Thiên nhiên và không gian cư trú truyền thống ở đồng bằng sông cửu long


Lịch sử nền văn minh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên với đỉnh cao là giai đoạn Óc Eo – Phù Nam (TK I-VII). Trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, vùng châu thổ hạ lưu sông Mêkông dường như bị lãng quên, chìm vào giấc ngủ dài tới cả thiên niên kỷ. Trong một công trình nghiên cứu gần đây, ông Pascal Bourdeaux, giảng viên Đại học Sorbonne (Paris), đưa ra nhận định: “Vùng đồng bằng (sông Cửu Long) đã thực sự cất cánh nhờ những người Việt tiên phong, năng động… từ TK XVII đến khai hoang vùng đất rừng đầy dịch bệnh, chinh phục các đầm lầy, thiết lập thôn ấp, và kiến tạo nên một nền kinh tế đa dạng và một xã hội hỗn dung tách rời khỏi khuôn mẫu truyền thống của Việt Nam”.

ĐBSCL thuộc tiểu vùng văn hóa tây Nam Bộ và chiếm phần lớn diện tích của cả Nam Bộ. Nơi đây có địa hình rất bằng phẳng, thấp ngang mực nước biển, có nhiều vùng đất trống bùn lầy, ngập sâu vào mùa mưa cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt. Do sự tác động lẫn nhau của các yếu tố thiên nhiên sông, rạch, biển, đất tạo nên sự đa dạng về sinh thái cho vùng đất này; trong đồng bằng có vùng núi, vùng biển, vùng rừng đước nguyên sinh, vùng phù sa nước ngọt… Đất đai phì nhiêu tạo điều kiện cho con người sinh sống, khai phá, phát triển và có nhiều cơ hội làm ăn. Thiên nhiên ở miền tây Nam Bộ rất tươi tốt do khí hậu thuận lợi cho sự sinh trưởng của thực vật. Nơi đây xưa từng có dòng lúa nổi, còn được gọi là lúa trời, vì cư dân không phải gieo cấy. Những hạt lúa chín rơi rụng, bị kết cứng trong bùn khô vào đầu mỗi mùa nắng sẽ nảy mầm khi mùa mưa đến. Cây lúa lớn mạnh theo từng con lũ trong khi các cây cỏ khác bị chết ngộp không theo kịp nước, và về cuối mỗi mùa lụt thì chúng đơm bông, kết hạt cứng chắc, nặng trĩu.

Cư dân bắt đầu kết cây tạo thành những nơi cất trữ hạt lúa ở ngay giữa vùng thu hái, lâu dần, tạo ra kiểu nhà sàn vừa để cư trú vừa làm kho tích trữ lương thực cho đến vụ sau. Nhà sàn được dựng ở nơi thế đất cao bên cạnh đường nước nên trong các mùa lụt, thú rừng cũng lấy đó làm nơi tụ tập tránh lũ… Theo thời gian và địa hình cũng như điều kiện môi trường sinh thái, đa dạng các hình thức nhà ở khác nhau được tạo dựng, kèm theo đó là đa dạng loại hình cư trú đặc trưng ở vùng đất này.

 Nam Bộ là vùng đất mới hình thành nên kiến trúc và nhà ở truyền thống có những yếu tố chịu ảnh hưởng và cải tiến từ miền Bắc, miền Trung. Do đất rộng, người thưa, khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú màu mỡ, thường được coi là mảnh đất làm chơi, ăn thật, nên điều kiện sống và tạo lập không gian cư trú dễ dàng. Nhà cửa không cần chắc chắn, bền vững như ở miền Trung hay bao che xung quanh để che chắn mưa lạnh như phía Bắc.

Các điểm cư dân nằm thành cụm, xóm theo các khu vực có kênh rạch, hòa hợp trong môi trường thiên nhiên. Hướng nhà thường là đông, đông nam hoặc nam, nếu gặp trục lộ giao thông hoặc ven sông rạch thì không chọn hướng. Kiến trúc nhà thuộc dạng bán kiên cố, mặt bằng bố trí đơn giản gồm sân, vườn rau, cây ăn trái, chuồng nuôi gia súc, công trình phụ, khu vệ sinh.

Đất cư trú của vùng Nam Bộ gọi là điềnthổ. Điền là đất ruộng lúa, có hai loại: sơn điền (là đất núi, cao ráo) và thảo điền (đất thấp, có nhiều cỏ) và dù là đất làm ruộng nhưng vẫn có một số dân dựng nhà cư trú trên đó. Thổ là đất trồng hoa màu và làm vườn, trong đó thổ trạch là đất nền làm nhà, còn gọi là thổ cư. Tùy loại đất mà có những dạng kiến trúc nhà ở khác nhau; phân theo cấu tạo nền có: nhà sàn, nhà trên nền đất, nhà nửa sàn nửa đất, nhà nổi trên sông.

Nhà ở nơi đây phổ biến là 3 gian 2 mái, có chái ở một hoặc cả hai phía. Trong nhà, có gian sinh hoạt dành cho thờ tự và tiếp khách, được bố trí đồ đạc đăng đối, tạo sự trang trọng và các gian phòng riêng. Các kiểu kiến trúc nhà cơ bản bao gồm:

Nhà chữ đinh: nhà phụ đặt cạnh một bên nhà chính.

Nhà xếp đọi: nhiều lớp nhà nối tiếp nhau theo chiều sâu, tạo thành nhiều lớp mái gấp khúc, các mái nối liền nhau, gian chính để tiếp khách và khi có đại sự, gian sau là nơi sinh họat gia đình, chỗ ở của con cái, bếp ăn kết hợp kho lúa, có cửa sau riêng để vào bếp.

Nhà bát dần: nhà có ngôi nhà chính được phát triển theo kiểu có 1-2 mái ở hai bên.

Nhà thảo bạt ven sông: nhà phụ liền kề nhà chính, hai sống mái song song nối với nhau bằng máng xối.

Khi liên kết với môi trường thiên nhiên, các kiểu nhà trên tạo thành hai loại hình cư trú: đơn cư là loại nhà bám theo một dạng địa hình nhất định như nhà đất, nhà sàn, nhà nổi trên sông; lưỡng cư là loại nhà có một phần bám vào nền đất, một phần sàn vươn ra mặt sông, thường thấy ở Cao Lãnh, Tháp Mười, bao gồm lớp thứ nhất ở mép sông, có một nửa nằm trên bờ, một nửa vươn ra sông, lớp nhà ngoài mé sông để đi lại, hoạt động trên mặt sông.

Hướng nhà thường quay ra mé sông nước hay trục giao thông. Nhà ven sông rạch có bế cầu phía trước để neo ghe thuyền; có nhà còn đào thông mương cạnh nhà để tiện vận chuyển thóc lúa, nông sản từ ruộng vườn vào tận nhà.

Tùy theo điều kiện địa hình, diện tích điển thổ, khả năng kinh tế mà ngôi nhà dân gian ĐB SCL gồm các thành phần cổng, sân, nhà ở, vườn cây ăn trái, khu làm kinh tế phụ, khu vực chăn nuôi (chuồng trâu, bò, nuôi gia súc), khu nhà phụ (để sinh hoạt, bếp, nhà vệ sinh, để nông cụ).

Cổng vào nằm lệch bên so với mặt tiền nhà, tránh mở thẳng vào cửa chính nơi có không gian thờ cúng. Nhà được ngăn cách với hàng xóm bởi mương, rạch nước hoặc hàng rào cây leo pha tạp.

Nhà chính và nhà phụ liền kề nhau hoặc xây dựng quanh khu vực sân chính. Ở vùng đất thổ canh còn có ao nằm lệch phía trước hoặc bên hông nhà. Xung quanh và bên trong khuôn viên vườn có hệ thống đê bao, mương chống nước lũ cũng như rút nước chống ngập úng cho nhà và vườn cây.

Khu sản xuất phụ hoặc kho chứa lúa, củi, để nông cụ,… thường được bố trí gần khu bếp, nhà phụ. Khu vệ sinh tắm rửa thường nằm biệt lập phía sau, không gắn với nhà chính và được làm bằng vật liệu tạm.

Điều kiện thiên nhiên Nam Bộ thuận hòa, ít bị tác động bởi thời tiết khí hậu hay có thời tiết đông lạnh, hè nắng nóng khắc nghiệt như miền Bắc và miền Trung. Bên cạnh đó, do đất đai rộng mênh mông, màu mỡ phì nhiêu, việc trồng trọt dễ dàng thuận lợi, không quá vất vả nhọc nhằn nên đến khi đất bạc màu gặp khó khăn, người dân dễ dàng bỏ đi tìm vùng đất mới tốt hơn. Hai điều kiện tự nhiên khách quan nói trên đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý không tính chuyện sinh sống quá lâu dài ở một vùng đất nào và việc xây dựng nhà cửa có phần đơn giản, không cần chắc chắn, không chăm chút cầu kỳ như miền Bắc và miền Trung. Diện tích đất và quy mô nhà ở thường rộng lớn, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, không bị bó buộc bởi luật lệ, quy ước của tầng lớp, quan lại phong kiến như miền Bắc và miền Trung. Đó là điểm khác biệt của người dân Nam Bộ trong việc xây dựng không gian cư trú.

Kết cấu khung nhà thường đơn giản, không có tính kiên cố, bộ mái có độ dốc cao để mau thoát nước. Các vùng nước ngập có loại nhà sàn chịu lực trên hệ cột cắm sâu xuống lòng đất bùn. Vật liệu xây dựng nhà chủ yếu từ gỗ và tre, tràm, đước, vách lá dừa nước, hoặc đất trộn rơm rạ, gạch, gốm chịu nước, không hút nước và mau khô sạch, thích hợp với môi trường ẩm ướt và ngập lụt.

Hệ thống không gian sản xuất phụ trong nhà dân gian thường được bố trí mở xung quanh khu nhà chính với các vách ngăn hở, có cửa treo hoặc chống lên để tiện cho sinh hoạt cũng như mùa thu hoạch lúa từ mé nước ngoài đồng cập vào chất ở đây để chờ tuốt rồi phơi.

Nhà thường được làm theo hướng nam đón gió mát, tránh hướng tây nắng nóng, nắng xiên khoai. Mặt trước mở nhiều cửa rộng, sử dụng tán cây để che ánh nắng mặt trời, trồng những giàn cây leo quanh nhà như mướp, bầu bí,… tạo thành các tấm che nắng tự nhiên để tránh tia nắng nóng cho người và gia súc, chống chói do phản xạ từ các bức tường quét màu sáng quanh nhà.

Kiến trúc nhà ở truyền thống ở ĐBSCL đơn giản hơn hai miền Trung và Bắc nhưng cũng hình thành các giải pháp kiến trúc riêng phù hợp với khí hậu nhiệt đới miệt sông nước, như là thức hàng hiên và những tấm che chắn nắng, thức vách, cửa, mái hiên,… được đúc kết kinh nghiệm từ nhiều thế hệ. Dễ nhận thấy nhất là bộ phận mái của nhà cổ truyền chiếm tỉ lệ khá lớn, đôi khi quá nửa so với phần chính diện nhà, mái ngói âm dương hoặc bằng vật liệu lá cọ, dừa nước, rơm rạ, có khả năng cách nhiệt tốt, đảm đương được nhiều chức năng như tránh mưa, tránh nắng triệt để, chống lại những bất lợi của thiên nhiên, dùng các chi tiết như mái hắt, hàng hiên, bức mành, tấm giại, kết hợp với những chậu cây cảnh, non bộ, điều hòa khí hậu, che nắng, chống ẩm, đón gió mát. Mái nhà còn có khả năng tận dụng năng lượng tự nhiên từ ánh nắng mặt trời bằng các khoảng hở trên phần mái ở gian giữa. Tường gần mái xung quanh nhà có những mảng ô thông để tạo sự thông thoáng cũng như giảm độ chói của ánh sáng vào nhà. Phía trước nhà có bố trí khoảng sân rộng dành cho việc phơi thóc lúa và các nhu cầu sinh hoạt khác.

Gió chướng là loại gió đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Gió thổi từ biển, chủ yếu là hướng đông và đông nam vào, mang hơi lạnh, dân địa phương gọi là gió chướng. Gió bắt đầu hoạt động từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 5 năm sau. Đây là loại gió có cường độ mạnh tuy không duy trì tốc độ mạnh liên tục, thường thổi lúc xế chiều khi có sự chênh lệch nhiệt độ giữa đất liền và biển lớn nhất trong ngày. Vì gió mang hơi lạnh, tạo sự mát mẻ, khô ráo nên nhà ở đây thường được làm nhiều cửa, thông thoáng để tận dụng luồng gió này.

Nước là yếu tố chi phối mọi hoạt động cư trú, sinh sống, sản xuất, di chuyển đi lại… của người dân ĐBSCL. Nước mang lại nguồn sống, giá trị tinh thần, tâm linh. Nước vừa hiền hòa vừa dữ dội (lũ lụt). Việc đi lại, di chuyển bằng thuyền, cầu khỉ ở những nơi ngập nước đã dẫn đến thực tế là các đầu mối giao thông như ngã ba sông hay khu chân cầu trở thành những nơi tụ họp chợ, sinh hoạt cộng đồng. Phần lớn diện tích ĐBSCL có sông ngòi chằng chịt, lũ do các sông chính cộng với lượng nước mưa làm ngập lụt nặng nề hơn, luôn tạo sự uy hiếp cho khu vực cư trú dọc ven sông. Toàn vùng chịu ảnh hưởng của hệ thống thủy văn phức tạp. Hoàn cảnh tự nhiên này dẫn đến việc hình thành những làng nổi trên sông nước. Cuộc sống chài lưới trên mặt sông nước tạo nên nhiều khối nhà nổi, nhà bè bao quanh khu vực ao, đầm nuôi cá, tạo nên những làng chài, xóm chài, nhiều nhà sàn cắm cọc xuống lòng những kênh rạch chua phèn… Ngoài ra còn các loại nhà có các kiểu nhà sàn, nhà nền đất ở khu vực đồng bằng và nhà nửa sàn nửa đất ở nằm khu vực mé nước.

Ở ĐBSCL, đồng ruộng mênh mông, sự khai phá tùy sức và được công nhận của nhà nước phong kiến thời các chúa Nguyễn khiến cho diện tích sở hữu của những người chủ rộng lớn hơn nhiều so với miền Bắc và miền Trung. Những vườn cây ăn trái quy mô lớn cho thấy tính chuyên canh tạo hiệu quả kinh tế nuôi sống con người vùng đất này như một ngành kinh tế quan trọng, đây là tính chất rất đặc trưng của miệt vườn Nam Bộ. Nhà miệt vườn nằm trên khu đất rộng tiền viên hậu điền xung quanh là vườn và ao, rạch nước. Trước khoảng sân và nhà ở là vườn cây thấp tầng như nhãn, bưởi, cam…. có hàng cây cau, cây kiểng, cây bụi, phần nhiều là trồng rau khoai (vu đậu thổ), hoa màu, một số nhà chỉ trồng cây kiểng. Sân trước thường rộng, chậu kiểng đặt sát hiên có các loại cây mai vàng, mai chiếu thủy, thiên tuế, bông trang…, tránh cổng trực diện vào nhà như một dạng bình phong. Sân trong nhà có hồ cạn trang trí non bộ, trồng sen, đây là hệ thống không gian mở. Lối vào nhà bên hông thường lấy cây xanh làm chuẩn, cây xanh sát hiên và hành lang bên tạo bóng mát. Sân sau thường có dàn dây leo bầu bí, dàn mướp trên bờ ao sau hay trước nhà. Như vậy xung quanh khuôn viên nhà cây cối được trồng khá tự do về kiểu cách và nhiều thể loại cây, vừa tạo bóng mát vừa là nguồn cung cấp rau màu, hoa trái làm kinh tế và đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình.

Cũng như các vùng miền khác, vườn cây trong khuôn viên nhà ở còn cung cấp những cây gia vị, cây thuốc nam chữa bệnh, các loại lá gói, cây củi đốt và nguồn vật liệu gỗ làm nhà, một số cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu như hồ tiêu, ca cao, cây điều…

Vườn cây còn lại mang tính chuyên canh cao, các loại vườn chuyên canh có tên như: đất trồng dâu (tăng căn thổ), đất trồng cau, cam, quýt, dừa, xoài (viên lang thổ), trồng dừa nước (da diệp thổ)…, một vài loại cây trái cao sản nổi tiếng các vùng như xoài (Hòa Lộc),sầu riêng (Cái Mơn), vú sữa (Lò Rèn), vườn cây hoa kiểng (Sa Đéc, Cái Bè)…

         Từ những đặc trưng ứng xử với các yếu tố thiên nhiên, ta có thể thấy toàn cảnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Những khác biệt về phong tục, tập quán, thói quen của người Việt ở đây bị chi phối và ảnh hưởng bởi môi trường tự nhiên. Họ đã tìm cách lựa chọn cách ứng xử: chủ yếu tận dụng tối đa sự ưu đãi của thiên nhiên theo hướng hòa hợp, không dùng biện pháp phòng chống, áp đặt hay chế ngự thiên nhiên một cách quyết liệt. Họ đã vận dụng một cách có chọn lọc những kinh nghiệm của cha ông để ứng xử với môi trường thiên nhiên trong ngôi nhà, không gian cư trú của mình, bằng cách gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, lấy cái hiền hòa để đối đãi với thiên nhiên, dùng tư duy tổng hợp để đối phó, tận dụng mà không hủy hoại thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để tồn tại và phát triển, tạo dựng không gian cư trú cho mình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011

Tác giả : Võ Thị Thu Thủy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *