinh có những nét riêng so với các tỉnh trong khu vực, nhất là trong vấn đề hôn nhân. Những cuộc hôn nhân ngoại tộc giữa người Khơme với Kinh, Hoa, Chăm trải dài trong lịch sử là sợi dây kết nối, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các tộc người. Điều đó khiến cho quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng dẫn đến hệ lụy tất yếu là làm mất đi bản sắc đặc trưng của từng tộc người. Bài viết này nhận diện vấn đề hôn nhân giữa người Khơme và Chăm ở Trà Vinh.
Người Khơme và người Chăm có nhiều điểm khác biệt về nguồn gốc cũng như văn hóa. Hầu hết người Khơme ở Đông Nam Á nói chung, Trà Vinh nói riêng, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme, theo Phật giáo Theravada. Còn người Chăm ở Trà Vinh thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polynesian, theo Islam. Thế nhưng khi cùng cộng cư ở Trà Vinh, hai tộc người này lại gắn bó khăng khít về kinh tế, văn hóa thông qua mối quan hệ hôn nhân. Về cơ bản trong lịch sử cư trú của 2 tộc người này tại Trà Vinh, ta thấy:
Người Khơme ở Trà Vinh là một bộ phận của người Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme, có chung nguồn gốc với người Khơme ở Campuchia (1). Theo nguồn sử liệu cho biết, họ định cư ở đồng bằng sông Cửu Long sớm nhất vào TK XIII.
Viết về người Chăm ở Việt Nam, tác giả Phú Văn Hẳn cho biết: “Người Chăm Việt Nam có thể chia thành 3 nhóm cộng đồng do đặc điểm cư trú và bản sắc văn hóa địa phương là: Chăm Hroi, Chăm Panduranga, Chăm Nam Bộ. Trong đó, nhóm người Chăm Nam Bộ có cùng nguồn gốc với Chăm Hroi và Chăm Panduranga. Do những nguyên nhân lịch sử, có nhiều người Chăm đã di cư sang Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Indonesia vào những thế kỷ trước. Cuối TK XVIII đầu TK XIX, một bộ phận người Chăm ở Campuchia mâu thuẫn với nhóm người Khơme bản địa nên đã tìm về cư trú ở An Giang và Tây Ninh cùng với một bộ phận người Chăm đã an cư trước đó” (2).
Theo ban quản trị thánh đường Mosque Trà Vinh và những người lớn tuổi thì hầu hết những người Chăm đang sinh sống ở đây đều là tín đồ Islam, có nguồn gốc ở làng Phụm Soài, xã Châu Phong, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang (Châu Đốc xưa). Vào đầu TK XX, do điều kiện giao thương với các nước Malaysia, Indonesia thuận lợi, nguồn hàng hóa dồi dào nên người Chăm ở Châu Đốc tổ chức đi phân phối khắp Nam Bộ, lên tận TP.HCM và Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia). Chính trong quá trình thương nghiệp đó, một số người Chăm đã đến Trà Vinh. Nhận thấy Trà Vinh là nơi có thể làm ăn mua bán, sinh kế lâu dài nên họ quyết định ở lại đây và dần dần chuyển những người thân trong gia đình, dòng họ ở Châu Đốc xuống Trà Vinh tụ cư lâu dài (3).
Theo tài liệu còn lưu trữ tại thánh đường Mosque Trà Vinh thì số người Chăm ở Trà Vinh qua các thời kỳ như sau: 1900 – 1960: 30 người, 1960 – 1975: 150 người, 1975 – 1985: 100 người, 1985 – 2000: 250 người, 2000 đến nay: 300 người. Hiện tại, số người Chăm ở Trà Vinh là 300 (4). Đa số họ sống tập trung ở khóm 6, phường 8, một số ở phường 7, phường 2, và rải rác các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang… Người Chăm ở đây chủ yếu làm nghề mua bán quần áo cũ và các nhu yếu phẩm lấy được từ Châu Đốc, Nam Vang, Thái Lan, Malaysia… thông qua mối liên hệ thân tộc với bà con mình ở An Giang. Không có ai là công chức hay làm nông nghiệp do ít có người học hết lớp 12, không có đất canh tác. Ở đây chỉ số ít người làm tại doanh nghiệp nhỏ hoặc hành nghề tư nhân.
Người Chăm ở Trà Vinh cũng như phần lớn người Chăm ở Nam Bộ đều theo Islam. Vì vậy, đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng này đều tuân theo giáo luật Islam và chủ yếu xoay quanh thánh đường Mosque. Cũng giống như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam, người Chăm rất xem trọng việc cưới vợ, gả chồng cho con. Hôn nhân thường do cha mẹ sắp xếp trên cơ sở tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con cái. Người Chăm cho phép kết hôn trong cùng thân tộc, con chú con bác được phép lấy nhau. Nhưng trên thực tế, những cuộc hôn nhân như vậy rất ít, vì phần lớn thanh niên Chăm trong độ tuổi này thường có xu hướng tìm hiểu, đặt vấn đề hôn nhân với những người khác tộc cùng cộng cư.
Khi đến tụ cư ở vùng đất mới là Trà Vinh, do hoàn cảnh khách quan mà người Chăm cho phép thanh niên nam nữ chọn bạn đời khác dân tộc, tuy nhiên nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc là cùng tôn giáo Islam. Nếu một trong hai người khác tôn giáo, thì người đó phải tuyên thệ theo tôn giáo Islam.
Các cuộc hôn nhân Khơme – Chăm đã diễn ra từ rất sớm, khi người Chăm đến định cư ở Trà Vinh. Xu hướng này đang dần trở nên phổ biến. Thống kê về nhân khẩu, gia đình, hôn nhân có yếu tố Khơme – Chăm của Ban quản trị thánh đường Mosque và tác giả thực hiện trên 150 hộ ở Trà Vinh đã minh chứng cho vấn đề này.
Bảng thống kê tình trạng hôn nhân Khơme – Chăm ở Trà Vinh (5).
STT
Tên chủ hộ
Năm sinh, tuổi
Nguyên quán
Chỗ ở hiện nay
Các thành viên khác
Dân tộc
Năm sinh, tuổi
Trình độ học vấn
Quan hệ với chủ hộ
1.
A-MATH
1949
Châu Giang, Châu Đốc AG
Châu Giang, Châu Đốc AG
Thạch Thị Giai
Khơme
5/12
Vợ
Thạch Ách Sam Ma Vi
Chăm
1985
Con
Thạch Phai Srol
Chăm
1989
Con
Thạch Thị Raki Dắs
Chăm
1983
Con
Thạch Mô Ha Max Sa Ích
Chăm
1987
Con
Thạch Thị Xắs
Chăm
1981
Con
Thạch Max Min
Chăm
1995
Con
Thạch Sapêy
Chăm
1992
Con
2.
CHÂU MINH PHÁT
73T
Châu Long, Châu Phú, An Giang
Châu Long, Châu Phú, An Giang
Trịnh Huệ Hương
Khơme
62T
Vợ
Châu Sắc Ky
Khơme
39T
4/12
Con
Châu Aly
Khơme
33T
5/12
Con
Châu Mul Ta Pha
Khơme
30T
12/12
Con
Châu Minh Thư
Khơme
26T
12/12
Con
3.
THẠCH KIM BÌNH
26T
Hòa Lợi, Châu Thành, TV
Hòa Lợi, Châu Thành, TV
Hồ Thị Hồng Cúc
Chăm
32T
8/12
Vợ
Thạch Thị Hamila
Khơme
6T
Mẫu giáo
Con
4.
ĐÔ HA MIN
1962
P2, TXTV
P2, TXTV
Hồng Thanh Xuân
Khơme
1970
9/12
Vợ
Hamin Đôrohiêm
Chăm
1994
9/12
Con
Hamim Đô Fatimah
Chăm
2002
1/12
Con
5.
THẠCH THANH PHÚ
65T
TV
(Dân tộc Ấn)
TV
(Dân tộc Ấn)
Thạch Bảo Cường
Khơme
35T
CN Điện lực
Con
Thạch Bảo Hoàng
Khơme
29T
CN
Con
Thạch Tố Kim
Khơme
27T
CN
Con
Thạch Bảo Đại
Khơme
20T
CN
Con
Lý Thị Kim Hồng
Khơme
1955
Vợ
6.
SACAY MANG
1952
Châu Đốc, An Giang
Châu Đốc, An Giang
Aly
1986
Con
Kim Thị Thi
Khơme
1971
Vợ
7.
MOHAMACH TORH
38T
Phú Hiệp,
Phú Tân,
An Giang
P6, Tp TV
Thạch Thị Kim Hương (mất)
Khơme
1968
Vợ
Ro Ki Giá (18)
Chăm
1993
Con
Sa Ly Háh
Chăm
Con
Từ bảng thống kê ta thấy: con cái của các cuộc hôn nhân có yếu tố Khơme – Chăm, trong phần khai về thành phần dân tộc, có khai theo cả của bố và mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ khai nhận thuộc về người Khơme chiếm ưu thế trội hơn so với số khai nhận thành phần dân tộc cho con cái là người Chăm. Điều này phản ảnh một thực tế đang diễn ra ở Trà Vinh là các chính sách về dân tộc, giáo dục, chương trình an sinh xã hội của trung ương, tỉnh phần lớn chỉ tập trung ưu tiên cho cộng đồng người Khơme, mà chưa có sự quan tâm sâu sắc đến các cộng đồng khác như Hoa, Chăm.
______________
1. Phan An, Dân tộc Khơme ở Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.7.
2. Phú Văn Hẳn, Đời sống văn hóa xã hội người Chăm ở TP.HCM, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2005, tr.16-19.
3, 4. Dohamid, Danh sách người Chăm ở Trà Vinh, tài liệu đánh máy ở thánh đường Mosque Trà Vinh, 2009.
5. Bảng thống kê được lập bởi Dohamid và Lâm Quang Vinh.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : LÂM QUANG VINH
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Đám cưới của người tày ở xã tô hiệu, bình gia, lạng sơn
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội