Tết của người dân xứ Quảng


Cũng như mọi làng quê khác ở Việt Nam, người dân Quảng Nam luôn náo nức đón mùa Xuân mới với các phong tục, tập quán theo truyền thống người Việt, mang tính cộng đồng lớn nhất trong năm: Tết Nguyên đán. Tuy Tết Nguyên đán bắt đầu từ mồng 1 tháng 1 âm lịch nhưng người dân Việt Nam nói chung và người dân Quảng Nam nói riêng đã chuẩn bị Tết từ ngày cúng ông Táo về trời, ngày 23 tháng Chạp.

Ngày Tết, bàn thờ nhà nhà xứ Quảng đều dâng cặp bánh tổ

Để chuẩn bị cho Tết, người dân Quảng Nam thường chung nhau mua heo (lợn) mổ thịt. Trong phẩm vật dâng cúng đầu năm, dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, mỗi nhà đều phải chuẩn bị một con gà trống. Ngoài ra, còn một thứ mà người dân xứ Quảng không bao giờ thiếu là hũ dưa món và bánh tổ. Trong mỗi gia đình, mỗi ngõ ngách, mỗi làng quê, người ta sắm sửa quần áo mới, tu sửa nhà cửa cho gọn gàng, sạch đẹp và không quên quét dọn, sắp xếp lại bàn thờ. Các lư hương được thay cát mới, chân nhang cũ được đốt bỏ đi… Rồi sắm sang quà bánh, làm mứt, làm chả nem, gói bánh tét, bánh chưng… Những nhà giàu thì viết câu đối dán lên cột hoặc mua tranh tứ bình bán sẵn ở các chợ quê về treo. Nhiều nhà kỳ công còn làm cả đèn kéo quân treo trước cửa.

Trước đây, công việc chuẩn bị cho những ngày Tết được kết thúc bằng sự kiện dựng cây nêu giữa làng. Cây nêu là một thân tre cao khoảng 5-6m, được chặt hết cành chỉ để lại một ít lá ở ngọn với quan niệm chỉ đường, bắc cầu cho ông bà tổ tiên về ăn Tết với gia đình, con cháu. Trên ngọn cây nêu, người ta treo một tấm tre đan bốn dọc năm ngang biểu thị cho thứ bùa tứ tung ngũ hành, một cái giỏ nhỏ đan bằng tre đựng bánh, trầu cau; một lá phướn bằng giấy hồng điều – ngày xưa thường treo thêm một dây pháo để giao thừa đốt cho rôm rả. Ngoài ra, trên ngọn cây nêu còn treo thêm bình rượu, gói nem để lừa Thiên Lôi. Cây nêu được dựng đến ngày mồng 7 Tết mới hạ, thời gian dựng cây nêu lên đến khi hạ cây nêu xuống được coi là Tết.

Bài chòi đầu năm, một nét văn hoá độc đáo xứ Quảng

Dân xứ Quảng có thói quen viếng mộ ông bà, tổ tiên vào ngày cuối năm. Sau khi viếng mộ gia tiên về, người ta làm lễ cúng ông bà. Lễ vật dù chay hay mặn, lớn hay nhỏ phải sạch sẽ, nghiêm túc, thể hiện lòng thành kính của con cháu. Nghi lễ được cử hành khi gia chủ đã mặc lễ phục đứng trước bàn thờ thỉnh ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Sau bữa ăn, mọi người cùng ngồi lại với nhau để chào đón năm mới.

Đến Giao thừa, bà con làm lễ cúng rước Hành khiển – vị thần cai quản năm mới và tiễn vị Hành khiển của năm cũ. Bàn thờ ông Táo cũng bày lễ vật để đón Táo quân từ trên trời trở về. Lễ vật dâng cúng gồm bánh, cháo trắng, trà, rượu, hương, nến, nước. Chủ nhà quỳ trước bàn thờ, lạy 4 phương cầu xin ân huệ của thần linh. Xưa kia, nhiều gia đình không có pháo giấy hồng thì làm pháo tre đốt cho vui cửa vui nhà. Pháo tre nổ lớn và giòn, hòa với tiếng pháo nơi khác vọng lại cùng khói hương trầm giữa tiết trời se se lạnh tạo nên những giờ phút năm mới rất linh thiêng nhưng cũng tràn đầy sự phấn chấn… Ngày trước, sau lễ Giao thừa, người ta hay đem giấy vàng bạc dán ở khắp nơi, từ cây ăn trái trong vườn đến cái cày, cái cuốc, chuồng trâu, chuồng heo, chuồng gà… gọi là trả ơn cho cây trồng, vật nuôi, đồ dùng đã giúp mình trong công việc quanh năm suốt tháng để có cái ăn cái mặc.

Trong ba ngày Tết, ngoài cúng ông bà, tổ tiên thì công việc chủ yếu là thăm viếng và chúc Tết, quan trọng nhất là phải về nhà thờ họ thắp nén nhang tri ân tổ tiên và mừng tuổi ông bà vào ngày mồng 1. Ngày mồng 2 dành cho việc thăm viếng sui gia, con cháu về thăm bên ngoại, rể về thăm nhà vợ. Ngày mồng 3 đi thăm bà con xa, bạn bè… Con cháu mà đi viếng gia tộc nội ngoại vào ngày mồng 3 thì bị coi là thất lễ vì có quan niệm, ngày này là ngày “Tết ăn mày”, do đó con cháu đến viếng Tết cũng bị coi là ăn mày.

Trước kia, vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân xứ Quảng có thói quen hay đến đình làng để thắp hương tế lễ các vị Thành Hoàng, các bậc tiền nhân và trời đất để bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng vọng, biết ơn tổ tiên, mong được phù hộ, độ trì cho năm mới mưa thuận gió hòa, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Trong ngày Tết, đình làng trở thành nơi vui chơi, bà con làng trên xóm dưới gặp nhau trao đổi chuyện gia đình, lao động sản xuất… Những vị cao niên cùng nhau nhấp chén rượu, chén trà, ngồi kể cho lớp trẻ tuổi về truyền thống, lịch sử của làng, của đình… Ngày Tết, người xứ Quảng thường đến đình làng để vui chơi, giải trí với những hoạt động mang đậm truyền thống văn hóa đặc trưng như: hô hát bài chòi, đá gà, đánh cờ người, hát sắc bùa, hát hò khoan đối đáp… Đây cũng trở thành chốn hò hẹn, tìm hiểu trao duyên của nam thanh nữ tú.

Trong ba ngày Tết, người Quảng Nam rất chú ý đến lời ăn tiếng nói. Những từ ngữ không hay, những hành động không đẹp được mọi người né tránh, không nói đến. Ai cũng giữ thái độ vui vẻ, cởi mở với nhau. Ngoài ra, người Quảng Nam còn kiêng quét nhà, kiêng mặc đồ xám, kiêng cho lửa, kiêng vỗ vai nhau, kiêng may vá, kiêng kêu khóc rầu rĩ… Dân xứ Quảng cũng có lệ không ăn thịt vịt, lễ vật cúng dù chay hay mặn thì tuyệt đối không có những lễ vật chế biến từ cà chua, giá, mít vì khi đọc lên những tiếng đó trùng âm với những tiếng mang ý tưởng không tốt, hay mang những điều xui xẻo tới bản thân, gia đình cả năm. Đầu năm, người ta cố tìm mua cho được cá tràu để ăn vì tin rằng ăn cá tràu sẽ khỏe mạnh. Một số vùng quê dọc theo sông Thu Bồn thì cố tìm mua cá mương để cúng trong mâm cỗ ngày mồng 3 Tết với ý nghĩa cầu may đầu năm, với tâm niệm cá mương may cá chày rủi…

Ý nghĩa của các điều kiêng kỵ cũng như quan niệm về những điều may mắn của người xứ Quảng là cầu mong những điều bình an, tạo không khí vui tươi, lạc quan đầy sức sống trong những ngày đầu Xuân. Bởi vậy, vị khách đến đạp đất có ý nghĩa rất quan trọng đối với gia đình trong năm, hoặc đem đến điều may mắn hoặc gặp nhiều rủi ro. Đặc biệt, dân Quảng Nam rất thích trẻ con đến chơi nhà đầu năm, bởi tính hồn nhiên, cởi mở, vui vẻ của chúng là những dấu hiệu khởi đầu cho một năm mới an bình, tươi vui…

Một mùa Xuân nữa lại về trên khắp các làng quê xứ Quảng. Những phong tục đẹp, những truyền thống văn hóa đặc trưng trong việc đón Tết cổ truyền của người xứ Quảng nói riêng, của cả nước nói chung qua thời gian vẫn được các thế hệ con cháu kế thừa, gìn giữ và phát huy để tạo nên những cái Tết bình yên, tươi vui, ấm áp. Mong sao những phong tục đẹp, những bản sắc văn hóa đặc trưng của người xứ Quảng mãi trường tồn mỗi khi Tết đến Xuân về.

Tác giả: Mai Hồng Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *