SỰ GIAO THOA PHIM TRUYỆN VÀ PHIM TÀI LIỆU QUA CHA CÕNG CON

Khi tham gia giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam vào đầu tháng 4-2017, Cha cõng con (bộ phim truyện điện ảnh độc lập đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng sản xuất năm 2016) chỉ được bằng khen phim truyện xuất sắc của Ban giám khảo (tương đương giải ba) (1), trong khi đó, khi dự một số liên hoan phim quốc tế thì phim này lại đạt nhiều giải thưởng cao như: liên hoan Canadian Diversity Film Festival đã trao cho Cha cõng con giải Phim dài xuất sắc tháng 11-2016; liên hoan phim Barcelona Planet, tác phẩm này cũng được giải quay phim xuất sắc (2); liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26 ngày 15 – 4 phim đạt giải phim truyện nước ngoài xuất sắc và Giải đặc biệt của ban giám khảo cho quay phim ấn tượng nhất; liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15 ngày 7-5-2017, bộ phim nhận giải tinh thần độc lập cho phim có cốt truyện hay nhất; liên hoan phim Quốc tế Milano lần thứ 17 tại Italy diễn ra từ ngày 10 – 5 đến ngày 10-6-2016 phim đạt giải quay phim xuất sắc (3); khi tham gia vòng sơ tuyển để dự giải Oscar 2018, phim đã vượt qua số điểm của Sút (đạo diễn Việt Max), Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh) để lọt vào vòng trong (4)…

Như vậy, có một sự tương đồng khi so sánh phim Cha cõng con với trường hợp của các phim đi trước như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ), Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), hoặc một số phim độc lập khác của ta, hầu hết những phim này đều gặt hái được thành công ở một số liên hoan phim quốc tế nhưng lại không có giải cao tại Cánh diều vàng của Việt Nam. Điều này tạo không ít băn khoăn cho khán giả, đặt ra vấn đề tiêu chí nghệ thuật của hội nghề nghiệp Việt Nam có gì khác so với quốc tế? Dùng một số quy tắc cơ bản trong sáng tác phim truyện để khám phá bộ phim Cha cõng con để giải đáp phần nào những thắc mắc trên.

Về nội dung

Câu chuyện ở đây không xây dựng công phu kiểu nhiều lớp lang, kỳ bí hay giàu tình tiết lắt léo, gây bất ngờ, sửng sốt; càng không phải câu chuyện lãng mạn hay thâm cung bí sử với tính cách nhân vật đa chiều, phức tạp, đối chọi nhau, sẵn sàng thanh trừng nhau, nhằm gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Chuyện không có tính triết lý đao to búa lớn, không triển khai theo cách tạo cao trào hay thắt nút, mở nút, cốt truyện đơn giản kể về một người đàn ông miền núi tên Mộc, vợ mất sớm, ở cùng cậu con trai nhỏ tên là Cá, họ mưu sinh tại một khúc sông với nghề đánh bắt cá. Khi lũ dâng cao, cả làng di chuyển lên vạt đồi gần đó, cùng làm lán tránh ngập. Nhiều mảnh đời éo le góp mặt ở đây: anh công nhân xây dựng mù, người phụ nữ mất gia đình vì lũ… Cũng tại nơi này, người làng vun vén cho anh Mộc với cô gái xinh đẹp quá lứa. Họ ngầm hứa hẹn sau lũ sẽ xây dựng gia đình. Nhưng không may, bé Cá bị bệnh nặng, anh Mộc phải đưa con lên thành phố chữa trị. Bé Cá được chẩn đoán bị bệnh máu trắng, số tiền điều trị rất lớn vượt khả năng chi trả của người cha. Trước khi cho con về quê, anh Mộc thực hiện ước mơ bấy nay của bé Cá là cõng con lên đỉnh tòa nhà cao nhất để được ngắm nhìn thành phố. Cá trở về trong sự bất lực của người cha, cùng khát vọng kiếm đủ tiền chữa bệnh cho con… Cốt truyện rất đỗi bình thường, với cách kể xuôi chiều theo tuần tự thời gian, nhịp phim chậm. Nhân vật một chiều, tính cách hiền hòa như cây cỏ. Kịch tính ở đây là kịch tính của hoàn cảnh không khiến tính cách nhân vật biến động hay có thay đổi bước ngoặt gì, vô cùng dễ đoán và tương đối phổ biến. Người già, trẻ nhỏ hay đối tượng đã trưởng thành, ai cũng có thể cảm nhận được bộ phim và thấy nó gần gũi. Dù nói tới sự phân hóa xã hội gay gắt ở ta hiện nay, nhưng bằng cách diễn đạt giản dị, diễn ra như thật, không thấy sự sắp xếp cầu kỳ của biên kịch hay đạo diễn. Nhiều đoạn không tuân thủ theo cách xây dựng chuẩn cho một kịch bản phim truyện thông thường. Từ đầu đến cuối chủ ý của tác phẩm bị hẫng khi tác giả kể đến 2/3 phim vẫn chưa vào chuyện chính. Các tuyến phụ như: anh mù, người phụ nữ mất gia đình vì lũ, tình yêu của anh Mộc với cô hàng xóm xinh đẹp bị loãng. Tác giả ném ra rồi bỏ đó, đến cuối phim cũng không thấy có liên hệ gì với các nhân vật này. Cho nên câu chuyện cứ khơi khơi như tài liệu: đi đâu, gặp gì thể hiện nấy. Nếu phát triển theo tuyến truyện thì việc anh Mộc ngày ngày cõng con qua hết bờ sông này đến bờ sông khác (cậu bé Cá sau khi trở về từ bệnh viện), quyết dành sự sống cho con được diễn ra như thế nào đó chẳng hạn… thì ở đây phim lại dừng một cách chơi vơi. Tuyến phụ có lúc được thể hiện đậm hơn tuyến chính, át luôn tuyến chính, khiến người xem nhiều khi cảm giác tác giả lúc ấy quên hai cha con anh Mộc. Rồi như sực nhớ ra, đạo diễn lại cho họ nhìn nhau, đuổi nhau trên thảm cỏ. Với một số cảnh thừa tái hiện dòng sông khi hai cha con đang ở bệnh viện mà không phải là cảnh hồi tưởng, hay tưởng tượng của nhân vật… Đạo diễn lý giải đó là ký ức của cha con Mộc (5), nhưng người xem lại nhầm tưởng họ đã về quê từ lúc đó. Nhiều chi tiết trùng lặp như cảnh người đàn bà điên loạn khóc lóc, anh mù kể chuyện say mê về thành phố… Tất cả khiến cho cấu tứ phim lỏng lẻo, dàn trải. Bộ phim không phải dạng không có cốt truyện mà là một thứ truyện được kể ngẫu hứng, đơn giản, xuôi chiều và phóng túng, điều này làm cho Cha cõng con giống như một phim tài liệu. Nhờ cách kể này mà bộ phim tái hiện chân thực hai mảng sáng tối của Việt Nam đương đại, không tô vẽ, màu mè. Tình phụ tử hiện lên chân phương lấy được lòng tin của người xem, vừa có tính nhân loại vừa có tính dân tộc. Bộ phim chinh phục được khán giả ngoài biên giới muốn tiếp cận một hiện thực khác lạ là điều dễ hiểu. Nhưng cũng bởi điều này mà nó chưa thuyết phục được hội đồng chấm giải Cánh Diều Vàng cũng là lẽ đương nhiên.

Về diễn viên

Nếu như đa số phim điện ảnh kim cổ, Đông, Tây đều chú trọng tới các diễn viên ngôi sao, ăn khách như một tiêu chí hàng đầu để tạo sức hút thì ở đây đạo diễn lại công phu sử dụng diễn viên không chuyên. Vai anh Mộc được trao cho Ngô Thế Quân, người đàn ông có nụ cười hiền hậu pha nét khắc khổ từ gương mặt, dáng hình đến thần thái. Anh vốn là họa sĩ thiết kế, nay lại theo học Đông y và mới chỉ tham gia hai phim điện ảnh. Vai bé Cá được đạo diễn tuyển chọn từ làng trẻ SOS Việt Trì. Em có giọng nói ngọng nghịu, vẻ mặt hồn nhiên, ngoan ngoãn và lém lỉnh. Một số diễn viên nhí cũng được lấy từ đây để huấn luyện vào vai. Hà Văn Hiếu thủ vai chàng mù vốn là một đô vật từng giành hai huy chương vàng Sea Games. Người phụ nữ bị mất gia đình, bác sĩ và hầu hết diễn viên ở đây đều được trao cho diễn viên lạ lẫm với màn bạc. Đây chính là ý đồ của đạo diễn nhằm tạo ra một bộ phim có sức cảm hóa riêng. Đạo diễn phim cho biết phải rất mất công để truyền không khí, cảm hứng cho diễn viên trước khi bấm máy và khi quay. Nhiều khi còn phải dùng kỹ thuật như quay trộm, làm sao để diễn viên nhập vai tốt nhất (6). Sự chân thực trong diễn xuất không lụy kỹ thuật của họ càng khiến Cha cõng con gần gũi với phim tài liệu.

Về hình ảnh

Với tài nghệ của nhà quay phim Lý Thái Dũng, bộ phim được ca ngợi là tạo nên nhiều hình ảnh đẹp, phục vụ sâu sắc cho nội dung. Khán giả có dịp thả mình vào khung cảnh thiên nhiên của vùng núi phía Bắc với những cú chuyển động máy đầy tinh tế. Cái đẹp ở đây không phải là cái đẹp của MV, quảng cáo, cũng không phải những hình ảnh ấn tượng đập mạnh vào thị giác, không phải sự “chơi” hình ảnh như một số bộ phim duy mỹ, mà là cái đẹp gắn bó sâu sắc với nội dung. Không chỉ tái hiện được chân thực hoàn cảnh nhân vật trải qua mà còn thể hiện được tâm trạng của họ trong đó. Người xem cảm giác bối cảnh có hồn, thiên nhiên như một nhân vật tham gia vào truyện. Có thể nói đây là cái đẹp thuộc về chiều sâu, chạm được tới trái tim khán giả nhưng trên hết là tôn trọng sự thật. Hầu hết các cảnh trong phim dựa vào thực tế: theo đạo diễn và quay phim thì cảnh mưa lũ là 90% quay thật. Phim cần phải quốc tế hóa phần kỹ xảo vì Việt Nam hiện chưa làm được. Khi đạo diễn liên hệ để thực hiện cảnh lũ, đối tác trả lời rằng có hai loại. Một là kỹ xảo rẻ tiền thì chất lượng hình ảnh kém, hai là kỹ xảo chất lượng tốt thì quá đắt tiền. Vậy là đoàn làm phim phải đợi mưa lũ thật để quay trong vòng 3 ngày. Không những thế nhiều cảnh đẹp mang tính thời khắc của đất trời, non nước từ bối cảnh đã khiến nhà quay phim và đạo diễn cứ “bắt” lấy đã rồi tính sau. Bởi vậy, quá trình dựng thêm gian nan khi phải cắt từ 2 tiếng 30 phút phim để gói gọn trong 90 phút chuẩn cuối cùng (7). Đây cũng là cách làm mà các nhà làm phim tài liệu sử dụng hơn là người làm phim truyện. Nhờ điều này người làm phim có điều kiện lựa chọn những hình ảnh đẹp nhất khi dựng, đồng thời tạo được hiệu quả chân thực đặc biệt về mặt hình ảnh, nhưng cũng phần nào khiến cho sự dàn trải có đất phát huy.

Một số điểm khác

Nhiều người chê thoại phim nghe không rõ, đôi khi giống như phim truyền hình… điều này dễ hiểu khi đạo diễn tôn trọng lối diễn xuất của diễn viên không chuyên. Họ sử dụng chất giọng, ngữ điệu ngoài đời, lúc trầm khi bổng, thầm thì, tỉ tê, hay lẩm bẩm… đều hiện rõ. Điều này đã làm tăng tính chân thực nhưng cũng đồng thời giảm chất lượng âm thanh của phim. Thành công của phim được ghi nhận ở thoại sâu sắc và có nhiều chi tiết đắt. Thoại phim dung dị nhưng đau đớn, nhẹ nhàng mà sâu lắng, mộc mạc nhưng xót xa đến tận cùng. Chi tiết anh Mộc lấy lá thuốc chữa khi con mới ốm, nhiều người cho là giống với người dân tộc (8), nhưng thực ra không chỉ người dân tộc mới dùng lá thuốc chữa bệnh, rất nhiều người nông thôn hiện nay vẫn chữa bệnh theo cách dân gian này, đặc biệt là những vùng xa bệnh viện, xa trung tâm y tế hiện đại; hay chi tiết anh Mộc chọn mua cho con chiếc áo mới vừa vui lại rất xúc động. Đang là mùa hè nhưng anh mua áo len để dành đến tết mặc. Đó là chiếc áo len nữ màu vàng chóe, dài rộng quá khổ so với bé Cá, đủ cho thấy sự vụng về đáng yêu của người cha sống cảnh “gà trống nuôi con”; chi tiết anh mù kể về thành phố xa xôi với những điều khác biệt vùng sơn cước cũng là sự sáng tạo thuyết phục của tác giả bộ phim. Những chi tiết này khiến cho các nhân vật gần gũi với đời sống, riêng biệt nhưng không cá biệt. Ông Patrick Jerome, Giám đốc điều hành của Liên hoan phim Quốc tế Boston cũng phải thốt lên: “Đây là tác phẩm chúng tôi yêu thích và là một trong những bộ phim hay nhất tại liên hoan phim năm nay. Tôi ấn tượng với Cha cõng con qua các cảnh quay dưới mưa. Nhất là khi nhìn cảnh lũ nhấn chìm căn nhà, người cha cho đá vào thuyền để giữ thuyền dưới nước… Chúng tôi thực sự tin mình đã ở đó và mọi cảnh quay là thật. Tôi cảm tưởng như đang xem một câu chuyện thật chứ không phải hư cấu” (9).

Có lẽ vì giống phim tài liệu mà các nhà chuyên môn Việt Nam trong giải Cánh diều vàng không thấy được sự gia công của người sáng tác ở đây. Trong khi đó điện ảnh thế giới phát triển theo hướng khác. Nhiều năm nay phim độc lập chiếm ưu thế. Thể loại phim này đã phần nào tái hiện hiện thực theo cách nhìn riêng có sự tiệm cận liên ngành. Nhiều phim truyện châu Âu, châu Á, Iran đã thành công khi chân thực như phim tài liệu. Họ tái hiện hiện thực theo trực cảm, cho sự ngẫu hứng chứ không lệ thuộc vào sự sắp đặt, hư cấu. Họ không cố gắng kể một câu chuyện nào đó đao to búa lớn, giàu kịch tính mà làm phim tự nhiên như cuộc đời thật. Người xem cảm giác diễn viên đang trong chính cuộc sống của họ chứ không phải diễn trước máy quay.

Dùng nghệ thuật phản ánh sự thật được sử dụng và tôn vinh từ phong trào Điện ảnh mắt – điện ảnh sự thật do Dziga Vertov khởi xướng vào những năm 20 TK XX, sau đó lan nhanh sang các nước phương Tây, chủ yếu ở lĩnh vực phim tài liệu. Ngày nay, với sự phát triển không ngừng, phương pháp này có sự giao thoa sang phim truyện. Không chỉ có phim truyện tiếp thu cách làm phim tài liệu mà phim tài liệu hiện đại cũng sử dụng một số phương pháp của sáng tác phim truyện như diễn xuất, hóa trang, bối cảnh, tạo nhân vật, sắp xếp câu chuyện cho nhân vật… nhằm làm cho phim hấp dẫn. Phải thấy rằng mỗi phương pháp, mỗi thể loại đều có giá trị, ưu thế riêng. Cho nên, khi điện ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung phát triển đến một trình độ nhất định thì có sự giao thoa giữa các thể loại, các bộ môn. Tuy nhiên, mô phỏng cuộc sống như thật không có nghĩa là chụp lại cuộc sống. Nếu không chắc tay, không giàu kinh nghiệm thì người sáng tác dễ sa vào chất tài liệu mà bỏ rơi câu chuyện khiến phim dàn trải, đơn giản. Song, để đi được vững vàng giữa ranh giới của phim tài liệu và phim truyện nhằm đạt đến một hiệu quả nghệ thuật cao nhất luôn là thử thách của các nhà làm phim. Khát khao chạm đến trái tim khán giả là chính đáng và cần nhiều thử nghiệm. Phương pháp này chính là sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo mà các nhà làm phim độc lập đóng góp vào bức tranh chung của điện ảnh, không ngoại trừ những nhà làm phim Việt Nam, trong đó có Lương Đình Dũng với Cha cõng con.

_______________

1. Đạo diễn Cha cõng con trả bằng khen Cánh diều vì thấy không công bằng, VnExpress.net, ngày 10-4-2017.

2, 9. Phim Cha cõng con chưa ra rạp đã ẵm giải quốc tế, Dantri.com.vn, ngày 17-01-2017.

3. Phim Cha cõng con đoạt giải thưởng tại Mỹ và Italy, VnExpress.net, ngày 8-5-2017.

4. Phim Cha cõng con là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt dự giải Oscar, Dantri.com.vn, ngày 13-9-2017.

5, 6, 7, 8. Buổi chiếu phim Cha cõng con và giao lưu với đoàn làm phim tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội ngày 12-10-2017.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ HUỆ NINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *