Thành phố Lào Cai: Sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”


Thành phố Lào Cai sau sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính có diện tích đất tự nhiên 288 km2, dân số trên 15 vạn người; gồm 17 đơn vị hành chính (11 phường, 6 xã); 305 thôn, tổ dân phố, trên 30.000 hộ gia đình thuộc 25 dân tộc. Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa được thực hiện gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa văn minh thông qua Hội thi, hội diễn

Theo đó, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng có những chuyển biến tích cực. Trên cơ sở kế hoạch của BCĐ thành phố và thực tiễn địa phương, hằng năm, 17/17  Ban chỉ đạo phong trào các xã, phường được kiện toàn, các thôn, tổ dân phố đưa nội dung thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vào Quy ước của thôn, tổ để tổ chức thực hiện. Các Ban vận động khu dân cư cũng được củng cố kiện toàn theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các nội dung của phong trào được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức: trên hệ thống trực quan (pa nô, áp phích), qua các cuộc họp, tài liệu, qua phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, tạp chí của tỉnh, bản tin thành phố, Cổng TTĐT… với tổng số hàng trăm chuyên mục và hàng ngàn tin bài, hàng năm xây dựng phóng sự để tuyên truyền trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư. Đặc biệt trong các năm 2017, 2018, 2019,  Ban Chỉ đạo phong trào thành phố đã chỉ đạo 17/17 xã, phường đã tổ chức thành công Cuộc thi “Hiểu biết về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” gắn với văn nghệ quần chúng đạt kết quả tốt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia, trong đó nhiều đối tượng dự thi là các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng Ban Công tác Mặt trận, các thành viên ban vận động, lực lượng đoàn viên thanh niên và nhân dân ở khu dân cư đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành vi của nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần tự giác, tự quản ở khu dân cư.  Các phong trào thi đua do Tỉnh, thành phố, địa phương phát động được nhân dân hưởng ứng tích cực và xã hội hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Kết quả, phong trào xây dựng gương Người tốt, việc tốt và phong trào Xóa đói giảm nghèo đã tạo hiệu ứng tốt trong  thi đua  xây dựng thôn, tổ dân phố Đoàn kết – Kỷ cương, Xanh  Sạch – Đẹp. Các mô hình “Dân vận khéo”, mô hình “Khu dân cư giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự”, “Khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường”,“Nhà sạch vườn đẹp” được triển khai nhân rộng. Đến nay, đã có 3.286 lượt khu dân cư được chọn làm mô hình chỉ đạo điểm các cấp, trong đó có 400 mô hình dân vận khéo. Tiêu biểu như mô hình nuôi lợn rừng (xã Đồng Tuyển), mô hình nuôi gà Đông Tảo (phường Duyên Hải), mô hình trồng dứa (xã Vạn Hòa), mô bình trồng rau an toàn (phường Bình Minh, Nam Cường, Vạn Hòa), mô hình nuôi cá nước lạnh (xã Tả Phời), mô hình nuôi vịt cỏ, chim bồ câu (xã Hợp Thành); mô hình Tiếng kẻng an ninh (thôn Kim Thành, xã Đồng Tuyển và khu dân cư Phan Đình Phùng, phường Phố Mới), mô hình trồng Măng tây xanh (phường Bình Minh, xã Tả Phời), mô hình trồng dưa lưới (xã Đồng Tuyển), mô hình phát triển du lịch sinh thái homestay (xã Hợp Thành)…  Phong trào Xóa đói giảm nghèo đạt kết quả đáng phấn khởi: Năm 2005 thành phố còn 9,15% hộ nghèo; năm 2012, thành phố có 12,9% hộ nghèo thao tiêu chí mới. Đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 1,17%, tính đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chỉ  còn 0,46%…

Cùng với đó, hằng năm, Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” thành phố đều xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện cuộc vận động và ra lời kêu gọi  các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tham gia ủng hộ giúp đỡ.  Kết quả, quỹ “Vì người nghèo” toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng trên 51 nhà đại đoàn kết, sửa chữa gần 200 nhà (như mua mái lợp, bị hỏa hoạn); hỗ trợ các hộ nghèo thiếu vốn, vật tư sản xuất; người nghèo bị mắc bệnh hiểm nghèo, học sinh nghèo vượt khó; tặng quà cho các hộ nghèo nhân dịp các ngày lễ, Tết, giúp đỡ thôn Láo Lý, xã Tả Phời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xóa đói giảm nghèo; phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả đề án  số 14 của BCH Đảng bộ thành phố khóa XXI về “Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Kết quả, trên 96% các xã, phường, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tại các thôn xã vùng cao, đã có sự chuyển biến rõ nét trong sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh, không thả rông gia súc; 99% hộ gia đình làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 99,5% hộ chăn nuôi trâu bò có chuống trại, có hố ủ phân hợp vệ sinh, đào mới 740 hố rác; duy trì 58,5 tuyến đường tự quản ở các xã. Tại các phường xã trung tâm, nhân dân tích cực xã hội hóa cải tạo hành lang, lát vỉa hè; cải tạo nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, thực hiện thu gom, xử lý rác thải theo quy định; tích cực trồng cây xanh, chỉnh trang đường phố…

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được đặc biệt chú trọng,  các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa được  gắn kết chặt chẽ với việc bình xét, công nhận các danh hiệu thi đua,  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình gương mẫu thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, thôn, tổ văn hóa gắn với Quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh ở khu dân cư và công tác tự quản ở thôn, tổ dân phố, cam kết thực hiện “Ba không, Ba có”, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình “Năm không, Ba sạch”, các cấp hội Phụ nữ đẩy mạnh phong trào “Nhà sạch vườn đẹp”, nhân rộng mô hình các tuyến đường hoa; các cấp hội Nông dân chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, bà con nông dân được tập huấn trang bị kiến thức áp dụng vào sản xuất… Ngoài ra, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phố phối hợp chặt chẽ với  MTTQ, các ban ngành liên quan triển khai tuyên truyền pháp luật đến nhân dân gắn với thực hiện các nội dung tự  quản ở khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và thực hiện các quy định về quản lý đất đai, xây dựng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm…

Kết quả mang lại từ phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo ra bước đột phá mới trong chuyển biến nhận thức và hành vi của nhân dân đối với việc chấp hành pháp luật, các quy định của nhà nước của địa phương, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng thu ngân sách, xã hội hóa cao trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Chất lượng xây danh hiệu gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên.  Kết quả các danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm đều đạt từ 90% trở lên. Trên 90% thôn, tổ thực hiện tốt quy ước của khu dân cư. Nhiều thôn, tổ dân phố tiếp tục phát huy tinh thần tự quản, tự giác cao trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, đường thông, hè thoáng, xây dựng khu dân cư sạch đẹp, văn minh, thực hiện tốt các nội dung như: chỉnh trang, vệ sinh khu phố; bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, lao động vệ sinh, thu gom rác thải, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường thông hè thoáng, giải tỏa các điểm nóng về lấn chiếm hành lang vỉa hè, cản trở an toàn giao thông gây mất mỹ quan đô thị tại các tuyến phố chính và các khu vực chợ. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa tiếp tục phát huy Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn văn hóa đạt kết quả tốt, luôn đạt từ 95% trở lên. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển mạnh. Đến nay, 17/17 xã, phường có Câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, hoạt động thường xuyên, 87 đội bóng đá, 30 đội bóng chuyền, 35 CLB cầu lông, 35 đội điền kinh, 99 đội thể thao các bộ môn khác, như: quần vợt, xe đạp, đi bộ, Aerobic, thể dục thể hình… Đến hết năm 2019, tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên là 59,5%; số gia đình đạt gia đình thể thao là 39,7%. Thành tích thi đấu thể thao của thành phố xếp tốt đầu của tỉnh về số lượng huy chương với tổng số 245 huy chương (trong đó có 115 Huy chương Vàng, 79  Huy chương Bạc, 51 Huy chương Đồng…

Kết quả đạt được đã khẳng định: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn thành phố Lào Cai có sức lan tỏa sâu rộng, tác động trực tiếp đến hành vi thói quen, nếp nghĩ, nếp sống, trách nhiệm của mỗi người dân trong chung tay xây dựng thành phố đoàn kết, kỷ cương, xanh sạch đẹp, góp phần xây dựng thành phố Lào Cai ngày càng hiện đại văn minh, giàu đẹp.

Tác giả: Trần Thị Bình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *