Thư viện và các hình thức phục vụ thân thiện ở Mysore

Mysore hay còn có tên gọi là Mysuru là thành phố lớn thứ hai về dân số của bang Karnataka, Ấn Độ. Mysore trước kia chính là thủ phủ của vương quốc Mysore trong gần 6 thế kỷ, kể từ năm 1399 cho đến sau khi sáp nhập vào Liên hiệp Ấn Độ và năm 1956, quốc gia này xóa bỏ chế độ quân chủ. Vốn được cai trị bởi một vương triều dành rất nhiều thiện cảm cho văn hóa nghệ thuật, Mysore đã dần ghi dấu ấn thành một biểu tượng văn hóa và tồn tại cho đến ngày nay. Bên cạnh các cấu trúc di sản và cung điện đặc trưng, hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, Mysore còn là nơi quy tụ hàng chục trường đại học và cao đẳng với hàng trăm thư viện công cộng, thư viện trường, các thư viện đặc biệt và các trung tâm thông tin…

Bài viết này giới thiệu một số thư viện tiêu biểu trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường đại học và thư viện viện nghiên cứu, với mong muốn đem đến cho bạn đọc những hình ảnh chân thực về hoạt động thư viện và những cách thức phục vụ thư viện tại thành phố này (1).

Thư viện công cộng

Có thể hiểu thêm về hệ thống thư viện công cộng tại bang Karnataka và thành phố Mysore như  sau: Karnataka là bang thứ ba của Ấn Độ áp dụng Đạo luật Thư viện. Sở Thư viện Công cộng (Department of public library) đã được Chính quyền bang Karnataka thành lập từ ngày 1-11-1966 nhằm tăng cường sự quan tâm đến giáo dục, truyền thông và phát triển thói quen đọc sách của công chúng trong bang (2). Theo đạo luật này, một mạng lưới khoảng 7.000 thư viện đã được hoạt động trên toàn bang. Tại thành phố Mysore, hệ thống các thư viện chi nhánh, thành viên của Thư viện trung tâm bao gồm: 17 thư viện công cộng chi nhánh (có trụ sở độc lập hoặc không), 12 thư viện dịch vụ trung tâm (có quy mô diện tích nhỏ, không có trụ sở độc lập), 4 trung tâm học tập, 2 thư viện được viện trợ và 1 thư viện thiếu nhi. Thư viện Trung tâm sẽ quản lý hoạt động của các thư viện công cộng thành viên trong thành phố.

Phần lớn các thư viện công cộng tại thành phố có quy mô vừa và nhỏ, số lượng nhân viên ít. Một cán bộ phụ trách có thể quản lý, bao quát cả một thư viện công cộng và một thư viện dịch vụ hay một trung tâm học tập. Sách, tài liệu được luân chuyển giữa những thư viện cùng địa bàn. Tuy không lớn về quy mô và diện tích nhưng các thư viện vẫn luôn duy trì được số lượng bạn đọc đông đảo với đa dạng lứa tuổi, từ học sinh phổ thông đến người trưởng thành, lão niên. Các thư viện công cộng phục vụ bạn đọc miễn phí, thẻ thư viện được sử dụng để bạn đọc mượn tài liệu về nhà.

Điểm thu hút bạn đọc tới các thư viện công cộng tại thành phố là môi trường đọc sách rất dễ chịu, không quá bó buộc với việc mang tài liệu cá nhân vào để sử dụng. Các thư viện có những khu vực trao đổi, nói chuyện riêng, tùy theo diện tích sử dụng của thư viện, các vị trí ngồi đọc, ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối ưu. Điện năng luôn được sử dụng một cách có ý thức với hệ thống điện phân lập rõ ràng cho từng thiết bị. Bạn đọc sẽ tự giác bật, tắt điện, hay bật, tắt quạt ở khu vực mình ngồi theo ý muốn để tiết kiệm điện và không ảnh hưởng nhiều tới người khác.

Báo, tạp chí là một trong những mảng tài liệu được bạn đọc yêu thích. Chính loại hình tài liệu này đã góp phần làm phong phú thành phần bạn đọc của thư viện, bởi có khá nhiều bạn đọc lớn tuổi ngày ngày đến thư viện để đọc báo, hay những người lao động cũng tranh thủ ghé qua để đọc báo khi có thời gian rảnh rỗi. Các thư viện công cộng có giờ mở cửa phục vụ thông thường từ 7h – 9h30 tới 19h – 20h tối. Nếu bạn biết rằng, ở Ấn Độ, các cơ quan công sở thường bắt đầu giờ làm khá muộn, khoảng 9h – 10h  và kết thúc 17h, như vậy có thể thấy thư viện luôn mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn giờ làm công sở nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng bạn đọc.

Trong số các thư viện công cộng, đầu tiên phải kể đến Thư viện Trung tâm Thành phố (City Central Library), đứng đầu trong hệ thống thư viện công cộng tại đây. Thư viện này được thành lập vào năm 1915, khi tổng số dân của thành phố mới chỉ là 40.000 người. Tòa nhà thư viện tọa lạc trên một con phố trung tâm của thành phố. Khu vực tầng 1 là một trung tâm bán đồ lưu niệm thủ công, không gian thư viện chủ yếu trên tầng 2 với một lối vào khiêm tốn. Trái với không gian ồn ào của con phố, bên trong thư viện rất yên tĩnh và mát mẻ. Sẽ không có cản trở gì cho bất cứ ai muốn tới thư viện để đọc sách hay ngồi học. Thư viện cũng quản lý và điều phối hệ thống thư viện thành viên.

Thư viện Công viên Kuvempu (Kuvempu Gnana Thana Service Centre), rất thú vị, là một phòng đọc ngay dưới chân bức tượng Kuvempu, một nhà thơ danh tiếng của vùng đất này, nằm ngay tại ngã ba đường lớn. Thư viện là một căn phòng xinh xắn với nhiều tài liệu phù hợp dành cho độc giả mọi lứa tuổi và đặc biệt luôn thu hút mọi người bởi sự tiện dụng, nơi dễ dàng được sử dụng làm nơi giao lưu, như một công viên nhỏ để đi dạo và hóng mát. Thư viện có tổng số khoảng 5.000 đầu sách, giờ mở cửa là từ 8h tới 11h 30 sáng và 16h – 20h tối.

Thư viện Công cộng Kuvempu Nagar, nơi có khoảng 20.000 tài liệu với giờ mở cửa từ 8h -20h tối, lại thu hút bạn đọc bởi vị trí hai mặt tiền rộng, ngay mặt đường lớn, khoảng sân rộng trải dài với bãi cỏ xanh mát và bóng râm của hàng cây lớn, nhiều chỗ đậu xe. Thư viện có một phòng đọc thân thiện, người đọc chỉ cần điền tên vào sổ ghi danh khi tới thư viện và tự tìm chỗ ngồi, chỉ khi cần mượn tài liệu mang về thì thủ thư mới yêu cầu bạn phải có thẻ thư viện.

Cá biệt, một số thư viện mở cửa 24/24h, như Trung tâm học tập Sri Adishkti Seva Trust. Các mô hình tương tự trung tâm này thường cung cấp bàn học được ngăn ô, máy tính, wifi, báo, tạp chí hằng ngày và các tài liệu và chương trình luyện thi của bang. Những trung tâm này thu lệ phí người dùng theo tháng. Do mở cửa xuyên đêm nên các trung tâm luôn có hệ thống camera giám sát. Tại Ấn Độ, bên cạnh các kỳ thi theo các cấp học của học sinh, sinh viên, còn có các kỳ thi tuyển việc làm của chính quyền và đây là động lực to lớn thu hút người sử dụng tới các thư viện này để “học ngày, học đêm” – không giới hạn thời gian sử dụng thư viện với các nguồn tài liệu và chương trình luyện thi đầy đủ và phong phú.

Thư viện đại học

Không thể không kể tới Thư viện trung tâm của Đại học Mysore (3). Trường Đại học Mysore được thành lập vào ngày 27-7-1916, là trường lâu đời thứ sáu trong cả nước, trường đầu tiên của bang và cũng là trường đại học đầu tiên của Ấn Độ được thành lập nằm ngoài khu vực thuộc địa Anh. Thư viện trường có lịch sử hình thành cùng với sự ra đời của trường, cũng là một thư viện lâu đời nhất trong hệ thống thư viện đại học. Thư viện bắt đầu hoạt động từ năm 1918 với vốn tài liệu ban đầu là 2.311 sách, cho tới nay khối lượng sách toàn hệ thống thư viện trường là khoảng 800.000 sách và 100.000 tập báo.

Bên trong Thư viện Đại học Mysore luôn có ánh sáng tự nhiên

Ảnh: Thu Trang

 Thư viện trung tâm của Đại học Mysore có tính phí làm thẻ thư viện, tùy thuộc vào mức học phí và diện ưu tiên của sinh viên. Thư viện có trung tâm máy tính riêng, cung cấp hệ thống máy tính kết nối internet và các cơ sở dữ liệu toàn văn. Thư viện cũng có một trung tâm thư viện dành riêng cho các bạn đọc khiếm thính và khiếm thị với những tài liệu chuyên biệt như sách chữ nổi hay thiết bị trợ thính. Thư viện cũng cung cấp một phòng Tự học với sức chứa lên đến 200 sinh viên và luôn luôn hết chỗ. Có được lực lượng sử dụng thư viện đông đảo như vậy một phần cũng vì đây là một trường đại học lớn, thu hút sinh viên của toàn bang Karnataka cũng như các bang lân cận.

Thư viện trường Đại học Mysore mở cửa từ 8h sáng tới 8h tối, riêng thứ 7 và chủ nhật, mở cửa từ 10h sáng tới 5h chiều. Thẻ thư viện sẽ giúp cung cấp quyền truy cập vào mạng wifi của trường và quyền truy cập vào các cơ sở tài liệu toàn văn trực tuyến của thư viện. Điều đó hỗ trợ các bạn sinh viên rất nhiều vì sinh viên có thể truy cập cơ sở dữ liệu từ xa. Cùng với thư viện trung tâm của trường, rất nhiều khoa cũng có thư viện riêng như khoa Tiếng Anh, khoa Ngôn ngữ, khoa Tin học… cá biệt như khoa MBA, thư viện khoa này được quan tâm và ưu tiên đầu tư, với những hoạt động chuyên nghiệp và trang thiết bị hiện đại như hệ thống phòng lap, các tài liệu tham khảo chuyên ngành, kết nối các cơ sở dữ liệu với thư viện trung tâm…

Có diện tích nhỏ hơn Thư viện trung tâm của Đại học Mysore, nhưng khi được ghé thăm Thư viện của Viện Ngôn ngữ Trung ương Ấn Độ (Central institute of Indian Languages), chúng tôi cũng rất ngỡ ngàng. Đây cũng vẫn là một thư viện khá lớn và hiện đại (4). Bộ sưu tập của thư viện đã vượt 200.000 đầu sách và tài liệu không phải sách, trong đó hơn 60% sách là bằng các ngôn ngữ thuộc Ấn Độ. Viện là cơ sở thứ hai trong cả nước có thư viện số hoàn toàn. Ở đây, một hệ thống máy tính cho phép người dùng có được các phương tiện truy cập nhất quán vào một kho thông tin lưu trữ điện tử. Viện đã chuyển đổi thư viện đa phương tiện thông thường thành thư viện kỹ thuật số hiện đại. Thư viện đã trang bị hệ thống nhận dạng tài liệu RFID, một quy trình số hóa tài liệu bài bản, hệ thống lưu trữ băng đĩa đồ sộ, độc đáo, hệ thống tủ đựng tài liệu đặc biệt. Ngoài ra, khu vực học tập sáng tạo với hệ thống bàn học nhiều sắc màu, khu vực đọc sách bằng khung thép đồng bộ với hệ thống giá sách cũng đem lại ấn tượng và những không gian đọc sách vô cùng hấp dẫn cho các bạn đọc trẻ tuổi.

Thư viện của trường Đại học Khoa học và Công nghệ – JSS Science and Technology University, Mysuru (5) lại ghi dấu bởi sự sạch sẽ và nề nếp. Thư viện cùng với chính sách chung của trường là một đại học tư thục đề cao việc bảo vệ môi trường với một khuôn viên vô cùng sạch sẽ, và việc tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, không sử dụng túi ni lông… Thư viện và Trung tâm Thông tin của trường được thành lập năm 1963, hiện được đánh giá là một trong những thư viện trường đại học kỹ thuật tốt nhất của bang. Thư viện có một bộ sưu tập hơn 131.000 đầu sách, 165 tạp chí với bộ sưu tập phong phú gồm luận án, luận văn, bách khoa toàn thư, sách tổng hợp tiếng Kannada và tiểu thuyết tiếng Anh. Bộ sưu tập sách, CD/DVD ở góc IAS, khuyến khích học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi tính toán như IAS, IPS, GATE, TOEFL, GRE ở các cấp độ quốc gia và quốc tế khác. Thư viện số với hệ thống truy cập tạp chí, sách điện tử, CD/DVD luôn sẵn sàng trong thư viện. Do tài liệu của thư viện được lựa chọn kỹ càng, với nhiều tài liệu chuyên ngành giá trị nên thư viện luôn thu hút sinh viên tới đọc tài liệu.

Chú ý cuối cùng của chúng tôi, đó là có một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy tại bất kỳ thư viện nào chính là các bảng tin. Bảng tin thể hiện các thông tin chính thống của thư viện, hay bất cứ thông tin nào liên quan tới học tập, các chương trình đào tạo, tuyển sinh, hội thảo, giới thiệu việc làm hay những thông tin thể thao… Bảng tin trở thành nơi giao tiếp gián tiếp giữa thư viện và người dùng thư viện. Ở một số thư viện, khu bảng tin còn được trang bị bàn ghế, trở thành một khu vực đọc sách và tiếp cận thông tin vô cùng hấp dẫn.

Một vài đánh giá tổng quát

Sau khi đã tham quan được nhiều thư viện, thuộc các hệ thống khác nhau ở Mysore, chúng tôi nhận thấy có một sự thân thiện và nhiệt tình từ những người phục vụ tại thư viện. Bạn đọc luôn được chào đón thực sự tại thư viện, kể cả người chưa có thẻ bạn đọc riêng. Các bảng chỉ dẫn, hệ thống bảng phân loại của thư viện cũng được thể hiện rõ ràng. Bảng tin đã trở thành một đặc trưng không thể thiếu của các thư viện.

Bạn đọc luôn tự do trong khuôn viên thư viện. Thư viện thường có ít nhân viên, tài liệu của thư viện chủ yếu được phục vụ theo hình thức kho mở nên bạn đọc phải tự phục vụ nhiều song họ luôn có ý thức bảo vệ tài sản của thư viện và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng. Mặc dù nhiều thư viện được trang bị hệ thống quản lý thư viện hiện đại, nhưng các thư viện vẫn ưu tiên hình thức quản lý và phục vụ truyền thống như duy trì các trang thiết bị cũ, sử dụng sổ ghi danh, quản lý mượn trả tài liệu song song trên máy tính và sổ mượn trả.

Bên cạnh đó, các thư viện trong thành phố đã có nhận thức và sự đầu tư cho việc duy trì và phát triển nguồn tài nguyên số, trong đó có cả những cơ sở dữ liệu quốc gia cho chính phủ phát triển và các cơ sở dữ liệu được mua quyền truy cập và chia sẻ từ nước ngoài. Chính nguồn tài nguyên này đã hỗ trợ rất lớn cho việc đào tạo nhân lực, góp phần làm cho một thành phố nhỏ mà hội tụ một lực lượng lớn các trường đại học, thu hút học sinh, sinh viên toàn bang. Đặc biệt, khi dịch bệnh do virus SARS-CoV2 gây ra, việc chính phủ Ấn Độ quyết định phong tỏa cả đất nước trong một thời gian dài ngay từ đầu mùa dịch (từ cuối tháng 3-2020) đã thực sự tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế, giáo dục của đất nước, và giai đoạn này chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Với sáng kiến về việc mở cửa các thư viện số, hệ thống thư viện điện tử đã được mở ra để mọi người truy cập miễn phí, các thư viện tại thành phố Mysore đã tham gia tích cực vào việc cung cấp và giới thiệu các cơ sở dữ liệu toàn văn trực tuyến. Việc làm đó đã mang đến một làn sóng thông tin vô cùng hữu ích giữa cảnh bế tắc của việc phong tỏa, mang đến cơ hội phổ biến thông tin, tri thức, quảng bá các nguồn tin và đào tạo người dùng tuyệt vời. Cách làm này thực sự có ý nghĩa vô cùng to lớn và có thể sẽ là bài học hữu ích cho nhiều nước khác. Với sự quan tâm và cách thức phục vụ thân thiện, các thư viện ở thành phố Mysore thực sự đã làm rất tốt vai trò phục vụ của mình, thu hút đông đảo bạn đọc đến với thư viện.

_______________

1. Bài viết được thực hiện sau các chuyến khảo sát hệ thống thư viện công cộng và đại học ở thành phố Mysore của chúng tôi, trong thời gian gần đây và có tham khảo một số nguồn thông tin trên các trang tin trực tuyến.

2. Nguồn tham khảo: cclmysuru.org.

3. Nguồn tham khảo: uni-mysore.ac.in.

4. Nguồn tham khảo: ciil.org.

5. Nguồn tham khảo: jssstuniv.in.

Tác giả: Ths, Hoàng Thị Thu Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *