“Tìm ngọc” – sứ mệnh mới của ngành Xuất bản Việt Nam


Thay vì một năm xuất bản từ 30 – 40 nghìn đầu sách thì Cục Xuất bản, In và Phát hành cần tìm ra 2 – 3 hoặc 5 “viên ngọc” trong số 30 – 45 nghìn đầu sách ấy. Nếu như “viên ngọc” ấy làm thay đổi 1 triệu người Việt Nam thì sẽ làm thay đổi nhận thức của toàn bộ đất nước này, dân tộc này sẽ bứt phá vươn lên. Đó là sứ mệnh mới của ngành Xuất bản Việt Nam do Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu đối với ngành Xuất bản trước yêu cầu mới.

Hội sách Online – sân chơi để các nhà xuất bản thực hiện bước chuyển đổi số

Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, trong năm 2020, toàn ngành xuất bản tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển. Các nhà xuất bản (Nxb) đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung xuất bản được nhiều cuốn sách, bộ sách, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương. Nhiều NXB tăng cường khai thác, xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về các vấn đề trọng yếu; xuất bản phẩm phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng của Việt Nam. Chất lượng đề tài, nội dung, hình thức các ấn phẩm tiếp tục được các Nxb quan tâm, đầu tư đổi mới, phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Một số Nxb ngoài nhiệm vụ xuất bản sách lý luận chính trị, sách chuyên ngành, đã chú ý đến mảng đề tài cách mạng công nghiệp 4.0, sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại; các chương trình sách, đề án sách, tủ sách được ngành xuất bản tiếp tục triển khai hiệu quả từ nguồn ngân sách.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết: Năm 2020 và 2021, do dịch bệnh Covid-19 đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành Xuất bản Việt Nam nói riêng. Bởi vậy, buộc ngành Xuất bản cần phải có sự thay đổi từ xuất bản truyền thống chuyển dịch sang xuất bản điện tử và phát hành sách trực tuyến. Năm 2020, Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên địa chỉ Sàn book365.vn, sử dụng công nghệ hiện đại với nhiều tính năng ưu việt đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới. Đây là nơi để các nhà xuất bản, đơn vị phát hành học tập kinh nghiệm, kỹ năng vận hành, tiếp cận với bạn đọc trên môi trường số, mở ra một hướng phát triển mới của ngành Xuất bản trước yêu cầu chuyển đổi số. Và đây cũng chính là điểm nổi bật nhất trong hai kỳ Hội sách, Hội chợ sách với sự tham gia của các Nxb  trên thế giới. Riêng về bình diện tổ chức Hội sách Online này chúng ta là nước đi đầu khu vực Đông Nam Á. Năm ngoái, chúng ta là nước thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và là nước thứ 5 trên thế giới sớm có hội nghị sách trực tuyến.

Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên cũng cho biết, Hội sách trực tuyến trên Sàn book365.vn là hội chợ sách trực tuyến quốc gia đầu tiên ứng dụng những công nghệ 4.0 tiên tiến hàng đầu hiện nay như: công nghệ tọa đàm trực tuyến, công nghệ sàn sách trực tuyến, công nghệ call chat giao tiếp mạng xã hội 4.0. Năm 2020, khi Book365 lần đầu tiên tổ chức Hội sách trực tuyến, đã có hơn 50 đơn vị xuất bản tham gia với số lượng trên 8.000 đầu sách in, hơn 10.000 đầu sách điện tử, thu hút hàng triệu lượt truy cập và hàng trăm nghìn người cùng tham gia Hội sách.

Hội sách trực tuyến năm 2021 trên Sàn book365.vn đã thu hút trên 70 NXB và đơn vị phát hành trong nước tham gia Sàn giao dịch sách, trên 50 Nxb  trong nước và quốc tế tham gia sàn giao dịch bản quyền sách; có trên 20 ngàn tên sách với hàng trăm ngàn bản sách phục vụ bạn đọc; tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia Sàn giao dịch sách và Sàn giao dịch bản quyền thuận lợi kết nối, giao dịch… Ngoài ra, còn có các hoạt động tọa đàm, giao lưu trực tuyến giữa tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu, người làm công tác xuất bản với độc giả nhằm lan tỏa tình yêu sách đến bạn đọc; triển khai  một số chương trình khuyến khích độc giả mua và đọc sách, như: giảm giá sách cho mọi khách hàng; miễn, giảm phí vận chuyển sách cho khách hàng trong nước;… 

“Hội sách năm nay là sự kế thừa và phát huy những kết quả của Hội sách năm 2020. Đồng thời, mở ra hướng đi mới, tạo điều kiện để các đơn vị xuất bản có một sân chơi về mặt công nghệ để giúp cho các NXB bước vào quá trình thực hiện chuyển đổi số, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, chuẩn bị điều kiện cùng cả nước thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số”, Cục trưởng Cục Xuất bản chia sẻ.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT): Ngày sách và Văn hóa đọc 21/4 hằng năm nhằm tôn vinh, lan tỏa văn hóa đọc và xóa đi khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền nhờ công nghệ nên rất hiệu quả. Cũng nhờ công nghệ mà kết nối giữa bạn đọc và những người làm sách, viết sách ngày càng thuận lợi hơn; các đơn vị xuất bản từng bước ứng dụng công nghệ và thực hiện thương mại điện tử, cũng là bước đi cho chuyển đổi số. Đối với các Nxb  thì đó là nhiệm vụ mới hơn, chuyên nghiệp hơn và hiện đại hơn.

Qua tổng kết của năm 2020 và đầu năm 2021 cho thấy, số lượng những đầu sách tốt giá trị đã xuất hiện khá nhiều và một số đầu sách đã có số lượng lên đến 350.000 bản như các cuốn sách dành cho các bạn trẻ của Nxb Trẻ, cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh cũng có số lượng xuất bản xấp xỉ 300.000 bản. Một số đơn vị xuất bản sách như Alpha, Omega đã có những đầu sách xuất bản lên tới 10.000 bản. Điều đó cho thấy một dấu hiệu rất tích cực, hướng đi đúng của các đơn vị làm sách.

Hội chợ sách là cơ hội hết sức quan trọng để tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc, giúp bạn đọc nhìn rõ hơn về vai trò của sách, từ đó quan tâm hơn đến sách và chúng ta mở rộng thị trường sách. Chúng ta cần kết nối với truyền thông để giúp Hội sách thông qua một số hoạt động như: bình chọn những cuốn sách hay, giới thiệu những cuốn sách tốt, rồi chọn và trao giải thưởng cho những cuốn sách ấy, góp phần động viên để các đơn vị tích cực xuất bản những cuốn sách tốt cho bạn đọc.

Ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh: Đứng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược chuyển đổi số quốc gia (trong đó có chuyển đổi số trong ngành Xuất bản), có 4 vấn đề cần giải quyết liên quan đến văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số: cần thay đổi nhận thức con người, thiết lập thể chế, bảo vệ bản quyền, đầu tư cho công nghệ và cuối cùng là tạo ra thế hệ nhân lực chuyển đổi số mới cho ngành Xuất bản.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị giao ban QLNN quý I/2021 của Bộ TT&TT cho rằng: Mục tiêu không phải là đọc nhiều sách, mà mục tiêu là đọc đúng để thay đổi nhận thức, việc làm của mình. Thay vì một năm xuất bản từ 30-40 nghìn đầu sách thì Cục Xuất bản, In và Phát hành cần tìm ra 2 -3 hoặc 5 “viên ngọc” trong số 30-45 nghìn đầu sách ấy. Nếu như “viên ngọc” ấy làm thay đổi 1 triệu người Việt Nam thì sẽ làm thay đổi nhận thức của toàn bộ đất nước này, dân tộc này sẽ bứt phá vươn lên.
 

 

Hiện cả nước có 59 Nxb, 2.725 đơn vị phát hành. Do ảnh hưởng của đại dịch covid -19, năm 2020, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm so với năm 2019. Tổng số xuất bản phẩm là 36.218 (giảm 2,4%) với 403,5 triệu bản.
Về lĩnh vực phát hành, năm 2020, toàn ngành phát hành trên 330 triệu xuất bản phẩm (giảm 27,7%); doanh thu đạt 3.700 tỷ đồng (giảm 24,4%); số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu đạt 300.000 bản (giảm 28,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu 21,1 triệu bản (giảm 44,76%)…

Chuyển đổi số là nhân tố quyết định sự “sống còn” của nhà xuất bản trước yêu cầu mới

Dân tộc Việt Nam có truyền thống ham học, ham đọc sách. Cách đây 5 năm, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam (nay là Ngày sách và Văn hóa đọc), nhằm 3 mục tiêu: Thứ nhất, khuyến khích người Việt Nam đọc sách; thứ hai, tôn vinh giá trị của sách; thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, ngay từ năm đầu tiên, Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam đến các bộ, ngành, các tổ chức, địa phương trên cả nước, với mục tiêu phát động, xây dựng phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá sách, lưu giữ sách trong các tầng lớp nhân dân, đưa phong trào lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành sách…

Trong năm 2020 vừa qua, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, các sự kiện chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ bảy (từ ngày 19/4 đến 10/6) và Triển lãm sách kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ ngày 19/5 đến 30/5) đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Đây không chỉ là giải pháp tình thế nhằm ứng phó dịch bệnh mà còn là dấu ấn của xu hướng công nghệ, góp phần tăng kết nối giữa tác giả, tác phẩm với bạn đọc và tạo điều kiện thuận lợi để ngành Xuất bản thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Đến nay, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã cấp phép cho 12 đơn vị tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử như các Nxb : Trẻ, Kim Đồng, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh…; đồng thời, xuất hiện thêm những Nxb  mới, giàu tham vọng qua việc đầu tư chiều sâu, từng bước tạo dựng hệ sinh thái số cho mình như Nxb  Xây dựng. Theo đánh giá từ các chuyên gia công nghệ, chúng ta có đầy đủ nền tảng để ngành Xuất bản tự tin chuyển đổi số. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh. Hiện Việt Nam có khoảng 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) đang sử dụng Internet với hơn 145,8 triệu kết nối mạng dữ liệu di động và là nước lọt vào tốp 15 thị trường (năm 2019) có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã thể hiện ý chí mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, xác định tận dụng cơ hội này để vươn lên bắt kịp với thế giới trong một số ngành, lĩnh vực. Hiện thực hóa chủ trương này, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW. Tiếp đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là dấu mốc rất quan trọng định hình tầm nhìn cho sự phát triển của ngành TT&TT trong 10 năm tới và xác định chuyển đổi số sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Việt Nam…

Tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2021 (ngày 17/3/2021) diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, trong năm 2020 đầy khó khăn, thiên tai, dịch bệnh… Việt Nam vẫn là một trong số ít nước trên thế giới duy trì tăng trưởng dương. Trong đó, lĩnh vực xuất bản rất  đáng tự hào vì có sự tăng trưởng nhất định trong khi các lĩnh vực khác rất khó khăn. Trong khó khăn, ngành Xuất bản đã có sự bứt phá như thích ứng nhanh hơn, ứng dụng công nghệ tốt hơn.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo viện dẫn “việc triển khai hội sách trực tuyến năm 2020, bước đầu có thể khó khăn vì ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong xuất bản của các đơn vị quản lý, Nxb công nghệ rất hạn chế. Nhưng ngành đã thực hiện được, qua đó rút ra bài học đã đến lúc chúng ta cần sự liên kết giữa Nxb , nhà phát hành, nhà in và đặc biệt là các nhà làm công nghệ. Chưa bao giờ lĩnh vực xuất bản ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện quá trình tiếp cận độc giả mạnh mẽ đến vậy. Các Nxb phải làm tốt nhiệm vụ chính trị nhưng đồng thời cũng xác định lại hướng đi, cách thức, bản sắc, đi liền với đó là phát triển đội ngũ công nghệ”.

Cuộc cách mạng 4.0 hiện nay và sự tác động của mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất bản. Những thách thức trong việc lựa chọn mô hình NXB như thế nào cho hiệu quả; ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; công tác biên tập nội dung xuất bản phẩm… được nhiều người quan tâm. Sách hay về chất lượng, đẹp về hình thức, đa dạng về nội dung – phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng khác nhau… là những yếu tố đầu tiên, cơ bản, quan trọng hấp dẫn bạn đọc, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Do đó, phát triển văn hóa đọc phải bắt đầu từ công tác xuất bản, từ ý thức trách nhiệm của biên tập viên mỗi Nxb .

Không những vậy, mỗi Nxb cần đẩy mạnh kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên  tinh thông về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; vững vàng bản lĩnh chính trị. Trong tất cả các yếu tố tạo nên sự thành công hay thất bại của một cơ quan, đơn vị thì yếu tố con người luôn được xem là yếu tố “then chốt của then chốt”, quyết định sự tồn tại và phát triển của Nxb . Để làm tốt yêu cầu trên, các Nxb  cần xây dựng chiến lược phát triển cho mình trước yêu cầu mới; đẩy mạnh công tác quảng bá, truyền thông sách; phát triển xuất bản điện tử; chuyển đổi mô hình hoạt động theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, mỗi NXB phải thể hiện được vai trò định hướng, dẫn dắt thị trường sách theo hướng tích cực, nhân văn, không chỉ trông chờ vào sự định hướng của Đảng, Nhà nước và không thể chạy theo sau thị trường. Xã hội đọc sách gì, tìm sách gì thì phải do các Nxb định hướng – Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Tác giả: Ngô Xuân Lộc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *