Quảng Nam – từ văn hóa thương mại cảng thị truyền thống đến tư tưởng cải cách, duy tân cuối TK XIX – đầu TK XX


Quảng Nam, như ý nghĩa danh xưng của nó, là vùng đất mở rộng về phương Nam. Tên gọi này chính thức có từ thời Lê sơ, sau cuộc Nam tiến của Lê Thánh Tông năm 1471, với sự ra đời của thừa tuyên Quảng Nam (1). Trong khoảng TK XIV-XV, Quảng Nam đã nắm lợi thế quan trọng là đất giáp ranh, cửa ngõ, trước là của Champa, sau là của Đại Ngu/Đại Việt trong hoạt động đối ngoại, có thể là cả đối địch và giao thương giữa hai nước; đặc biệt là với vai trò cửa mở của Đại Việt với vương quốc Champa và các vương quốc cổ khác ở phía Nam và Tây Nam. Chính vì là đất vùng biên trong một thời kỳ dài của lịch sử, những yếu tố địa chính trị ấy, phải chăng đã tạo nên tố chất và tính cách con người Quảng Nam (trước là người Chăm bản địa, sau là người Việt di cư vào): quảng giao, dạn dày và linh hoạt. Cũng bởi thế, người Quảng Nam trong lối sống, trong làm ăn, ứng xử có thiên hướng cởi mở, giao lưu, giao thương với bên ngoài hơn là đóng cửa và hướng nội.

1. Đất đế đô và di sản của nền thương mại cảng thị cổ Champa

Từng là đất đế đô của một vương quốc cổ, đất Quảng Nam khi xưa đã hội tụ được những yếu tố cần thiết (địa thế, tài nguyên, con người) để trở thành một trong những trung tâm của nền văn minh Champa trong một thời kỳ khá dài, dù chưa phải là thời kỳ đỉnh cao. Quá khứ huy hoàng đó đương nhiên còn để lại nhiều di sản đặc biệt, phản ánh về nhà nước trung ương tập quyền, tầng lớp tinh hoa và văn hóa nghệ thuật (kiến trúc, mỹ thuật, chữ viết, tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục…) Champa một thời.

Cùng với sự hiện diện của các kinh đô cổ Champa, đất Quảng Nam còn có một hải cảng thương mại không chỉ đứng đầu vương quốc, mà còn là một thương cảng quốc tế lớn của khu vực Đông Nam Á và Đông Á, đó là thương cảng Đại Chiêm hay Đại Chiêm hải khẩu. Đại Chiêm hải khẩu là một trong những cảng thị biển hình thành sớm nhất ở Đông Nam Á, được thiết lập để làm đầu mối cho một “hệ thống trao đổi ven sông” của cư dân nội địa dọc theo sông Thu Bồn, đồng thời cũng là trung tâm cho một hệ thống thương mại đường biển có tính quốc tế. Thương nhân Chăm có thể đã thiết lập một hệ thống trao đổi nội địa để thu gom những mặt hàng như muối, nước mắm, hải sản (khô), vải vóc, mã não, hồng ngọc, gốm sứ, gia vị,… Những sản vật này được tập trung về các trung tâm thương mại ở các phố cảng dọc theo miền duyên hải, đặc biệt là phố cảng lớn như cảng Đại Chiêm, để trao đổi với các thương nhân nước ngoài đến từ Nam Á và Đông Á. Sự phát triển của thương mại biển dựa vào cảng Đại Chiêm đã đem đến sự giàu mạnh cho tiểu quốc Amaravati, với những tổ hợp đền – tháp kỳ vĩ theo kiểu thức kiến trúc Hindu và Phật giáo ở Quảng Nam như Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Chiên Đàn, Khương Mỹ… được xây dựng từ TK IV đến TK XIII – XIV (2).

Từ cảng Đại Chiêm và các cảng khác của Champa dọc theo bờ biển miền Trung, các thuyền Chăm tham gia tích cực vào luồng giao thông buôn bán ven biển quốc tế ở khu vực châu Á từ thời cổ đại đến trung đại. Ngược lại, thuyền buôn Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập và các tiểu quốc thuộc quần đảo Mã Lai khi đi và về đều ghé các cảng Champa để lấy nước ngọt và trao đổi hàng hóa. Điểm dừng chân của họ là Tượng Lâm, tức các cảng cổ thuộc xứ Quảng ngày nay (3). Khi đã là một vùng đất của đế đô và thương cảng biển, Quảng Nam trở thành chốn tinh hoa hội tụ con người và sản vật, là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa hàng đầu của vương quốc Champa một thời. Quá khứ lịch sử của vùng đất Quảng Nam thời Champa, đặc biệt sự sầm uất của cảng Đại Chiêm khẳng định: có một nền văn hóa thương mại cảng thị phát triển rực rỡ trên đất Quảng Nam từ thời cổ đại cho đến trước năm 1471. Đó có thể là nền tảng sâu xa của tư duy trọng thương, nhuần nhị trong giao lưu văn hóa của vùng đất Quảng Nam, mà không phải chờ đến thời kỳ thăng hoa nhất của vùng đất này – thời kỳ Hội An của các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể đáng tin khi sử học chứng minh được rằng cộng đồng người Chăm trên đất Quảng Nam ngày ấy, cùng với lớp di dân từ phía Bắc đến, vẫn tiếp tục sứ mệnh lao động và cống hiến, làm giàu cho xứ Quảng sau này.

Điều cần lưu ý là, khi các lớp di dân người Việt vào Quảng Nam thì một phần người Chăm lùi sâu vào phần đất còn lại của họ (tiếp giáp với Phù Nam và sau này là Chân Lạp). Tuy nhiên, một bộ phận không ít vẫn ở lại, cộng cư, hòa đồng với lớp người mới di cư đến (chủ yếu từ khu vực Thanh – Nghệ), khởi đầu cho một nền kinh tế năng động ở xứ Quảng và Hội An, trước khi người Nhật, người Hoa và người phương Tây tới. Tác giả Trần Quốc Vượng cho rằng: “Sắc thái văn hóa Hội An cũng như xứ Quảng và toàn bộ Nam Trung Bộ là kết quả giao thoa, đan xen và dung hòa giữa văn hóa Việt – Chàm” (4)… Tác giả Trần Kỳ Phương, khi nhận xét về văn hóa Quảng Nam, một lần nữa khẳng định sự hiện diện không thể phủ nhận của cộng đồng Chăm: “Quảng Nam là khu vực đan xen nhiều nền văn hóa khác nhau nhờ vào vị trí địa lý nằm giữa miền Bắc và miền Nam; giữa miền duyên hải và miền núi. Điều này giải thích sự cho cộng cư giữa những cộng đồng tiền trú nói tiếng Mã Lai Đa Đảo (người Chăm) và những người nói tiếng Nam Á/ Môn Khơme (người Katu), với cộng đồng người Kinh” (5).

Một khi chủ nhân của miền đất thương mại cảng thị Champa còn hiện diện thì truyền thống văn hóa thương mại của họ còn được duy trì và có cơ hội thăng hoa. Sau thời đại của các cố đô Trà Kiệu, Đồng Dương và thương cảng Đại Chiêm, chiến tranh và sự thay đổi chính quyền đã khiến cho sự sầm uất của vùng đất Quảng Nam bị giảm sút nghiêm trọng, kể từ đầu TK XV và nhất là từ sau năm 1471 đến hết thời Lê sơ (1527). Tuy nhiên, từ thời Mạc (1527-1592), tình hình đã thay đổi tích cực đối với vùng đất này. Nhà Mạc có chính sách kinh tế cởi mở hơn ối với hoạt động công thương, so với nhà Lê sơ trước đó vốn là điển hình của chính sách “trọng bản – ức mạt” (coi trọng nông nghiệp, ức chế công – thương) và “độc tôn” Nho giáo.

2. Hội An và sự thăng hoa của văn hóa cảng thị TK XVI – XVIII

Tình hình vùng đất Quảng Nam thay đổi hẳn kể từ khi Nguyễn Hoàng sau khi vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) lại được kiêm luôn trấn thủ Thuận Quảng từ năm 1570 (6). Sự thật, Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn buổi đầu, do muốn cát cứ và đối địch với họ Trịnh ở Đàng Ngoài mà tỏ ra thân dân, nới rộng cơ chế cũ của nhà Lê, cho công thương nghiệp và ngoại thương phát triển (7). Chính sách này gặp bối cảnh thuận lợi khi có hàng loạt người Minh Hương di cư đến các đô thị ven biển ở Đông Nam Á để sinh sống bằng việc buôn bán. Đó cũng là khoảng thời gian mà nhiều nhà buôn Nhật Bản thời kỳ Mạc Phủ tìm cách phát triển hoạt động kinh doanh ra thị trường khu vực, trong đó có các đô thị Đàng Trong. Đây cũng là thời kỳ chủ nghĩa tư bản phương Tây trên đà phát triển, khao khát tìm thị trường và sản vật quý ở các xứ phương Đông nhiều bí ẩn.

Bối cảnh đó chính là cơ hội để Hải Phố – Hội An bừng lên một thời kỳ vàng son rực rỡ, trở thành đô thị thương mại biển điển hình của khu vực. Hội An đã phát triển theo đúng quy luật kinh tế và có một đời sống tương đối khác với các đô thị trung đại ở Việt Nam, khi mà hầu hết các đô thị còn lại đều sinh ra và bị chi phối tuyệt đối bởi nhà nước phong kiến. Hội An được chúa Nguyễn chọn là điểm giao thương duy nhất với các nước, thế nên Quảng Nam từng được nhiều thương nhân nước ngoài gọi nhầm là “Quảng Nam quốc” và điều đó cũng chứng tỏ thời kỳ chúa Nguyễn như là kỷ nguyên vàng của vùng đất này.

Chợ Hội An xưa 

Nguồn: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 

Về sự sầm uất của Hội An đầu TK XVII, Christoforo Borri viết: “Thành phố rộng rãi nên có thể nhận ra hai khu vực, một của người Trung Hoa ở và khu vực kia của người Nhật… Người Nhật thường đem lại bốn, năm vạn nén bạc… Người Trung Quốc bằng thuyền buồm, chở đến nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt…” (8). Không giống như một đô thị thương nghiệp khác ở Đàng Ngoài là Phố Hiến đã lụi tàn vào nửa cuối TK XVIII, sự thịnh vượng của Hội An còn kéo dài thêm nhiều thập kỷ. Nửa cuối thế kỷ này, Lê Quý Đôn dẫn lời của một lái buôn người Quảng Đông tên là Trần Dung: “Còn như xứ Quảng Nam thì không thiếu một thứ gì. Không nơi nào có nhiều sản vật như ở Quảng Nam. Các sản vật ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhân, Quảng Nghĩa, Bình Khang và dinh Nha Trang đều đem đến phố Hội An bằng đường bộ và bằng đường bể. Cho nên các lái buôn ở Trung Quốc đều đến rất nhiều để mua đem về nước” (9).

Đến đầu TK XIX, vùng cửa sông Thu Bồn đã biến đổi, một dải cát ngầm chặn ngang làm cho lòng sông nông hơn, chỉ tàu nhỏ mới ra vào được, còn tàu lớn chỉ có thể vào cảng Đà Nẵng, khi ấy Hội An lại trở thành nơi thu mua, tích trữ, bán buôn và phân phối hàng hóa, để các thuyền nhỏ theo sông Cổ Cò mang hàng từ Hội An về Đà Nẵng. Bởi thế, cho đến năm 1819, thuyền trưởng Rey của tàu Henry vẫn nhận xét: “Hội An, như cách gọi ở Ấn Độ, là một cửa hàng bách hóa lớn (Bazar), thành phố chỉ có một con đường khá dài, các nhà phố đều xây bằng gạch và chỉ có một tầng, tất cả đều được bố trí để buôn bán. Mặt trước là nơi bày các loại hàng hóa, phía sau là những kho hàng kín đáo… Các thuyền buôn Trung Quốc trọng tải đến 600 tấn, hằng năm đến ngay trước thành phố” (10).

Những ghi chép này đã khiến nhiều người kinh ngạc, bởi lâu nay người ta vẫn nghĩ Hội An đã lụi tàn từ cách đó vài thập kỷ. Lý do xuất phát từ việc chính quyền chúa Nguyễn cuối TK XVIII đã dần trở lại nguyên hình của một chính quyền Nho giáo “trọng nông – ức thương”; do sự hạch sách của quan chức Đàng Trong khiến cho thương khách ngoại quốc nản lòng; do chính sách “tỏa quốc” của chính quyền Mạc Phủ (Nhật Bản) gây khó dễ cho các nhà buôn Nhật; do sự suy thoái của “thời kỳ thương mại biển Đông”, khi mà tàu buôn của các nước phương Tây được thay thế bằng tàu chiến để tấn công xâm lược; do cửa sông Thu Bồn bị bồi lấp, các tàu lớn không thể vào ra dễ dàng; do cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh muôn phần khốc liệt và cũng do nhà Nguyễn từ ngày đầu thiết lập đã hạn chế buôn bán, “bế quan – tỏa cảng”, gây ngưng trệ cho hoạt động công thương.

Tất nhiên, trước khi cảng thị Hội An đi vào quá vãng, người ta cũng đã phải tiếc cho nó, bởi ngay ở thời kỳ chói sáng nhất, nó vẫn chỉ là đại diện cho nền ngoại thương một chiều của các chúa Nguyễn: tiếp nhận thương thuyền nước ngoài vào buôn bán, đổi trao hàng hóa nhưng không tổ chức các đội thương thuyền nhà nước và tư nhân đem hàng hóa đi bán ở các nước (11). Việc buôn bán lớn ở Hội An (cũng như ở Phố Hiến và các đô thị thương mại khác ở Việt Nam) khi đó chủ yếu nằm trong tay thương nhân nước ngoài (Hoa, Nhật, Bồ). Thế nhưng, cần phải ghi nhận, có một nền văn hóa thương mại đã hình thành và chi phối đời sống xã hội ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung trong suốt quá trình lịch sử tính từ đầu TK XVI cho đến TK XIX.

3. Sự phát sáng của tư tưởng duy tân Việt Nam đầu TK XX

Những yếu tố truyền thống, đặc biệt là sự tỏa sáng của văn hóa thương mại Quảng Nam trong lịch sử đã để lại dư ảnh cho nhiều thế kỷ sau, định hình nết đất và tư chất con người Quảng Nam: quảng giao, năng động, nhậy bén về kinh tế và yêu hòa bình. Đó là cơ sở để tư tưởng duy tân, dân chủ nảy mầm, phát triển ở Quảng Nam, biến nơi đây thành một trong những cái nôi của phong trào Duy tân nổi tiếng ở nước ta đầu TK XX. Với mục tiêu duy Tân để đất nước hùng mạnh, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của Pháp, đây thực sự là một phong trào cách mạng xã hội mới từ tư tưởng tới hành động. Phong trào đã làm rung động mọi tầng lớp xã hội Việt Nam suốt hơn 2 thập niên đầu TK XX, làm cho nhân dân thêm hào hứng, tự tin về sức mạnh dân tộc. Phong trào có tiếng vang làm kinh động đến châu Âu, khiến nước Pháp lo sợ cho nền cai trị của họ ở Đông Dương. Tuy nhiên, trong phong trào cũng có một vài xu hướng khác nhau, trong đó nổi lên xu hướng do Phan Châu Trinh đại diện (khởi xướng năm 1906), hô hào duy tân bằng cách dựa vào Pháp để chống phong kiến và cải cách xã hội, làm cho Việt Nam mạnh lên, rồi tìm cơ hội để thoát khỏi Pháp, thiết lập nền độc lập theo chính thể cộng hòa (thường gọi là xu hướng cách mạng cải lương) và xu hướng do Nguyễn Thành, Phan Bội Châu đại diện, cũng duy tân, nhưng đi liền với cầu ngoại viện, vũ trang bạo động để giành lại nền độc lập, xây dựng chế độ đại nghị tư sản theo mô hình nước Nhật (thường gọi là xu hướng cách mạng bạo động). Cả hai xu hướng này đều mang những nội dung mới mẻ, thể hiện trên nhiều phương diện… Giữa hai xu hướng có sự liên hệ mật thiết với nhau, thậm chí phối hợp với nhau cùng hành động. Mặc dù quan điểm của Phan Châu Trinh là “bất bạo động” và “bất vọng ngoại” có vẻ đối lập với tư tưởng duy tân bạo động và cầu ngoại viện của Nguyễn Thành, Phan Bội Châu, nhưng các ông đã từng bàn bạc, phối hợp và giống nhau ở mục tiêu cải cách, khai dân trí, chấn dân khí, mở mang thực nghiệp để tự cường.

Điều đáng nói là cả hai xu hướng duy tân đều phát nguyên từ Quảng Nam, với những đại biểu nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Cơ, Phan Thúc Duyện… (xu hướng cải cách), Nguyễn Thành… (xu hướng bạo động), trong đó nổi tiếng nhất là Phan Châu Trinh (1872-1926), người được coi là thủ lĩnh của phong trào Duy Tân theo xu hướng cải cách ở Việt Nam đầu TK XX. Phong trào Duy Tân dưới ảnh hưởng của Phan Châu Trinh đã làm rung chuyển xã hội khu vực miền Trung, với hình thức chủ yếu là tuyên truyền, vận động cho mục tiêu đổi mới, nhưng có lúc vượt khỏi khuôn khổ cải cách ôn hòa, chuyển thành bạo lực quần chúng như phong trào biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ tháng 3 – 1908.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến Quảng Nam trở thành quê hương của Phong trào Duy Tân đầu TK XX? Đó là truyền thống của vùng đất Quảng Nam với nền tảng văn hóa thương mại cảng thị trong lịch sử, đã từng phát sáng ở nửa cuối TK XIX… Yếu tố địa lịch sử, địa văn hóa đã làm nên tính chất riêng của Quảng Nam, khiến nó trở thành nơi phát nguyên của tư tưởng duy tân cứu nước mới, rầm rộ trong cả nước suốt hơn hai thập niên đầu TK XX.

4. Kết luận

Từ văn hóa thương mại cảng thị thời kỳ Champa và thời kỳ các chúa Nguyễn đến tư tưởng cải cách, duy tân ở cuối TK XIX, đầu TK XX là một quá trình phát triển hợp lôgic diễn ra trên đất Quảng Nam. Sự tích tụ các yếu tố lịch sử của thời kỳ vương quốc cổ Champa, kết hợp với những yếu tố mới của bối cảnh lịch sử các TK XVI – XVII – XVIII đã biến nơi đây thành “Quảng Nam quốc” với cảng thị Hội An nổi tiếng đất Đàng Trong mà di sản hôm nay còn được thừa kế. Sang TK XIX – đầu TK XX, vai trò của Quảng Nam vẫn được chứng tỏ khi hội đủ những điều kiện để hình thành nên những tư tưởng lớn: tư tưởng cải cách của Phạm Phú Thứ (cuối TK XIX) và tư tưởng duy tân cứu nước của Phan Châu Trinh, Nguyễn Thành… từng làm rung động chế độ thuộc địa Pháp ở Việt Nam đầu TK XX.

Đến những thập niên cuối TK XX, Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu trong cuộc đánh thức tiềm lực. Mỹ Sơn (di sản văn hóa Chăm) và đô thị cổ Hội An (di sản văn hóa Chăm – Việt) trở thành hai trong số những di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận sớm nhất, trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam và châu Á. Di sản dù lớn đến mấy cũng không tự nhiên thức dậy, mà phải do con người đánh thức. Người Quảng Nam hiện đại đã làm công việc đó, đánh thức tiềm lực, để Quảng Nam trở thành một trong những địa chỉ chói sáng trên bản đồ du lịch thế giới.

____________

1. Bao gồm cả Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay.

2, 5. Trần Kỳ Phương, Đại Chiêm Hải Khẩu-Hội An: Một cảng thị quốc tế sầm uất thời vương quốc Champadothiphattrien.vn.

3, 4. Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa – văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998, tr.446, 447.

6. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.233.

7. Trần Quốc Vượng, Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt, Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, 2014, số 5.

8, 10. Trần Viết Ngạc, Mối tương quan giữa Hội An và Đà Nẵng trong lịch sử (TK XVII, XVIII, XIX, XX), Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, 2014, số 5.

9. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1959, tr.96-97 (bản điện tử).

11. Theo Trần Quốc Vượng, đã có các thương thuyền Việt Nam ở TK XVII – XVIII đi buôn bán ở Trung Quốc, Singapore, Xiêm La…, nhưng đó là những chuyến buôn còn rất hạn chế và lén lút, không được nhà nước cho phép (Trần Quốc Vượng, Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt, Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, 2014, số 5.

Tác giả: Phạm Quốc Sử

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *