Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Những ký ức văn hóa


Ngày 5-6-1911, tại Bến Nhà Rồng, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống con tàu Amiral Latouche Treville, nhận việc làm phụ bếp để có điều kiện đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Cuộc trường chinh vĩ đại kéo dài 30 năm, dấu chân Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã in khắp năm châu bốn biển. Mùa xuân năm 1941, Người trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cho đến ngày “Bác đã lên đường, nhẹ bước tiên” (Tố Hữu – Bác ơi!), trong tâm khảm của Người chỉ có một nỗi niềm: Đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam – Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ngày 14-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Granma (Cuba). Bài tường thuật buổi phỏng vấn này được in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Granma (Cuba), số ra ngày 29-7-1969 và bằng tiếng Pháp trên báo Granma, số ra ngày 3-8-1969, dưới đầu đề Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi. Báo Nhân Dân đã dịch và in lại. Trong phần trả lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ở Việt Nam có một câu nói phổ biến: miền Nam đi trước về sau. Câu nói này có nghĩa là miền Nam đấu tranh trước tiên chống quân xâm lược nước ngoài, nhưng miền Bắc lại được giải phóng trước, còn miền Nam sẽ được giải phóng sau. Miền Bắc được giải phóng 15 năm rồi nhưng suốt cả thời gian ấy, miền Nam không được hưởng lấy một ngày tự do (…). Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ” (1). Hiểu được tư tưởng và tình cảm lớn lao của lãnh tụ, chúng ta sẽ thấm nhuần vì sao Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được coi như một ký ức văn hóa của chính Người và của cả dân tộc trong thời đại cách mạng.

Trong bài thơ Ta đi tới (8-1954), nhà thơ Tố Hữu đã hào sảng viết: “Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai về thành phố/ Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng”. Đó là một tiên cảm tài tình của nhà thơ để hơn 20 năm sau, khi đất nước hòa bình, thống nhất, giang sơn thu về một mối, thành phố Sài Gòn vốn được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu (Ngày 2-7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên Sài Gòn thành: Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Chiến dịch lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam giành toàn vẹn non sông, tháng 4-1975, vinh dự mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bài thơ Ta đi tới của nhà thơ Tố Hữu như chính nhan đề đã tái hiện khí thế sục sôi đi tới của cả một dân tộc: “Ta đi tới không thể gì chia cắt/ Mục Nam quan đến bãi Cà Mau/ Trời ta chỉ một trên đầu/Bắc Nam liền một biển/ Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Trong sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh (2) có ghi lại cuộc trò chuyện thú vị của nhà thơ Tố Hữu với phóng viên báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam):

– Bế Kiến Quốc: Anh cũng là người đầu tiên trong thơ nhắc đến Sài Gòn với tên là “Thành phố Hồ Chí Minh” trong bài Ta đi tới?

– Tố Hữu: Ấy, nhân tiện kể cho vui. Lúc mình viết như vậy, Bác đọc, Bác tủm tỉm cười: “Ai cho phép chú đặt tên như thế?”. Mình hoảng: “Dạ, thưa Bác, có ai cho phép đâu. Nhưng nguyện vọng của đồng bào ưng rứa, xin Bác cho phép gọi rứa, trong thơ mà, để đồng bào thỏa mãn”.

Người ta nói đến năng lực tiên cảm, dự báo như là phẩm tính hàng đầu của những nghệ sĩ lớn. Tố Hữu là một trong những nhà thơ lớn trong nền văn chương Việt Nam thời kỳ hiện đại. Trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Tố Hữu, bài thơ Ta đi tới được đánh giá như một mốc son. Cái mốc son ấy khẳng định tầm nhìn xa và tinh anh của một cánh chim đại bàng. Trở lại câu hỏi mà nhiều người vẫn còn chưa thật thỏa mãn: Vì sao vào thời điểm tháng 8-1954, ngay sau khi miền Bắc vừa được giải phóng, miền Nam tạm thời thuộc vùng kiểm soát của đối phương (từ Vĩ tuyến 17 trở vào) theo hiệp định Giơnevơ về hòa bình Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu đã tiên cảm được sự kiện Sài Gòn sẽ mang tên “Thành phố Hồ Chí Minh” trong tương lai không xa? Trong hồi ký Nhớ lại một thời (Nxb Hội Nhà văn, 2000), nhà thơ Tố Hữu đã viết về tâm trạng “ngày Bắc đêm Nam” không chỉ của riêng mình – một người con của xứ Huế mộng mơ đang nằm bên kia Vĩ tuyến 17 – mà là của cả hàng triệu người dân sống trên miền Bắc hòa bình ngày đêm hướng về miền Nam ruột thịt. Đặc biệt với Lãnh tụ Hồ Chí Minh, tình cảm của Người với miền Nam còn sâu nặng hơn vì “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”. Trong bài thơ Chúc mừng năm mới (Xuân năm 1964), nhà thơ Hồ Chí Minh đã viết những vần thơ giản dị và xúc động: “Nam Bắc như cội với cành/Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng/Rồi đây thống nhất thành công/Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Đúng như câu thơ Tố Hữu đã viết: “Bác nhớ Miền Nam, nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha” (Bác ơi!). Sinh thời, Bác Hồ vẫn mong có được ngày vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam đã đi trước về sau trong cuộc trường chinh kháng chiến 10.000 ngày (1945-1975) đánh bại hai đế quốc lớn của TK XX là Pháp và Mỹ.

Thật độc đáo, trong bài thơ Đám cưới giữa mùa xuân (1965) của nhà thơ Viễn Phương có những câu thơ lay động lòng người: “Quyết đến giữa Sài Gòn hát bài ca giải phóng/ Cắm ngọn cờ trên đô thị vinh quang/ Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh sao vàng”. Như vậy cái cấu tứ được khơi mở bởi nhà thơ Tố Hữu từ bài thơ Ta đi tới (8-1954) – Sài Gòn sẽ là thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai – được kiến trúc lại qua những câu thơ của Viễn Phương. Nếu với nhà thơ Tố Hữu, “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”, thì với nhà thơ Viễn Phương đó là “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh sao vàng”. Ánh sao vàng trên cờ Tổ quốc. Cờ Tổ quốc được giương cao, tung bay ngày chiến thắng. Tâm hồn rộng mở của nhà thơ dường như đang ùa vào niềm vui chiến thắng khi bước vào trận đối đầu lịch sử của quân dân ta giành thắng lợi cuối cùng – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đoàn quân giải phóng miền Nam trên chặng đường thiên lý đã đi được 11 năm (từ 1954 đến 1965). Và còn phải hành quân tiếp 10 năm nữa cho đến trưa ngày 30-4-1975 lịch sử, khi lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc nhà Dinh Độc Lập. Cảm hứng đó trào dâng trong bài thơ Toàn thắng về ta (1975) của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi, buổi trưa nay đẹp tuyệt trần/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. Và ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cất lên hùng tráng, thiết tha, chen lẫn trong những giọt nước mắt hạnh phúc, trong một tâm trạng thăng hoa. Đây là lần thứ hai, trong thơ, Tố Hữu trang trọng, thành kính nói về “Thành phố mang tên Người” bằng những ngôn từ đẹp nhất.

Năm 1974, nhà thơ Nguyễn Đình Thi có mặt trong một đoàn công tác vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên. Dường như nhà thơ muốn được thử thách nhiều hơn trong lửa đỏ và nước lạnh như câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ Nước non ngàn dặm (1973): “Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa hiểu mình”. Mùa khô Tây Nguyên đất bazan cuốn bụi đỏ mù mịt. Mùa khô Tây Nguyên lá đỏ bầm vì thiếu nước. Mùa khô Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Trong khung cảnh thiên nhiên vừa khắc nghiệt vừa hùng tráng ấy, nhà thơ đã gặp những cô gái (có thể là thanh niên xung phong, hoặc là bộ đội, hoặc là du kích). Họ có nét giống nhau, tượng trưng cho phẩm tính của người phụ nữ Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh “Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang”. Họ tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Bài thơ Lá đỏ được viết liền sau đó, ngay sau dấu vết nóng hổi của sự kiện, không nhiều lời nhưng cô đặc nỗi niềm xúc động của nhà thơ trước vẻ đẹp giản dị nhưng vĩ đại của con người kháng chiến: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường/ Như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/ Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/ Chào em em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…”. Bài thơ Lá đỏ vẻn vẹn chỉ có 9 dòng với 49 chữ nhưng được nén chặt cảm xúc và nặng trĩu tình cảm đồng bào, đồng chí, đồng đội. Câu thơ cuối để lại dư ba: “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…”. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết bài thơ này vào mùa khô năm 1974. Vào thời điểm đó, một người bình thường không thể hình dung được ngày 30-4-1975 chiến tranh kết thúc, toàn thắng về ta. Và chưa một ai dám hẹn hò người thân quen của mình là “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…” vào cái thời điểm cuối năm 1974. Hẹn hò như thế là tin tưởng tuyệt đối vào ngày chiến thắng đã cận kề. Hẹn hò như thế phải từ một chủ nghĩa lạc quan triệt để. Nhưng không hề bốc đồng hay hoang đường. Người ta gọi đó là tầm đón đợi của tác phẩm nghệ thuật. Bài thơ Lá đỏ đã đi vào âm nhạc. Nhạc phẩm Lá đỏ (Thơ – Nguyễn Đình Thi; nhạc – Hoàng Hiệp) là một giai điệu tự hào cao đẹp của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, trở thành biểu tượng của niềm tin yêu cuộc sống, con người và tượng trưng cho niềm tin chính nghĩa chiến thắng, sức sống của con người Việt Nam trong giông bão cách mạng và chiến tranh, tượng trưng cho một “Việt Nam máu và hoa” như ý thơ của Tố Hữu “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau thắm những ngày”.

“Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam” (Tố Hữu Ta đi tới), “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…” (Nguyễn Đình Thi – Lá đỏ) là những câu thơ đẹp vượt thời gian và không gian. Đó không còn là chữ mà là nghĩa. Nghĩa nặng tình sâu của hơn 90 triệu người đều là con Lạc cháu Hồng, dù ở đâu trên thế giới thì nghĩa đồng bào, tình cố hương vẫn là sức mạnh níu kéo con người về cội nguồn. Tất cả con dân nước Việt đều chung cội cành.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có dịp sống gần gũi lãnh tụ nhiều năm, sinh thời đã xúc động viết về những ngày tháng cuối cùng của Bác Hồ: “Mấy tháng trước khi qua đời, lúc đó Bác đã mệt nhiều, tuy vậy Bác vẫn thiết tha bàn với chúng tôi điều mong muốn mãnh liệt của Bác là đi miền Nam. Lần này, chúng tôi trình bày với Bác sức khỏe của Bác không thể cho phép thực hiện điều ấy, và chúng tôi nói thêm rằng cuộc chiến tranh đang diễn biến thuận lợi cho ta, không bao lâu nữa chúng ta sẽ giải phóng miền Nam, lúc đó Bác sẽ vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Nhưng ai có thể biết được Bác đã trả lời chúng tôi thế nào? Bác bảo: “Lúc đó đi miền Nam thì còn phải nói làm gì. Chính bây giờ, lúc đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu, hy sinh, thì đi miền Nam mới có ý nghĩa” (3). “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi” là một câu nói bất hủ khi hậu thế nghĩ, nhớ về Người. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một điểm sáng trong nỗi nhớ, trong ký ức văn hóa của Người về miền Nam – Thành đồng Tổ quốc. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh gắn với những kỷ niệm không bao giờ phai một thời trai trẻ của một CON NGƯỜI VIẾT HOA. Theo cách viết của nhà thơ Cuba Phêlich Pita Rôđrighết: “HỒ CHÍ MINH TÊN NGƯỜI LÀ CẢ MỘT NIỀM THƠ”.

_______________

1. Hà Minh Đức, Báo chí Hồ Chí Minh – Chuyên luận và tuyển chọn, Nxb Chính trị quốc gia, 2017, tr.311-312.

2. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, tập 1, tr.20.

3. Hồ Chí Minh: Tác gia – Tác phẩm – Nghệ thuật ngôn từ, Nxb Giáo dục, 2005, tr.65.

Tác giả: Bùi Việt Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *