Những năm gần đây, chúng ta nhấn mạnh quan điểm: phát triển xã hội, kinh tế gắn với phát triển văn hóa. Trong đó, văn hóa là mục tiêu, nền tảng, động lực của phát triển, còn phát triển tạo nên chất lượng và tính năng động mới của văn hóa. Trong bối cảnh chung ấy, vấn đề xây dựng gia đình, văn hóa gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ, được nâng lên vị trí cao trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn đời sống, bởi nó gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như quá trình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người mới.
1. Sơ quát về gia đình và gia đình trẻ
Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm rằng gia đình là gốc của nước, gắn bó chỉnh thể với làng và nước, tạo nên một hệ thống chặt chẽ trong đấu tranh dựng nước, giữ nước, sinh sống, làm ăn, ứng xử, nối dòng truyền thống cả về mặt sinh học lẫn văn hóa. Ở phương diện khác, gia đình cũng chính là một trong ba mắt xích trọng yếu trong chuỗi quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội, để từ đó, chúng ta có thể hiểu sâu sắc về đất nước, con người, lịch sử xã hội Việt Nam.
Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu, gia đình được coi như một thiết chế, đơn vị tự nhiên cơ bản, tế bào của xã hội… Trên nhiều phương diện, gia đình được nhìn nhận và định nghĩa từ nhiều góc độ. Ở đây, chúng tôi tán đồng cách nhìn từ góc độ xã hội học, coi gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, hay một nhóm xã hội, mà các thành viên gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức… nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên, cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người và xây dựng, phát triển nhóm. Và như vậy, có thể thấy, gia đình là một mô hình động với nhiều kiểu loại: gia đình hạt nhân, gia đình mở rộng, gia đình khuyết thiếu, gia đình trẻ, gia đình trưởng thành…
Gia đình trẻ là một khái niệm để chỉ một kiểu loại gia đình hạt nhân, gồm vợ chồng trẻ và con cái của họ, dù sống chung hay riêng, sự trải nghiệm hôn nhân khoảng chục năm với vốn sống, kinh nghiệm xây dựng gia đình chưa thực sự đầy đủ. Gia đình trẻ cũng hội đủ những vấn đề hiện tồn trong gia đình Việt Nam, cả những mặt được và chưa được, những thuận lợi và khó khăn… khi thích ứng, phát triển trong bối cảnh mới.
Trong bối cảnh đổi mới, giao lưu, hội nhập hiện nay, thực trạng gia đình Việt Nam nói chung và gia đình trẻ nói riêng đã biểu lộ những biến động sâu sắc, những hình thái, xu thế đa dạng. Có thể nói, chưa bao giờ gia đình Việt Nam và những thành viên của nó lại có sự phát triển, sức mạnh sáng tạo, sự tự chủ mạnh mẽ về đời sống trí tuệ, tinh thần, văn hóa, tính cá thể hóa cao độ như hiện nay… Và cũng chưa khi nào gia đình Việt Nam lại đứng trước những thử thách cam go, những tác động lớn của mặt trái kinh tế thị trường như hiện nay, cả về mặt kinh tế, xã hội lẫn văn hóa. Do đó, việc nghiên cứu mở rộng về gia đình, trong đó có gia đình trẻ, tìm mô hình và giải pháp xây dựng gia đình, góp phần phát triển xã hội trong bối cảnh mới ngày càng trở nên bức thiết.
Cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, gia đình Việt Nam truyền thống và hiện đại, với tất cả những vấn đề của nó, đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Mỗi vấn đề liên quan tới gia đình như khái niệm, quan niệm, lịch sử phát triển, hình thái, phương thức, vị thế, chức năng, nền tảng truyền thống, những vấn đề hiện đại, gia đình với tư cách là đơn vị xã hội, đơn vị kinh tế, đơn vị văn hóa, mối quan hệ nhà, làng, nước, nhân loại… đều đã được các nhà nghiên cứu, cũng như các nhà hoạt động thực tiễn, lật đi lật lại với những kiến giải có giá trị, tuy không hoàn toàn thống nhất hoặc đồng nhất. Từ góc độ văn hóa, chúng ta không chỉ nhìn nhận lại rõ hơn những gì đã được đề cập xưa nay, không chỉ dừng lại ở việc đánh giá vai trò của gia đình qua chức năng giáo dục, chức năng kinh tế, vai trò tiến bộ, sự tiếp cận với khoa học kỹ thuật, sự bình đẳng của các thành viên trong gia đình… Ta còn phải nhấn mạnh chức năng văn hóa, vai trò của gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa, phát triển văn hóa dân tộc trong giao lưu văn hóa quốc tế. Như vậy, hiện tại, có không ít vấn đề đang đặt ra trước mắt chúng ta trong việc xây dựng gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ, hoàn thiện, năng động… như một sức mạnh đáng kể để xây dựng xã hội, đất nước.
Trong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng mạnh mẽ, cũng như sự bùng nổ thông tin toàn cầu, ở Việt Nam đã và đang xuất hiện rất nhiều gia đình đa văn hóa, trở thành môi trường tổng hợp, hội tụ, chọn lọc văn hóa. Có lẽ vì thế mà đặc trưng của gia đình với tư cách là môi trường văn hóa đầu tiên của con người ngày càng được khẳng định. Trong gia đình trẻ, đặc trưng này càng nổi trội và trở thành phương diện đáng chú ý nhất trong nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn về gia đình. Cũng như thế, việc xây dựng văn hóa gia đình trong phát triển văn hóa xã hội, trong giáo dục thế hệ trẻ cũng được coi như là công việc tất yếu của không chỉ gia đình, nhà trường, mà còn của toàn xã hội.
Do đó, triển khai thực hiện đường lối của Đảng về việc toàn xã hội chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, “xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho mỗi gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người…” là một vấn đề hết sức quan trọng và hiển nhiên. Và, để thực hiện điều đó, không thể không đề cập tới mối quan hệ giữa gia đình và dân tộc trong mối tương quan truyền thống nhà – làng – nước.
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có quá trình phát triển riêng của mình. Sự phát triển của gia đình – tế bào xã hội, tế bào văn hóa – tất yếu không tách rời quá trình phát triển riêng đó. Vì lẽ đó, muốn hiểu được gia đình hiện đại, nhất thiết phải tìm về cội nguồn truyền thống, phải đặt gia đình, văn hóa gia đình trong mối quan hệ với văn hóa truyền thống dân tộc. Bởi lẽ trong xã hội Việt Nam truyền thống, gia đình là một văn hóa cơ chế nền tảng, và, suy cho cùng, động lực phát triển đất nước của người Việt được bắt nguồn từ mỗi gia đình. Cũng xuất phát từ nền tảng truyền thống đó, chúng ta có thể đề cập sâu hơn đến diện mạo, vị trí, chức năng, vai trò của gia đình trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam…. với tác động cũng như áp lực tích cực và tiêu cực, thuận chiều và trái chiều. Từ đó, vấn đề lại có thể mở theo hướng đưa ra những nhận định, chẳng hạn như: văn hóa gia đình xuống cấp hay không, xuống cấp thì căn cứ vào chuẩn mực văn hóa và đạo đức nào; để gia tăng chất lượng văn hóa gia đình thì cần tăng cường giáo dục văn hóa – đạo đức – thẩm mỹ thông qua nghệ thuật, tín ngưỡng, cách nhập thân văn hóa, giáo dục giới tính; ứng xử, giao tiếp văn hóa gia đình… như thế nào.
Tuy nhiên, để những nhận định cũng như biện pháp nêu trên có tính xác thực, khoa học, không thể không chú ý tới những vấn đề cụ thể hơn. Đó là những vấn đề về đặc điểm gia đình và gia đình trẻ hiện nay như: sự đa dạng hóa các mô hình gia đình; tính chất vận động của gia đình vừa là quá trình xã hội hóa, vừa đồng thời là quá trình cá thể hóa, vừa đề cao vai trò của người đàn ông, lại vừa đánh giá rất cao vai trò của người phụ nữ; vừa chú trọng tình cảm gia đình, vừa giữ gìn tình nghĩa xóm giềng; vừa thương yêu giáo dưỡng con trẻ, vừa kính trọng, chăm sóc người già; vừa chú trọng làm kinh tế hộ, vừa nâng cao cách thức, chất lượng tiêu dùng văn hóa, những thuận lợi, bức xúc của gia đình trẻ trong tình hình hiện nay…
2. Một số vấn đề về gia đình trẻ hiện nay
Xu hướng hạt nhân hóa gia đình ngày càng mạnh mẽ trên cơ sở bảo lưu và giữ gìn truyền thống, kết hợp thích ứng với lối sống hiện đại, đang làm gia tăng số lượng gia đình trẻ và đặt ra nhiều vấn đề khá bức xúc trong việc nhận dạng gia đình và văn hóa gia đình Việt Nam. Tình hình hôn nhân (kết hôn và ly hôn); vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trong việc sinh dưỡng, giáo dục con cái; việc thực hiện các chức năng gia đình trong bối cảnh đổi mới của đất nước hiện nay; thực trạng chính sách đối với việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ở từng địa phương cũng như trong cả nước… là những vấn đề cụ thể nhưng cũng hết sức nóng bỏng. Tuy nhiên, chúng ta không kỳ vọng vào việc đặt ra và giải quyết quá nhiều vấn đề mà gia đình cũng như gia đình trẻ Việt Nam đang bộc lộ, mà chỉ chú trọng một tiêu điểm: từ góc nhìn văn hóa, đánh giá một số vấn đề của gia đình nói chung, gia đình trẻ nói riêng, trong bối cảnh mới.
Trong hàng loạt vấn đề đó, có lẽ chức năng giáo dục thế hệ trẻ của gia đình là một vấn đề đáng chú ý. Vấn đề này lại càng đáng chú ý đối với các gia đình trẻ vì nhiều lẽ.
Trước hết là sự mong manh của hạnh phúc, bởi sự thay đổi về chất giữa giai đoạn yêu và hôn nhân. Khi mới bắt đầu cuộc sống gia đình, các bạn trẻ thường chỉ tận hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào một giai đoạn không lâu, ngay sau đó là bắt đầu những lo toan, trách móc, mà đôi khi nguyên nhân của sự đổ vỡ lại là những chuyện rất nhỏ như về nhà không đúng giờ, không có sự thống nhất, đồng thuận trong chi tiêu, mua sắm, thiếu quan tâm, chia sẻ những chuyện thầm kín…
Thứ hai, trong cuộc sống tất bật như hiện nay, quỹ thời gian của mỗi người cũng vì thế mà ngày càng trở nên eo hẹp hơn. Đặc biệt, với các gia đình trẻ ở thành phố, việc thiếu thời gian dành cho gia đình đã không còn là chuyện lạ. Thường thì quỹ thời gian và thời gian biểu của các gia đình trẻ hiện đại luôn ở trong tình trạng hiếm, thiếu, do phải cùng lúc căng tải ra cho rất nhiều việc. Vì vậy, dù sống trong cùng một nhà, có những trường hợp vợ chồng cả tuần không nói chuyện hay ăn với nhau một bữa cơm. Còn con cái cũng hiếm khi được bố mẹ cho đi chơi hay dành thời gian dạy chúng học. Và rồi chính nguyên nhân này khiến cho không ít các gia đình trẻ không cảm nhận được thế nào là sự ấm áp, là hạnh phúc gia đình.
Thứ ba, các chuyên gia tâm lý đã cảnh báo rằng, tình trạng vợ chồng không tìm được sự đồng nhất với nhau trong chi tiêu, cân đối tài chính, chăm sóc, dạy bảo con cái và cả những chuyện thầm kín… sẽ rất dễ khiến không ít gia đình trẻ đứng trước bờ vực của sự tan vỡ. Không ít người đã ly thân, ly hôn chỉ vì những lý do rất… khó chấp nhận, như ghen tuông, tính tình không phù hợp, hoặc quá đề cao công việc của mình mà coi thường và xem nhẹ công việc của đối phương. Đặc biệt, những người nắm kinh tế trong gia đình thường có tính thích chỉ đạo và đề cao mình. Họ luôn cho rằng công việc của mình là quan trọng và có ý nghĩa nhất. Điều này vô tình mang lại cho người bạn đời sự tự ti, mặc cảm, dẫn đến rất nhiều hiểu lầm, gây rạn vỡ gia đình…
Vậy nên, xét cho cùng, giáo dục, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình trẻ thích ứng được với nhau để trẻ em nhập thân vào môi trường sống của chúng chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của gia đình trẻ. Có thể coi sự nhập thân văn hóa của các thành viên trong gia đình trẻ chính là quá trình tiếp thu giáo dục, tự giáo dục trong các môi trường văn hóa, trong đó phải kể đến ba môi trường cơ bản mà chúng ta thường nói: gia đình, nhà trường và xã hội. Khó có thể khẳng định môi trường nào có tầm quan trọng hơn hẳn, song, càng ngày, khi vị trí của gia đình càng nổi trội, người ta có xu hướng cho rằng giáo dục gia đình, cũng như sự nhập thân văn hóa của trẻ em trong gia đình, là vấn đề tiên quyết để hình thành nhân cách cá nhân trong cuộc sống.
Như vậy, thực chất vấn đề giáo dục văn hóa của các thành viên trong gia đình trẻ chủ yếu xoay quanh hai khía cạnh: giáo dục nhân cách cá thể và quan hệ ứng xử giữa các thành viên.
Gia đình Việt Nam hiện nay không quá đặt nặng chức năng tái sản xuất – duy trì nòi giống, mà tập trung vào việc xây dựng gia đình như là môi trường giáo dục, môi trường văn hóa chủ yếu và đầu tiên đối với trẻ em, nhằm trao truyền và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Gia đình cũng là cái nôi, đồng thời là cầu nối trẻ em với nhà trường và xã hội. Mỗi gia đình, mỗi kiểu gia đình lại có những nếp văn hóa, cách trao truyền và giáo dục khác nhau. Điều này khiến cho gia đình, dù chung một khuôn mẫu, chuẩn mực, mục đích… cũng không bao giờ trở nên tẻ nhạt. Và, trong việc giáo dục gia đình, thì trẻ cũng không bao giờ giống hệt nhau về quá trình thích ứng, phương pháp tiếp thu… Ngay từ buổi chào đời, trẻ em đã nhận biết rằng gia đình chính là môi trường tốt, an toàn và văn hóa nhất nuôi dưỡng tâm hồn, thể chất chúng. Trong suốt quá trình vận động, phát triển bản thể, dù ở giai đoạn trong nhà trường hay đã ra ngoài xã hội, trẻ em tiếp tục khẳng định: gia đình là trường học đầu đời của con người, giữ vai trò chủ yếu trong việc giáo dục nhân cách từ thuở ấu thơ đến khi từ giã cõi đời.
Quá trình giáo dục gia đình được thực hiện theo cơ chế: tiếp nhận giáo dục – tự giáo dục – tham gia giáo dục, trong đó tiếp nhận giáo dục là cơ bản. Với đối tượng là trẻ em, quá trình giáo dục còn gắn chặt với quá trình nhập thân văn hóa dưới nhiều màu sắc. Nhiều em nghiêng về tiếp nhận tính chất nuôi dưỡng, nhiều em lại nghiêng về tiếp nhận tính chất giáo dục. Dấu ấn của từng kiểu tiếp nhận, hấp thụ này sẽ hằn sâu và có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách trẻ sau này. Chỉ có sự hòa hợp nhuần nhuyễn giữa hai mặt đó, sao cho nuôi dưỡng tạo nền tảng vật chất, thể chất; giáo dục tạo nền tảng văn hóa tinh thần thì mới tạo được nhân cách hoàn chỉnh.
Trong gia đình trẻ, sự gắn bó giữa tiếp nhận giáo dục, tự giáo dục và tham gia giáo dục một cách uyển chuyển sẽ không chỉ tạo cho trẻ em một cơ chế tiếp nhận, đánh giá, phản hồi, thu lượm, lọc bỏ, mà còn tạo mối quan hệ qua lại, gắn bó giữa các thành viên khác. Trong vấn đề này, cần hết sức chú trọng thái độ trao truyền và thái độ tiếp nhận. Các bậc cha mẹ trẻ cần nhận thức rõ rằng: trẻ em không chỉ chịu sự giáo dục một chiều, mà còn tham gia ở từng mức độ vào quá trình giáo dục đó. Đây là một vấn đề rất quan trọng vì các ông bố, bà mẹ trẻ luôn có hành vi áp đặt những gì mà mình có, mình nghĩ cho trẻ em, bất chấp sự vận động, thay đổi của thực tiễn cuộc sống. Nhiều người lớn, trước kia cũng là đối tượng tiếp nhận giáo dục từ thế hệ trước họ, có nhược điểm là hay có thái độ gia trưởng, độc đoán, một chiều, thiếu tôn trọng đối tượng giáo dục. Thực tế mâu thuẫn giữa các thế hệ cũng từ đây mà ra. Dù rằng gia đình trẻ ngày nay có thể cần và phải tiếp nối nhiều cái có ích mà gia đình xưa để lại, song, về mặt nguyên tắc, cũng không bao giờ được quên rằng cuộc sống gia đình trẻ hiện đại có nhiều điều khác với cuộc sống gia đình cổ truyền. Mối quan hệ ngày càng dân chủ và bình đẳng giữa các thế hệ, các thành viên, giữa cha mẹ và con cái đòi hỏi sự tiếp nhận giáo dục phải có hai chiều, hợp lý, ở mức độ phù hợp nhất định. Trong thực tế, ở một số gia đình, có không ít hiện tượng thanh niên, trẻ em gương mẫu, tích cực, có tác dụng giáo dục trở lại bố mẹ, người lớn. Sự giáo dục trở lại này có được, trước hết phải nhờ vào nhân cách cá thể, khả năng tự giáo dục theo chuẩn mực văn hóa của từng con người, tức khả năng độc lập, tự chủ, bản lĩnh văn hóa của từng người trong mối quan hệ với gia đình, cộng đồng và môi trường xã hội.
Về mặt hình thức, sự giáo dục tập thể (trong môi trường gia đình là toàn bộ các thành viên gia đình) là vấn đề quan trọng, rộng lớn. Nghĩa là, phải tạo ra được một hình thái giáo dục chung, trong đó mỗi thành viên đều được giáo dục, đều tham gia vào quá trình giáo dục. Hình thức giáo dục chung đó có thể coi là nền nếp gia đình (gia phong, gia giáo, gia lễ…), chí ít cũng là những quy ước về một tổ chức, trật tự mà mỗi thành viên tự nguyện thực hiện. Hình thức giáo dục cá nhân tốt nhất là giữ cá nhân ở trong tập thể một cách tự nguyện, tự giác. Như vậy có nghĩa là làm sao cho cá nhân có nguyện vọng được sống, được hòa nhập trong tập thể và tập thể (gia đình) cũng tình nguyện dung nạp cá nhân đó. Ở Việt Nam, đây là hình thức rất quan trọng và phù hợp. Bị loại trừ ra khỏi gia đình (bố mẹ từ con, con xung đột với bố mẹ, bố mẹ ly thân, ly hôn), xưa nay vẫn là một cái gì đó khó có thể chấp nhận được đối với người Việt.
Trong gia đình trẻ, trẻ em được giáo dục nhận thức lý tính và cảm tính, lý trí và cảm xúc ở thời điểm quan trọng đầu đời, khi mà bố mẹ chúng chắc chắn chưa hội đủ kinh nghiệm cũng như tri thức sống. Vì thế, đây là giai đoạn cần được đặc biệt chú trọng trong giáo dục gia đình. Về mặt thực tiễn, trẻ em được rèn luyện qua giáo dục lao động, học tập, giáo dục hoạt động rỗi (ăn, ngủ, chơi,…). Trong đời sống, việc dạy dỗ trẻ em, cũng như việc trẻ thu nhận điều hay lẽ phải, đều gắn bó trong một thể thống nhất, thể hiện ở hình thức học và hành, vừa học, vừa hành. Ngoài việc thu nhận kiến thức khoa học và văn hóa, lao động, học tập, trẻ em ngày càng có xu hướng thể hiện nhân cách qua hoạt động rỗi (nghỉ ngơi, giải trí, xem văn hóa nghệ thuật, đọc sách…). Rất nhiều em bộc lộ năng khiếu qua hoạt động rỗi, vì thế các bậc cha mẹ rất cần chú ý tới vai trò của hoạt động đó, của trò chơi, đồ chơi trong việc giáo dục tư duy, hiểu biết, nhân cách trẻ.
Trong giáo dục nếp sống gia đình, có một sự thật là không ít gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ hiện nay, do có điều kiện kinh tế nên đã chiều chuộng vô điều kiện ý thích của trẻ em, thuận theo xu hướng phát triển tự do tự phát của chúng, từ lúc lọt lòng đến tuổi vị thành niên. Và cũng khá nhiều gia đình đã phải chịu hậu quả của cách chiều chuộng thiếu khoa học ấy. Trẻ muốn gì cũng đáp ứng, trẻ đòi hỏi gì cũng cố gắng thỏa mãn dù không đủ điều kiện kinh tế và tình cảm. Việc đó không những tạo cho trẻ em cách hưởng thụ sai lệch, mà còn trở thành tác nhân không tốt cho hành vi của trẻ trong những năm tháng dài sau này. Nó xa lạ với mục đích giáo dục thông qua ba môi trường là đào tạo cho tương lai những con người phát triển toàn diện, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng, đồng thời phải có đạo đức, óc thẩm mỹ, lối sống đẹp, lành mạnh. Vì thế, việc giáo dục nếp sống văn hóa cho trẻ em là nhu cầu vô cùng cần thiết, được tiến hành liên tục, lặp đi lặp lại, từ khi nằm trong bụng mẹ đến tuổi thành niên, thậm chí cho đến hết cuộc đời.
Nếp sống văn hóa là cả một vấn đề rộng lớn, muôn mặt, bao hàm toàn bộ hoạt động của đời sống con người và có thể được xét dưới bất kỳ góc độ nào. Giáo dục nếp sống văn hóa cho trẻ em lại càng phức tạp. Từ vấn đề nuôi dưỡng đến rèn luyện thể mỹ, từ cách đối xử trong gia đình, nhà trường, xã hội đến tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật, từ kỹ năng lao động, học tập đến cách thức nghỉ ngơi, giải trí…, không có vấn đề nào là kém quan trọng hơn. Đối với gia đình trẻ, vấn đề này lại càng trở thành nhu cầu cấp thiết nhằm tạo điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc, dài lâu.
Ở trẻ em, ý thức đạo đức cũng như các biểu hiện ý thức khác hình thành rất sớm, bắt đầu từ tất cả mọi cái, thậm chí rất nhỏ. Nó có thể bắt nguồn từ một biểu hiện thay đổi của tự nhiên như mặt trời mọc, mây bay, gà kêu, chim hót…; lại có thể từ một biểu hiện tình cảm của ông bà, cha mẹ như ru con, nựng yêu, quát mắng, đánh chửi, cư xử với nhau… Và dần dần, cùng với sự phát triển cao dần của ý thức, những trạng thái cuộc sống được ghi nhận, đánh giá, phân tích thông qua trí não và trái tim của trẻ em, trở thành cái lõi nhân cách của chúng. Trong môi trường tốt mà mọi cách giao tiếp của người lớn tỏ ra hòa thuận, đúng mực, có văn hóa, thì trẻ sẽ tiếp thu được tính chất giao tiếp đó, rồi sẽ cư xử y hệt như người lớn. Ngược lại, môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chất lượng con người của trẻ em. Vì thế mà môi trường gia đình đối với trẻ em vô cùng quan trọng. Một khi đã giữ vai trò là tấm gương soi của trẻ em thì trách nhiệm giáo dục của các bậc làm cha mẹ là vô cùng lớn.
Giáo dục trẻ em là cả một quá trình lâu dài và được bắt đầu từ rất sớm. Nó trộn lẫn tất cả các mặt: đạo đức, khoa học, kỹ thuật, tri thức, tình cảm, thẩm mỹ… Nó được thể hiện ra bằng những tiêu chuẩn đơn giản, dễ hấp thu như: sống lương thiện, không làm điều ác, sống phải đẹp, khỏe về hình thể, tâm hồn, phải nắm được cách thức hiểu biết sự vật và lao động, học tập; phải yêu thương cha mẹ, ông bà, anh chị em… và mọi người xung quanh; phải biết quan tâm tới văn hóa nghệ thuật, biết ca, múa, hát, biết cư xử đúng mực với bạn bè, thày cô, người thân…
Sống trong cuộc đời, trong tự nhiên và xã hội này, đối với trẻ em là cả một vấn đề lớn lao, mới mẻ. Từ bước chập chững đến khi trưởng thành, trẻ em cần thiết phải được chú trọng nâng đỡ, dìu dắt, khuyến khích và dạy dỗ. Tập cho trẻ em nếp sống có trật tự, có văn hóa đã trở thành nhu cầu không chỉ của mỗi một gia đình. Tương lai xã hội sẽ ra sao chính là do các thế hệ trẻ em sẽ quyết định sau này. Nhưng chúng ta có thể can thiệp vào tương lai bằng hệ thống giáo dục vừa nhân ái vừa nghiêm khắc, vừa kỷ luật vừa khuyến khích sáng tạo, vừa nền nếp vừa tôn trọng đời sống tư duy và tình cảm của trẻ… với mục đích tối cao là phát triển, hoàn thiện nhân cách con người ở chúng.
Tóm lại, từ một cái nhìn khái quát, đa chiều về gia đình cũng như gia đình trẻ ở Việt Nam với những nét được và chưa được, những thuận lợi và khó khăn của nó trong bối cảnh phức tạp của thời hiện đại, chúng tôi cho rằng: mọi vấn đề, bức xúc nảy sinh trong sự chuyển động của gia đình trẻ hiện nay sẽ có cơ sở được giải quyết khi chúng ta chú trọng tới giáo dục gia đình trẻ ở tất cả các chiều cạnh. Trong đó, tất cả các thành viên đều thấm nhuần cơ chế: giáo dục – tự giáo dục – tiếp nhận giáo dục trong mối quan hệ ứng xử vừa tôn ti trật tự, vừa tràn ngập yêu thương.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016
Tác giả : NGUYỄN HƯƠNG LY
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Đám cưới của người tày ở xã tô hiệu, bình gia, lạng sơn
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội