Sáng tạo giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật – nhìn từ phản ánh luận của Lênin

1. Giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật

 Trong dòng chảy lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại hàng ngàn năm, chỉ có những tác phẩm đạt tới giá trị chuyển tải thông điệp tư tưởng nghệ thuật cao quý, nhân văn của người nghệ sĩ nói riêng và của thời đại nói chung, thì sẽ sống mãi với thời gian. Hầu hết các diễn ngôn đặc trưng về tư tưởng thời đại thường kết tinh, hội tụ và tỏa sáng trong tác phẩm văn học, nghệ thuật, trở thành những ngọn núi tinh thần vĩ đại của dân tộc và nhân loại.

Chính vì vậy, hướng tới đảm bảo cho người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt chuẩn mực giá trị là một yêu cầu cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà. Xuất phát từ vấn đề cấp thiết này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng đã khẳng định cần phải: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc, xây dựng con người”, “Hướng văn nghệ nước ta phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng như tái hiện lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc. Đặc biệt khuyến khích các tác phẩm về công cuộc đổi mới thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại. Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên ái cái ác, cái thấp hèn…” (1).

Trên thực tế, những gì được coi là giá trị phải có tính phổ quát, được cộng đồng (tức là số đông) thừa nhận. Nếu giá trị mang tính chủ quan cá nhân (số ít) sẽ dễ rơi vào trạng thái võ đoán, siêu hình. Giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật sẽ được định đoạt bởi sự chấp nhận của đa số công chúng theo hệ thống chuẩn mực của dân tộc trong một thời đại và cũng có thể là chuẩn mực của nhiều thời đại trong đời sống tinh thần nhân loại. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự trường tồn của những tác phẩm bất hủ trong đời sống văn học, nghệ thuật nhân loại như: Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tây Du ký của Ngô Thừa Ân, Don Quixote của Cervantes, Romeo và Juliet của William Shakespeare, Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoy, Truyện Kiều của Nguyễn Du…

Giá trị của văn học, nghệ thuật là một vấn đề có phạm vi khá rộng. Có thể là giá trị của một nền văn học, nghệ thuật, một thời đại văn học, nghệ thuật, thậm chí trong phạm vi cụ thể nhỏ hơn là giá trị của một tác phẩm. Xã hội hiện đại ngày nay là xã hội tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng nghệ thuật. Tác phẩm văn học, nghệ thuật vừa là công trình thẩm mỹ nghệ thuật, vừa là sản phẩm đặc biệt thị trường văn hóa. Tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời và tồn tại trong cơ chế thị trường, bị chi phối bởi các quy luật kinh tế chứ không đơn thuần bị chi phối bởi các quy luật sáng tạo và thưởng thức tiếp nhận nghệ thuật. Hiện nay, tác phẩm văn học, nghệ thuật đang phải thể hiện cái “vai diễn” hàng hóa đặc biệt của nó trên “sàn diễn” thị trường. Cho nên mới xuất hiện quan niệm về “tác phẩm bán chạy”, “đắt sô”, chứ chưa chắc đã có giá trị theo ý nghĩa đầy đủ của vấn đề này.

Tuy nhiên, cho dù tồn tại trong nền kinh tế thị trường hoặc trong một hoàn cảnh nào chăng nữa, thì tác phẩm văn học, nghệ thuật vẫn phải là những hình thức diễn ngôn nghệ thuật đạt tiêu chuẩn thẩm mỹ. Nghệ thuật chính là tinh hoa của văn hóa thẩm mỹ, là lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa tinh thần. Trong các loại hình nghệ thuật, văn học là một loại hình nghệ thuật ngôn từ độc đáo, lâu đời nhất của nhân loại, luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của lịch sử nhân loại.

2. Phản ánh luận Lênin và sự lý giải về sáng tạo giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật

Theo Lênin, tác phẩm văn học, nghệ thuật là hình ảnh chủ quan (của nhà nghệ sĩ) về thế giới khách quan. Đó là quá trình khách quan hóa những nhận thức mang tính chủ quan của con người. Giá trị của văn học, nghệ thuật được khẳng định ở chỗ tác phẩm đã đưa ra được một hệ thống thông tin – thông điệp nghệ thuật có ý nghĩa cao quý, tốt đẹp, chứ không đơn thuần là những thông báo vụn vặt về hiện thực cuộc đời. Học thuyết về sự phản ánh của ý thức đối với thế giới khách quan của Lênin là một trong những cống hiến quan trọng vào kho tàng lý luận văn học nghệ thuật và mỹ học mác-xít. Đó là nhận thức luận duy vật biện chứng theo quan điểm của Lênin hay còn gọi là Phản ánh luận Lênin (2) trong hành trình khám phá thế giới khách quan (bao gồm tự nhiên, xã hội và con người). Lý luận văn nghệ mác-xít đã bàn khá nhiều về mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với đời sống hiện thực và khẳng định: văn học, nghệ thuật chính là những hình ảnh chủ quan (của nhà nghệ sĩ) về thế giới khách quan xung quanh (nó luôn tồn tại một cách độc lập, ngoài ý muốn con người). Văn học, nghệ thuật kết tinh những giá trị văn hóa thẩm mỹ đặc biệt do con người sáng tạo ra bằng ý thức xã hội của mình. Ý thức xã hội là tấm gương phản chiếu tồn tại xã hội, tức là đời sống hiện thực có liên quan, làm nảy sinh ra nó. Lênin từng nhấn mạnh: “Ý thức con người không phải chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan” (3).

Tác phẩm là sự phản ánh đời sống thông qua thế giới quan, nhân sinh quan, vốn sống, thái độ chính trị xã hội của nghệ sĩ đối với đời sống. Tuy nhiên, đó lại là sự phản ánh có tính thẩm mỹ nghệ thuật, thể hiện tư tưởng tình cảm, khát vọng và tài năng sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Phản ánh luận Lênin đã đưa văn học, nghệ thuật trở về với đời sống hiện thực và coi đây là mối liên hệ không thể tách rời. Nếu từ bỏ mối quan hệ này, văn học, nghệ thuật sẽ trở nên viển vông, vô nghĩa, xa xôi, bí ẩn và dễ bị lãng quên. Trong “Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị: Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, Đảng ta nhấn mạnh vấn đề “vốn sống”, sự trải nghiệm của văn nghệ sĩ là tiền đề quan trọng để tạo ra những tác phẩm ưu tú phục vụ sự nghiệp cách mạng: “Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại…”.

Phản ánh luận Lênin còn cho ta cách lý giải nhiều trường hợp sáng tác của nghệ thuật hiện đại trên thế giới. Chủ nghĩa Tượng trưng, Siêu thực là “Chủ nghĩa lãng mạn tột cùng” theo cách hiểu của nhà thơ Chế Lan Viên (4). Dù là ở trường phái nghệ thuật hiện đại nào đi chăng nữa, người nghệ sĩ vẫn không thể từ chối các chi tiết đời sống mà anh ta đã “nạp” một cách ngẫu nhiêu và tất nhiên vào hệ thống tri giác của mình, bởi lẽ ý thức xã hội luôn luôn và bao giờ cũng là sự phản ánh của tồn tại xã hội. Tuy nhiên, về cách phản ánh hiện thực thì còn tùy thuộc vào quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật của nghệ sĩ.

Bóc tách cái vỏ ngoài bí ẩn phức tạp trừu tượng của nghệ thuật Tượng trưng Siêu thực, người ta vẫn thấy được những mảnh vỡ của hiện thực đời sống thấp thoáng đâu đó. Điều đáng chú ý ở đây là nghệ sĩ sẽ chắp nối những mảnh vỡ ấy như thế nào, tạo ra bức tranh đời sống ra sao. Phản ánh luận Lênin đã giúp chúng ta tìm ra sự thật về khả năng biểu đạt của nghệ thuật hiện đại với những quan điểm sáng tác độc đáo. Xét đến cùng thì trong tác phẩm Lãng mạn, Tượng trưng, Siêu thực, bức tranh đời sống dù có méo mó đến đâu thì đó vẫn là một kiểu gương mặt kỳ dị, biến hình của hiện thực “trên mức bình thường” (suréalism).

Điều khó khăn nhất là công chúng phải giải mã được tác phẩm văn học, nghệ thuật bằng thị hiếu thẩm mỹ của chính mình. Nhưng trình độ công chúng luôn luôn và bao giờ cũng khác nhau và không chắc gần gũi với nhà nghệ sĩ. Trong thi ca, nhà thơ – người nghệ sĩ ngôn từ bao giờ cũng tìm cách ẩn dụ hóa thế giới xung quanh và thế giới nội tâm của mình bằng các quan niệm thẩm mỹ, bằng khả năng diễn ngôn siêu việt nào đó. Điều này đã gây khó khăn cho người cảm thụ, thưởng thức. Thế giới ngôn từ được trình bày theo kiểu diễn ngôn, dụ ngôn kia không phải bao giờ cũng mạch lạc. Đó là sự đa nghĩa, đa âm của văn bản. Vả chăng, công chúng thời đại không dễ gì có được trình độ tương thích với người nghệ sĩ. Tuy nhiên, điều mà nghệ sĩ thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ có lẽ không có gì khác ngoài những điều mà anh ta tri nhận từ thế giới xung quanh, từ những thứ được cho là “kinh nghiệm nguyên ủy”, là những “ảo giác mộc mạc hoang sơ”, là những “tiên nghiệm” mà anh ta đã thu nhận được từ hiện thực đời sống. Thế giới vô thức của nghệ sĩ nói riêng, của nhân loại nói chung có thể đã được hình thành theo kiểu như vậy. Và con người vẫn không ngừng khám phá thế giới vô thức, thể hiện thế giới vô thức bằng các hình thức diễn ngôn của các loại hình nghệ thuật cổ xưa cũng như hiện đại.

 Vào những năm 1932 – 1945, Phong trào Thơ mới với những tên tuổi nổi tiếng như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê, Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… đã làm nên một cuộc cách mạng trong thi ca Việt Nam với những sắc màu lãng mạn, ngả sang những sắc màu tượng trưng và siêu thực kiểu như thi ca Pháp đầu TK XX. Đó cũng là một xảo thuật làm xiếc ngôn từ theo quan niệm thẩm mỹ phương Tây. Thơ mới là tiếng nói của cảm xúc cái tôi cá nhân thăng hoa trí tưởng tượng mãnh liệt, thậm chí không theo trật tự thông thường với những ám ảnh đặc biệt từ cuộc sống nhân thế. Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật và tôn giáo là những hình thái ý thức xã hội có sự gần gũi về cảm giác trong thế giới tinh thần nhân loại, bởi đặc trưng khá tương đồng của chúng. Những vị thánh tông đồ viết Kinh Thánh cũng như các nghệ sĩ đều có cảm giác xuất thần, có cảm giác “thần nhập” – có ảo giác như một ai đó mượn thân xác của họ để mà “giáng bút”. Kỳ thực đó là những điều do chính họ viết ra bằng trí tưởng tượng mãnh liệt, chứ không phải ai khác. Cho nên khi Hàn Mặc Tử viết ra những câu thơ như “kinh nhật tụng” hằng ngày, là thi nhân đang có ý nghĩ cạnh tranh sáng thế với tạo hóa: “Ta chắp hai tay lạy quỳ hoan hảo / Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian / Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân / Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế” (Hàn Mặc Tử – Đêm Xuân cầu nguyện). Còn thi sĩ đa tình Xuân Diệu lại muốn can thiệp vào thế giới bên ngoài trong tư cách sáng thế níu giữ vẻ đẹp trần gian: “Tôi muốn tắt nắng đi / Cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi…” (Xuân Diệu – Vội vàng). Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là những câu thơ của Hàn Mặc Tử miêu tả hào quang thiên giới và các thiên thần lại đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc đời. Viết bài thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng, Hàn Mặc Tử thừa nhận điều này: “Chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa. Tôi thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi tươi tốt như pho tượng Đức Bà Maria là bực trinh tuyền chí thánh”. Nghĩa là trong hình ảnh của Đức Bà Maria có thấp thoáng dáng hình những người người thân yêu nhất của Hàn Mặc Tử – những vẻ đẹp có thật thường ngày.

Phản ánh luận Lênin đã đưa ra quy luật phản ánh đời sống hiện thực của văn học, nghệ thuật và chỉ rõ vấn đề nhận thức đời sống và miêu tả đời sống là những động thái vận hành không theo một con đường thẳng cơ học, máy móc. Không phải cứ nhận thức thế nào, thì sẽ miêu tả được tương ứng như thế ấy trong tác phẩm. Điều này còn phụ thuộc vào tài năng của văn nghệ sĩ. Lênin khẳng định: “Tính trực tuyến và tính phiến diện, sự chết cứng và cứng nhắc, chủ nghĩa chủ quan và sự mù quáng chủ quan, đây là những nguồn gốc về nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm (…) Nhận thức không phải là một đường thẳng và là một đường cong đi gần đến vô hạn đến một loạt những vòng tròn, đến một vòng xoáy ốc, vì nhận thức là một quá trình quanh co khúc khuỷu, tiệm tiến mãi cho đến khi đến đỉnh điểm của chân lý” (5). Để nhận thức và thể hiện được chân lý cuộc sống, văn nghệ sĩ cần phải đắm mình trong hoạt động thực tiễn và cần có tài năng nghệ thuật để thể hiện những tri thức thu nhận được từ hiện thực đời sống khách quan và phải đảm bảo cho tác phẩm “Tốt cả trăm phần trăm về nội dung và hình thức” (Phạm Văn Đồng). Trong lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại hàng ngàn năm, giá trị cơ bản của các kiệt tác thường được đánh giá bằng chiều cao của lý tưởng xã hội thẩm mỹ và chất lượng của sự phản ánh nghệ thuật được người nghệ sĩ thể hiện. Tác phẩm nghệ thuật chỉ có ý nghĩa là thông điệp khi nó chuyển tải tư tưởng nghệ thuật cao quý nhân văn, có ích cho con người và thời đại.

Trong TK XX, có những văn nghệ sĩ theo quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, đi tìm cái đẹp duy mỹ cực đoan, xóa nhòa ranh giới giữa thiện và ác, đối lập cái đẹp với cái hữu ích (cho rằng cái đẹp có thể là cái ác, cái xấu, cái ghê tởm nhưng vẫn được coi là đẹp). Trên thực tế, quan điểm duy mỹ này đã không được số đông công chúng tiếp nhận. Đáng tiếc là ngày nay, vẫn còn văn nghệ sĩ theo đuổi quan niệm duy mỹ, chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật như câu chuyện xưa cũ của các trường phái nghệ thuật lãng mạn, tượng trưng, siêu thực trước đây. Đây là các quan niệm cực đoan, đưa nghệ thuật vào các cõi bờ siêu hình, dẫn dụ người ta vào những thế giới kỳ ảo, thần bí, rắc rối của những trò làm xiếc ngôn từ, nhào trộn vô lối về màu sắc, âm thanh; thậm chí có người đã vận dụng lệch lạc quan điểm Phân tâm học để dung túng, cổ súy cho những gì phản cảm, dung tục, tình dục bản năng, thô thiển, tục tĩu, rác rưởi…

Để có được tác phẩm văn học, nghệ thuật mang giá trị chân chính, có ích cho đời, người nghệ sĩ phải có quan điểm triết học khoa học, duy vật, tiến bộ, vị nhân sinh. Hơn bao giờ hết, chỉ khi người nghệ sĩ nhận thức, đánh giá đời sống một cách khoa học bằng quan điểm nhân sinh tốt đẹp, thì mới có cơ sở để phản ánh đời sống hiện thực đúng đắn.

Tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị đỉnh cao không chỉ là sản phẩm sáng tạo ấn tượng đồng hành cùng tên tuổi tác giả mà còn cần phải là tượng đài nghệ thuật tỏa sáng trong sự ngưỡng mộ, mến phục, tin yêu của đại đa số công chúng và thời đại. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, khát vọng lý tưởng vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì sự nghiệp Đổi mới, vì hạnh phúc của con người, hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc nhân loại là tiêu điểm sáng ngời mà văn nghệ sĩ chân chính cần hướng theo để sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tốt đẹp, trường tồn cùng thời gian.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

2. Xem Phương Lựu, Lý luận văn học Mác – Lênin, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tập 3, tr.78.

3. V.I.Lenin, Bàn về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.79.

4. Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử anh là ai?, Tựa Tuyển tập thơ văn Hàn Mặc Tử, Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1988.

5. Dẫn theo Hà Minh Đức (chủ biên), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, 2003, tr.290.

Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *