Về phân loại lễ hội hiện nay

Lễ hội ở nước ta đã được đề cập tới từ nhiều thế kỷ trước, nhưng chỉ trở thành một đối tượng, một lĩnh vực nghiên cứu sâu vào những năm 80 của TK XX, và mới tập trung vào lễ hội dân gian truyền thống, chưa có nhiều công trình nghiên cứu sâu lễ hội mới, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào.

Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu ở nước ta, đã dành nhiều trí tuệ và tâm huyết nghiên cứu về lễ hội, đã đưa ra quan điểm phân loại lễ hội dân gian như sau: “Có nhiều cách phân loại hội lễ. Cách phân loại đơn giản nhất là chia hội lễ thành hội lễ vốn không có nguồn gốc tôn giáo và hội lễ có nguồn gốc tôn giáo. Hội lễ mà nguồn gốc vốn không phải là tôn giáo vốn có từ rất lâu. Thí dụ như: Hội lễ nguyên thủy gắn với nghi thức phồn thực, với sản xuất nông nghiệp. Hội lễ tôn giáo chỉ xuất hiện khi xã hội đã phân chia thành giai cấp và tôn giáo đã ra đời (Balamôn giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Do Thái giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo…)”(1).

Phân biệt lễ hội là vậy nhưng Đinh Gia Khánh không quên nhắc nhở: “Nhìn chung, khi xem xét các hội lễ ngày trước, không thể tách bạch một cách đơn giản ra hai loại hội lễ là hội lễ hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của tôn giáo và hội lễ hoàn toàn mang tính chất tôn giáo, tuy vẫn có thể, như ở trên đã nêu, phân biệt khá rõ ràng các hội lễ có nguồn gốc phi tôn giáo với các hội lễ có nguồn gốc tôn giáo”(2).

Tác giả Vĩnh Quang Lê dựa vào đặc điểm không gian tổ chức lễ hội để phân loại lễ hội dân gian cổ truyền người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ thành 3 loại: Hội đền, hội đình, hội chùa (3).

Tác giả Tôn Thất Bình nghiên cứu về lễ hội ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chia lễ hội ra 4 loại: Lễ hội tưởng nhớ vị khai canh, thành hoàng làng; lễ hội tưởng niệm vị tổ sư ngành nghề; lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo; lễ hội theo mùa vụ (4).

Tác giả Ngô Đức Thịnh đưa ra nhận định chung: “Từ nhiều năm nay, giới nghiên cứu về lễ hội nước ta, từ nhiều góc độ khác nhau, cố gắng đưa ra một cách phân loại lễ hội sao cho thỏa đáng nhất. Trước hết người ta căn cứ vào nội dung phản ánh của lễ hội để chia đây là lễ hội nông nghiệp, kia là lễ hội anh hùng lịch sử, còn kia nữa là lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng… Căn cứ vào phạm vi to nhỏ để phân đâu là hội làng, hội vùng và hội của cả nước…; rồi lại căn cứ vào thời gian mở hội để chia ra lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa thu, hay nơi tổ chức ở chùa, đền hay đình… Cách phân chia nào cũng có mặt hợp lý, nhưng cũng đều không tránh được những chồng chéo, bất hợp lý của nó”(5). Như vậy, việc phân loại lễ hội tùy thuộc vào cách tiếp cận và tiêu chí đưa ra của mỗi nhà nghiên cứu.

Xét dưới góc độ của những người làm công tác quản lý nhà nước về lễ hội, năm 2001, Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) ban hành quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT kèm theo Quy chế tổ chức lễ hội. Quy chế này đã đưa ra 4 loại lễ hội ở nước ta thuộc đối tượng cần điều chỉnh là: Lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Phân ra 4 loại đối tượng như trên, Quy chế không giải thích nội dung của từng cụm từ, hay nói cách khác, nội hàm của từng loại lễ hội chưa được làm rõ.

Quy chế tổ chức lễ hội năm 2001 chưa điều chỉnh loại lễ hội mới (ngoài lễ hội lịch sử cách mạng) xuất hiện khá nhiều vào những năm đầu TK XXI. Trước thực tiễn trên, ngày 18-1-2006, Chính phủ ra Nghị định số 11/2006/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, chương VI: Tổ chức lễ hội, viết: “Điều 23. Lễ hội quy định tại Quy chế này bao gồm: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội văn hóa du lịch và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam”.

Chúng tôi đồng tình với cách phân loại đã nêu trong Quy chế tổ chức lễ hội đồng thời thêm một loại lễ hội nữa là lễ hội văn hóa du lịch (đã nêu trong Nghị định số 11 của Chính phủ về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng) nhưng phải làm rõ tính chất, đặc điểm của mỗi loại để dễ nhận diện.

Lễ hội dân gian

Giới nghiên cứu có xu hướng xác định lễ hội dân gian được hiểu là những lễ hội mà chủ thể là do dân chúng tham gia tổ chức và hưởng thụ, khai thác triệt để các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian làm nền tảng cho hoạt động hội.

Theo tác giả Đinh Gia Khánh: “Hội lễ dân gian, khác với hội lễ của các tôn giáo, bao giờ cũng lôi cuốn đại đa số dân chúng tham gia”(6).

Có lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội dân gian hiện đại. Lễ hội dân gian truyền thống được hiểu là lễ hội đã xuất hiện trước thời điểm tháng 8-1945, chủ yếu ở các làng, bản, ấp, gắn với nông dân, ngư dân, thợ thủ công. Loại lễ hội này được cộng đồng tổ chức định kỳ, lặp đi, lặp lại, với các sinh hoạt văn hóa tương đối ổn định; là bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân vào thời gian nhàn rỗi của chu kỳ sản xuất nông nghiệp trước đây. Ví dụ: Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ hội lăng ông Nam Hải (Cà Mau), lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm, lễ hội Chol Thnăm Thmây của đồng bào Khơme, lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày…

Lễ hội dân gian truyền thống, theo tác giả Nguyễn Chí Bền, còn gọi là lễ hội cổ truyền, nếu giả định như một mô hình thì nó có 4 thành tố cơ bản như sau: Nhân vật phụng thờ, trò diễn, các vật dâng cúng, nghi thức thờ cúng (7).

Nhân vật thờ phụng được coi là thành tố quan trọng của lễ hội dân gian truyền thống, chính vì vậy, các nhà quản lý văn hóa, tôn giáo đã xếp một bộ phận của loại lễ hội này là lễ hội tín ngưỡng. Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ở Điều 3. Lễ hội tín ngưỡng, viết: “Lễ hội tín ngưỡng là hình thức hoạt động tín ngưỡng có tổ chức, thể hiện sự tôn thờ, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng tổ tiên, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội”.

Lễ hội dân gian hiện đại có hai cách hiểu. Một là những lễ hội xuất hiện sau thời điểm tháng 8/1945 được người dân tổ chức, cộng đồng chấp nhận tái hiện theo chu kỳ nhất định và trong xu hướng phát triển lễ hội ấy có thể trở thành lễ hội dân gian truyền thống. Ví dụ: khi phố cổ Hội An (Quảng Nam) trở thành di sản văn hóa thế giới, được sự đồng ý và giúp sức của chính quyền, dân chúng tổ chức lễ hội đêm rằm phố cổ Hội An vào tối 14 âm lịch hàng tháng, đến nay, lễ hội này đã bám rễ vào đời sống cộng đồng; ở huyện Long Đất (Bà Rịa – Vũng Tàu), các cơ sở tín ngưỡng trong huyện hàng năm tổ chức lễ hội đền ơn đáp nghĩa vào ngày thương binh liệt sĩ 27-7, có lễ cầu siêu vong linh các anh hùng, liệt sĩ và những người chết trong chiến tranh; lễ hội Tết độc lập 2-9 của người Mông ở huyện Mộc Châu (Sơn La), ngày này người Mông ở các tỉnh Tây Bắc kéo về thị trấn Mộc Châu gặp gỡ, giao lưu rất đông vui.

Cách hiểu thứ hai: lễ hội dân gian hiện đại là những lễ hội dân gian truyền thống đã bị biến đổi mạnh mẽ theo hướng cách tân làm cho các yếu tố truyền thống bị phai mờ và bị các yếu tố sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hiện đại lấn lướt, hoặc “có những nét thay đổi cho phù hợp với quan niệm thẩm mỹ hiện đại”(8).

Lễ hội dân gian hiện đại tổng hợp và dung hòa các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại tồn tại ở dạng vật thể và phi vật thể, kết hợp với các hoạt động thương mại, quảng bá sản phẩm, tạo ra một diễn xướng văn hóa lớn.

            Lễ hội lịch sử cách mạng

Đây là lễ hội mới ra đời sau tháng Tám năm 1945 do chính quyền các cấp và nhân dân tham gia tổ chức. Nội dung lễ hội liên quan đến các nhân vật tiền bối cách mạng của Đảng và các sự kiện lịch sử trên chặng đường hoạt động cách mạng từ khi thành lập Đảng tới nay.

Đáng chú ý là khá nhiều lễ hội lịch sử cách mạng gắn với cuộc đời hoạt động của lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các lễ hội được tổ chức ở các khu lưu niệm, nhà tưởng niệm các lãnh tụ cách mạng Việt Nam (Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh…) vào các năm tròn 5, chẵn 10.

Một số địa phương xuất hiện lễ hội liên quan đến các anh hùng, liệt sĩ mà sự hy sinh của họ đã trở thành hồn thiêng sông núi của quê hương, như lễ hội tưởng niệm chị Võ Thị Sáu ở Côn Đảo, lễ hội tưởng niệm chị Phan Thị Ràng, nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong cuốn tiểu thuyết Hòn Đất nổi tiếng một thời của nhà văn Anh Đức ở vùng núi Ba Hòn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang)…

Các sự kiện lịch sử cách mạng đã trở thành tâm điểm cho cảm hứng sáng tạo lễ hội của nhân dân. Đó là các lễ hội ở các địa phương nhân dịp thành lập Đảng (3-2), Quốc khánh 2-9; ngày chiến thắng 30-4; ngày quê hương giải phóng… Ví dụ: ngày chiến thắng 30/4, ở Quảng Trị có lễ hội thống nhất non sông ở cầu Hiền Lương; ngày thương binh liệt sĩ 27-7 có lễ hội thả đèn hoa ở đôi bờ sông Thạch Hãn tưởng nhớ các liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh trong 81 ngày đêm giữ thành cổ Quảng Trị…; Hà Nội tổ chức các lễ hội nhân ngày giải phóng Thủ đô 10-10; Đà Nẵng tổ chức lễ hội vào dịp 29-3 – ngày giải phóng Đà Nẵng… Rất nhiều lễ hội lịch sử cách mạng được hình thành thu hút sự tham gia đông đảo quần chúng nhân dân dưới nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, dịch vụ thương mại… Một số lễ hội lịch sử cách mạng được tái hiện, lặp đi lặp lại, định hình một số nghi thức, trò diễn, sinh hoạt văn hóa mang sắc thái riêng của một vùng đất được nhân dân chấp nhận, tự nguyện tham gia và theo xu hướng phát triển có thể trở thành lễ hội dân gian hiện đại, như: lễ hội làng Sen kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An, lễ hội mồng 2-9 kỷ niệm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức (Trà Vinh)…

            Lễ hội tôn giáo

Lễ hội tôn giáo do các chức sắc, tổ chức tôn giáo đứng ra chủ trì huy động các tín đồ tham gia đáp ứng nhu cầu tinh thần và đời sống tâm linh của tín đồ. Nội dung của lễ hội tôn giáo liên quan đến sự tích về các nhân vật do tôn giáo đó thờ phụng. Các lễ hội tôn giáo không chỉ ở việc hành lễ và diễn ra các nghi thức tôn giáo trong khuôn viên nơi thờ tự mà nhiều lễ hội đã mở rộng không gian hoạt động, chú ý đến các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống ở cộng đồng để tăng chất hội hè, vui chơi giải trí. Các tín đồ xuất phát từ đức tin vào những biểu tượng thiêng, cõi thiêng của tôn giáo đã tâm đức đóng góp tiền của, công sức tạo nên sắc màu lung linh, huyền ảo của nhiều lễ hội diễn ra tại cơ sở thờ tự của tôn giáo. Đáng lưu ý một số lễ hội tôn giáo không chỉ ảnh hưởng tới các tín đồ mà còn thu hút sự chú ý và hưởng ứng tham gia của nhiều dân chúng và các tầng lớp xã hội, trở thành một lễ hội văn hóa, như: lễ hội Noen, lễ hội Phật đản… Một số lễ hội tôn giáo có sức hút tín đồ và dân chúng ở nhiều vùng miền về hành lễ và hưởng thụ văn hóa (lễ hội La Vang ở Quảng Trị, lễ hội Vía Cao Đài ở tòa thánh Tây Ninh…).

 

 

Lễ hội du nhập từ nước ngoài

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam có quan hệ giao lưu với nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Do biến động của lịch sử, một số tộc người từ quốc gia khác cũng đã di cư sinh sống ở Việt Nam mang theo cả tài sản văn hóa, trong đó có lễ hội. Vì vậy, nhiều lễ hội của những tộc người từ quốc gia khác vào Việt Nam sinh sống lâu đời đã trở thành di sản văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Ví dụ: lễ hội Noen, Phật đản, lễ hội của người Hoa ở Hà Tiên (Kiên Giang), lễ hội của người Thái, người Mông, người Dao ở Tây Bắc Việt Nam. Do vậy, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam ở đây xác định đối tượng là những lễ hội của nước ngoài do người nước ngoài hoặc người Việt Nam tổ chức trong thời gian từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở lại đây. Xác định đối tượng và khoảng thời gian như vậy thì số lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam không nhiều, chỉ 10 lễ hội. Ví dụ: lễ hội ánh sáng (Diwlim – Ấn Độ) tổ chức cho trẻ em, lễ hội thả đèn trên sông cầu may (Loy Krathong – Thái Lan)…

Đáng lưu ý là một số lễ hội của nước ngoài được giới trẻ Việt Nam tiếp nhận một cách tự nhiên và nồng nhiệt tái diễn. Đó là lễ hội ngày tình yêu (Valentin’s Day), lễ hội hóa trang (Halowen)…

            Lễ hội văn hóa du lịch

10 năm trở lại đây, xuất hiện một loại lễ hội mới, đó là lễ hội văn hóa thể thao, lễ hội văn hóa du lịch. Lễ hội văn hóa thể thao thường liên quan đến lễ kỷ niệm một sự kiện nào đó, như: kỷ niệm tròn 5, chẵn 10 năm của một ngành, của một địa phương hoặc được chính quyền tổ chức định kỳ đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân. Lễ hội văn hóa du lịch được một địa phương hay một đơn vị tổ chức hay liên kết một số địa phương, đơn vị tổ chức nhằm mục đích quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với một vùng đất. Đặc điểm của loại hình lễ hội này là chính quyền và đơn vị đăng cai tổ chức lễ hội bỏ kinh phí cùng với nguồn tài trợ của các thành phần kinh tế qua hình thức xã hội hóa cho mọi hoạt động diễn ra lễ hội để phục vụ vui chơi giải trí của nhân dân, thông qua đó giáo dục chính trị tư tưởng, việc người dân có đến lễ hội đó hay không là quyền của mỗi người. Nhà tổ chức dựa theo kịch bản huy động số lượng lớn các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp tập luyện, trình diễn các loại hình nghệ thuật; mời gọi các doanh nghiệp tham gia triển lãm, hội chợ thương mại… Tùy từng chủ đề, các nhà viết kịch bản và đạo diễn có sử dụng kết hợp các loại hình văn hóa đương đại với các loại hình văn hóa truyền thống. Ví dụ: Lễ hội du lịch carnaval Hạ Long (Quảng Ninh), festival biển Bà Rịa – Vũng Tàu, festival hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), festival cà phê (Đắc Lắc), lễ hội Quảng Nam hành trình di sản… Do phụ thuộc vào chủ quan của một số người nên nội dung lễ hội này luôn được thay đổi sau mỗi lần tổ chức. Quần chúng, nhân dân là người thụ động hưởng thụ văn hóa chứ không phải là chủ thể tham gia một cách trực tiếp, tự giác, phi vụ lợi như người dân trong lễ hội truyền thống vào quá trình chuẩn bị và diễn các sinh hoạt lễ hội. Vì nguyên do này, một số nhà nghiên cứu dựa vào bản chất của lễ hội còn băn khoăn là có nên gọi loại này là lễ hội văn hóa thể thao du lịch không, hay gọi đó là một loại hình sự kiện văn hóa thể thao du lịch, hay gọi nó là lễ hội đại chúng khác với lễ hội quần chúng. Lễ hội quần chúng là một thành tố của văn hóa quần chúng. Đây là lễ hội mới ra đời trong thời kỳ đất nước ta thực hiện chính sách kinh tế tập trung, kế hoạch hóa với hai thành phần kinh tế chủ chốt là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Từ hai nguồn kinh tế này, quần chúng, nhân dân được huy động tham gia trực tiếp vào hoạt động và hưởng thụ văn hóa lễ hội. Cách thức tổ chức lễ hội quần chúng nước ta học và áp dụng theo các giáo trình về lễ hội quần chúng ở Liên Xô. Dù còn ý kiến khác nhau nhưng nếu xét dưới góc nhìn của một lễ hội hiện đại, đồng thời xem xét xu thế chung của lễ hội ở các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á những năm gần đây, yếu tố lễ ngày một giảm, yếu tố hội gắn với vui chơi, giải trí tăng lên; sự tham gia của người dân vào các sự kiện văn hóa giảm phần trực tiếp mà tăng phần gián tiếp, thông qua sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà tự giác hòa đồng vào không gian sự kiện, được quay phim, chụp ảnh, phấn khích, reo vui… bộc lộ cảm xúc cá nhân, thì sự kiện văn hóa thể thao du lịch ấy được coi là một loại hình lễ hội với tính chất hiện đại của nó.

Lễ hội văn hóa du lịch cũng như lễ hội lịch sử cách mạng khi được tổ chức thường xuyên, định hình những thành tố cốt lõi, được quần chúng, nhân dân đồng tình hưởng ứng, tự giác huy động công sức, tiền của tham gia thì nó trở thành lễ hội dân gian hiện đại.

Theo số liệu thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), tính đến tháng 6-2008, nước ta có 7.966 lễ hội, phân loại như sau:

7.039 lễ hội dân gian, chiếm 88,36%; 332 lễ hội lịch sử cách mạng, chiếm 4,16%; 544 lễ hội tôn giáo, chiếm 6,82%; 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào, chiếm 0,12%; 40 lễ hội khác, chiếm 0,50%.

Lễ hội đã và đang trở thành nhu cầu văn hóa của các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thiết thực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và trên cả nước.

_______________

1, 2, 6. Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr.174, 177, 172.

3. Vĩnh Quang Lê, Khảo sát thực trạng văn hóa lễ hội truyền thống của người Việt đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.

4, 8. Tôn Thất Bình, Lễ hội dân gian hiện nay ở Thừa Thiên Huế, trong sách Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994, tr.112, 110.

5. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.325.

                7. Nguyễn Chí Bền, Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.452-459.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009

Tác giả : Nguyễn Hữu Thức

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *