Thiên nhiên trong thơ Rabindranat Tagore


Rabindranat Tagore (1861 – 1941), thiên tài thơ ca Ấn Độ TK XX, giải Nobel 1913 cho tập Thơ Dâng. Hình tượng thơ thiên nhiên trong thi phẩm R. Tagore là sự tiếp biến quan niệm thiên nhiên từ văn hóa văn học truyền thống Ấn Độ. Bà mẹ thiên nhiên vĩ đại tròn đầy viên mãn trong thơ R. Tagore. Mối quan hệ Thiên nhiên – Con người trong thơ ông đã diễn tả tinh tế sự kỳ diệu, biến ảo của tâm hồn Ấn Độ mộ đạo.

    Mượn cảnh tả tình, qua thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng là nét đặc thù của văn hóa, văn học phương Đông. Ở đó, thiên nhiên là một tấm gương, nếu soi vào, ta sẽ thấy được tâm hồn của mình. Với văn hóa Ấn Độ, từ truyền thống đến hiện đại, thiên nhiên mang dáng vẻ riêng, đặc biệt hơn. Thiên nhiên Ấn Độ được thể hiện như một yếu tố có nhân tính, được tôn thờ như thần, là bà mẹ thiên nhiên vĩ đại, biểu tượng của sự im lặng giản đơn, trong trắng.

    Vì thế, thiên nhiên trong văn hóa, văn học Ấn Độ là phương tiện quan trọng để biểu cảm, là một nhân vật trữ tình, được nhân hóa như một người bạn tâm tình. Cảnh vật không còn là đối tượng vô tri, vô giác mà cùng đồng cảm, chia sẻ buồn vui với con người. Ngoại cảnh trở thành tâm cảnh một cách có ý thức. Kinh Upanishad đã luận giải về cuộc sống hữu hạn, mối tương quan Con người – Thiên nhiên; về sự hòa đồng giữa con người với các thực thể tự nhiên. Mối tương quan, sự hòa đồng này sẽ đưa con người đến sự giải thoát: “Đời sống của loài người là một cuộc sáng tạo, là ý nguyện vươn tới chiến thắng sức kháng cự của chất liệu chết, là ước mong khám phá ra được tất cả những điều bí ẩn của vật chất của nó phải tuân theo ý muốn của con người, để phục vụ cho hạnh phúc của con người” (1).

     Tình yêu thiên nhiên, sự hòa hợp thiên nhiên – con người là bản sắc văn hóa, là cội nguồn cảm hứng trữ tình, duyên cớ của những xúc cảm trong thơ trữ tình Ấn Độ. Đó cũng chính là điểm khởi đầu cho sự sáng tạo thơ ca Ấn Độ từ truyền thống đến hiện đại. Kế thừa văn hóa truyền thống, thiên nhiên hiện diện trong thơ R. Tagore như một người bạn tri kỷ. Tâm hồn nghệ sĩ tài hoa của nhà thơ rất mẫn cảm với vẻ đẹp thiên nhiên. Ông gọi khả năng cảm nhận đặc biệt này là tài sản lớn nhất của mình: “Thật là một diễm phúc cho tôi là khi nào cũng ý thức được các sự kiện của thế giới quanh mình. Rằng mây là mây, hoa là hoa, thế là đủ vì chúng trực tiếp ngỏ lời với tôi, vì tôi không thể hờ hững với chúng” (2).

     Một trong những nguyên nhân để tác tạo thành thứ khả năng đặc biệt ấy chính là những chuyến du lịch, những buổi hội thảo, các cuộc meeting, nhiều chuyến đi thực tế ở Hymalaya cùng với cha. Cậu bé Tagore đã khắc sâu ảnh hưởng của cha mình đối với việc hoàn thiện nhân cách, năng lực sáng tạo của bản thân. Có lẽ vì thế mà tình yêu thủy chung, sự gắn bó thâm tình với thiên nhiên đã trở thành nét nổi trội trong cá tính sáng tạo văn học nghệ thuật của ông. Nhà thơ không chỉ ngắm nhìn, thưởng ngoạn thiên nhiên mà còn nồng ấm một tình yêu đối với vạn vật trong vũ trụ. Bởi với ông, thiên nhiên là hiện thực trong sạch, là đối tượng lý tưởng, người bạn dịu dàng tình tứ để gửi gắm, bày tỏ những cảm xúc trữ tình: “Nhà nghệ sĩ là người tình của thiên nhiên. Tuy vậy anh ta cũng vừa là nô lệ, lại vừa là chủ nhân của thiên nhiên nữa” (3). Về điều này, nhà Ấn Độ học D.Sarma cũng đã khẳng định: “Không một thi sĩ Ấn Độ nào từ thời Veda lại nhiệt thành cảm thấy sự hiện diện của thiên nhiên bằng Tagore”.

     Hầu hết tên các tập thơ của R. Tagore là những hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ rất đặc biệt như: Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu, Cánh thiên nga, Những con chim bay lạc, Mùa hái quả, Trăng non, Con thuyền vàng, Tiếng hát buổi chiều…; còn trong từng bài thơ thì tràn ngập một không gian rừng núi, sông hồ, làng quê, đồng ruộng… thoáng đãng, huyền ảo, một bầu thi quyển vô cùng trữ tình. Nhà thơ trân trọng, đồng thời tỏ rõ tham vọng của mình trước vẻ đẹp huyền ảo, quyến rũ của thiên nhiên. Thông qua hình tượng thơ thiên nhiên, Tagore mong muốn độc giả cảm nhận sâu sắc hơn, toàn diện hơn vẻ đẹp ấy. Đây cũng chính là tặng phẩm tình yêu của ông gửi đến cho muôn người.

     Thơ Tagore thể hiện một cảm thức sâu xa về vẻ đẹp, về sự giao hòa của thiên nhiên đối với con người. Nhà thơ nhận biết sự biến chuyển tinh tế của vạn vật để rồi diễn tả xác thực các trạng thái tâm trạng của cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình: “Chúng tôi có một khu vườn nhỏ tiếp liền với nhà chúng tôi; đối với tôi nó là mảnh đất thần tiên, hằng ngày hiện ra không biết bao nhiêu vẻ đẹp kỳ diệu. Hầu như buổi sáng nào tôi cũng dậy thật sớm, chạy ra khỏi giường để vội vàng chào đón cả một mảng hồng đầu tiên của bình minh… Tôi lo lắng không bao giờ để quên mất một buổi sáng nào, vì mỗi buổi sáng đều quý cho tôi, còn quý hơn vàng của đối với một kẻ cùng khổ” (4).

     Ở hai tập thơ Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu, thiên nhiên tròn đầy viên mãn, thực hiện chủ đích của nhà thơ là trở thành một loại ngôn ngữ của nhân vật trữ tình. Đời sống nội tâm nhân vật bộc lộ tinh tế trong không gian tự nhiên, đôi lúc mang tính chọn lọc biểu trưng. Kinh Veda cũng đã khẳng định từ xa xưa: “Tình yêu là mầm mống ban sơ của tinh thần”. Như vậy, thiên nhiên đã trở thành nhân tố quan trọng trong hai tập thơ tình này, nó hòa vào triết lý nhân sinh của ông, vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp có chủ đề tình yêu cao cả, thánh thiện của con người.

    Với Tagore, vạn vật trong vũ trụ là nhất thiết bình đẳng, không phân loại hình ảnh cao quý hay hèn hạ, không có sự ám chỉ hay khinh thị khi gọi tên chúng. Quan hệ con người – thiên nhiên hài hòa, bình ổn. Điểm nhìn của nhà thơ phải đạt đến vô ngã thì mới có thể đồng nhất với tự nhiên:

Bãi sa mạc hùng vĩ

Đang cháy lên bởi tình yêu của một ngọn cỏ

Đầu lắc lư, vừa cười, vừa vỗ cánh bay xa (5)

     Tagore đã lý giải minh bạch cho tư tưởng triết lý, quan điểm thơ ca của ông, đạt đến sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên là thoát ra được mọi ràng buộc, đau khổ, đạt tới sự giải thoát, đạt tới chân lý tuyệt đối: “Đối với chúng tôi, điều cần thiết là phải hòa đồng với thiên nhiên ấy; con người sở dĩ tư duy được là vì tư tưởng của mình phù hợp với các sự vật. Con người sở dĩ được các hiện tượng thiên nhiên theo ý mình, chính chỉ vì sức mạnh của mình phù hợp với sức mạnh của vũ trụ” (6).

     Thiên nhiên trong thơ R.Tagore đã minh chứng mối tương quan giữa con người và tự nhiên là vô cùng bí mật. Và cũng chính ông đã giải mã sự bí ẩn đó. Theo nhà thơ, sự hòa hợp tiểu ngã – đại ngã là đạt đến nhất tính trong tình yêu. Một khi được soi mình trong thiên nhiên, được yêu thiên nhiên bằng một tình yêu mãnh liệt thì con người sẽ ý thức sâu sắc hơn niềm vui và nỗi đau khổ của mình:

Giọt sương nói với mặt hồ

Ngươi là giọt sương to nằm dưới lá sen

Ta là giọt nhỏ nằm trên lá (7)

    Qua hình tượng thơ, Tagore lý giải phạm trù Cá nhân – Vũ trụ (Atma – Brahman) trên bình diện triết học. Thiên nhiên – Con người được đặt trong sự thống nhất hòa đồng. Tinh thần Ấn Độ, công nhận mối quan hệ bất biến, đặc biệt này, được nhà thơ diễn giải triệt để: nếu mỗi chúng ta không ý thức được sự liên hệ giữa bản thân mình với thế giới tự nhiên thì chẳng khác gì cuộc sống tù ngục, giữa bốn bức tường đá lạnh lẽo, thù nghịch. Chỉ trong sự thống nhất, hòa đồng với vạn vật, con người mới khám phá trọn vẹn ý nghĩa của trần thế hữu hạn, của quy luật sinh tồn.

     R.Tagore tiếp nhận triết lí veda, upanishad bằng một tư duy sắc bén, sự sáng tạo đặc biệt, để khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa con người với thiên nhiên. Ở bất kỳ thể loại nào, không chỉ riêng thơ ca, mối quan hệ này đều được nhà thơ thể hiện bằng một tư tưởng chủ đạo: sự nhất thiết bình đẳng. R.Tagore nói về sự hòa hợp giữa cái bình thường với cái cao cả của vạn vật trong vũ trụ bằng các hình ảnh tượng trưng: “Trong sân chầu vũ trụ” – nơi toàn vẹn của chân lý thì: “Chiếc lá cỏ, cùng ngồi chung một thảm với ánh mặt trời và sao sáng trong đêm” (8).

     Như vậy, thơ R.Tagore là sự liên thông sâu sắc giữa con người với vạn vật vũ trụ, là sự hòa nhập vào những rung động tuyệt vời của thiên nhiên. Nhà thơ quan niệm, tự nhiên nằm trong chính con người, nếu dùng trí tuệ trộn lẫn với tự nhiên thì ở đó, con người sẽ tìm thấy sự tồn tại của mình.

     Thơ ca R.Tagore là sự giao tiếp thâm tình, hằng cửu giữa linh hồn cá thể với linh hồn vũ trụ. Con người – thiên nhiên hòa làm một trong niềm vui của sự vận động, biến đổi, vũ điệu kỳ ảo của cuộc sống. Trong thiên nhiên, con người tìm thấy thực chất của tình yêu, sẽ không tìm thấy dù chỉ một mảnh vỡ nhỏ sự đối kháng con người – thiên nhiên trong thơ ông. Được sống, được yêu trong cuộc đời đan dệt bằng những sợi tơ của niềm vui, đau khổ là hạnh phúc vô tận đối với R.Tagore. Ông không muốn giã từ mặt đất rạng rỡ nắng, ước ao được sống mãi giữa khu rừng nở rộ hoa:

Cõi trần vỗ vào đời tôi như một dòng nước lũ

Và hoa, trong người tôi, nở rộ

Tất cả sức trẻ tươi của đất và của nước đã bốc lên như hương khói trong tim ta…(9)

     R.Tagore thừa nhận, và trên thực tế, ông đã chịu ảnh hưởng rất lớn của văn chương châu Âu với các nhà văn nhà thơ tên tuổi như Dante, Heine, Goethe, Milton, Shakespeare… Nhưng dường như cách nhìn nhận, miêu tả thiên nhiên của văn chương phương Tây không làm thay đổi quy tắc đặc trưng của thơ ca phương Đông và Ấn Độ trong thi phẩm của R.Tagore. Nhà thơ nói về mức độ ảnh hưởng này với một thái độ rõ ràng, chúng ta sử dụng văn học phương Tây như một món ăn chứ không phải như một gánh nặng. Sự ảnh hưởng này không làm nhà thơ đánh mất mình, mà giúp ông khẳng định thêm cá tính sáng tạo trong việc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc: “Chúng ta sẽ học được rằng, chúng ta có thể vươn tới thế giới lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xóa mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình” (10).

_____________

1. Veda, Upanishad – những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ, Doãn Chính (biên soạn), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001.

2, 4, 6, 10. R.Tagore, Thực nghiệm tâm linh, Nxb Kinh Thi, Sài Gòn, 1973, tr.79, 204, 13, 191.

3, 5, 7, 8, 9. Đào Xuân Quý, Thơ R.Tagore, Nxb Văn học, Hà Nội, 1979, tr.79, 174, 179, 120, 164.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Thủy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *