Tiếp cận hệ giá trị văn hóa việt nam từ góc nhìn xuyên văn hóa


Trước hết, xuyên văn hóa dùng ở đây không phải là cross culture (1) mà là transculture – thuật ngữ được đặc trưng theo quan niệm của Mikhail Epstein, hiện là giáo sư về lý luận văn hóa và văn học Nga tại Trường đại học Emory, Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, chúng tôi tạm dịch là xuyên văn hóa.

Dựa trên truyền thống văn hóa học Nga, nhất là tư tưởng của Mikhail Bakhtin về tính hệ thống trong nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, M. Epstein đề xuất cách tiếp cận xuyên văn hóa, xem văn hóa là một thể thống nhất hữu cơ – một hệ thống mở, năng động và có khả năng vượt qua chính nó, vượt qua những đường biên của nó”(2).

Cũng trên cơ sở tư tưởng của M.Bakhtin về đời sống năng động và mạnh mẽ của văn hóa diễn ra ngay trên những đường biên của những lĩnh vực riêng của nó chứ không phải ở những nơi tập trung những đặc trưng riêng của từng lĩnh vực, M. Epstein xem “mô hình xuyên văn hóa không phải chỉ là một lĩnh vực của tri thức mà còn là một phương thức của tồn tại, là nơi định vị những điểm giao của các nền văn hóa”(3). Ông nhấn mạnh đến việc tiếp cận quá trình tương tác giữa các nền văn hóa thay vì đi sâu vào một nền văn hóa tự thân, coi đó là yêu cầu có tính phương pháp luận, nhất là trong bối cảnh tương tác toàn cầu.

Như vậy, cách tiếp cận văn hóa theo đề xuất của M.Epstein mang tính ly tâm hơn là hướng tâm, chú ý đến sự vận động của văn hóa trong tương tác hơn là ở trạng thái tĩnh. Theo chúng tôi, đây là những gợi ý rất cơ bản trong tiếp cận văn hóa nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng. Nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam từ trước đến nay phần nhiều chú ý đến cách tiếp cận hướng tâm, xem xét hệ giá trị và những giá trị cốt lõi hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là hướng nghiên cứu có cơ sở khoa học của nó và có nhiều đóng góp trong thực tiễn nghiên cứu văn hóa dân tộc. Tuy vậy, có thể vận dụng cách tiếp cận xuyên văn hóa theo phương pháp luận của M. Epstein như một hướng nghiên cứu bổ sung, chú ý thêm đến việc nghiên cứu hệ giá trị của văn hóa Việt Nam trong quá trình tương tác với các nền văn hóa khác, nhất là trong những thời kỳ, những giai đoạn văn hóa Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ về chất trong sự tiếp xúc, va chạm với các nền văn hóa, văn minh khác.

Tiếp cận từ góc độ tính hệ thống, xuyên văn hóa quan tâm trước hết đến giá trị và hệ giá trị của các nền văn hóa. Theo M. Epstein, “văn hóa với tư cách là một chỉnh thể của những lĩnh vực hoạt động, bao hàm tính đa dạng của các nền văn hóa với tư cách là đa dân tộc và đa kiểu loại lịch sử, mỗi kiểu loại có nguyên tắc hình thành riêng, không thể giản hóa. Trong khi văn hóa học quan tâm đến văn hóa với tư cách là cái toàn thể, nó cũng đồng thời thừa nhận tính đa dạng của những cái toàn thể và tạm phân biệt giữa chúng bằng thuật ngữ giá trị”(4).

Quả vậy, khi xem “mỗi nền văn hóa đều có những phong cách, những biểu hiện kỳ lạ, những nổi ám ảnh, những giả định hệ tư tưởng riêng, và những hạn chế, những mô hình truyền bá những bộ lọc thông tin…”(5), tiếp cận xuyên văn hóa phải xem xét đến hệ giá trị cốt lõi làm nên những đặc điểm, những phong cách của nền văn hóa đó, chỉ khác là chú ý nhiều hơn đến sự vận động của hệ giá trị đó trong quá trình vận động, tương tác.

Nói đến tiếp cận giá trị là nói đến vấn đề khá phức tạp. Theo D.Pantich, “Giá trị đương nhiên là thuộc về số khái niệm chung nhất và thường xuyên được sử dụng trong các khoa học xã hội” và “có tới hơn 400 định nghĩa khác nhau về khái niệm này”(6).

Tiếp cận giá trị trong nghiên cứu văn hóa, do vậy, thường gặp phải những vướng mắc về quan điểm, dễ sa vào chủ quan trong đánh giá, tiếp nhận.

Trong lịch sử văn hóa thế giới, đã từng có những quan điểm cho giá trị của nền văn hóa này ưu việt hơn nền văn hóa khác, dẫn đến tư tưởng chủ nghĩa đế quốc trong văn hóa. Ở Việt Nam, tiếp cận giá trị tuy có nhiều đóng góp nhưng cũng gặp nhiều cảnh báo. Trong một bài viết, sau khi điểm qua một số cách tiếp hệ giá trị văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm đã nêu một câu hỏi tu từ: “Liệu có phải người Việt Nam yêu nước hơn người Nga, có ý thức cộng đồng hơn người Hán, cần cù hơn người Nhật, tinh tế hơn người Pháp… hay không?”(7).

Thật ra vấn đề nằm ở quan điểm về giá trị và ở cách tiếp cận giá trị. Tiếp cận văn hóa từ góc độ giá trị luận dễ dẫn đến sự so sánh hơn thua vì thường phải xem xét mối quan hệ giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cái chất lượng, cái tốt và cái xấu. Trên quan điểm về tính hệ thống của văn hóa và tính lịch sử của giá trị, văn hóa học xem giá trị hay hệ giá trị gắn liền với chủ thể và bối cảnh văn hóa nhất định. Mỗi nền văn hóa, qua quá trình phát triển lịch sử của nó, hình thành nên hệ giá trị được cộng đồng chấp nhận, chia sẻ. Hệ giá trị này thường được cụ thể hóa thành những chuẩn mực, chi phối hành vi các thành viên của cộng đồng, là nền tảng của sự ổn định xã hội. Hệ giá trị của một nền văn hóa không nhất thiết phải là những gì khác biệt hay xung đột với những giá trị có tính phổ quát của nhân loại; cũng không nhất thiết phải là những giá trị đem so sánh hơn thua với các hệ giá trị của các nền văn hóa khác. Về mặt ý nghĩa, hệ giá trị của một cộng đồng có ý nghĩa trước hết đối với những thành viên của cộng đồng đó. Con người luôn cảm thấy mình thuộc về một nền văn hóa, một hệ giá trị nào đó, còn đối với giá trị của nền văn hóa khác, nếu không phải là giá trị phổ quát, cá nhân đó thường cảm thấy xa lạ, thậm chí có thể kỳ thị. Điều này cũng là một đặc điểm có tính quy luật, vì chúng ta luôn có xu hướng “chọn một ít đặc điểm tích cực và hấp dẫn của nền văn hóa chúng ta như là những thành tố của hình ảnh tự thân của chúng ta trong khi có xu hướng dựng nên hình ảnh của những người khác trên cơ sở của những thứ ít hấp dẫn hơn của nền văn hóa của họ”(8). Nhưng sự kỳ thị như vậy thường xuất phát từ nhận thức hạn chế về tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa, về quy luật hình thành giá trị từ góc nhìn của văn hóa học.

Nhấn mạnh đến yếu tố nội tại của giá trị (intrinsic value) gắn với một chủ thể văn hóa nhất định không có nghĩa là rơi vào tương đối luận văn hóa (cultural relativism) hay chỉ xem xét những giá trị tự thân, khép kín. Giá trị là một phạm trù lịch sử, có quá trình vận động của nó. Ngay trong nội bộ của một nền văn hóa, các giá trị cụ thể và cả hệ giá trị cũng luôn vận động và biến đổi, nhanh hay chậm tùy thuộc vào mỗi nền văn hóa. Rõ nhất là sự vận động của giá trị và hệ giá trị thể hiện trong giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Luôn có mối quan hệ tương tác giữa các giá trị riêng, cụ thể đặc thù của một nền văn hóa với những giá trị phổ quát với tư cách là những gì được sáng tạo, hình thành và tích lũy gắn với sự tiến bộ của nhân loại. Chính mối quan hệ tương tác này dẫn đến những điều chỉnh, những biến đổi trong hệ giá trị của một nền văn hóa. Cũng luôn có sự tương tác giữa nền văn hóa này với văn hóa khác, dẫn đến việc tiếp nhận những yếu tố mới vào hệ giá trị theo quy luật của tiếp xúc và tiếp biến văn hóa. Trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, khó thể có một nền văn hóa tự thân, khép kín và hầu hết các giá trị đều ít nhiều mang dấu ấn của giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Vấn đề là, để có thể đi vào hệ giá trị của một nền văn hóa, các yếu tố có nguồn gốc ngoại lai thường đi qua con đường tiếp biến, được kiểm nghiệm qua quá trình lịch sử và tất nhiên được cộng đồng xem là giá trị, chấp nhận, sẻ chia. Nhìn từ phương diện này, có thể thấy tiếp cận giá trị và hệ giá trị của một nền văn hóa trong quá trình vận động và tương tác của nó với các nền văn hóa khác là một trong những yêu cầu có tính phương pháp luận trong nghiên cứu văn hóa.

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam được hình thành, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn với những dạng thức ít nhiều mang tính đặc thù lịch sử so với các quá trình của các nền văn hóa khác. Chúng ta thường nói đến tính cộng đồng, đến ý thức quốc gia, dân tộc của người Việt nhưng hình dung tính cộng đồng và ý thức quốc gia, dân tộc ấy như thế nào nếu tách rời với bối cảnh tự nhiên, nhất là tách rời với những điều kiện lịch sử đặc thù của người Việt? Không có nền văn hóa nào không có những giá trị bền vững và những chuẩn mực về tính cộng đồng, về lòng yêu nước và ý thức quốc gia, dân tộc, gắn liền với các quá trình tương tác đặc thù của nền văn hóa đó. Sự khác biệt nằm ở sắc thái, ở cách biểu hiện do tính đặc thù lịch sử đem lại hơn là nằm ở chất lượng của tính cộng đồng, của ý thức quốc gia, dân tộc. Không phải ngẫu nhiên trong so sánh giữa các nền văn hóa, người ta thường thấy ít có những khác biệt lớn ở những giá trị/hệ giá trị mang tính cứu cánh. Khác biệt chủ yếu nằm ở các biểu hiện của giá trị mang tính phương tiện và những biểu hiện mang tính phương tiện đó thường chịu sự tác động mạnh mẽ bởi những tương tác giữa các yếu tố nội sinh bền vững với những tác động từ bên ngoài (ngoại sinh). Điều này không mâu thuẫn với việc những tương tác trong quan hệ với các nền văn hóa sẽ củng cố thêm hoặc làm phong phú hơn hệ giá trị cốt lõi của một nền văn hóa, thậm chí dẫn đến những chuyển biến về chất trên phương diện hệ giá trị.

Tiếp cận hệ giá trị văn hóa Việt Nam trên quan điểm xuyên văn hóa và từ góc nhìn lịch sử, chúng tôi thấy có những mốc hay những chặng lớn đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam, ứng với những điểm giao của tiến trình văn hóa Việt Nam trong sự tương tác với các yếu tố ngoại sinh. Đó là những điểm giao, những chặng chuyển đổi của văn hóa Việt Nam trong quá trình tiếp biến văn hóa khu vực, tiếp biến văn hóa phương Tây và trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay (9). Tuy chưa thật rõ về quan điểm lý luận nhưng nghiên cứu văn hóa Việt Nam ở những bước chuyển quan trọng đã được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ở đây chỉ đi vào một số điểm theo chúng tôi còn chưa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Trong quá trình văn hóa Việt Nam tiếp xúc và tiếp biến văn hóa khu vực, chúng tôi đặc biệt chú ý đến mốc Việt Nam độc lập vào TK X, nhất là với mốc xuất hiện nhân vật văn hóa đứng đầu vương quyền thay cho giai đoạn cầm quyền của các vị vua vốn xuất thân là những thủ lĩnh quân sự.

Nghìn năm Bắc thuộc tác động mạnh mẽ đến văn hóa Việt Nam và là minh chứng hùng hồn cho sức sống mạnh mẽ của dân tộc Việt. Nhưng cái mốc thực sự đánh dấu bước chuyển biến lớn của văn hóa Việt Nam chính là ở ý thức văn hóa trong sự lựa chọn mô hình để phát triển, thể hiện cụ thể qua việc nhà Lý dời đô về Thăng Long (1010) và sau đó là hàng loạt những biểu hiện qua hoạt động thực tiễn cũng như qua xây dựng các thiết chế văn hóa mang tính biểu trưng như Văn Miếu, Quốc Tử Giám… Bằng sự lựa chọn mô hình này, các yếu tố văn hóa Trung Hoa, vốn thâm nhập phong phú trong thời kỳ Bắc thuộc, dần được nhận thức thêm và tiếp nhận một cách chủ động để làm phong phú thêm hệ giá trị văn hóa dân tộc. Có nhà nghiên cứu nói đến sự chuyển đổi quỹ đạo của văn hóa Việt Nam từ quỹ đạo văn hóa Đông Nam Á sang quỹ đạo văn hóa Đông Bắc Á. Đây là nhận định không phải không có cơ sở. Nhưng nhìn từ phương diện cấu trúc của hệ thống văn hóa, có thể thấy từ TK X trở về trước, văn hóa Việt Nam chủ yếu là văn hóa dân gian gắn với cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Khi nước nhà độc lập, yêu cầu xây dựng nhà nước theo hướng quốc gia, dân tộc tất yếu dẫn đến yêu cầu xây dựng kiến trúc thượng tầng gồm xây dựng ý thức hệ, phát triển giáo dục, đào tạo trí thức…, nói cách khác là xây dựng bộ phận văn hóa bác học nhằm tỏ rõ nước ta là một nước văn hiến, một nước thi thư. Các vương triều Lý – Trần đã xuất phát từ thực tiễn văn hóa dân tộc để lựa chọn mô hình phát triển, bổ sung vào hệ giá trị văn hóa Đại Việt những giá trị từ bên ngoài phù hợp với cấu trúc của nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới. Có thể thấy từ Lý – Trần trở đi, văn hóa Việt Nam dần hoàn thiện về cấu trúc và mỗi bộ phận đều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống văn hóa Việt Nam. Sự đối lập về mặt giá trị giữa văn hóa dân gian văn hóa bác học cũng như việc quá nhấn mạnh đến vai trò của một trong hai bộ phận dễ dẫn đến sai lầm về quan điểm và phương pháp luận.

 

Bước chuyển biến lớn thứ hai liên quan đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam diễn ra trong giai đoạn chúng ta thường gọi là quá trình hiện đại hóa văn hóa dân tộc ­- một cách gọi dễ gây mơ hồ nhưng có thể chấp nhận được trong ý nghĩa lịch sử cụ thể của nó. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, quá trình này diễn ra từ khoảng cuối TK XIX đến những thập niên đầu TK XX khi trong quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây, qua tác động trực tiếp của văn hóa, văn minh Pháp, chúng ta dần nhận ra mô hình mới và định danh cho nó bằng những tên gọi gắn với chữ tân, hiện đại, hay gọi một cách trực tiếp là mô hình văn hóa Âu – Tây.

Nếu như tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa trong thời kỳ khu vực hóa dẫn đến sự hoàn thiện mô hình từ phương diện cấu trúc, thì tiếp xúc với văn hóa, văn minh phương Tây lại nổi bật lên vấn đề thiết yếu: phải thay đổi về cơ bản để tồn tại, phát triển và con đường gần như tất yếu là học theo mô hình phương Tây, là hiện đại hóa. Điều đó đòi hỏi phải có những chuyển đổi về cấu trúc, động đến những tầng sâu của hệ giá trị. Tuy nhiên sự lựa chọn không dễ dàng vì chúng ta phải đứng trước nghịch lý của mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc Tây phương hóa, giữa truyền thống hiện đại. Trong bối cảnh đó, có thể thấy, sau thời kỳ kháng cự cay đắng với hiện đại hóa đầy tính hướng tâm và có tính tất yếu trong hoàn cảnh bị đô hộ, trí thức Việt Nam đã có những lựa chọn quyết liệt xuất phát từ nhận thức sâu sắc về yêu cầu chuyển đổi mô hình, không phải bắt đầu từ kinh tế, chính trị mà từ văn hóa. Điều này thể hiện rõ nét ở các nhà duy tân đầu TK XX, nhất là trong chủ trương và hoạt động thực tiễn của các trí thức trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Hoạt động của các nhà duy tân thất bại về phương diện tổ chức nhưng ý thức văn hóa được khơi gợi từ phong trào này đã tác động mạnh mẽ đến sự chuyển đổi nhiều giá trị cơ bản trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần đặc biệt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn hóa dân tộc. Trên quan điểm về tương tác văn hóa, có thể thấy bản lĩnh Việt Nam thể hiện rõ qua những lựa chọn quyết liệt và đúng đắn giữa các nghịch lý, và qua tương tác văn hóa, chúng ta thấy hệ giá trị của một nền văn hóa không phải tĩnh tại, khép kín mà có quy luật vận động và phát triển của nó với tư cách là nền tảng của một hệ thống mở, năng động.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tương tác văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với những quy luật có tính đặc thù. Rõ ràng là trong bối cảnh chung, các nước phát triển vẫn có quan niệm về toàn cầu hóa khác với các nước khác. Theo Dominique Wolton, đó “đơn giản bởi vì toàn cầu hóa không đe dọa đến bản sắc của họ”(10). Riêng với Việt Nam, ở một góc độ nào đó, có thể nói chúng ta vẫn đang trong quá trình hiện đại hóa với không ít những đặc điểm tương đồng với quá trình hiện đại hóa diễn ra trong buổi đầu tiếp xúc và tiếp biến văn hóa phương Tây. Điểm khác biệt lớn nhất, đó là chúng ta đang là một nước độc lập, chủ quyền, có tính chủ động và tự do trong sự lựa chọn mô hình hiện đại hóa. Cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa về phương diện kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, mang tầm chiến lược quốc gia, hoàn toàn có thể nói đến hiện đại hóa văn hóa như là nền tảng của hiện đại hóa toàn diện đất nước, thúc đẩy trong quan hệ tương tác với các lĩnh vực hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động kinh tế và tổ chức, quản lý xã hội.

Để có thể hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa cần phải có những chuyển đổi mạnh mẽ về phương diện hệ giá trị. Theo chúng tôi, một trong những giá trị cốt lõi trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống cần chú ý định hướng chuyển đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa là tính cộng đồng. Nghiên cứu của một số học giả gần đây cho thấy, bên cạnh sự nhận diện văn hóa mang tính loại hình từ góc nhìn địa – văn hóa, có thể nhận diện đặc điểm có tính loại hình của các nền văn hóa theo hướng nền văn hóa đó thiên về cộng đồng hay thiên về cá nhân (11). Theo đó, ở các nước chưa hoặc đang phát triển, nền văn hóa thường thiên về tính cộng đồng; trong khi đó, ở các nước phát triển, văn hóa thường thiên về tính cá nhân. Cá nhân, tính cá nhân ở đây được hiểu trên bình diện ý thức văn hóa về cá nhân, hay nói một cách khác, là cá nhân đã được giải phóng trên bình diện ý thức. Cá nhân hiểu theo nghĩa này không nhất thiết phải đặt trong thế đối lập với cộng đồng, nếu không nói là khi cá nhân được ý thức trên bình diện văn hóa, cá nhân đó thường hướng đến sự hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng, đồng thời phát huy được tinh thần chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, khai mở sáng tạo.

Sở dĩ cần có sự chuyển đổi về chất như vậy vì tính cộng đồng một trong những đặc trưng và là một giá trị bền vững trong văn hóa truyền thống dân tộc – vẫn là tính cộng đồng được hình thành và phát triển mang tính cơ chế hơn là trên bình diện ý thức. Thoát khỏi những điều kiện để phát huy những giá trị tốt đẹp khi cần liên kết vì cùng lợi ích, tính cộng đồng mang tính cơ chế dễ trở thành sức nặng triệt tiêu ý thức cá nhân, điều tác giả Trần Ngọc Thêm đã phân tích khá sâu sắc khi bàn về hệ quả xấu của tính cộng đồng, một trong hai đặc trưng cơ bản của tổ chức xã hội Việt Nam truyền thống (12).

Nên chăng đây là lúc cần phải mạnh dạn ly tâm để chủ động tiếp nhận nhiều giá trị vốn có trong nhiều nền văn hóa để phát triển, trong đó có vấn đề giải phóng cá nhân, phát triển cá tính xét trên bình diện hệ giá trị.

_______________

1. Một kiểu nghiên cứu so sánh (cross cultural comparison) rất đặc trưng trong việc tìm ra các đặc điểm có tính quy luật của sự tương đồng hay khác biệt giữa các nền văn hóa (Encyclopedia of Cultural Anthropology 1996, 263).

2, 3, 4, 5. Mikhail Epstein, Văn hóa học và xuyên văn hóa, Nguyễn Văn Hiệu dịch.

6. D.Pantich, Xung đột về giá trị tại các nước chuyển tiếp trong Văn hóa học và văn hóa thế kỷ XX, tập 2, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, tr.124-154.

7. Trần Ngọc Thêm, Bản sắc văn hóa Việt Nam trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới trong Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận, Lê Ngọc Trà tập hợp, giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.292-301.

8. Zdzislaw Mach, Symbols, Conflict, and Identity, Essays in Political Anthropology, State University of New York Press, 1993.

9, 12. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2001, tr.75-93.

10. Dominique Wolton, Toàn cầu hóa văn hóa, Đinh Thùy Anh và Ngô Hữu Long dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.27.

            11. Xem Mijind Huijser, Lợi thế văn hóa, Nguyễn Đình Huy dịch, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2006.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009

Tác giả : Nguyễn Văn Hiệu

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *