Thân phận con người trong tập truyện ngắn thầm lặng


        Thân phận con người là vấn đề lớn, vĩnh cửu của văn học Việt Nam. Xã hội ngày càng phát triển thì thân phận con người lại càng được chú ý, coi trọng, được nâng lên tầm phổ quát và có sức cuốn hút lớn đối với các nhà văn. Bình Nguyên Lộc không nằm ngoài thông lệ đó. Bình Nguyên Lộc là một nhà văn, một nhà văn hóa Nam Bộ. Ông viết khoảng 50 tiểu thuyết, 1000 truyện ngắn và một số công trình nghiên cứu về dân tộc, ngôn ngữ. Đặc sắc hơn cả là ở thể loại truyện ngắn. Thầm lặng, in năm 1967, là tập truyện chứa chan tinh thần nhân đạo, mỗi trang viết đều khiến người đọc rưng rưng xúc động vì niềm cảm khái trước thân phận con người trong thời kỳ tao loạn.

Đọc 15 truyện ngắn trong Thầm lặng, độc giả nhận thấy nhân vật trong các tác phẩm đều là những người lao động nghèo khổ ở đáy cùng của xã hội. Đó là chú Sáu, người nông dân một nắng hai sương, sắp chết vì bệnh ung thư bao tử vẫn buồn vì chưa truyền được nghề đóng cối xay cho thế hệ sau (Nỗi buồn của người sắp chết). Đó là vợ chồng anh Nhánh làm nghề xúc cát trên sông Đồng Nai sau khi đã kinh qua đủ mọi nghề để kiếm sống (Không một tiếng vang). Đó là cô Hồng xinh đẹp, giỏi giang nhưng cam lòng lấy một ông chồng già người Tiều Châu, chủ vựa đường để đảm bảo hạnh phúc cho người mình thương yêu (Đứa con đủ tháng). Đó là gia đình của người làm nghề hứng cá, chụp cá dưới lòng cống Sài Gòn để mưu sinh (Người chuột cống). Đó là mẹ con cô Chi mấy đời liền sinh con không cha, phải chịu miệng tiếng thế gian (Lá rụng về… ngọn)… Bình Nguyên Lộc là nhà văn của những người lao động bình thường, nhưng cũng là những số phận rất phổ biến trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ, khi “con người phải sống trong cái bưng bít của chốn thị tứ bủa vây bởi chiến tranh và nhiều xáo trộn, đổi đời”(1).

Nếu như thân được hiểu là cơ thể, thể xác, là sự tồn tại của hình thức người thì phận có nghĩa là vị thế của con người trong xã hội. Thân và phận luôn đi liền với nhau, “không có phận tách rời khỏi thân cũng như không có thân nào không đi kèm với phận”(2). Trong Thầm lặng, các nhân vật có phận hèn, phận bạc thì thân bị đày đọa; ngược lại khi thân bị chà đạp thì phận cũng bị rẻ rúng, coi khinh. Vì phận của con bé Nhộng (Má ơi, má!) bị mù từ hồi mới lọt lòng mẹ, nên con Nhộng mới phải hành hạ thân xác bằng cách làm nghề bẻ cau, và mỗi khi nó phải chuyền từ cây cau này sang cây cau khác thì mạng nó giống như “cái đại đồng chung treo bằng sợi chỉ mành”(3). Để rốt cục con Nhộng té từ cây cau xuống, bị á khẩu và bí đái suốt hai hôm, sau đó thì tắt thở. Thằng Bò (Tiếng vang trễ muộn) có một thân xác bình thường khỏe mạnh. Nhưng nó chịu phận của kẻ vô gia cư, của cỏ cây, không cha không mẹ, không nhà không cửa, không có đến cả một chiếc áo rách nên làng ban cho thân nó cái ân huệ chuyên đi vớt người chết đuối hoặc chôn những thây ma nhờm gớm, lầy nhầy không ai dám đụng đến. Người ta chỉ nhớ, nhắc đến nó khi cần người đảm nhiệm những công việc dơ bẩn, ghê tởm. Muốn thoát khỏi phận của những người phụ nữ có một thời thanh xuân thiếu tình yêu và một buổi tàn niên trơ trọi, quạnh hiu không con cháu, Mỵ (Bảo mật) đã vi phạm tục lệ cay nghiệt của làng Bình Thới nhằm giữ bí quyết nghề làm đường phổi: trai làng không được cưới gái làng khác và gái làng cũng không được lấy chồng xa. Mỵ đã thoát lệ, yêu Trọng, người con trai đến từ vùng quê khác. Và sự vượt phận đó đã phải trả giá bằng nỗi đau thân xác. Mỵ bị cha dùng que gắp hột điều đang cháy, gí vào da mặt. Nhan sắc bị hủy hoại khiến Mỵ rơi vào cảnh bẽ bàng, người yêu xa lánh, ruồng bỏ, mang mối hận là nạn nhân của một bí mật nghề nghiệp.

Như vậy, nhân vật trong Thầm lặng của Bình Nguyên Lộc thể hiện rõ mối quan hệ qua lại giữa thân và phận. Tuy nhiên làm nên giá trị của các tác phẩm không chỉ là thân phận ấy như thế nào mà chính là sự tự ý thức của các nhân vật về thân phận mình đang có. Sự tự ý thức về thân phận “tạo ra sự tồn tại mang ý nghĩa người, tạo ra giá trị nhân tính, tạo dựng phẩm chất nhân văn”(4). Sự tự ý thức về thân phận của các nhân vật làm người đọc nghẹn ngào mà cảm phục. Họ ít chữ, nghèo khó nhưng biết mình là ai. Họ đau đớn vì thân phận mình, day dứt khôn nguôi vì thân phận ấy. Con Dừa (Cây đào lộn hột) mặc cảm mình là “đứa con gái xấu xí nhất xóm, mà có lẽ xấu xí nhất nước Việt Nam”(5) nên nó phải yêu một chàng thanh niên bị mù, để chàng không thể tường mặt người mình yêu. Biết phận mình hèn kém, dốt nát, xấu xí, con Dừa chấp nhận chịu một trận đòn tàn độc của ba chứ không chịu khai ai là tác giả của cái thai trong bụng. Con Dừa không muốn mọi chuyện vỡ lở để người yêu nó biết được mình đã ấp ôm một cô gái bẩn và xấu xí nhất xóm nên khi người yêu đi mổ và sáng mắt trở lại, con Dừa chỉ đứng từ xa mà ngắm nhìn chứ không đến gặp. Anh tư Được (Người đẹp ven sông) mang trong tâm tưởng mình hình bóng của người đẹp trên tấm bảng quảng cáo kem đánh răng Perkol, mặc dù anh biết người đẹp không bao giờ thuộc về anh mà dành cho các bậc công hầu vương bá. Kể cả khi đã rời bỏ quê hương, lên Sài Gòn làm nghề chạy xích lô máy với hy vọng gặp được người đẹp, anh vẫn luôn ý thức điều đó. Đôi khi, họ còn có sự tự ý thức về thân phận của cả một thế hệ, thế hệ mưu sinh trong lòng cống Sài Gòn. Người đàn bà (Người chuột cống) không thể khóc chồng và khóc con sau khi đã “đợi cho đến tàn đám mưa, qua một đám mưa khác, đợi ngoài nắng đến xế chiều, cũng không thấy tăm dạng chồng con”(6) bởi bà đã hết nước mắt khi năm xưa khóc ông cha chết vì nghiệp chụp cá, hứng cá trong lòng cống tối tăm, đầy bất trắc. Có thể nói, nhân vật của Thầm lặng đều là những thân phận thấp bé trong xã hội, và cuộc sống luôn đặt họ vào những tình huống, những cảnh trái ngang buộc họ phải không ngừng ý thức về thân phận của mình. Ý thức về thân phận cũng là một trong những nét đẹp của tính cách, phẩm giá người Việt Nam.

Điều đáng quý là một số nhân vật không chỉ ý thức về thân phận mà luôn muốn vượt lên trên thân phận, làm chủ thân phận. Trong lá thư gửi về cho má từ Sài Gòn, Chi (Lá rụng về… ngọn), đã viết: “Má thương của con ơi, má sẽ đau khổ biết bao, nếu bây giờ con giúp dịp cho miệng thế đồn rằng nhà ta có mã chửa hoang!… Sở dĩ nhà ta phải chịu cái họa đó có lẽ tại nghèo, không che đậy kịp lỡ lầm của mình như nhà khác thôi”(7). Sự phản kháng của cô gái đang bụng mang dạ chửa chính là sự tự cưỡng lại số phận, là một biểu hiện của quá trình vượt lên thân phận. Bản thân Chi cũng đã có những dự tính, những hành động để mong muốn của mình thành hiện thực. Biết mình còn có cha sau bao năm sống thui thủi, vò võ với má, mà đó lại là người cha giàu có, danh vọng, Chi quyết định tạm về với cha một thời gian, để có cha, có vị thế, có thể đàng hoàng bước vào nhà chồng. Và rồi khi việc hôn sự hỏng, phải một thân một mình nuôi con, Chi vẫn không chịu đầu hàng, vẫn khát khao được má đón nhận trở lại trong vòng tay yêu thương. Nhiều khi quá trình tự vượt mình chỉ dừng lại ở ý nghĩ, ở suy tưởng nhưng đó cũng là một thứ ánh sáng quý giá ở cuối đường hầm để những thân phận nhỏ bé, bị rẻ rúng không rơi vào bế tắc. Minh (Nắng chiều hấp hối) chỉ là một thày thơ ký đánh máy cho một hãng buôn, ở một “gác trọ lợp tôn, nóng như nằm trong lò bát quái đã thiêu Tôn hành giả”(8). Chàng ý thức về thân phận mình nhưng vẫn khát khao được vươn lên, vẫn hy vọng con gái của ông chủ là người vượt qua được nhân sinh quan thường tình, có thể yêu chàng vì tâm hồn chứ không phải vì tiền tài, danh vọng. Chàng làm thơ và tin rằng “chàng sẽ nổi danh, và sẽ xứng đáng với con gái của ông chủ hãng vì một chú rể thi hào, phải hơn một chú rể bác sĩ chớ”(9). Ảo tưởng về sự thay đổi cuộc đời của Minh không khỏi khiến người đọc ngậm ngùi. Nhưng đó cũng là biểu hiện ít nhiều cũng sự vượt lên thân phận.

Một vẻ đẹp bàng bạc trong nhiều truyện ngắn là các nhân vật đều giàu đức hy sinh và lòng vị tha. Tuy thân còn bị đày đọa, phận còn bị coi khinh, nhưng họ vẫn có những ứng xử đẹp, biết tự điều khiển bản thân, biết kiềm chế dục vọng cá nhân. Ở phương diện này, vẻ đẹp tâm hồn họ tiêu biểu cho văn hóa Việt. Cả ba nhân vật nữ: Dừa (Cây đào lộn hột), Hồng (Đứa con đủ tháng) và Diệu (Rắn cắn làm phước) đều yêu rất mãnh liệt, dù tình yêu ít nhiều trái ngang. Nếu tình yêu của Dừa có sự khập khiễng về hình thức, học vấn (người yêu của Dừa tuy mù nhưng là một văn sĩ, đẹp trai, thanh nhã trong khi nó thì xấu xí, vô học); tình yêu của Diệu có sự chênh lệch về tuổi tác (Diệu đã 26 tuổi còn Nghĩa, người nàng yêu mới chỉ 19); thì tình yêu của Hồng là thứ tình cảm vi phạm luân lý, đạo đức (sau rất nhiều cố gắng, Hồng bị ngã gục trước sự tấn công ráo riết của chồng người bạn, rồi có thai). Yêu mãnh liệt nhưng họ ý thức được về thân phận, về tình yêu và quan trọng hơn là luôn nghĩ đến người khác. Họ nhận về mình phần thua thiệt, cay đắng. Hồng vác bụng về quê, lấy một người chồng không cân xứng, để giữ gìn hạnh phúc cho gia đình bạn. Diệu chấp nhận lấy thày giáo Mã rất xấu trai vì không muốn người yêu khó chịu, bực mình về sau, không muốn chàng bị mang tiếng là người đổi ý, đổi lòng bởi sự so le giữa vợ và chồng. Còn Dừa thì chết trong tủi nhục, nghèo khó, để người yêu khỏi thất vọng, vẫn tiếp tục mê say những ảo ảnh đẹp trong cuộc đời như chàng đã từng trân trọng hình ảnh cây đào lộn hột. Sống vì người khác, cho người khác là phẩm chất, là văn hóa ứng xử của dân tộc Việt Nam.

Viết về những thân phận nhỏ bé trong xã hội, Bình Nguyên Lộc đã chọn ngôi trần thuật thứ ba để có thể kể những gì mà ông biết về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ. Nhà văn miêu tả công việc mưu sinh vất vả của vợ chồng anh Nhánh (Không một tiếng vang): “Thúng cát vừa nổi lên mặt nước thì chị Nhánh với tay xuống bưng lên đổ vào khoang ghe, vì chậm một chút là chồng chị sẽ hụt hơi”(10). Qua truyện Bảo mật, ông đã giới thiệu đầy đủ, chi tiết về đường phổi, một sản vật không thể thiếu trên bàn thờ gia đình của người dân một số tỉnh miền Đông Nam Bộ cùng với dưa hấu để tưởng nhớ ông cha: “Đường phổi không phải là đường.Thật ra nó chỉ là một thứ quà ngọt chế tạo bằng đường cát trắng, tròng trắng trứng gà và một vài chất khác mà nhà nghề giữ kín cho đến mãi ngày nay”(11). Và bí mật làm nghề đường phổi đã là nguyên nhân đẩy cuộc đời cô Mỵ vào cảnh nhan sắc bị hủy hoại, tình duyên thành dang dở. Nhà văn cũng đã lựa chọn sự luân phiên điểm nhìn, giúp người đọc vừa dễ hình dung được hoàn cảnh diễn ra câu chuyện vừa nhìn thấu vào tâm can nhân vật. Có khi, từ điểm nhìn bên ngoài, Bình Nguyên Lộc “miêu tả sự vật từ phía bên ngoài nhân vật, kể những điều nhân vật không biết”(12), như việc người dân trong vùng Nghĩa ở trọ mến thương chàng ra sao (Rắn cắn làm phước): “Gia đình nào cũng bí mật lập hồ sơ về thày; người ta truy nguyên dòng họ của thày; và người ta dò xét lối xử thế của thày”(13). Có khi tác giả chọn điểm nhìn bên trong, kể xuyên qua cảm nhận của nhân vật. Xúc động biết bao tình cảm mà thằng Nóp (Đành cam vào khám với tình… bò) dành cho những con vật gần gũi, thân thiết: “Nóp nhớ bò và tin chắc rằng bò cũng nhớ nó, nhớ chuồng, nhớ xóm, nhớ vườn đào hoang phế, nhớ rừng chồi với con suối nhỏ nước trong veo”(14). Điểm nhìn trần thuật từ bên trong giúp cho các nhân vật không chỉ có hành động, lời nói mà còn đời sống nội tâm phong phú, thể hiện được vẻ đẹp của tâm hồn. Sự luân phiên điểm nhìn đã tạo ra cái nhìn nhiều chiều về thân phận con người. Để thể hiện cảm hứng về thân phận con người, tác giả đã xác định giọng điệu chủ đạo trong hầu hết các truyện ngắn là đôn hậu, nhẹ nhàng pha chút ngậm ngùi, bày tỏ sự yêu mến và cảm thương đối với những thân phận khổ đau trong xã hội. Bình Nguyên Lộc xót xa trước cái chết của anh Nhánh (Không một tiếng vang) và vui khi cô Chi (Lá rụng về… ngọn) trở về quê mẹ, tìm được cuộc sống thanh thản. Nhà văn đã nhận ra một chân lý: “Có những chiếc lá, sau khi rụng xuống cội cây, gặp cơn gió lốc lại bay lộn lên ngọn. Nó dính nơi đó, và nhờ điều kiện bí mật nào không rõ, không bao giờ rụng trở lại cả. Sanh ra trên ngọn cây, nó sống nơi đó và chết nơi đó, tàn mục nơi đó”(15).

Trong Thầm lặng, Bình Nguyên Lộc đã sử dụng không ít những câu, từ ngữ gợi lên ở người đọc những suy nghĩ trực tiếp hoặc gián tiếp về thân phận con người và sự ý thức về thân phận ấy. Đoàn bẻ cau (Má ơi, má!) gồm bảy đứa con gái, “toàn là con cái của cùng đinh bởi thế chúng nó mới chịu làm một nghề mà cả những người lớn gan dạ nhứt cũng không dám làm”(16). Con Dừa (Cây đào lộn hột) nhất quyết không khai người yêu vì “khai chàng ra, gia đình nó, và cả thiên hạ đều sẽ biết mối tình thầm lén này, và Thanh sẽ biết nó là ai, một đứa nghèo hèn, đen đúa và xấu như ma”(17). Anh tư Được (Người đẹp ven sông) dù là một nông dân chất phác, “rất biết phận mình chớ không phải là kẻ có tánh trèo đèo”(18) nhưng anh vẫn cứ mơ tới người đẹp cho những ngày cơ khổ và khô cằn của anh thêm một chút sung sướng. Bí mật cuộc đời mẹ nhắc Chi (Lá rụng về… ngọn) “nghĩ đến thân phận của nàng, điều mà từ hôm qua đến nay, bận thương mẹ, nàng quên mất”(19). Có thể nói, thân phận là niềm day dứt khôn nguôi của các nhân vật, tạo ra sự ám ảnh trong tâm trí người đọc. Kể về những phận hèn, phận bạc, Bình Nguyên Lộc dùng ngôn ngữ bình dân, mộc mạc, đậm chất Nam Bộ. Những biến thể phát âm trong Thầm lặng được thể hiện ở bộ phận âm chính, không chỉ trong lời thoại của nhân vật mà cả trong ngôn ngữ của tác giả: giật / giựt, chân / chơn, bảo / biểu, tôi / tui, tính / tánh, đàn / đờn, bênh / binh…

Từ địa phương cũng được nhà văn sử dụng với tần số cao, gợi lại hoàn cảnh sống, tâm tư, tình cảm của người dân lao động ở Nam Bộ. Những từ như giỡn, hoài, quẹo, mướn, xứ, hôn, trì, lẹ, dữ… khiến người đọc có cảm giác đang được tắm mình trong không gian Nam Bộ với lời ăn tiếng nói gần gũi, thân tình.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã tái hiện được cách diễn đạt tự nhiên, thân mật, không cầu kỳ của người Nam Bộ, qua đó bộc lộ những nét tính cách tiêu biểu của người dân nơi đây: chân tình, bộc trực, thẳng thắn…

Trong Thầm lặng, nhân vật chính của các tác phẩm hầu hết là phụ nữ hoặc qua các nhân vật chính mà thấy bóng dáng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Từ bé Nhộng, con Dừa, cô Hồng, chị Nâu đến má con cô Tư đều là những người phụ nữ nhỏ bé, bất hạnh nhưng họ đều có tâm hồn trong sáng, ý thức về thân phận, biết hy sinh cho người khác. Âm hưởng chung mà Bình Nguyên Lộc thể hiện là sự yêu mến, xót thương cho thân phận con người, đặc biệt là phụ nữ, những người góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bàn về cảm hứng chủ đạo làm nên thế giới văn chương của Bình Nguyên Lộc, các nhà phê bình, nghiên cứu thường chỉ ra “bốn yếu tố đặc sánh tâm hồn Bình Nguyên Lộc”(20) và cũng là những vấn đề cốt tử của truyền thống văn hóa Việt Nam: nguồn gốc, ngôn ngữ, di dân, cõi âm. Song ở Thầm lặng, với vấn đề thân phận con người, Bình Nguyên Lộc đã góp phần làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa Việt, làm cho văn hóa Việt được tỏa rạng, đồng thời giá trị các tác phẩm của ông được nhìn nhận, đánh giá ở một góc độ mới, một chiều kích mới. Có thể khẳng định, đề cập đến thân phận con người với tư cách là một yếu tố của bản sắc văn hóa Việt, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã chạm, đã “đi vào vệt đường lớn”(21) của văn hóa Việt Nam.

 

_______________

1. Nguyễn Vy Khanh, Bình Nguyên Lộc và tình đất, chutluulai.net.

2, 4, 21. Lê Nguyên Cẩn, Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.62, 63.

3, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19. Nguyễn Q. Thắng (tuyển chọn, giới thiệu), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.79, 84, 161, 244, 206, 207, 106, 183, 211, 128, 250, 76, 99, 141, 226.

12. Trần Đình Sử (chủ biên), Giáo trình Lý luận văn học, tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2005, tr.61.

            20. Phạm Phú Phong, Văn chương Bình Nguyên Lộc từ góc nhìn văn hóa, tapchisonghuong.com.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Phạm Thị Thu Thủy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *