Sóc Trăng sôi nổi lễ hội đua ghe ngo


Đua ghe ngo từ lâu đã trở thành một hoạt động hấp dẫn không thể thiếu trong ngày Lễ hội Oóc om bóc truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020 diễn ra từ ngày 30 đến 31/10/2020 trong sự rộn ràng, háo hức của hàng chục ngàn người hâm mộ và du khách.

Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Óoc om bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng 2020 cho biết: “Trong khuôn khổ lễ hội Óoc Om Bóc năm nay, Sóc Trăng sẽ tổ chức “Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê”, đồng thời công bố Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm và múa Rom Vong của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng cũng như nghề làm bánh pía truyền thống của người Hoa trong tỉnh. Theo phong tục cổ truyền của đồng bào Khmer, nghi lễ cúng Trăng xong cũng là lúc các hoạt động phần hội được bắt đầu, đặc sắc nhất là hội đua ghe ngo”.

Giải Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020 thu hút 47 đội ghe; trong đó  Sóc Trăng có 39 đội và 8 đội đến từ tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, tham gia tranh tài tại dòng sông Maspero, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Giải đấu có sự tham gia của hơn 3.000 vận động viên (thi đấu cho 42 ghe ngo nam và 5 ghe ngo nữ), tranh tài ở các cự ly 1.200m  nam và 1.000m  nữ.

Theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đua ghe nhằm mục đích cầu mưa thuận gió hòa, đủ nước để mùa màng được tươi tốt. Đua ghe ngo không chỉ là một phong tục mà còn thể hiện ý chí đua tranh và khát vọng chiến thắng. Mỗi chiếc ghe ngo có những biểu tượng khác nhau: có thể là hổ, là sư tử, là cá poon–co, là rồng…và được điêu khắc ở mũi ghe. Dầm (chèo) bơi dài, bản rộng được gọi là chà–rqua, thường được làm bằng gỗ thau lau cho nhẹ. Mỗi đội đua thường có 23 – 34 đôi tay chèo (46 – 68 người) cùng với một người cầm lái, một người điều khiển nhịp bơi bằng phèng la (hoặc tu huýt) đứng ở giữa ghe, một vị điều khiển chính ngồi ở mũi ghe (thường là một vị chức sắc hoặc người có uy tín trong vùng – quan trọng hơn cả là phải giàu kinh nghiệm điều khiển ghe đua). Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ.

Trước giờ đua, một đoạn sông Maspero đông nghịt người đứng ngồi chen lấn hai bên bờ xem mê mải đến tràn cả xuống mép nước. Khi một hồi còi hiệu lệnh xuất phát, từng đôi ghe ngo với gần trăm tay chèo lực lưỡng cúi rạp người, những bắp thịt căng vồng lên vung mạnh mái chèo đưa chiếc ghe vượt lên tranh nhau từng thước nước. Tiếng trống, tiếng tu huýt, tiếng phèng la, tiếng loa phóng thanh vang vang, tiếng hò hét, vỗ tay thúc giục… làm vang động cả một khúc sông dài.

Những năm gần đây, hình ảnh những cô gái Khmer nhịp nhàng sử dụng mái dầm trong các cuộc đua ghe ngo đã trở nên quen thuộc với người dân Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Năm nay, Chùa Tum Núp (xã An Ninh, huyện Châu Thành – Sóc Trăng) vừa đóng thêm ghe mới vừa vận động được chị em trong bổn sóc tham gia nên có thêm một đội ghe nữ nữa tranh tài trong ngày hội Đua ghe ngo Sóc Trăng 2020. Chị Trần Thị Phượng, vận động viên của đội ghe Chùa Tum Núp chia sẻ, bản thân chị rất đam mê môn ghe ngo nên trước đây khi nhà chùa chưa có ghe ngo nữ, chị đã từng tham gia bơi cho nhiều đội ghe ngo nữ khác cả trong và ngoài huyện. Năm nay, khi chùa có ghe mới, chị em trong phum sóc rất hồ hởi và tích cực vận động nhau cùng  tập luyện, vừa góp phần gìn giữ bản sắc của dân tộc vừa mong muốn mang được “vinh quang” về cho bổn sóc.

Mặc cho cái nắng oi ả, tại đường đua xanh, anh Thạch Thắng vận động viên đội ghe Chùa Ompuyear (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) cho biết, năm nay, các vận động viên đội ghe Chùa Ompuyear có chiến thuật tập luyện ngắn ngày hơn những năm trước, đồng thời tập chủ yếu ở trên ghe để các vận động viên làm quen với nhịp dầm và thực tế trên “đường đua xanh”. Năm nay, đa số lực lượng chính của chùa chủ yếu là các VĐV trẻ, khỏe nên chiến thuật được huấn luyện viên đề ra là tăng cường sức dẻo dai và bức tốc về đích. Dù đề ra như vậy nhưng bơi rất mệt và nếu không đủ sức khỏe sẽ khó theo kịp nhịp bơi của đội. Bởi vậy, trong lúc đua VĐV nào cũng rất nỗ lực và cố gắng hết sức. Toàn đội cũng quyết tâm cao nhất để đạt được thứ hạng trong lễ hội.

Người dân phum sóc đón mừng đưa ghe ngo tham gia giải đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020 về chùa.

Khép lại mùa giải Đua ghe ngo Sóc Trăng 2020, các cô gái đến từ đội ghe Chùa Siriganga (chùa Cà Nhung, huyện Gò Quao – Kiên Giang) đã vô địch đối với ghe ngo nữ. Vô địch ở hạng mục nam 1.200m  thuộc về đội ghe Chùa Tum Núp 2 (xã An Ninh, huyện Châu Thành – Sóc Trăng).

Tác giả: Phương Nghi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *