Thể thao Hưng Yên bứt phá để hội nhập


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ rằng: “Dưới chế độ dân chủ, Thể thao và Thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích làm tăng cường sức khỏe của nhân dân. Nhân dân có sức khỏe thì mọi công việc đều làm được tốt”.

Học tập và làm theo lời dạy của Bác về tầm quan trọng của Thể dục, Thể thao (TDTT) đối với sức khỏe nhân dân góp phần phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định số 1097/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Hưng Yên đến năm 2020; Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 4/7/2017 về việc tiếp tục thực hiện Đề án phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015 – 2020.

Để cụ thể hóa sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực TDTT như: Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 13/02/2020 về việc tổ chức Tháng hoạt động TDTT cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2030; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 22/5/2020 của UBND tỉnh về việc tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước tỉnh Hưng Yên năm 2020; Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 21/9/2020 của UBND tỉnh về tổng kết Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về (TDTT) đến năm 2020; Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 16/9/2020 về việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp tỉnh Hưng Yên năm 2021-2022 và tham dự  Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX năm 2022; Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 13/11/2020 quy định chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên và chi tiêu tài chính đối với các giải thể thao tỉnh Hưng Yên và nhiều văn bản chỉ đạo khác.

Có sự quyết tâm, vào cuộc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân; công tác quản lý nhà nước về thể thao được tăng cường; trình độ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thể thao từng bước được nâng lên. Công tác xã hội hóa TDTT được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt, huy động được tiềm năng, nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Nhiều nội dung tập luyện được thực hiện như: bóng đá, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, chạy vì sức khoẻ… Nhiều trò chơi dân gian như kéo co, cờ người,… được đưa vào các lễ hội ở địa phương và trở thành các giải thể thao quần chúng truyền thống hàng năm. Nhiều cuộc vận động lớn được hình thành, thu hút hàng chục triệu người tham gia. Hằng năm, vào dịp lễ, Tết các địa phương đều tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, cờ vua… giữa các thôn, làng.

Tính đến nay, Hưng Yên đã tổ chức thành công 13 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh; tham dự 4 giải thể thao quần chúng toàn quốc. Kết quả: Đội bóng chuyền hơi nam đoạt HCV; Đội bóng chuyền hơi nữ đoạt HCĐ, HCB đôi giải cầu lông Trung, cao tuổi, HVĐ cá nhân Giải cờ tướng trung, cao tuổi, HCĐ Giải cờ tướng vô địch đồng đội toàn quốc năm 2020… Về thể thao thành tích cao, Hưng Yên đã tham gia 42 giải thể thao quốc gia và một số giải mở rộng do các tỉnh tổ chức. Kết quả đạt được tổng số: 139 huy chương các loại, trong đó có: 24 HCV, 33 HCB, 82 HCĐ; 66 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia (13 VĐV kiện tướng, 53 VĐV cấp I). Hưng Yên hiện có trên 34% số người tập luyện TDTT thường xuyên; gần 31% số gia đình thể thao và trên 2.000 CLB, điểm, nhóm duy trì hoạt động tập luyện thường xuyên. Số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất (nội khóa) đạt trên 97%; số trường có giờ TDTT (ngoại khóa) đạt trên 80%.

Về hạ tầng cơ sở, một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã dành đất để làm sân vận động, khu thể thao, xây dựng nhà tập luyện. Đa số các cơ quan doanh nghiệp đều quan tâm và tạo điều kiện bố trí diện tích đất để phục vụ các CLB TDTT hoạt động. Khu thể thao, điểm vui chơi ở hầu hết các thôn trên địa bàn tỉnh đều được quy hoạch, một số đã được xây dựng và đi vào hoạt động.

Bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua , thể thao Hưng Yên vẫn còn những tồn tại như: Phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, người dân ở nông thôn, vùng xa thị trấn tham gia tập luyện TDTT còn ít. Chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc phát triển TDTT cho người khuyết tật, đối tượng công nhân trong các doanh nghiệp; chất lượng hoạt động của các liên đoàn thể thao cấp tỉnh chưa thực sự hiệu quả.

Chất lượng công tác giáo dục thể chất trong nhiều trường chưa đáp ứng so với mục tiêu giáo dục toàn diện. Hoạt động ngoại khóa TDTT chưa được quan tâm thường xuyên. Phong trào “Chiến sĩ khỏe” trong lực lượng vũ trang được duy trì nhưng chất lượng chưa cao.

Hệ thống đào tạo VĐV thể thao thành tích cao chưa mang tính liên tục; sự thiếu hụt VĐV các tuyến; lực lượng HLV giỏi, huấn luyện đỉnh cao còn thiếu, việc đầu tư các môn còn dàn trải, hiệu quả thấp.

Trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho huấn luyện thể thao thành tích cao còn thiếu, lạc hậu, chậm được nâng cấp, sửa chữa. Hiện, Hưng Yên không có nhà thi đấu TDTT tiêu chuẩn; nhà tập đa môn, sân điền kinh tiêu chuẩn,… Các trang thiết bị TDTT cho các môn rất thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện nâng cao thành tích.

Một số môn thể thao trọng điểm của tỉnh như: Bóng chuyền nữ, đua thuyền Rowing, Canoeing, Bóng bàn, Bắn cung, Quần vợt không đạt được chỉ tiêu đề ra.

Nhiều nơi chưa có quy hoạch đất cho công trình TDTT; các công trình thể thao còn thiếu và ít so với mặt bằng chung của cả nước; công trình Khu Liên hợp thể thao của tỉnh chưa được triển khai theo mục tiêu Đề án đề ra.

Để tiếp tục phát huy những thành tích TDTT đã được và khắc phục triệt để những hạn chế tồn tại nêu trên, xin đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, viên chức, HLV, VĐV chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy chế, nội quy của cơ quan đề ra. Duy trì đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm tốt công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến người tốt, việc tốt trong đơn vị, coi trọng việc nêu gương của cán bộ đảng viên, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, có đạo đức, lối sống, tác phong lành mạnh, hòa đồng, gương mẫu thực hiện công tác tiết kiệm, chống lãng phí để mọi người noi theo.    

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, đoàn thể, tổ chức xã hội đối với công tác TDTT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về công tác TDTT, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn kết với chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình sức khỏe Việt Nam.

Ba là, căn cứ vào thực tiễn nền kinh tế – xã hội tại địa phương, về mức độ phát triển phong trào TDTT, về cơ sở vật chất của đơn vị để khai thác, đáp ứng nhu cầu phục vụ tập luyện và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao đảm bảo nguyên tắc thu hút mọi nguồn lực vừa có tích lũy để tạo nền móng phát triển vững chắc, không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động phục vụ việc tổ chức tập luyện và thi đấu các môn thể thao.  

Bốn là, xây dựng và ban hành các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào công tác TDTT, liên kết với nước ngoài trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV.  Khuyến khích và giúp đỡ các tổ chức, cá nhân thành lập các CLB thể thao chuyên nghiệp theo quy định của Luật TDTT.

Năm là, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cho đào tạo, huấn luyện VĐV tài năng thể thao thành tích cao. Tập trung đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, HLV, trọng tài có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ tham gia công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và tổ chức các giải thể thao trong tỉnh, quốc gia. Khuyến khích cán bộ quản lý, HLV, trọng tài tự học tập nâng cao trình độ đạt đẳng cấp quốc gia, quốc tế đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh về thể thao thành tích cao.

Sáu là, tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác TDTT có định hướng đầu tư và hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây dựng các thiết chế, công trình TDTT, trước hết là cấp tỉnh.

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *