Tác động xã hội của du lịch tại tỉnh quảng ninh

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã và đang tập trung các nguồn lực để tăng cường phát triển du lịch, đưa ngành đó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong quá trình phát triển, du lịch tác động đến xã hội tỉnh theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Nhận biết các tác động này để đưa ra các giải pháp, định hướng phù hợp là yêu cầu cấp thiết của nhà hoạch định chính sách tỉnh. Trong bài viết, tác giả đã tiến hành nghiên cứu tại 3 địa bàn phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh là Yên Tử, Hạ Long và Móng Cái với tổng số 450 phiếu, từ đó làm rõ các tác động xã hội của du lịch tại tỉnh theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

1. Tác động tích cực

Tạo ra khối lượng việc làm lớn cho xã hội

Du lịch là ngành dịch vụ cần một lượng lao động lớn. Theo Hội đồng du lịch và lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2016, du lịch và lữ hành toàn cầu đã trực tiếp tạo ra gần 109 triệu việc làm (chiếm 3,6% tổng việc làm trên toàn thế giới). Tính cả tác động gián tiếp và lan tỏa, năm 2016, tổng đóng góp của du lịch và lữ hành cho nền kinh tế toàn cầu lên đến hơn 7,6 nghìn tỷ USD (10,2%) và tổng đóng góp vào việc làm là hơn 292 triệu việc làm (chiếm 9,6%). Như vậy, cứ 10 việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp) trên toàn cầu thì có 1 việc làm trong ngành du lịch (1). Như vậy, ngành du lịch càng phát triển sẽ có thêm nhiều dịch vụ khác hình thành và phát triển để phục vụ du khách, đó cũng là nguồn tạo việc làm lớn, trong đó có một số công việc có thể dành cho lao động phổ thông và phụ nữ… Không chỉ vậy, du lịch phát triển còn kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển theo, do đó nhu cầu về lao động trong các ngành kinh tế khác cũng có xu hướng tăng lên.

Những năm hiện nay, du lịch Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ, hàng năm nhu cầu lao động trực tiếp trong ngành tăng lên khoảng 10%/năm. Năm 2015, du lịch đã tạo ra việc làm cho khoảng 132.000 lao động, trong đó có 71.000 lao động trực tiếp và 61.000 lao động gián tiếp (2). Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, là một bộ phận quan trọng cấu thành lên sản phẩm du lịch, đem lại doanh thu chính cho ngành. Theo đó, tổng nhân lực ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống được dự báo sẽ tăng 15%/năm, từ 29.000 lao động năm 2013 lên 77.000 lao động năm 2020, tăng hơn 2,6 lần. Trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có sự tăng nhanh về lao động trong bộ phận dịch vụ và bán hàng, với tỷ lệ 18,7%/năm đến năm 2020 để hỗ trợ tăng trưởng của ngành. Như vậy, du lịch đã tạo ra một khối lượng việc làm lớn cho xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp và cũng là nhân tố giúp tăng cường bình đẳng giới khi lực lượng lao động nữ có cơ hội làm việc nhiều hơn.

Sự chuyển biến trong cơ cấu lao động

Do đặc điểm sản phẩm du lịch không thể di chuyển đến nơi cư trú của khách hàng và chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào mức độ hài lòng của du khách, nhiều thành phần cấu tạo nên sản phẩm du lịch không thể thay thế bằng máy móc nên ngành du lịch phát triển sẽ có tác động không nhỏ đến cơ cấu, thành phần dân cư, sự chuyển dịch lao động. Việc tạo ra khối lượng việc làm lớn, không dễ thay thế bằng máy móc sẽ khiến cho cơ cấu lao động ngành du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lao động của địa phương.

                                                                                                              Đơn vị: người 

Ngành

   2003

   2005

   2007

   2009

   2011

   2013

   2015

Nông, lâm, thủy sản

235.742

259.900

261.720

268.000

245.500

233.515

241.768

Công nghiệp, xây dựng

116.641

134.715

157.500

167.920

187.500

198.200

199.854

Dịch vụ

170.369

139.115

166.925

177.837

202.400

217.865

231.178

Tổng

522.750

533.730

586.145

613.757

635.400

649.580

672.800

 

 

(Số lượng lao động theo ngành của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2003 – 2015, nguồn: niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh)

Như vậy, sau hơn 10 năm số lượng lao động ngành dịch vụ đã tăng hơn 60.000 người, chiếm tỷ trọng khoảng 33% cơ cấu lao động của Quảng Ninh, theo đúng định hướng chuyển dịch kinh tế của tỉnh.

                                                                                                           Đơn vị: người

Ngành

2003

2005

2007

2009

2011

2013

2015

Du lịch

15.516

17.000

19.500

22.500

25.000

26.523

28.138

Tổng LĐ Dịch vụ

170.369

139.115

166.925

177.837

202.400

217.865

231.178

Tỷ trọng DL

9,1

12,2

11,7

12,7

12,4

12,2

12,2

 

(Cơ cấu lao động ngành du lịch trong tổng số lao động ngành dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2003 – 2015, nguồn: Sở du lịch tỉnh Quảng Ninh)

Ngành du lịch có tốc độ tăng nguồn lao động trung bình 6,7%/năm, so với tốc độ tăng lao động của toàn ngành dịch vụ (2%) thì đây là ngành có tốc độ tăng lao động tương đối cao. Do đó, tỷ trọng lao động của ngành Du lịch gia tăng, trong 10 năm gần đây luôn chiếm trên 12% tổng lao động toàn ngành dịch vụ. Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2020 ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tuyển dụng khoảng 62.000 lao động, tăng 33.000 lao động so với hiện tại (gấp hơn 2 lần) và tỷ trọng lao động du lịch có thể chiếm khoảng 25% tổng lao động ngành dịch vụ. Như vậy, theo dự báo đó, ngành du lịch sẽ là ngành quan trọng nhất trong các ngành dịch vụ, thể hiện rõ những biến chuyển trong cơ cấu lao động.

Sự chuyển dịch trong lao động còn thể hiện ở sự lựa chọn ngành nghề được đào tạo, sự định hướng nghề nghiệp cho con cái của người dân địa phương. Trong cuộc điều tra bằng bảng hỏi tại 3 địa bàn phát triển du lịch Yên Tử, Hạ Long, Móng Cái, cho thấy xu hướng lựa chọn ngành du lịch trong định hướng nghề nghiệp của người dân địa phương.

                                                                                                                       Đơn vị: % 

Ngành

Du lịch, khách sạn, nhà hàng

Giáo dục, y tế, KHCN

Tài chính tín dụng

Quản lý NN, An ninh QP

Yên Tử

21,3

22

14

13,3

Hạ Long

28,6

14,6

25,6

10,6

Móng Cái

14,5

15,3

22,7

25,2

  

(Những ngành được lựa chọn định hướng nghề nghiệp cao nhất, nguồn: Điều tra xã hội học của tác giả)

Qua bảng điều tra, có thể thấy ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng được các bậc phụ huynh ở địa bàn trên đánh giá cao, có tỷ lệ định hướng tương đối cho con nhất là ở hai khu vực phát triển mạnh du lịch là Yên Tử và Hạ Long; tỷ lệ này thấp hơn ở Móng Cái bởi so với hai địa bàn trên. Điều này phần nào thể hiện sự nhìn nhận của người dân đối với sự phát triển du lịch tại địa phương.

Sự thay đổi trong đời sống văn hóa xã hội của người dân

Với các hộ dân kinh doanh du lịch, họ có sự thay đổi trong nhận thức về việc tham gia vào các tổ chức xã hội so với trước khi kinh doanh. Chúng tôi thấy rằng, ở Yên Tử có sự thay đổi rõ rệt trong việc người dân tham gia vào các tổ chức xã hội truyền thống và hiện đại. Với tổ chức dòng họ, sự tham gia của các gia đình gần như không có sự thay đổi (trước là 38,8%, sau là 36%). Tuy nhiên, có sự thay đổi đáng kể của các tổ chức khác như: tổ chức phường nghề từ 8,1% lên 25,2%, hội đồng niên từ 12,1% lên 43%, tổ chức tôn giáo từ 5% lên 17,8% hay các tổ chức xã hội hiện đại hơn như: hội người cao tuổi, hội cựu chiến bình, hội liên hiệp phụ nữ, các tổ chức liên hiệp ngành nghề đều có sự gia tăng số lượng gia đình tham gia. Điều này có thể lý giải bởi hai nguyên nhân sau: thứ nhất là khi kinh doanh du lịch, người dân có nhu cầu tham gia vào các tổ chức xã hội nhiều hơn, tăng cường nhiều mối quan hệ xã hội, liên kết với nhau để hợp tác cùng phát triển; thứ hai là khi đời sống khấm khá, người dân có cơ hội và khả năng để tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội, có điều kiện để giao lưu, chia sẻ, quan tâm đến công việc xã hội.

Bên cạnh sự thay đổi về việc tham gia các tổ chức xã hội, người dân còn có sự thay đổi trong quan niệm và các hoạt động tâm linh. Ở địa bàn Yên Tử, trước khi kinh doanh du lịch, các gia đình được hỏi có 2 đối tượng thờ tự chính là ông bà tổ tiên (37,6%) và Phật (20,8%). Nhưng sau khi kinh doanh du lịch thì các hộ gia đình thờ thêm thần tài (tăng từ 6% lên 40%) và thờ Phật cũng tăng cao (từ 20,8% lên 60,8%), bên cạnh đó ông bà tổ tiên vẫn là đối tượng được thờ cúng chính trong các hộ gia đình. Địa bàn Yên Tử có sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật, bởi đây vốn là cái nôi của đạo Phật, nhưng sự gia tăng các hộ gia đình thờ Phật ở đây sau khi du lịch phát triển mạnh cũng phần nào thể hiện sự phát triển du lịch tâm linh đã tác động đến nhận thức, niềm tin tôn giáo của người dân.

Việc sử dụng ngoại ngữ ngày càng trở nên phổ biến với các hộ kinh doanh du lịch

Sự phát triển du lịch mạnh mẽ tạo ra một khối lượng việc làm lớn cho địa phương, cùng với nguồn thu nhập tốt từ du lịch, người dân có xu hướng định hướng nghề nghiệp cho con cái theo nhóm ngành du lịch, đặc biệt là đầu tư học ngoại ngữ. Từ kết quả điều tra xã hội học, chúng tôi thấy hai ngoại ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Quảng Ninh là tiếng Anh, tiếng Trung và việc sử dụng ngoại ngữ có liên quan mật thiết với lượng khách và thị trường khách quốc tế tại điểm đến. Khu du lịch Yên Tử với đặc trưng của du lịch tâm linh có thị trường khách chính là khách nội địa, thị trường khách quốc tế còn hạn chế nên tỷ lệ người dân sử dụng ngoại ngữ trong kinh doanh du lịch thấp, đặc biệt là chỉ sử dụng tiếng Anh với khách du lịch (24%) và cũng ít khi. Còn địa bàn Hạ Long là trung tâm du lịch nổi tiếng nhất của Quảng Ninh, những năm gần đây mỗi năm đón hơn 2 triệu khách quốc tế thì ngoại ngữ được sử dụng thường xuyên hơn với 44,6% người được hỏi cho biết thường xuyên sử dụng tiếng Anh và 47,5% người được hỏi cho biết thường xuyên sử dụng tiếng Trung và đối tượng được giao tiếp chủ yếu là khách du lịch và đối tác (23,4% và 47%).

Khi so sánh mức độ sử dụng ngoại ngữ và đối tượng sử dụng giữa hộ kinh doanh du lịch và hộ không kinh doanh du lịch, chúng tôi thấy có sự chênh lệch đáng kể. Với các hộ không kinh doanh du lịch, việc sử dụng tiếng Anh và tiếng Trung còn nhiều hạn chế. Các hộ gia đình không kinh doanh du lịch thường không sử dụng ngoại ngữ và nếu có thì đối tượng sử dụng chủ yếu của họ là trong gia đình, bạn bè, hay đối tác. Hạ Long vẫn là địa phương người dân có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ cao nhất khi chỉ có 5% hộ trả lời không sử dụng tiếng Anh và 17,5% không nói tiếng Trung. Đặc biệt là địa phương này có số hộ sử dụng tiếng Trung trong giao tiếp công việc với đối tác cao (55%), cho thấy việc giao thương, quan hệ với đối tác Trung Quốc ở đây rất tốt. Tiếng Anh cũng dần phổ biến và được sử dụng nhiều hơn ở Hạ Long khi đối tượng chính là gia đình, bạn bè. Điều này chứng tỏ, người dân địa phương đã nhìn nhận biết ngoại ngữ nhất là tiếng Anh và tiếng Trung là một điều quan trọng và sẵn sàng đầu tư phát triển, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Ở địa bàn Yên Tử, người dân không kinh doanh du lịch gần như không có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ (60,5% không dùng tiếng Anh và 73,7% không dùng tiếng Trung) và nếu có dùng thì cũng chỉ dùng với đối tượng trong gia đình, hạn chế trong giao tiếp với du khách, đối tác. Như vậy, có một sự tương quan giữa thị trường và lượng khách quốc tế ở điểm đến với nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ và mức độ sử dụng ngoại ngữ ở các điểm đến.

2. Tác động tiêu cực

Gây ra một số tệ nạn xã hội, làm mất hình ảnh điểm đến

Du khách khi đi đến một điểm xa địa bàn sinh sống của mình có thể nảy sinh những hành vi, nhu cầu mà họ không thực hiện ở địa bàn sinh sống do những rào cản về mặt đạo đức, do đó một số tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, đua xe, say rượu… có thể xuất hiện ở nơi phát triển du lịch nhiều hơn những địa bàn khác. Theo thống kê, tính đến tháng 6-2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2.161 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có 100 cơ sở có liên quan đến hoạt động tổ chức mại dâm. Tổng số đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm là 123 đối tượng, chủ yếu ở độ tuổi 18-35. Theo đánh giá của các cơ quan ban ngành, tệ nạn mại dâm ở Quảng Ninh không có biểu hiện hoạt động công khai, rầm rộ nhưng với thủ đoạn tinh vi và được che giấu dưới các loại hình dịch vụ như xông hơi, massage, tẩm quất, karaoke, gội đầu thư giãn, cà phê giải khát… khai thác những lợi thế thuận lợi của các địa bàn du lịch, cửa khẩu và khu công nghiệp để lén lút tổ chức hoạt động. Cùng với đó, các mô hình kinh doanh dịch vụ khép kín như nhà hàng, khách sạn, karaoke ngày càng phổ biến, kéo theo số nhân viên nữ phục vụ trong các cơ sở kinh doanh trá hình này dễ bị lợi dụng tham gia bán dâm khi có điều kiện. Ngoài ra, một số nhân tố tiêu cực đã làm xấu đi bộ mặt của điểm đến, gây ra những ấn tượng không tốt về văn hóa địa phương, hay chất lượng dịch vụ như: tranh dành, lôi kéo khách hay những hoạt động buôn bán tại các lễ hội, lừa đảo hay kinh doanh các loại hình không lành mạnh trong nhà hàng khách sạn… gây nên những tác động tiêu cực cho hình ảnh điểm đến, đồng thời để lại tác hại cho xã hội địa phương.

Môi trường, điều kiện sống bị ảnh hưởng tiêu cực do ưu tiên phục vụ du khách

Do tính mùa vụ của hoạt động du lịch nên vào thời kỳ cao điểm số lượng khách đến cũng như nhu cầu sinh hoạt của họ có thể vượt quá mức khả năng đáp ứng về dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng của người dân địa phương như: ùn tắc giao thông, nhu cầu về cung cấp nước, năng lượng, xử lý chất thải vượt quá khả năng của địa phương nơi diễn ra hoạt động du lịch.

Khu vực Yên Tử vào mùa lễ hội 3 tháng đầu năm và nhất là dịp cuối tuần khi lượng khách đến Yên Tử tăng đột biến gấp 1,7 lần so với ngày thường, tạo sức ép không nhỏ lên hệ thống giao thông, các dịch vụ công tại đây. Thời gian đó, Yên Tử thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là đoạn đường khoảng 1km từ đền Trình đến chân núi Yên Tử, gây bất lợi không nhỏ cho cuộc sống của người dân, gây tình trạng bất tiện, khó khăn cho du khách. Ngoài ra còn tình trạng chen lấn, xô đẩy, xếp hàng dài trong khu vực cáp treo, bãi đỗ xe cũng không tránh khỏi tình trạng chật chội, quá tải.

Tình trạng quá tải như trên không xảy ra mạnh mẽ tại khu vực Hạ Long hay Móng Cái nhưng hệ thống vật chất kỹ thuật tại hai khu vực này cũng bị ảnh hưởng. Hạ Long là điểm đến hấp dẫn, mùa du lịch kéo dài, lượng khách không quá đông vào một thời điểm trong năm, vì vậy tính thời vụ của du lịch Hạ Long đã giảm nhiều, khi lượng khách Âu thường sang du lịch vào mùa đông. Tuy nhiên, Hạ Long vẫn có lượng khách đông nhất vào mùa hè do khách nội địa đi nghỉ mát và đây là mùa của du lịch biển, đặc biệt là dịp cuối tuần. Vào thời điểm này, đường phố Hạ Long luôn tấp nập xe cộ, dịch vụ taxi, dịch vụ giao thông vận tải được sử dụng nhiều hơn do khách có nhu cầu di chuyển từ trung tâm Bãi Cháy ra bến tàu Tuần Châu, hay các điểm tham quan lân cận, gây tình trạng “cháy xe”, giá dịch vụ tăng cao gây khó khăn khi người dân cần di chuyển, thuê phương tiện. Ngoài ra, khi các khách sạn, nhà hàng hoạt động hết công suất phục vụ du khách, hệ thống điện, nước cũng trở nên quá tải, một số hộ dân tại khu vực Bãi Cháy khi được phỏng vấn, cho rằng điện thường xuyên bị yếu vào giờ cao điểm và hệ thống cung cấp nước chưa tốt, dẫn đến nhiều nhà bị mất nước thường xuyên.

Như vậy, sự quá tải trong mùa vụ du lịch, cùng với sự phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vừa có thể đem lại những tác động tích cực đến đời sống người dân địa phương nhưng cũng đặt ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống và điều kiện sống của họ.

Du lịch phát triển đã đem lại những chuyển biến tích cực trong xã hội tỉnh Quảng Ninh khi nó tạo ra một khối lượng việc làm, nâng cao đời sống gia đình, tăng sự giao lưu, kết nối xã hội của người dân. Đồng thời, phát triển du lịch cũng làm tăng nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội và suy giảm chất lượng sống của người dân. Sự tác động này của du lịch có thể được khắc phục và chuyển hóa nếu chính quyền địa phương có định hướng phát triển phù hợp. Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

____________

1. Hà Chi, Siết chặt quản lý du lịch tại vịnh Hạ Long, baoquangninh.com.vn, truy cập ngày 21-11-2016.

2. Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa, Giáo trình kinh tế du lịch, Nxb Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2009.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ HUYỀN VÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *